Chúa Nhật III – TN – C
Có tình thương, lời Chúa sẽ ứng nghiệm
Theo Tin mừng thánh Luca, chúng ta được biết: Khi Đức Giê-su khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng, “Người trạc khoảng ba mươi tuổi.” Kể từ đó, Đức Giê-su bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li.
Tại đây, Đức Giê-su đã “đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.”
Chính vì thế: “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri”. Và rồi, khi tiếng đồn về một ông Giê-su “giảng dạy thì có uy quyền… ra lệnh cho thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” được đồn ra khắp “vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đa và vùng bên kia sông Gio-đan”, như một hiệu ứng domino “dân chúng lũ lượt kéo đi theo Người.”
Có thể nói rằng, rất nhiều người dân ở Palestin không chỉ được nghe những lời giảng dạy của Đức Giê-su mà còn được hưởng ơn phước Ngài ban cho. Trong khi đó, cư dân tại Na-da-rét… buồn thay! chưa, chưa một lần… được nghe, được hưởng ơn phước. Vâng, Na-da-rét chưa một lần! Dù, Đức Giê-su được gọi là Giê-su người Na-da-rét.
Thế rồi… rồi có một ngày… có một ngày Đức Giê-su về Na-da-rét. Đức Giê-su đã về Na-da-rét. Trong một buổi nhóm họp ở hội đường, và nhân cơ hội được đọc Sách Thánh, Ngài đã loan báo cho cư dân tại đó một “Tin Mừng”, một Tin Mừng đã được ngôn sứ Isaia loan báo trước đó hằng bao thế kỷ, một Tin Mừng mà con người đã “mơ ước bao lâu”, nay ứng nghiệm.
Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề: “Đức Giê-su tại Na-da-rét” (Lc 4, 16-21).
**
Tin mừng thánh Luca ghi lại sự kiện này như sau: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Galile”. Tại nơi đây: “Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”.
Sau đó, “Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng.” Đến Na-da-rét, Đức Giê-su ở lại quê quán mình bao lâu! Thưa, thánh sử Luca không nói đến. Thế nhưng, những sinh hoạt thường nhật của Đức Giê-su, thánh sử Luca lại cho chúng ta biết.
Vâng, hôm ấy, nhằm ngày sa-bát, thánh sử Luca cho biết, Đức Giê-su “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát.” (Lc 4, 16).
Vào hội đường trong ngày sa-bát, đó là việc vẫn-quen-làm, của bất cứ người Do Thái nào. Người Do Thái được dạy rằng: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20, 8-10).
Ngày sa-bát là ngày kính-Đức-Chúa. Ngày đó, họ nhóm lại trong hội đường để lắng nghe Lời Chúa. Bắt đầu cho phần phụng vụ, họ xướng kinh “Shêma” và kinh “mười tám lời chúc phúc”. Kế tiếp, mọi người thinh lặng lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ.
Mọi người đều có quyền đọc Sách Thánh, hoặc là tự nguyện hoặc là được viên trưởng hội đường chỉ định. Người được chỉ định thường là người thông thạo Kinh Thánh. Họ được mời lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn.
Trở lại câu chuyện Đức Giê-su vào-hội-đường. Hôm đó, Ngài được vinh dự đọc Sách Thánh. Bài đọc hôm ấy được chọn trong sách ngôn sứ Isaia. Cầm trong tay cuốn sách ngôn sứ do họ trao, Đức Giê-su mở ra, gặp ngay đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (x.Lc 4, 18-19).
Sau khi đọc xong, “Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống.” Tất cả cử tọa trong hội đường đều im lặng… họ “chăm chú nhìn Người”.
Nhìn Đức Giê-su… chờ đợi Ngài giảng giải Lời Chúa chăng! Vâng, Đức Giê-su đã giảng. Lời giảng của Ngài không phải là một lời khuyên răn, nhưng là một lời tuyên bố. Hôm ấy, Đức Giê-su tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).
***
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Đúng, lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm. Và, Giê-su người Na-da-rét chính là tác nhân cho sự ứng nghiệm vào những lời ngôn sứ Isaia loan báo.
Với sức mạnh của Thần Khí, Giê-su người Na-da-rét đã loan báo Tin Mừng Nước Trời khắp “vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đa và vùng bên kia sông Gio-đan”.
Một anh mù tên là Ba-ti-mê con ông Ti-mê, hai người mù tại Giê-ri-cô… kêu cầu Đức Giê-su, Giê-su người Na-da-rét đã làm cho họ “nhìn thấy được.” Một người bại liệt được “mấy người khiêng đến” gặp Đức Giê-su xin chữa lành. Thấy họ có lòng tin, Giê-su người Na-da-rét đã làm cho người bại liệt này “đứng dậy, đi về nhà.”
Tuy nhiên, những điều ứng nghiệm nêu trên, mới chỉ là sự ứng nghiệm về phần thuộc thể. Điều Giê-su người Na-da-rét, còn làm và sẽ làm “cho đến tận thế” đó là phần thuộc linh.
Vâng, Đức Giê-su còn làm và sẽ làm cho những kẻ “mù hồn” được sáng mắt, “sáng con mắt đức tin”. Ngài sẽ làm cho những ai bị giam cầm, ”giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam v.v…” được bình an, được hoan lạc.
Chỉ cần một cử động của tâm hồn và đến với Đức Giê-su. “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi”. Giê-su người Na-da-rét đã có lời mời gọi như thế. Tất cả mọi sự rồi sẽ ứng nghiệm cho những ai đáp lời mời gọi của Ngài. Đừng quên, Đức Giê-su chính là người thừa hành “năm hồng ân của Chúa”.
****
Xưa, Đức Giê-su chính là tác nhân làm cho những lời loan báo của ngôn sứ Isaia, được ứng nghiệm. Chúa Nhật hôm nay (26/01/2025) những lời loan báo của ngôn sứ Isaia, được tái công bố, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Ai… ai sẽ là tác nhân!?
Nên chăng là chúng ta? Nên là vậy. Nên là vậy, bởi chúng ta là một Ki-tô hữu. Là một Ki-tô hữu, chúng ta là chi thể trong nhiệm thể là Chúa Ki-tô.
Là chi thể trong nhiệm thể là Chúa Ki-tô, chúng ta chính là đôi mắt, là đôi tai, là môi miệng, là cánh tay… nối dài của Ngài. Thế nên, chính chúng ta phải là người làm cho những lời Chúa tuyên phán, ứng nghiệm.
Chúng ta sẽ làm như thế nào! Thưa, hãy học theo cách Chúa Giê-su. Vâng, Chúa Giê-su chỉ sử dụng một cách thức duy nhất, đó là “chạnh lòng thương xót”.
Thấy con trai bà góa thành Na-in chết, Chúa Giê-su chạnh lòng thương và rồi Ngài đã làm cho con bà ta sống lại. Một lần khác, khi “Đức Giê-su thấy đám đông, thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt…” Một lần khác nữa, khi nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình mà trời thì đã tối, Chúa Giê-su chạnh lòng thương xót, không nỡ bỏ rơi họ, nên đã hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho họ ăn no nê.
Chỉ cần có lòng thương xót. Chỉ cần có lòng thương xót, chúng ta sẽ không ngần ngại “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc v.v…”
Chúng ta sẽ làm cho lời truyền dạy của Chúa “hãy yêu kẻ thù” được ứng nghiệm, nếu chúng ta bày tỏ lòng thương xót qua hành động “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”
Chỉ khi chúng ta có lòng thương xót, chỉ khi đó chúng ta mới “dám”… Dám “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”
Vâng, thế giới chúng ta đang sống hôm nay, đang rất cần tình yêu thương. Thế nên, chúng ta hãy có lòng thương xót. Hơn nữa “Có tình thương, lời Chúa sẽ ứng nghiệm.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn