Ngày 01 tháng 7 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn Quy chế mới của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng – một cơ quan thuộc Vatican do Dòng Tên đảm trách, khởi đi từ Phong trào Tông đồ Cầu nguyện năm 1844. Văn kiện được Tòa thánh công bố ngày 8 tháng 7 năm 2024, ghi nhận lịch sử phong phú và xác lập định hướng điều hành mới.
Hiện diện tại 89 quốc gia, với hơn 22 triệu tín hữu, Mạng lưới có sứ mạng huy động Dân Chúa hiệp thông qua lời cầu nguyện và hành động, đáp lại những thách đố của nhân loại. Mỗi tháng, các ý chỉ cầu nguyện của Đức Giáo hoàng được phổ biến rộng rãi qua sáng kiến truyền thông toàn cầu “Video của Đức Giáo hoàng”.
Linh đạo nền tảng của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng là Thánh Tâm Chúa Giêsu, mời gọi tín hữu sống lòng thương xót và liên đới giữa thế giới hôm nay. Với Quy chế mới, sứ mạng cầu nguyện của Đức Giáo hoàng bước vào một giai đoạn ổn định và sâu sắc hơn, nối kết con tim Giáo hội toàn cầu trong cùng một nhịp đập với vị Cha chung.
Văn phòng Việt Nam của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng xin giới thiệu toàn văn Qui chế này ngỏ hầu cho Dân Chúa được biết.
Tải về File PDF Qui chế Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng: Tại đây!
----------
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
QUI CHẾ
MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
Áp dụng cho:
Phong trào Giới trẻ Thánh Thể
Các nhóm Tông đồ Cầu nguyện
Các Cộng đoàn, Mạng lưới Cầu nguyện
Các giáo xứ, đền thánh và các nhóm khác
Tháng 7 năm 2024
GIỚI THIỆU
Cha Adolfo Nicolás SJ, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, đã yêu cầu người đại diện của mình, Cha Claudio Barriga SJ, khởi xướng việc canh tân Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện vào năm 2009. Giai đoạn đầu tiên này đã hoàn thành qua một lá thư từ Văn phòng Quốc vụ khanh, ngày 11 tháng 7 năm 2014, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn quá trình tái tạoPhong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện. Quá trình này được diễn tả qua tài liệu “ĐồngHành với Chúa Giêsu trong Sự Ứng trực Tông đồ” (xuất bản tháng 12 năm 2014).
Ngày 7 tháng 7 năm 2016, trong một lá thư gửi các giám mục trên toàn thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một Giám đốc Quốc tế cho Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, Cha Frederic Fornos SJ, theo đề nghịcủa Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu soạn thảo một Qui chế mới, phù hợp với quá trình tái tạo.
Đáp lại yêu cầu này, tháng 6 năm 2017, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, Cha Arturo Sosa SJ, cùng với Giám đốc Quốc tế, đã đệ trình lên Đức Thánh Cha bản dự thảo đầu tiên của Qui chế Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện – sau này trở thành Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng –Pope’s Worldwide Prayer Network (PWPN), bao gồm cả Phong trào Giới trẻ Thánh Thể - Eucharistic Youth Movement (EYM)[1].
Qui chế này đã được phê chuẩn năm 2018, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thiết lập Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, bao gồm Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện và Phong trào Giới trẻ Thánh Thể, như một công việc của Tòa Thánh, để nhấn mạnh tính phổ quát của sứ vụ này, cổ võ các tín hữu Công giáo, ngangqua cầu nguyện và hành động, đối diệnvới những thách thức của nhân loại và sứ vụ của Giáo Hội, được cụ thể hoá qua các ý chỉ cầu nguyện hằngtháng của Đức Giáo Hoàng.
Qui chế mới đã tuyên bố rằng, công việc của Tòa Thánh này cũng bao gồm chi nhánh chính thức dành cho giới trẻ, đó là Phong trào Giới trẻ Thánh Thể.
Sau hai năm, vào tháng 12 năm 2020, Đức Thánh Cha đã chính thức thiết lập Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng theo Giáo Luật và pháp lý Toà thánh, như một Công trình của Tòa Thánh, đặt tại Vatican. Qui chế này được áp dụng thử nghiệm trong 3 năm, thời gian đủ để xác định liệu có phù hợp hay cần sửa đổi.
Ngày 1 tháng 7 năm 2024, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn Qui chế chính thức của Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng.
Qui chế hiện tại thay thế các Qui chế trước đó (vì vậy, Qui chế cũ được bãi bỏ); tuy nhiên, Thựcthể nàyvẫn không bị ảnh hưởng, vì Sắc lệnh ngày 17 tháng 12 năm 2020, thiết lập tổ chức này như một pháp nhân Giáo Luật và Vatican, vẫn còn hiệu lực. Bạn sẽ thấy Sắc lệnh này ởtrước Qui chế.
Tóm lại, Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng được định nghĩa bởi hai văn bản quy phạm: Sắc lệnh (Rescriptum) ngày 17 tháng 12 năm 2020 và Qui chế ngày 1 tháng 7 năm 2024.
----------
SẮC LỆNH
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ VIỆC THIẾTLẬP
“MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG”
NHƯ MỘT PHÁP NHÂN GIÁO LUẬT
VÀ VATICAN
“Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, trước đây là Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện, được khởi xướng tại Pháp quốc bởi Cha François-Xavier Gautrelet, SJ, dựa trên linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu và đón nhận các ý chỉ cầu nguyện hằng tháng củaĐức Thánh Cha đề xuất cho Giáo Hội.
Một vài năm trước, tôi đã thiết lập Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng như một Hiệp hội Giáo Hoàng nhằm nhấn mạnh tính phổ quát của công cuộc tông đồ này và nhu cầu mà tất cả chúng ta đều cần, đó là cầu nguyện nhiều hơn và với chân thành hơn.
Với mục đích điều phối và lan toả phong trào thiêng liêng này, vốn rất thân thiết với tôi, đồng thời cung cấp cho một cơ cấu phù hợp với thời đại, nhờ quyền Tông toà của Giáo Hội và chủ quyền của Vatican, dựa theo các khoản 331, 114 và 115 §3, 116 §1, và 1303 §1, số 1 của Giáo Luật, cùng điều khoản số 1 của Luật Cơ bản Vatican ngày 26 tháng 11 năm 2000, sau khi chấp nhận yêu cầu của Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng,
TÔI THIẾT LẬP
Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng như một pháp nhân Giáo Luật và Vatican, đặt trụ sở tại Vatican, được điều hành bởi Qui chế đính kèm theo Sắc lệnh này, mà tôi đã phê chuẩn hôm nay và sẽ có hiệu lực từ ngày 17 tháng 12 năm 2020.
Vatican, ngày 17 tháng 11 năm 2020
PHANXICÔ
----------
MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
MỘT TỔ CHỨC CỦA TÒA THÁNH
GIỚI THIỆU
Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng (sau đây viết tắt là PWPN) phát triển từ sáng kiến ban đầu của Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện, được Cha François-Xavier Gautrelet, SJ, sáng lập tại Pháp quốc vào năm 1844. Ban đầu phong trào này dành cho các tu sĩ trẻ Dòng Tên trong giai đoạn huấn luyện căn bản, nhưng đã nhanh chóng mở rộng thành Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện cho sứ vụ của Giáo Hội, với khoảng 13 triệu thành viên ở nhiều quốc gia.Năm 1915, một nhánh giới trẻ, mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể ra đời, nay là Phong trào Giới trẻ Thánh Thể.
Qui chế của Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện đã được sửa đổi qua nhiều năm (1866, 1879, 1896, 1968, 2018, 2020), và ngày càng trở thành một việc phục vụ của Tòa Thánh gắn liền với việc cầu nguyện theocác ý chỉ của Đức Thánh Cha (theo ý muốn đặc biệt của Đức Lêô XIII và Đức Pius XI). Tiếp nối các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn phong trào cầu nguyện này trở thành một Công việc củaTòa Thánh.
Từ quyết định này, nếu trước đây Tông đồ Cầu nguyện được xem như một sứ vụ của Tòa Thánh ủy thác cho Dòng Tên, thì nay, với tư cách là Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, tổ chức này tiếp tục được giao phó cho Dòng Tên nhưng mở ra một chiều kích phổ quát, phục vụ mọi Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới.
PWPN điều phối và lan toả phong trào thiêng liêng này tại nhiều quốc gia, hỗ trợ sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Thánh Cha thông qua cầu nguyện, nhằm thực thisứ mạnglòng thương xót cho thế giới. Phong trào Giới trẻ Thánh Thể là đề xuất của PWPN dành cho giới trẻ.
CHƯƠNG I
TÊN GỌI, TRỤ SỞ, BẢN CHẤT
VÀ MỤC ĐÍCHCỦA TỔ CHỨC
Điều 1
1. Tổ chức “MẠNG LƯỚI CẦU NGUYỆN TOÀN CẦU CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG”được thiết lập qua Sắc lệnh Rescriptum ex Audientia SS.mi, ngày 17 tháng 11 năm 2020.
2. Trụ sở chính được đặt tại Vatican, đường Via del Pellegrino. Tổ chức này có tư cách pháp nhân công theo Giáo Luật và tư cách pháp nhân dân sự của Vatican, được đăng ký trong Sổ đăng ký Pháp nhân của Vatican.
3. Kể từ ngày hôm nay, Qui chế của PWPN được phê chuẩn ngày 17 tháng 11 năm 2020 chính thức bị bãi bỏ.
Điều 2
1. PWPN là một Công việc của Tòa Thánh, phục vụ Giáo Hội dưới sự ủy thác của Đức Thánh Cha cho Dòng Tên. Nhiệm vụ của PWPN là điều phối và thúc đẩy cầu nguyện ở cấp độ toàn cầu, khuyến khích các quốc gia và giáo phận sử dụng cầu nguyện như một phương thế tông đồ, đặc biệt là thông qua việc chấp nhận các ý chỉ cầu nguyện hằngtháng do Đức Thánh Cha đề xuất, làm chủ đề hoặc nội dung cho cầu nguyện cá nhân hoặc tập thể, nhờ đó cộng tác với sứ vụ của Giáo Hội trong việc đối diện với những thách thức của nhân loại.
2. PWPN mở ra cho tất cả người Công giáo muốn thức tỉnh, làm mới và sống tinh thần truyền giáo phát xuất từ Bí tích Rửa Tội của họ.
3. PWPN được xây dựng trên linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu, được trình bày trong tài liệu tái thiết Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện có tựa đề “Một hành trình với Chúa Giêsu trong sự sẵn sàng tông đồ” (Rôma, ngày 3 tháng 12 năm 2014). Tài liệu này đề xuất các môn đệ Chúa Giêsu một con đường để cảm nhận và hành động theo trái tim của Chúa Kitô, với sứ vụ lòng trắc ẩn cho thế giới.
Điều 3
1. Tài sản của Tổ Chức này bao gồm số vốn ban đầu là 150.000,00 Euro (một trăm năm mươi nghìn Euro) và 280.000,00 USD (hai trăm tám mươi nghìn Đô la Mỹ).
2. Tài sản có thể được gia tăng thông qua:
a. Việc mua bán, thừa kế hoặc quyên góp tài sản động sản và bất động sản mà Tổ Chức nhận được, luôn được sử dụng để đạt được các mục đích được xác định trong Qui chế này;
b. Các khoản đóng góp từ các tổ chức công hoặc tư nhân;
c. Lợi nhuận từ bản quyền, chẳng hạn như bản quyền liên quan đến các sáng kiến được thực hiện nhằm phục vụ mục tiêu của tổ chức.
Điều 4
PWPN đề xuất một con đường thiêng liêng mang tên “Con Đường Trái Tim”, tích hợp hai chiều kích sau:
a. Lòng trắc ẩn đối với thế giới và con người
Đức Thánh Cha uỷ thác cho Tổ Chức sứ mạng truyền bá, thúc đẩy và khuyến khích cầu nguyện chocác ý chỉ của ngài, vốn phản ánh những thách thức đối với nhân loại và sứ mạngcủa Giáo Hội. Tổ Chức có trách nhiệm phổ biến các ý chỉ này trên toàn thế giới, đồng thời cam kết quảng bá chúng. Những ai đónnhận và cầu nguyện cho các ý chỉ này sẽ mở rộng tầm nhìn và tâm hồn để nhìn nhận các nhu cầu của thế giới, chia sẻ niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của nhân loại và Giáo Hội, từ đó được khích lệ thực hiện các công việc thiện nguyện vật chất và tinh thần. Con đường này giúp họ rời bỏ “toàn cầu hóa sự thờ ơ” để hướng đến lòng trắc ẩn với thế giới.
b. Hiệp thông với sứ mạngcủa Con Thiên Chúa
Thông qua con đường thiêng liêng này, được PWPN điều phối và truyền cảm hứng, ơn gọi truyền giáo của người đã chịu phép Rửa được đánh thức, giúp họ cộng tác trong đời sống hằng ngày với sứ mạngmà Chúa Cha đã giao phó cho Con Ngài. Qua đó, họ sẵn sàng lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và hướng dẫn mỗi lương tâm con người đến điều thiện hảo.
Điều 5
“Con Đường Trái Tim” là một tiến trình thiêng liêng được cấu trúc sư phạm nhằm đồng cảm với những suy nghĩ, ý chí và kế hoạch của Chúa Giêsu. Qua đó, người đã chịu phép Rửa sẵn sàng đón nhận và phục vụ Nước Thiên Chúa, được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn theo gương Con Thiên Chúa. Con đường này giúp họ sẵn sàng tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội.
CHƯƠNG II
CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ
Điều 6
Các cơ quan quản lý của Tổ Chức bao gồm:
a. Hội đồng Quản trị;
b. Giám đốc Quốc tế;
c. Các Phó Giám đốc;
d. Kiểm toán viên.
Điều 7
Tổ Chức này trực thuộc thẩm quyền của Đức Thánh Cha, người điều hành Tổ Chức thông qua Phủ Quốc Vụ Khanh, với sự tham chiếu đến lịch sử ủy thác Phong Trào Tông Đồ Cầu Nguyện cho Dòng Tên từ ban đầu.
Điều 8
1. Tổ Chức được ủy thác cho một Hội đồng Quản trị (sau đây gọi là Hội đồng), gồm năm thành viên.
2. Hội đồng do Giám đốc Quốc tế chủ trì, người nếu có thể, phải là một Giêsu hữu – Tu sĩ Dòng Tên, doBề trên Tổng quyền Dòng Tên giới thiệu và được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trong thời hạn 5 năm, có thể gia hạn. Bề trên Tổng quyền sẽ đề nghị gia hạn lên Đức Thánh Cha nếu cần thiết.
3. Hội đồng gồm: Giám đốc Quốc tế, một đại diện của Văn phòng Quốc vụ khanh, và ba thành viên doBề trên Tổng quyền Dòng Tên giới thiệu.
4. Các thành viên Hội đồng được Văn phòng Quốc vụ khanh bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm và có thể được gia hạn. Nhiệm kỳ sẽ kéo dài cho đến khi báo cáo tài chính cuối cùng của năm tài khóa được phê duyệt.
5. Nếu có chỗ trống trong nhiệm kỳ 5 năm, việc bổ sung sẽ được thực hiện cho đến khi hết nhiệm kỳ theo các khoản 3 và 4 của điều này.
6. Các thành viên Hội đồng sẽ mất tư cách nếu vắng mặt trong ba cuộc họp liên tiếp mà không có lý do chính đáng; hoặc nếu họ công khai thực hiện các hành vi trái đạo đức và nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo, hoặc rơi vào tình huống không phù hợp với vị trí của họ. Quyết định loại bỏ do Văn phòng Quốc vụ khanh tuyên bố, theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Điều 9
Hội đồng Quản trị họp định kỳ ít nhất ba lần một năm, và họp bất thường khi Chủ tịch hoặc ba thành viên Hội đồng thấy cần thiết. Nếu Giám đốc Quốc tế không thể chủ trì, Hội đồng sẽ được chủ trì bởi thành viên cao cấp nhất cho đến khi Giám đốc trở lại hoặc Đức Thánh Cha bổ nhiệm một Giám đốc Quốc tế mới.
Điều 10
Hội đồng Quản trị, với vai trò là cơ quan hành chính:
a. Bảo đảm rằng sứ mạng, tầm nhìn, linh đạo và tinh thần Giáo Hội của PWPN phù hợp với các hướng dẫn của Đức Thánh Cha và Giáo Hội Công Giáo;
b. Xác định các nguyên tắc chung và giám sát việc quản lý Tổ Chức;
c. Thông qua ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo và báo cáo tài chính cuối năm trong thời hạn quy định bởi Văn phòng Kinh tế; các ngân sách này, sau khi nhận được ý kiến của Văn phòng Quốc vụ khanh, sẽ được chuyển qua Chủ tịch Hội đồng Quản trị đến Văn phòng Kinh tế để phê duyệt cuối cùng;
d. Đề xuất, thông qua Chủ tịch, các sửa đổi Qui chế để trình Văn phòng Quốc vụ khanh phê duyệt, sau khi nhận được ý kiến thuận lợi của Bề trên Tổng quyền Dòng Tên;
e. Phê duyệt kế hoạch làm việc hàng năm và kế hoạch chiến lược của Giám đốc Quốc tế;
f. Ghi biên bản các cuộc họp và chuyển đến Văn phòng Quốc vụ khanh, cũng như Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, sau khi được phê duyệt tại cuộc họp Hội đồng tiếp theo.
Điều 11
Nhiệm vụ của Giám đốc Quốc tế bao gồm:
a. Quản lý thường vụ của PWPN;
b. Báo cáo hàng năm cho Hội đồng Quản trị về hoạt động quản lý;
c. Thông báo cho Hội đồng Quản trị về các dự án quốc tế được phát triển và quản lý cùng với Ủy ban Hỗ trợ;
d. Bổ nhiệm các Giám đốc Khu vực hoặc Quốc gia để điều phối và hướng dẫn phong trào, sau khi tham khảo ý kiến của Bề trên Tổng quyền Dòng Tên và được sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục liên quan;
e. Bổ nhiệm các Điều phối viên Quốc gia, làm việc bán thời gian và thông báo cho Hội đồng Giám mục liên quan;
f. Định kỳ báo cáo với Bề trên Tổng quyền Dòng Tên về hoạt động của PWPN;
g. Tổ chức các cuộc họp cấp Châu lục với các Giám đốc Khu vực, Quốc gia và Điều phối viên Quốc gia.
h. Nếu Giám đốc Quốc tế không thể thực hiện nhiệm vụ vì lý do sức khỏe hoặc qua đời, một trong các Phó Giám đốc được Hội đồng Quản trị chỉ định sẽ thay thế.
Điều 12
1. Để hỗ trợ Giám đốc Quốc tế trong sứ vụ, có hai Phó Giám đốc.
2. Các Phó Giám đốc do Bề trên Tổng quyền Dòng Tên giới thiệu và được Văn phòng Quốc vụ khanh bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, có thể gia hạn.
3. Họ tham gia vào Hội đồng Quản trị nhưng không có quyền bỏ phiếu.
4. Phó Giám đốc tạm thời đảm nhận chức năng của Giám đốc Quốc tế trong trường hợp Giám đốc vắng mặt vì lý do sức khỏe hoặc qua đời sẽ có quyền bỏ phiếu tại Hội đồng Quản trị.
Điều 13
1. Kiểm toán viên do Văn phòng Kinh tế bổ nhiệm trong thời hạn 5 năm và có thể được tái bổ nhiệm.
2. Nhiệm vụ của Kiểm toán viên bao gồm:
a. Giám sát sự tuân thủ luật pháp, Qui chế và các quy định liên quan đến Quỹ, đặc biệt trong việc giữ sổ sách và kiểm tra sự khớp đúng giữa báo cáo tài chính và sổ sách kế toán, theo quy định hiện hành;
b. Kiểm tra tài chính của Quỹ, thực hiện các cuộc kiểm toán nếu thấy cần thiết;
c. lập báo cáo đặc biệt về các hoạt động trên, gửi tới Văn phòng Kinh tế, đồng thời gửi bản sao tới Hội đồng Quản trị và Văn phòng Quốc vụ khanh;
d. Tham dự các cuộc họp của Hội đồng Quản trị khi các vấn đề thảo luận yêu cầu sự có mặt của kiểm toán viên, nhưng không có quyền bỏ phiếu.
CHƯƠNG III
QUẢN LÝ TÀI SẢN
Điều 14
1. Tổ Chức có tư cách pháp lý để sở hữu, gìn giữ, quản lý và chuyển nhượng tài sản, phù hợp với Giáo Luật và luật pháp của Vatican, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý các tài sản này.
2. Tuy nhiên, Tổ Chức không có tư cách pháp lý hoặc quyền giám sát hoạt động quản lý của các văn phòng quốc gia. Điều này áp dụng cho cả các tài sản đã được các văn phòng đó sở hữu trước khi Qui chế này có hiệu lực, cũng như các tài sản sẽ được tiếp nhận sau đó. Thẩm quyền pháp lý này thuộc về từng văn phòng theo quy định áp dụng tại quốc gia của họ và tuân theo các cơ quan Giáo Luật địa phương.
3. Các Giám đốc hoặc Điều phối viên Quốc gia và Khu vực phải tuân thủ hệ thống pháp luật của quốc gia nơi họ được bổ nhiệm trong mọi vấn đề liên quan đến quản lý và chuyển nhượng tài sản, cũng như trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc này, dựa trên hình thức pháp lý mà Công việc Tòa Thánh này được công nhận tại quốc gia đó (hiệp hội, quỹ, v.v.) hoặc không có tư cách pháp nhân.
4. Tổ Chức không có quyền giám sát hoặc tư cách pháp lý đối với các văn phòng quốc gia trong các vấn đề liên quan đến tài sản và tài chính. Tài sản của Tổ Chức hoàn toàn tách biệt với tài sản của từng văn phòng quốc gia. Báo cáo về các hoạt động hành chính của các văn phòng quốc gia, chẳng hạn như ngân sách và báo cáo tài chính, không thuộc thẩm quyền kiểm tra của Hội đồng Quản trị, và cũng không nằm trong ngân sách của Tổ Chức.
CHƯƠNG IV
QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG
Điều 15
Việc tổ chức sứ vụ của Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả định hướng ở cấp quốc tế và quốc gia, được quy định trong Điều Lệ Chung, do Hội đồng Quản trị phê duyệt theo đề xuất của Giám đốc Quốc tế, và phải được Bề trên Tổng quyền Dòng Tên chấp thuận trước. Điều Lệ Chung này cũng áp dụng cho Phong trào Giới trẻ Thánh Thể, như một phần không thể tách rời của Mạng lưới Cầu nguyện.
Điều 16
Các sửa đổi đối với Qui chế hiện tại được Phủ Quốc Vụ Khanh ban hành theo đề xuất của Hội đồng Quản trị và sau khi nhận được ý kiến tán thành của Bề trên Tổng quyền Dòng Tên.
Điều 17
Trong trường hợp Tổ Chức bị giải thể vì bất kỳ lý do gì, tài sản của Tổ Chức (sau khi hoàn tất giai đoạn thanh lý) sẽ được Đức Thánh Cha chỉ định để phục vụ các mục đích tương tự như Tổ Chức.
Điều 18
Đối với tất cả những gì không được quy định cụ thể trong Qui chế này, sẽ áp dụng theo quy tắc của Giáo Luật và luật pháp Vatican.
Vatican, ngày 1 tháng 7 năm 2024
PHANXICÔ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn