TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 10/10/2021 18:46 |   1401
“Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (Lc 11, 40-41)

12/10/2021
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

 

t3 t28 tnB

Lc 11, 37-41

 

LÀM ĐẸP CẢ TRONG LẪN NGOÀI

Đức Giêsu nói: “Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (Lc 11, 40-41)

Suy niệm: Ca dao Việt Nam nói rằng: “Sông sâu còn có kẻ dò, nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Quả thật, người ta có thể đo đạc được biển sâu, núi cao, kể cả những ngôi sao xa lắc xa lơ, nhưng lại không có máy móc chuyên dụng nào để đo lòng người. Lòng người thật khôn dò, thật rắc rối và cũng thật bí hiểm. Vì thế, đã có lắm trường hợp vì tin người mà phải thiệt của, hay thậm chí thiệt thân. Thế nhưng, người ta quên rằng đối với Đấng đo được lòng người, dù ta có ngụy trang khéo léo đến đâu, Ngài vẫn nhìn thấy thấu suốt. Đức Giêsu nhắc ta nhớ rằng Đấng ấy là Thiên Chúa, và Ngài mong muốn ta, bên cạnh việc cố gắng làm đẹp phong cách bên ngoài, cũng hãy quan tâm thanh tẩy tâm hồn bên trong khỏi những tư tưởng ô uế, gian tà.

Mời Bạn: Chú ý đến việc làm đẹp nội tâm bằng hai cách: 1/ Loại trừ những tư tưởng ích kỷ, chỉ tìm niềm vui cho mình. 2/ Nuôi dưỡng tâm tình yêu mến, quảng đại.

Chia sẻ: Bạn có thấy mình thường tìm cách làm đẹp phong cách, dáng vẻ bên ngoài, mà ít quan tâm đến việc làm đẹp tâm hồn bên trong không?

Sống Lời Chúa: Hằng ngày bạn chăm sóc cho thân thể được sạch sẽ, xinh đẹp, bạn cũng nhớ thanh tẩy tâm hồn khỏi những tư tưởng, ước muốn bất xứng và làm đẹp nó bằng ân sủng Chúa nhé.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cả thân xác bên ngoài lẫn tâm hồn bên trong. Xin giúp chúng con tìm cách tô điểm cho cả hai được tốt đẹp, trươc mặt Chúa và người khác.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I(Năm I) Rm 1, 16-25

“Dẫu loài người biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh Người cho xứng với Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi không hổ thẹn đạo Phúc Âm: vì đó là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu độ mọi kẻ có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong đó, đức công chính của Thiên Chúa được tỏ ra bởi đức tin, nhằm vào đức tin, như có lời chép rằng: “Người công chính sống bởi đức tin”.

Quả thực, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa từ trời cao hiện ra trừng phạt những người vô đạo, bất công, cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà: vì chưng hễ sự gì có thể biết được về Thiên Chúa, thì đã được biểu lộ trong họ rồi, bởi Thiên Chúa đã tỏ bày cho họ. Từ khi sáng tạo thế gian, qua những loài thụ tạo, họ đã có thể nhìn nhận, hiểu biết những sự không trông thấy được của Thiên Chúa, nhất là quyền năng đời đời và thiên tính của Người, nên họ không thể chữa mình được. Vì dẫu họ biết Thiên Chúa, họ không tôn vinh, không cảm tạ Người cho xứng với Thiên Chúa, song họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, và tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng họ đã hoá ra điên dại. Họ đã hoán đổi vinh quang của Thiên Chúa bất hủ ra giống như hình ảnh của loài người hay chết và của loài chim, loài thú bốn chân và rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa để mặc cho họ buông theo lòng dục vọng tìm sự dâm ô, thậm chí làm ô nhục đến chính bản thân họ. Họ là những người đã hoán đổi sự chân thật của Thiên Chúa ra sự dối trá, đã thờ tự và phụng sự loài thọ tạo thay vì Ðấng Tạo Hoá, Người đáng chúc tụng muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa (c. 2a).

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp tay Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. 

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 4, 31b – 5, 6

“Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Ðức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.

Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 41. 43. 44. 45. 47. 48

Ðáp: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con (c. 41a).

Xướng: Lạy Chúa, xin rủ lòng thương xót đến con, xin ban ơn phù trợ theo lời Ngài đã hứa. 

Xướng: Xin đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài. 

Xướng: Con sẽ tuân giữ luật pháp Chúa luôn luôn, cho tới muôn ngàn đời và mãi mãi.

Xướng: Con sẽ bước đi trên đường rộng rãi, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.

Xướng: Các chỉ thị Ngài làm cho con hoan lạc, đó là những điều con vẫn mến yêu. 

Xướng: Con giang tay cầu chỉ thị của Chúa, và con suy gẫm về những thánh chỉ của Ngài. 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 37-41

“Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời….

Suy Niệm 

CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG LÀM NÊN ĐẠO ĐỨC (Lc 11, 37-41)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Brasil thuộc Châu Mỹ Latinh vào năm 1980, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một ấn tượng hết sức đẹp, đó là: ngài đã tháo chiếc nhẫn vàng Giáo Hoàng của mình để tặng cho người dân nghèo ngoại ô thành phố Rio de Janeiro. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho nhiều người đi cùng với ngài tỏ vẻ không hài lòng!

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một nghĩa cử hết sức lạ thường của Đức Giêsu, đó là: Ngài đã sẵn sàng đáp lại lời mời của một người trong nhóm Pharisêu vốn đã không thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, để đến dự tiệc tại gia đình ông, mặc cho nhiều người chống đối, xầm xì.

Điều đáng nói ở đây chính là sự bất mãn của một số Pharisêu đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi nói: “Này các ông, những người Pharisêu, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao?”; đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha nhân. 

Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn nói cho những người Pharisêu biết tính vụ luật của họ không được Thiên Chúa hài lòng; đồng thời họ đang dùng luật để đẩy người khác đến sự bất hạnh; hơn nữa, chính đường lối và nơi lòng họ thì đang xa cách Thiên Chúa. Điều mà những người Pharisêu cần lúc này chính là sự thanh tẩy tâm hồn, chân thành, thanh tịnh trước mặt Chúa. Những thứ bề ngoài chỉ như “màn thưa che mắt thánh”, thực ra Thiên Chúa biết hết mọi sự kín đáo từ bên trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, điều họ đang làm và bắt người khác phải làm theo không hề có ý nghĩa trước mặt Người.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về với lòng mình để thấy được đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Sống cốt lõi của Tin Mừng là tình liên đới, chia sẻ với người nghèo, bất hạnh, cô đơn. Tránh thói xét đoán bề ngoài như những người Pharisêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có một tấm lòng bao dung, độ lượng. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con can đảm sống thật với lương tâm của mình, để được bình an và hạnh phúc thật. Amen.

 

NHỮNG CHIẾC ÁO KHOÁC NGOÀI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu khiển trách, đúng hơn là sửa bảo nhiều vị biệt phái về thói sống giả hình. Theo văn mạch câu chuyện kể thì Chúa Giêsu cố tình không giữ “luật sạch nhơ” rồi nhân cơ hội đó để “mở dạy kẻ mê muội” là nhiều biệt phái thời bấy giờ. Tuy nhiên điều cần lưu ý là bối cảnh mà Chúa Giêsu có những lời “gay gắt” thoạt xem ra không mấy phù hợp. Người ta mời mình dùng bữa mà đang khi ăn lại không chút nể nang gì! Phải tôn trọng tấm lòng người mời mình dùng bữa chứ. Nếu có gì đi nữa thì cũng nên nhớ câu “trời đánh tránh bữa ăn”! Thế mà Chúa Giêsu vẫn cứ “thẳng thừng ruột ngựa” thì ắt hẳn vấn đề phải rất nghiêm trọng.

Tính nghiêm trọng của vấn đề là ở “những chiếc áo khoác đạo đức”. Tâm lý “xấu che – tốt khoe” là chuyện thường tình của kiếp người. Khi bản thân chúng ta vướng nhiều điều xấu và đã có nhiều hành vi sai trái thì việc tìm cách che đậy là lẽ thường tình. Tuy nhiên khi cái điều xấu là kết quả của sự kết hợp giữa “tham lam” và “gian dối” thì thật đáng sợ vì hai phạm trù này thường sánh đôi và bất trị. Tham lam càng vô độ thì dối gian càng tinh quái, đủ đầy “tính mỹ thuật và cả đạo đức”, dĩ nhiên chỉ là hình thức bên ngoài.

Không riêng gì với chủ nhà mà với cả số người cùng dự tiệc là nhóm biệt phái Chúa Giêsu đã thẳng thừng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác” (Lc 11,39). Khi mặc chiếc áo khoác bên ngoài là dáng vẻ đạo đức cùng với việc giữ luật lệ tôn giáo người ta dễ lừa gạt tha nhân, nhất là những người nghèo hèn để trục lợi cho bản thân. Mục đích trục lợi có thể là danh phận, chức vị này kia và cũng có thể là vật chất tiền bạc mà thảy đều khởi đi từ việc lôi kéo lòng mộ mến của tha nhân dành cho mình. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ, cho nên các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mt 23,14).

Chước cám dỗ giả hình có thể xuất hiện cách tinh vi khiến tha nhân khó nhận ra mà lắm khi chính đương sự không dễ phát hiện nếu thiếu sự phản tỉnh và “lương thiện” thực sự. Đây là chước cám dỗ muốn làm hài lòng mọi người. Họ là những người thường nhún nhường trước các thế lực xã hội với nhiều lý lẽ biện minh là phải tôn trọng luật pháp và người thực thi pháp luật dẫu cho có nhiều trường hợp các luật lệ ấy là bất công, thậm chí là “phi pháp” và người thực thi pháp luật lại đang lạm quyền và lộng quyền. Với những người thuộc quyền thì họ vuốt ve bằng những lời lẽ yêu thương, cảm thông, an ủi, và cả động viên thường bằng công thức: “hãy cố nhẫn nại, hy sinh chịu khó…”, nhưng chủ yếu chỉ bằng ngôn từ. Mục đích chính của những vị này là dứt khoát “không để mất lòng ai” và cố gắng “được lòng” hầu hết mọi người. Trong tâm lý học số người này thường được xếp vào hạng “tâm lý cầu toàn”. Đã là cầu toàn thì thế nào cũng khó sống thật.

Trong sản xuất, kinh doanh, để trục lợi người ta thường qua mặt thiên hạ bằng mẫu mã bao bì, nhãn mác bên ngoài. Tuy nhiên người tiêu dùng bị lừa như chỉ một hai lần thôi vì sự giả dối sẽ bị phát hiện ngay. Trái lại trong các tương quan giao tiếp hay quản trị thì sự giả dối lại được khoác những chiếc áo đẹp và tinh xảo hơn khiến không chỉ tha nhân mà lắm khi cả đương sự cũng dễ bị lầm. Đó là sự tế nhị, sự tôn trọng, vẻ đạo đức… Vậy làm sao để có thể phân biệt thật giả để phòng ngừa. Chúa Kitô cho chúng ta một tiêu chí để biện phân: “Xem quả thì biết cây”. “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt (Mt 7,15-17). Và “quả” ở đây chủ yếu là nơi những người nghèo hèn, kém phận.

Thực tiễn cuộc sống cho chúng ta thấy chính đám đông dân chúng, nhất là những người nghèo, đơn sơ chất phác thường hứng chịu hậu quả do sự giả dối trong sản xuất, kinh doanh buôn bán. Và họ cũng là đối tượng hàng đầu gánh hậu quả xấu trong việc quản trị, điều hành của những người có trách nhiệm thiếu sự trung thực. Xin đừng quên hậu quả trong lãnh vực này di hại lâu dài khó khắc phục ngày một ngày hai. Chính vì lý do này mà Chúa Giêsu thường nghiêm khắc lên án và có khi xem như là “thiếu tế nhị” kể cả với những người có vai vế lãnh đạo hàng đầu lúc bấy giờ. Bạn và tôi, chúng ta đang khoác những chiếc áo nào đây?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây