TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 09/09/2021 18:12 |   1156
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt.” (Lc 6,43-45)

11.09.2021

THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN

Thánh Jean Gabriel Perboyre, Linh mục, tử đạo
 

t7 t23 tnB

Lc 6, 43-49

XEM QUẢ BIẾT CÂY 

“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Không ai có thể hái được vả nơi bụi gai, hoặc hái được nho nơi bụi rậm. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.” (Lc 6,43-45).

Suy niệm: Sự đời vàng thau lẫn lộn, tốt xấu khó phân biệt. Qua quảng cáo tiếp thị, hàng nào cũng tốt nhất, nhưng không ít khách hàng đã bị đánh lừa trắng trợn. Nghe đâu mục “người tốt việc tốt” trên một số trang báo cũng mang tính kinh doanh quảng cáo… Chúa Giê-su cũng đã quan tâm đặc biệt đến điều này. Việc tốt phát xuất tự đáy lòng, cho phép lượng giá mọi hành vi con người. Phẩm chất của trái tuỳ thuộc vào chất lượng của cây. Giá trị công việc ta làm tuỳ thuộc vào ý hướng của ta từ khi bắt tay vào việc cho đến khi hoàn tất. Từ kho tàng tốt trong lòng mình mới có thể lấy ra những điều tốt đẹp được.

Mời Bạn: Cuộc đời bạn đang thuộc loại “cây” nào? Để biết được điều đó, mời bạn kiểm định những hoa trái là các việc làm của bạn. Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn kiểm định: – Bạn có đang làm một việc tự bản chất là xấu không? – Đối với những việc xét theo khách quan là tốt thì động cơ thúc đẩy bạn làm việc này là gì? – Bạn có ý hướng tốt khi bắt đầu công việc và luôn trung thành với ý hướng đó trong suốt thời gian làm việc không? – Thái độ làm việc của bạn thế nào: cần mẫn, đầy trách nhiệm? – Bạn tự mãn, khoe khoang về kết quả công việc bạn làm, hay bạn khiêm tốn dâng những thành quả đó lên Chúa?

Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày theo những gợi ý trên.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi”.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 23 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 1, 15-17

“Người đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này, để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời. (Nguyện) danh dự và vinh quang (quy về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7

Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời (x. c. 2).

Xướng: Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời.

Xướng: Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa.

Xướng: Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 10, 14-22a

“Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng. Tôi muốn nói với những người biết điều! Ðiều tôi tuyên bố, anh em hãy xét thử! Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác. Anh em hãy xem Israel về phần xác: Nào những kẻ ăn của tế lễ, chẳng phải là thông phần vào bàn thờ sao?
Vậy nói thế nghĩa là gì? Tôi nói, của lễ dâng lên ngẫu tượng có là cái gì đâu? Hay ngẫu tượng có là cái gì đâu? Nhưng các dân ngoại tế lễ, là tế lễ cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em giao kết với ma quỷ. Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được. Anh em không thể thông phần vừa vào bàn tiệc Chúa, vừa vào bàn tiệc ma quỷ được. Hay là chúng ta muốn chọc tức Chúa?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 17-18

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: (Lạy Chúa,) con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 43-49

“Tại sao các con gọi Thầy “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là sự sáng thế gian; ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

NGƯỜI KHÔN XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ  (Lc 6, 43-49)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Người xưa thường coi việc: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc hệ trọng trong đời người. Thật vậy, nếu không kinh nghiệm về việc xem trâu, người nông dân dễ bị mua phải con trâu lười hay không biết làm việc. Cũng vậy, nếu không tìm hiểu cho kỹ, không chừng khi lấy vợ, chúng ta lấy phải cô vợ “cảnh” thì thật là tai họa cả đời. Tương tự như hai việc trên, công việc làm nhà cũng rất quan trọng. Nếu không biết tính toán, suy xét và nhất là nơi chốn, chúng ta dễ bị hậu quả nặng nề là căn nhà siêu vẹo do sức nặng và độ lún chênh lệch nên dễ làm cho căn nhà bị đổ nát, hoặc không đón được hướng gió tốt, sẽ dễ dàng gây nên sự ngột ngạt …

Hôm nay, Đức Giêsu nói đến việc xây dựng cuộc đời của mỗi người ngang qua hình ảnh xây dựng căn nhà.

Không ai dám cả gan để xây nhà trên nền cát! Cũng vậy, không có người nào dại dột đến độ phó dâng cuộc đời của mình cho kẻ chẳng hơn mình là bao? Hay đi tin một người mà do chính mình tưởng tượng rồi bịa ra để tôn thờ!

Khi Đức Giêsu nói đến độ bền chắc của đá, hay xây nhà trên nền móng bằng đá, Ngài muốn nói đến sự bền vững nơi những ai biết đặt đời mình trong bàn tay của Chúa, biết xây dựng cuộc sống trên nền tảng Tin Mừng.

Thật vậy, những người đón nhận, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được ví như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc. Ngược lại, những người nghe rồi bỏ bê không thực hành thì được ví như người ngu xây nhà trên cát và hệ quả là bị nước cuốn trôi và tòa nhà sẽ sụp đổ tan tành.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết khát khao lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẵn sàng để Lời Chúa chi phối và là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành người khôn ngoan vì đã xây căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng vững chắc là chính Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những viên đá sống động nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn ý thức mình cũng cần phải chung tay cộng góp để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính những gương sáng của mình trong đời sống. Amen.


BIỆN PHÂN

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-45).

Những lời mà Chúa Giêsu phán dạy trong bài trích Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXIII TN muốn chỉ bảo chúng ta phải phân biệt nguồn gốc các ngôn từ chúng ta nghe nhận. Thế nhưng làm sao có thể phân biệt sự tốt xấu nơi ngôn từ của một ai đó, vi có thể cùng một lời nói người này cho là tốt nhưng người lại không nghĩ như vậy?

Là Kitô hữu, dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận rằng mọi lời do Thiên Chúa phán dạy đều tốt đẹp. Và những lời xuất ra từ miệng các sứ ngôn chắc chắn là lời do Thiên Chúa truyền phán. Chúng ta có thể nhận ra đâu là lời của Thiên Chúa truyền phán qua một vài dấu chỉ sau:

Lời Thiên Chúa thường như lưỡi gươm sắc bén phân rẽ tâm hồn. Thiên Chúa sẽ làm cho miệng lưỡi ngôn sứ nên như gươm sắc bén, làm cho ngôn sứ nên như mũi tên xuyên thủng tâm hồn (x.Is 46,2): Đã là lời của Thiên Chúa thì luôn tác động đến người nghe. Một lời giảng dạy mà kiểu chung chung, nói đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng chẳng sợ sai mà không thực sự nói với ai cả vì người nghe chưa thực sự thấy động đến tâm hồn mình thì hầu chắc chưa phải là điều Thiên Chúa muốn truyền dạy. Công Đồng Vaticanô II qua Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống các Linh mục dạy rằng: “Các Linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm”… Phải trình bày Lời Chúa không phải cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống.” (số 4).

Dù không thể cân xứng 55-50, nhưng lời ngôn sứ là lời đủ đầy các mặt vừa nhận xét, phê bình vừa góp ý xây dựng. “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân… Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì ngươi cứ nói… Đây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi… để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng.” (Gr 1,5-10). Những lời chỉ nghiêng chiều một mặt mặt nào đó mà thôi chẳng hạn chỉ biết tung hô vạn tuế, vạn vạn tuế hoặc chỉ là lời đả đảo, chỉ trích thì hầu chắc không phải lời của Thiên Chúa mà là của những nịnh thần hay phản thần xưa cũng như nay.

Lượm lặt được vài ý tưởng trên mạng xã hội và xin góp thêm tí mắm muối: Khi ta sai thì nói rằng ta sai thì đó lời người đáng làm thầy ta. Khi ta đúng thì nói là đúng thì đó lời người đáng làm bạn ta. Khi ta đúng mà nói là ta sai thì đó là lời kẻ nghịch cùng ta nhưng là ở ngoài. Còn khi ta sai mà nói là ta đúng thì đích thực là kẻ nội thù.

Biện phân xuất xứ lời được nghe nhận quả điều không mấy dễ. Tất thảy vì một lẽ thường tình là ai cũng thích nhận “lời dễ nghe”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây