TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 22/09/2021 18:35 |   753
“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” (Lc 9,19)

24.09.2021

THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN


Lc 9, 18-22

ĐẤNG KITÔ, CON THIÊN CHÚA

“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” (Lc 9,19)

Suy niệm: Người Do Thái có khâm phục Chúa Giêsu thì cũng chỉ coi Ngài là một ngôn sứ nào đó, cao lắm thì ngang tầm Gioan Tẩy giả hay Êlia là cùng. Nói chung Ngài có được coi như một bậc vĩ nhân, thì cũng chỉ là một con người; còn việc nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, đối với họ là một điều phạm thánh. Ngay cả Phêrô khi tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” thì cũng còn vương vấn hình ảnh một Đấng Cứu Thế theo kiểu thế tục. Chúa Giêsu phải bổ sung ngay lập tức bằng cách thêm vào quan niệm ấy hình ảnh thập giá: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều,… bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.” Vì thế, lời của viên đại đội trưởng lúc ở dưới chân thập giá Chúa Kitô mới là lời tuyên xưng xác thực và đầy đủ: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).

Mời Bạn: Tinh thần thế tục của thời đại ngày nay dễ làm cho chúng ta mất đi niềm tin vào Con Thiên Chúa. Chính vì thế lời tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa vẫn luôn cần thiết cho chúng ta hôm nay. Hẳn nhiên lời tuyên xưng ấy đòi buộc chúng ta cần sống và thực hành niềm xác tín trong việc trung thành với niềm tin đã tuyên xưng.

Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, bạn làm một cử chỉ (dấu Thánh Giá, lời nguyện tắt…) để làm việc đó với tinh thần đức tin.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, trước bao cám dỗ của trào lưu thế tục trong xã hội hôm nay, xin cho con luôn vững vàng tin tưởng vào Chúa và tuyên xưng niềm tin ấy bằng một cuộc sống trung thành theo giáo huấn Chúa truyền dạy.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kg 2, 1b-10

“Còn một ít lâu nữa, Ta sẽ làm cho đền thờ này đầy vinh quang”.

Trích sách Tiên tri Khác-gai.

Năm thứ hai triều đại vua Ðariô, đến ngày hai mươi mốt tháng bảy, có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai mà phán rằng: “Ngươi hãy nói với Giorôbabel, con trai tướng lãnh Giuđa, là Saluthiel, nói với Giosua, con trai thượng tế Giosêđec, và với những kẻ sống sót lại trong dân rằng: “Ai trong các ngươi là kẻ sống sót lại đã nhìn thấy vinh quang thuở xưa của đền thờ này: và giờ đây các ngươi xem thấy nó thế nào? Chớ thì nó chẳng là không trước mắt các ngươi sao? Và Chúa lại phán: Hỡi Giorôbabel, giờ đây hãy can đảm. Hỡi Giosua, con trai thượng tế Giosêđêc, hãy can đảm; và toàn dân trên lãnh thổ, hãy can đảm, đây Chúa các đạo binh phán: Các ngươi hãy khởi công, vì Ta ở cùng các ngươi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Có lời Ta đã giao ước với các ngươi, khi các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, là thần linh Ta sẽ ở giữa các ngươi, nên các ngươi đừng sợ”.
Vì Chúa các đạo binh phán như thế này: “Còn ít lâu nữa, Ta sẽ khiến trời đất, biển khơi và đất cạn chuyển động. Ta cũng sẽ khiến mọi dân tộc chuyển động; và Ðấng mọi dân tộc trông đợi sẽ đến: Ta sẽ làm cho đền thờ đầy vinh quang, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vàng bạc đều là của Ta, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vinh quang đền thờ sau hết này sẽ cao trọng hơn vinh quang đền thờ trước, Chúa các đạo binh phán như vậy: trong nơi này, Ta sẽ ban hoà bình, Chúa các đạo binh phán như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 42, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Hãy cậy trông Ðức Chúa Trời, vì con còn ca tụng Chúa, Ðấng cứu thể diện và là Thiên Chúa của con (c. 5bc).

Xướng: Xin Chúa minh xét cho con, ôi Thiên Chúa, xin bênh vực quyền lợi con đối nghịch với dân vô đạo, xin cứu con khỏi tay người độc ác, điêu gian!

Xướng: Vì lạy Chúa, Chúa là sức mạnh con, cớ chi Chúa bỏ con? Cớ chi con phải sống ngậm ngùi vì bị quân thù áp bức?

Xướng: Xin chiếu giãi quang minh và chân thật của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.

Xướng: Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Thiên Chúa, Thiên Chúa của con.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gv 3, 1-11

“Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng”.

Trích sách Giảng Viên.

Mọi sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.
Chúa tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến cuối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu.
Xướng: Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 18-22

“Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TUYÊN XƯNG NIỀM TIN ĐI ĐÔI VỚI ĐỜI SỐNG (Lc 9, 18-22)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt!”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!

Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mâu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống lệch lạc của mình…!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt noi gương thánh Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình, để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là: chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền.

Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.
 

BIẾT HỎI VÀ NGHE ĐỂ THOÁT SỢ VÀ BỚT LẦM
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Khi đi rao giảng Chúa Giêsu đã từng ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá mà Người phải chịu. Trước những lời tiên báo của Thầy chí thánh thì thái độ của các tông đồ được Tin mừng tường thuật qua hai trạng thái chủ yếu này: sợ hãi và không hiểu (x.Mc 9,32; Lc 9,45). Nào chúng ta cùng xét xem hai tình trạng này có mối liên hệ gì với nhau. Vì sợ hãi quá nên người ta đâm ra không hiểu, hiểu không đúng… hay là vì hiểu không đúng, thiếu hiểu biết nên người ta dễ rơi vào tình trạng sợ hãi không đáng có?

Khi nghe nói đến thập giá thì các tông đồ hẳn biết sự kinh khủng cũng như nỗi ô nhục mà người bị hành hình phải chịu như thế nào. Chắc chắn các ngài đều sợ hãi khi nghe Thầy nói đến chuyện phải vác thập giá. Và chúng ta không lạ gì với tính khí nóng vội như Phêrô nên vừa nghe Thầy nói thì liền kéo Thầy ra riêng mà can gián ngay (x.Mt 16,22). Vì quá sợ nên các tông đồ làm sao hiểu được cụm từ Chúa Giêsu tiếp thêm vào sau đó: “ngày thứ ba sẽ sống lại”? Và dĩ nhiên lúc bấy giờ các ngài cũng chẳng thể hiểu được mục đích và ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá.

Một vũ khí lợi hại mà thần dữ thường sử dụng đó là sự sợ hãi. Vì sợ khó, sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại… nên con người đã bị thần dữ kìm kẹp trong cõi u minh, không thể tiếp cận chân lý. Tin Mừng tường thuật rằng khi nghe Thầy nói đến thập giá thì dù không hiểu nhưng các tông đồ không dám hỏi vì quá sợ hãi (x.Mc 9,32). Xin đừng quên rằng có đó nhiều người đủ đầy quyền chức thường sử dụng sự sợ hãi để không cho kẻ khác biết được sự thật.

Ngược lại có đó nhiều trường hợp người ta vì thiếu hiểu biết hoặc biết không đúng nên đâm ra hãi sợ đủ điều có khi là vô cớ. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành là một minh chứng. Vì hiểu chưa đúng thực chất mức độ cũng như phạm vi nguy hiểm của loại virút này nên dường như cả thế giới đã phải chịu một thời kinh hoàng có khi khó kiểm soát. Bên cạnh đó cũng có nhiều xã hội vì thiếu hiểu biết nên đã có những phương sách ứng phó gây hoảng loạn, bất an cho người dân đến độ có người nói là dịch bệnh không đáng lo, đáng sợ cho bằng “bị khủng bố” bởi một vài kiểu cách “chống dịch” đó đây. Ngoài sự chủ quan, duy ý chí thì thì có đó lý do lớn là thiếu hiểu biết.

Thần dữ là cha của sự dối trá và nó rất sợ sự thật. Nó cũng là tên sát nhân luôn kìm hãm con người trong nhiều nỗi sợ (x.Ga 8,44). Trong kiếp người hầu như ai ai cũng khó tránh sự sợ hãi. Ngay cả Chúa Giêsu khi đối diện với án hình thập giá cũng đã từng xao xuyến âu lo đến độ tuôn cả mồ hôi pha lẫn máu trong vườn dầu (x.Lc 22,44). Một trong những cách thể để chúng ta có thể vượt qua nhiều nỗi sợ đó là tiếp cận chân lý. Càng biết sự thật thì càng bớt đi nhiều nỗi lo.

Để đến gần với chân lý thì không gì hơn hãy biết sống khiêm nhu. Một cách thế khiêm nhu để thêm sự hiểu biết, để đến gần với sự thật đó là tập biết “hỏi và nghe”. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32). Chúa Giêsu đã từng hỏi và nghe các môn đệ đệ biết rõ thêm về căn tính của mình. Người cũng luôn biết hỏi và nghe Cha trên trời qua những giờ cầu nguyện sâu lắng mỗi sáng tinh sương hay khi đêm về để hiểu rõ về sứ mạng cứu thế của mình. Hãy giúp nhau đến với sự thật để cùng nhau vượt qua bao nỗi gian truân khốn khó của kiếp người, nhất là thoát khỏi “vòng kim cô” của thần dữ là sự sợ hãi.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây