TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đôi điều đọng lại sau 3 khóa Tập huấn

Thứ ba - 27/04/2021 07:09 |   971

Đôi điều đọng lại, sau 3 khóa Tập huấn Ca trưởng và đệm đàn

 
Khóa Tập huấn của Ban Thánh Nhạc (BTN) tổ chức ở 3 địa điểm: Trung tâm Mục Vụ, Giáo xứ Vinh An, Giáo xứ Bù Nho đã trôi qua theo những ngày mưa gió. Dường như những hạt mầm đã được gieo vãi trong sự tươi mát của khí trời, và ướt đẫm trong những cơn mưa lâu thấm đất; hy vọng sẽ nẩy mầm trổ sinh nhiều hoa trái cho các học viên khóa tập huấn Ca trưởng và đệm đàn.

Cơn mưa cũng đã tạnh hạt, 3 khóa học cũng đã kết thúc, nhưng đâu đó vẫn còn vang vọng dư âm… Người viết xin được góp nhặt lại những dư âm vang vọng đó, như một sự tham khảo cho BTN để chuẩn bị cho lần sau được chu đáo hơn.

Lời đầu tiên, chắc chắn là phải dành lời chúc mừng cho BTN, vì đã có được thành quả ngoài mong đợi. Một sự khởi đầu không thể tốt đẹp hơn.

Giờ đây, BTN cũng đã thở phào nhẹ nhõm, vì từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa mà mọi điều được suôn sẻ tốt đẹp.

Tuy nhiên, trong sự suôn sẻ đó, ai dám chắc rằng dưới mặt nước hồ thu phẳng lặng, lại không có những sóng ngầm ẩn chứa bao suy tư trăn trở về khóa học vừa qua.

Khóa học đầu tiên ở Trung tâm Mục vụ, vạn sự khởi đầu nan, nên khâu tổ chức chưa được chu đáo lắm! Ngay cả giữa thầy trò vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và bất cập: một vài tiết học còn lan man và quá tầm của học viên, chưa đi vào tính thực tiễn của Ca trưởng và đệm đàn. Các tiết học đều học chung, không phân ra lớp Ca trưởng và đệm đàn riêng, nên làm mất thời giờ… Tuy nhiên ở khóa đầu tiên này, được khích lệ bởi con số học viên đông lên đến 121 người, cũng là niềm phấn khởi cho BTN.

Đến khóa học thứ 2 ở Giáo xứ Vinh An thì đã rút ra được những kinh nghiệm khóa trước, để vào chương trình một cách rập ràng và hợp lý hơn, tạo cho lớp Ca trưởng và đệm đàn có nhiều thời gian thực tập hơn. Ở khóa này các thầy có thời gian nhiều hơn để thực hiện các giáo trình đã đề ra. Các học viên cũng đã tỏ ra nỗ lực trong việc học hỏi, khiến cho thầy trò hưng phấn hơn để say mê học tập quên cả giờ nghỉ. Con số học viên tính tỷ lệ là cao nhất; bởi chỉ 2 Giáo hạt mà có con số học viên lên đến gần 110 người.

Khóa thứ 3 ở Giáo xứ Bù Nho, đáng tiếc là thời điểm tập huấn lại rơi vào khai giảng năm học, nên một số các em học sinh Phổ thông không thể tham gia được, con số vỏn vẹn khiêm tốn chỉ 53 học viên. Nhưng bù lại tinh thần học hỏi của học viên lại rất tích cực và ham mê học tập. Dường như là đứa con út của khóa học, vì thế các thầy đã dành những trải nghiệm quý báu vừa qua cho các học viên, nên học viên cũng đã thâu hoạch được nhiều kết quả hết sức khả quan.

Nhìn chung các khóa học đã đem lại những lợi ích nhất định cho học viên về Ca trưởng và đệm đàn. Điều đáng mừng là sự tham gia đông đảo của học viên không phân biệt già trẻ, nam nữ. Có ông đã bước sang tuổi thất thập mà vẫn khiêm tốn tham gia lớp học, là tấm gương cho con em thế hệ sau noi theo, thật đáng kính nể. Có chị đã luống tuổi, chồng con đùm đề rồi mà vẫn thu xếp việc nhà để đi học, thật đáng trân trọng. Có em còn ở tuổi teen nhưng đệm đàn rất vững, và điều khiển ca đoàn rất nhuần nhuyễn, thật đáng khích lệ.

Chẳng những khóa tập huấn đem lại những điều học hỏi bổ ích cho các học viên, mà chính bản thân các anh em trong BTN cũng đã có dịp học hỏi lẫn nhau.

Cha Trưởng BTN Mattheu Nguyễn Quang Tuấn đã chia sẻ: Theo phụng tự Thánh Nhạc, thì Thánh nhạc là một phần không thể thiếu trong Thánh lễ, vì Thánh nhạc tạo cảm xúc và giúp cho mọi người giáo dân sốt sắng hơn để nâng tâm hồn lên với Chúa. Thánh nhạc chính là chất xúc tác cho Thánh lễ được tốt đẹp hơn lên. Đây chính là kim chỉ nam cho mọi phụng vụ thánh nhạc: Ca trưởng và đệm đàn… Nhờ những lời huấn giáo của Cha trưởng ban, mà ngay cả các anh em trong BTN mới nhận ra sứ vụ của BTN là quan trọng như thế.
Chính thầy Vinam bên điều khiển ca đoàn, đã cho tôi lần đầu tiên được thấy vai trò và vị trí quan trọng của người ca trưởng, như chính nhạc sư Hải Linh nói: “Ca trưởng dùng ngôn ngữ thầm lặng: tất cả những hiểu biết trong đầu sẽ biểu lộ ra ngoài nét mặt, là tấm gương phản chiếu linh hồn của bản nhạc, và tự nhiên sẽ chan hòa ra hai cánh tay và toàn thân con người ca trưởng”. Chính thầy Vinam bằng những động tác: hích cánh tay, vươn bờ vai, phất tay… tất cả mọi động tác như một thứ gia vị, thổi hồn vào bài hát, để ca đoàn từ đó, hòa thanh diễn tả sự to nhỏ, năng động, linh hoạt của bài hát… một cách nhịp nhàng. Nhưng thầy Vinam vẫn luôn dặn dò: Học cái cách đánh nhịp cơ bản, sau đó phát huy thành cái mới, cái độc đáo của riêng mỗi người, chứ không phải là robot nhại theo một cách sơ cứng.

Sơ Hoài An lại rất nhuần nhuyễn trong cánh tay uyển chuyển, mềm dẻo, điệu đà khi bắt nhịp đảo phách mềm, cứng… làm cho bài hát như được thổi hồn vào một cách sống động.
Thầy Thoát nhà ta rất lão luyện - những mấy chục năm đàn nhà thờ, trong cách đệm đàn, khi sử dụng những hợp âm bậc I, IV, V… rất nhuần nhuyễn đã hòa quyện vào nhau, hợp với chân bass rất điêu luyện, tạo sự hòa thanh nghe rất mãn nhĩ. Cái chân chất, mộc mạc và khiêm tốn nơi thầy cũng rất đáng để chúng ta học lắm chứ! Quả đáng tội, thầy Thoát nhà ta gần như phải bao sân hỗ trợ cho tất cả các tiết: Nhạc lý, Xướng âm, Thanh nhạc, Đệm đàn, Ca trưởng… một mình thầy làm tất tần tật, nhưng thầy vẫn luôn tận tâm vui vẻ. Thật đáng ghi công!!! Hèn chi mà thầy được các học viên mến mộ và quý trọng!!!

Thật thú vị làm sao, khi thầy Hữu An, Thạc sĩ nhạc viện Hà Nội, vừa tếu táo pha chút tinh nghịch trong giờ học: người đệm đàn, không chỉ tay đánh, chân đạp, mà “đầu” cũng phải đánh, khiến học viên ai cũng ngỡ ngàng đến thú vị??!! Té ra “đầu gối” cũng phải đồng điệu để gạt cần to nhỏ… Thầy An vừa chỉ bày lý thuyết cặn kẽ, vừa thực hành đi đôi với nhau, nên đã tạo điều kiện các học viên rất dễ tiếp thụ.

Đến giờ thanh nhạc của cha Thiều Quang, người được mệnh danh là giọng ca đầy nội lực của “tiếng hát át tiếng bom” với những kỹ năng ngân rung, luyến láy, lấy hơi, nhã chữ… đều rất chuyên nghiệp, đã đem lại bầu khí học thật sôi động và cuốn hút…

Thật bất ngờ, Sơ Nghĩa, một con người mảnh mai thế, mà giọng ca xướng âm thật ngọt ngào, thật tự nhiên và thật khỏe khắn với âm vực cao vút lên đến Mí, Fá… mà không phải sử dụng giọng óc, giả thanh… Sau nữa, cũng đáng ghi công Sơ, khi bị bắt cóc sang hỗ trợ các tiết: Nhạc lý, Xướng âm, Điều khiển… mà giọng xướng âm vẫn chuẩn mực để không bị hụt hơi, chênh phô. Thật đáng khen!!!

Ngoài ra, các thầy: Văn Sỹ, Hồng Bính, Duyên Quốc Kỳ, Vĩnh Căn… cũng cho lớp học những trải nghiệm bổ ích trong nhạc lý, đệm đàn, điều khiển… đã điểm tô cho khóa tập huấn một bức tranh toàn cảnh sắc màu thêm tươi đẹp.

Nhưng nếu không kể công đến thầy Thiện luôn lo lắng đến nơi đến chốn cho các thủ tục ghi danh nhập học, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho các học viên… Chẳng những thế, thầy và thầy Toàn còn ngồi trực đèn chiếu Projecteur dõi theo từng tiết học, nếu bỏ quên thì quả là thiếu sót lớn lao. Rồi còn thầy Tiến, cũng lo lắng in ấn chứng chỉ, hình ảnh cho các học viên…

Tất cả đã chung tay đóng góp để làm nên khóa tập huấn của BTN được thành quả một cách tốt đẹp và trọn vẹn như thế!

Sau khóa học, có rất nhiều học viên đã ngỏ lời thiết tha: Chúng em rất mong, mỗi năm BTN sẽ tổ chức các khóa tập huấn cho lớp Ca trưởng và Đệm đàn, để học viên có dịp học hỏi được những bài học quý báu do các thầy truyền đạt.

Có người bày tỏ: lâu nay, học viên chúng em chỉ tự mày mò học đàn và làm ca trưởng theo những cách tự phát, mà chưa có được một sự hướng dẫn chỉ bày theo quy cách của BTN, mạnh ai nấy đánh, mạnh ai nấy điều khiển, nên chưa có được một sự nhất quán như bây giờ.

Có người tiếc nuối: đáng tiếc, thời gian quá vắn vỏi, để chúng em tiếp thu cũng có giới hạn nhất định, mà chưa thể phát huy hết được những gì các thầy đã chỉ bày, rất mong gặp lại các thầy vào năm sau.

Có chị trần tình: Những bài điều khiển ca đoàn của quý thầy, Sơ chỉ bày rất đẹp mắt và cuốn hút, nhưng tiếc rằng khả năng chúng em có hạn, và thời gian học không được nhiều. Học cho bản thân đánh nhịp đã khó, mà về điều khiển cho ca đoàn, liệu ca đoàn có thích ứng được cách điều khiển mới này không??? Bởi cái cách đánh cũ đã được mặc định quá lâu năm rồi.

Có bạn hết lòng cám ơn: Các thầy đã chỉ bảo cách đệm đàn rất bài bản và kỹ thuật sử dụng sự pha trộn tiếng làm phong phú và hiệu quả hơn.

Nhưng có lẽ điều đọng lại sâu sắc nhất với BTN, là sự quan tâm của quý Cha xứ và quý ban HĐGX Vinh An, Bù Nho, nơi đăng cai khóa học tập huấn. Thật không thể ngờ, quý Cha và quý hội đồng lại dành sự quan tâm và ưu ái cho anh em trong BTN, từ phòng ốc, âm thanh… thật chu đáo. Nơi ăn chốn ở cho anh em BNT một cách tươm tất như thế. Từ những tấm chăn, mảnh mùng mới, những chiếc vọng cáo cạnh mua về, đến những bữa ăn ngon, bữa tối lại có thêm chút men nồng, càng làm ấm lòng anh em BTN vô cùng.

Được sự quan tâm của quý cha xứ và quý hội đồng như thế, đã làm anh em BTN hết sức cảm động và ái ngại… Nhưng chính điều đó là một sự động viên và niềm khích lệ lớn lao cho anh em bên BTN để phấn khởi tiếp bước cho những khóa tập huấn những năm tới.

Anh em trong BTN cũng chỉ biết cầu chúc cho quý Cha và quý hội đồng luôn được dồi dào sức khỏe để phục vụ Giáo xứ một cách tốt đẹp. Nguyện xin Chúa trả công bội hậu cho quý cha và quý HĐGX.

Sau mỗi Thánh lễ bế mạc, Cha Trưởng ban Thánh nhạc rất vui mừng với thành quả đạt được, đã cám ơn sự tích cực phục vụ của BTN, cám ơn sự nhiệt tình của các học viên, nhất là những ca trưởng thâm niên nhiều năm cống hiến cho Thánh ca, thánh nhạc của Giáo phận. Đồng thời, Cha trưởng ban cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý Cha xứ, quý hội đồng Giáo xứ sở tại, đã giúp đỡ anh em BTN trong các khóa tập huấn.

Nhờ có sự tiếp tay giúp đỡ tận tình của tất cả mọi người mà khóa tập huấn ca trưởng và đệm đàn đã đạt được thành quả ngoài sự mong đợi.

Hy vọng với vườn ươm hạt mầm đầu mùa này của BTN, sẽ trổ sinh nhiều hoa trái nơi các học viên, để trong tinh thần hăng say phục vụ, hứa hẹn thanh âm thánh nhạc sẽ lan tỏa khắp mọi miền Giáo phận Ban Mê Thuột một cách lành thánh.

BTN xin gửi lời chào thân ái đến tất cả mọi người, và hẹn gặp lại mùa tập huấn năm sau!!!
 

Người ghi nhận: Nguyễn Vĩnh Căn - BTN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây