TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Imprimatur và lời ca trong thánh nhạc VN

Thứ ba - 27/04/2021 07:14 |   902

IMPRIMATUR VÀ LỜI CA TRONG THÁNH NHẠC VIỆT NAM


WHĐ (23.10.2020) – Việc xét duyệt để chuẩn nhận bài ca dùng trong phụng vụ (imprimatur) chú trọng đặc biệt đến lời ca vì lời ca giúp nâng tâm hồn cầu nguyện. Đáng tiếc là trong những năm gần đây trong các thánh đường Việt Nam đã vang lên những bài ca thiếu đi sự thánh thiện, tính nghệ thuật và tính cộng đoàn vốn là các tiêu chuẩn của bài ca trong phụng vụ. Lời ca của bài ca được chiếu lên các màn hình trong nhà thờ đã cho thấy nhiều lời lẽ vừa thiếu vẻ đẹp vừa cản trở tâm tình cầu nguyện. Các bài thánh ca non kém từ các phương tiện truyền thông đến với các ca đoàn lại nhận được sự tán thưởng của một số ca trưởng. Vì thế, cần phải nhìn lại việc tuân giữ kỷ luật thánh nhạc, và nhiệm vụ của Ban thánh nhạc giáo phận thêm phần quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời cũng thêm phần vất vả.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: "Tiêu chuẩn đem lại cảm hứng cho mọi tác phẩm thánh nhạc và mọi lần thể hiện tác phẩm thánh nhạc là vẻ đẹp gọi mời tâm hồn cầu nguyện" (Diễn từ  với các giáo sư và sinh viên Giáo hoàng Học viện Thánh nhạc, ngày 19-1-2001).  Để thẩm định một bài ca (ở đây chỉ xin nói đến các ca khúc bình dân được sáng tác theo hình thức gồm một điệp khúc và nhiều phiên khúc) có được "vẻ đẹp gọi mời tâm hồn cầu nguyện" hay không, có thể xét đến những khía cạnh sau đây.

1) Lời ca hướng đến Thiên Chúa

Hướng đến Thiên Chúa là thưa trực tiếp với Ngài ("Lạy Chúa, bao ngày tháng con hằng mơ ước"), nói về Ngài ("Ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương"), ngợi khen Ngài ("Ta ca tụng Chúa vì uy danh Ngài cao cả"), thờ lạy Ngài ("Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh"), cảm tạ Ngài ("Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la"), xin ơn Ngài ("Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một") và giúp nhau hướng đến Thiên Chúa ("Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời"). Lời ca hướng đến Thiên Chúa cũng giúp các giáo hữu đạt tới điều Thiên Chúa muốn là nên thánh và được phần rỗi. 

2) Lời ca hợp với thần học và Thánh Kinh

Hiến chế về Phụng vụ dạy: "Lời ca phải phù hợp với giáo lý Công giáo và tốt hơn là ưu tiên rút ra từ Thánh kinh và từ các nguồn phụng vụ" (SC, 121). Dễ có vướng mắc thần học là những sáng tác về ba ngôi vị Thiên Chúa, Thánh Thể và Đức Mẹ. 

- Năm 2008, Tòa thánh Vatican đã ra chỉ thị rằng Thánh Danh của Chúa, thường được gọi là Giavê (Yahweh) sẽ không được sử dụng trong các nghi thức phụng vụ Công giáo.

- Theo các nhà thần học, không dùng danh "Cha" cho Chúa Giêsu.

- Tránh lời ca hàm hồ, không phân biệt rõ CHÚA-là-Thiên-Chúa với CHÚA-là-Chúa-Giêsu.

- Tránh cách nói nhân cách hóa Thánh Thể như "Chúa cao vời ẩn thân trong tấm bánh".

- Tránh lời xưng tụng có quá nhiều cảm tính về Đức Mẹ như "Lạy Mẹ uy quyền phép tắc khôn lường" có thể gây ngộ nhận về toàn năng tính vốn chỉ có ở nơi Thiên Chúa.

3) Lời ca nói lên cộng đoàn hơn là cá nhân

Phụng vụ là việc tôn thờ của toàn thể Hội Thánh, vì thế lời  ca nên dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều ("chúng con / đoàn con") hơn là dùng số ít ("con"). Dù ở số ít, "con" vẫn phải nói lên tâm tình của cộng đoàn Dân Chúa chứ không phải của cá nhân. Không thể đưa vào thánh ca câu hát cá nhân này: "Xin cho con gặp Chúa, trong đời con nơi phố thị phồn hoa". Phải tránh lời ca chỉ bao gồm một thành phần Dân Chúa, như "Trên đôi môi dịu mềm là lời nguyện cầu e ấp" (chỉ gồm giới trẻ). Cũng tránh dùng "chúng con" (số nhiều) và "con" (số ít) trong cùng một bài ca.

4) Lời ca trang nghiêm, thành kính

Trong phụng vụ chí thánh, không thể phân bua "Tôi đi kiếm tiền mà nuôi vợ chứ nuôi con, ai bảo tôi rằng là tôi đây bỏ Chúa? " hay nói tay đôi kêu trách Chúa "Sao Chúa cứ lặng thinh khi loài người chìm trong khổ đau?" (kiểu lời ca này thấy nhiều trong mùa Covid). Không thể dùng kiểu nói thế tục: "Chúa đã chết đi, để lại cho con cuộc tình tuyệt vời" hay "Chúa là người tình tôi yêu trăm năm, Ngài cất tiếng nâng bước cuộc đời".

Cũng cần tránh những từ ngữ đã có trong những bài thánh ca trang nghiêm xưa nhưng nay đã mặc thêm nghĩa thế tục, như: ân ái, tình ái, yêu đương, khoái lạc, hợp hoan.

5) Lời ca đúng ngữ pháp, rõ nghĩa

Nhiều khi, do phải theo giai điệu nhạc, lời ca bị ép buộc đến mức sai ngữ pháp và tối nghĩa, ví dụ: "Bước vào đền thánh, hoa và nến chứa chan niềm vui tình yêu" (hoa và nến bước vào đền thánh?); hay "Kính mến Chúa, hãy tỏ lòng mến với Người/người" (không rõ "Người" là Thiên Chúa hay "người" là con người, người ta?).  "Từ khắp muôn miền con về Phan Thiết, đến với Mẹ Tà pao" (từ khắp muôn miền, chúng con về…).

6) Lời ca dùng từ ngữ chính xác

Từ ngữ dùng sai có thể làm cho câu văn tối nghĩa, thậm chí phản nghĩa. "Một đời khấn nguyện, một lòng cơ cầu, xin ơn Chúa đỡ nâng, dìu đưa" (đúng ra là "nguyện cầu", còn "cơ cầu" nghĩa là đói nghèo, túng thiếu); "Với ánh sao dẫn đường, chúng con đi tìm chân lý vô thường" ("vô thường" nghĩa là không vĩnh viễn, không trường tồn, hay thay đổi, nay còn mai mất); "Xin cho con biết sống với lòng thay đổi" ("thay đổi" có nghĩa xấu; đúng ra là "với lòng được đổi mới" hay "với lòng được Chúa biến đổi" hay "với quả tim mới"); "Bánh con dâng trên bàn thờ, với khói hương bay dật dờ" (có vẻ u ám, tang tóc); "Chúa là đường cho con đi, là sự thật cho con theo, là sức sống cho con mạnh mẽ" (chính xác phải là "sự sống").

7) Lời ca dùng từ ngữ hợp lý

"Dâng Chúa bánh rượu thơm nồng" (bánh trong Thánh Lễ không thể nồng; hợp lý phải là "bánh thơm rượu nồng"); "Mẹ đẹp như huệ non" (huệ non thì không đẹp); "Maria, vầng trăng ngày đêm soi sáng" (trăng không soi ban ngày); "Cảm tạ Thiên Chúa Trời" (dư chữ "Trời"); "Thánh Giuse, một đời tịnh khiết, khiêm nhường" ("khiết tịnh" bị đảo ngược không hợp lý).

8) Lời ca có vẻ đẹp văn chương

Giáo Hội vẫn nhắc nhở rằng thánh nhạc phải là nghệ thuật đích thực, vì thế lời ca nên có được vẻ đẹp. Khó có thể chuẩn nhận những lời ca thiếu hẳn chất thơ. Đã có nhiều bài ca xin imprimatur mà lời ca như văn xuôi, không có gieo vần hoặc gieo vần gượng ép ("Chúa hiển trị trời xanh, hào quang Chúa long lanh"), hình ảnh so sánh không chặt chẽ ("Tình Chúa cao vời như biển khơi"), hình dung từ không hợp với danh từ ("Trong bóng tối đìu hiu, Chúa dẫn con bằng ánh sáng dặt dìu").

Vẻ đẹp của lời ca còn nằm ở cách phân bổ các ý tưởng ở các phiên khúc. Khuyết điểm có khi là các phiên khúc không nhất quán; có khi là các phiên khúc lặp lại nhau; lại có khi là các phiên khúc đi trước thì tốt đẹp, nhưng các phiên khúc đi sau thấm mệt, đuối dần.

Vẻ đẹp của lời ca cũng có ở sự đơn giản, dễ hát, dễ nhớ để giúp cộng đoàn tham gia tích cực vào phụng vụ.

9) Lời ca được âm nhạc diễn tả cách thích hợp

Trong thánh nhạc, âm nhạc có nhiệm vụ hỗ trợ lời ca. Nói cách khác, nhạc phải theo lời, chứ lời không theo nhạc. Các yếu tố của nhạc phải phù hợp với lời được hát lên; chẳng hạn, tiết tấu nhạc phải diễn tả được dấu giọng, các từ ghép và các từ láy trong tiếng Việt; cung, thể và hợp âm phải nâng đỡ và làm rõ được ý lời ca muốn tỏ bày.   

Về sự hòa hợp giữa nhạc và lời, trong thánh ca Việt Nam đã có rất nhiều trường hợp nốt nhạc đặt sai dấu giọng của lời ca, thậm chí đôi khi từ ngữ bị nhạc uốn sai dấu giọng mà vang lên thành lời khiếm nhã.

PHẦN THÊM

1) Về lời ca của các bài thánh ca Tin Mừng hiện nay

Facebook hàng tuần đều có đăng những bài thánh ca dệt nhạc hoặc quảng diễn bằng nhạc cho bài Tin Mừng Thánh Lễ Chúa Nhật sắp tới. Vì theo sát bài Tin Mừng Chúa Nhật nên lời ca đôi khi giống như của bài ca giáo lý ("Cỏ lùng được gieo vào đồng lúa"), đôi khi điệp khúc là câu ít có trong thánh nhạc ("Hãy trả cho Cêsarê những gì của Cêsarê"). Vấn đề nảy sinh cho nơi có ca đoàn hát Tin Mừng Chúa Nhật theo kiểu này là mỗi Chúa Nhật cộng đoàn đều phải nghe bài ca mới, khó hiệp thông tiếng hát nguyện cầu; ngoài ra bài ca mới này chưa hẳn đã đủ vẻ đẹp nghệ thuật thánh nhạc để giúp các tín hữu nâng tâm hồn lên.   

2) Về lời ca tiếng Việt cho bài thánh ca nước ngoài

Khi xét duyệt để chuẩn nhận lời ca tiếng Việt cho bài ca nước ngoài, điều khó khăn là trước tiên phải tìm hiểu tác giả cùng xuất xứ của bài ca và giá trị của nó đối với cộng đồng Công giáo thế giới hiện nay. Ngoài ra, người đặt lời ca tiếng Việt phải có được sự cho phép dịch lời hay đặt lời nếu tác quyền của bài ca ấy vẫn còn hiệu lực.  

3) Về lời ca của những bài ca có vẻ là thánh ca

Mấy năm gần đây, Ban Thánh nhạc Sài Gòn nhận được những lá thư hỏi về một số bài ca có vẻ là thánh ca. Người viết thư thường là các ca trưởng muốn biết có thể sử dụng những bài ca này trong phụng vụ hay không. Thực chất, những bài ca này không thể đem vào phượng tự, nhưng điều gây thành vấn đề là lời ca mượt mà có nói đến Thiên Chúa, nói đến Chúa Giêsu, có chất thơ lãng mạn rất lôi cuốn các bạn trẻ, tuy không thấy ghi chú imprimatur nhưng tác giả là linh mục và người hát cũng là linh mục. Có thể nói, đang có một thể loại bài ca Công giáo không phải là thánh ca nhưng được các trang mạng gọi là thánh ca. 

***

Theo đà phát triển các phương tiện truyền thông và sự xuất hiện rất nhiều người viết thánh ca, có thể nói thánh nhạc Việt Nam đang ở một giai đoạn mới có những thuận lợi và cũng có những vấn đề nan giải. Hơn bao giờ hết, cần có nỗ lực cổ võ tinh thần tuân thủ luật Giáo Hội và nỗ lực nâng cao hiệu quả việc thi hành nhiệm vụ imprimatur trong hoạt động thánh nhạc tại các giáo phận, ngõ hầu, luôn luôn "lời ca nơi miệng tôi là Chúa, nguồn cứu thoát của tôi" (Xh 15, 2).

 

Tác giả: Nhạc sĩ Phanxicô 

 Tags: Imprimatur

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây