HỌC TẬP THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’:
BÀI 8 - LINH ĐẠO VÀ GIÁO DỤC MÔI SINH
(x. Chương 6)
Nhân loại cần thay đổi để giữ gìn sự vẹn toàn vốn có của “ngôi nhà chung.” Có nhiều thứ cần thay đổi, nhưng đúng hơn “chúng ta, là những con người, trước hết và trên hết phải thay đổi” và cần nhớ rằng “nguồn gốc chung của chúng ta,” “sự lệ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta” và “tương lai của chúng ta phải được chia sẻ với mọi người.” (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung, số 202). Con người chỉ hướng tới sự tự do bởi vì con người tự do tiêu thụ. Điều này sinh ra ích kỷ và tham lam, không quan tâm tới lợi ích chung, làm gia tăng bất công bình, nó dẫn tới tình trạng bất ổn và tiêu vong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn niềm hy vọng! Giáo dục môi sinh kêu gọi chúng ta “có sự nhạy cảm mới với môi sinh” và “hoán cải môi sinh” được biểu hiện qua “tinh thần quảng đại.” (Số 209). Theo gương thánh Phanxicô, “cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Giêsu Kitô” trở nên bằng chứng về “mối tương quan của chúng ta với thế giới.” “Ơn gọi của chúng ta là những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa là một phần tất yếu của đời sống đạo đức.” (Số 217).
“Linh đạo Kitô giáo mời gọi gọi chúng ta sống một lối sống mang tính ngôn sứ và chiêm niệm.” (Số 222). Tình yêu, sự đầy tràn lương thiện và quan tâm lẫn nhau, đặt trước mắt chúng ta ý tưởng về một nền “văn minh tình yêu.” “Phải ý thức rằng chúng ta cần đến nhau,” và “chúng ta chia sẻ trách nhiệm với những người khác và thế giới.” (Số 229). Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh hơn cả mặt trời. Với Thiên Chúa, chúng ta có thể “chăm sóc ngôi nhà chung” của chúng ta.
Để phản tỉnh những lời mời gọi của Giáo Hội về việc “chăm sóc ngôi nhà chung” của chúng ta, mỗi người thử chất vấn mình: tôi đang sống tự do theo những cách thức nào? Tôi đang bị những gì ràng buộc? Những gì có thể làm thay đổi lối sống của tôi để phản ánh mối tương quan của tôi với Thiên Chúa? Tôi sẽ làm những gì để đáp trả lời mời gọi hoán cải môi sinh?
“Chúng ta nhớ lại gương của Thánh Phanxicô thành Assisi, để đề nghị một mối tương quan lành mạnh với tạo thành như chiều kích sám hối trọn vẹn của con người. Điều này cũng đưa tới việc nhận ra những sai lầm, tội lỗi, tật xấu hoặc chễnh mãn và sám hối với trọn tâm hồn, thay đổi nội tâm.” (Số 218).
Đáp trả kinh nghiệm sống này, các nhà hoạt động công lý và hòa bình cố gắng giúp xã hội và Giáo hội Công giáo hiểu rõ vấn đề trầm trọng của sự biến đổi khí hậu và những hậu quả tồi tệ của nó. Chúng ta ủng hộ những hình thức phát triển kinh tế mà chúng tôn trọng phẩm giá sự sống của mọi loài. Chúng ta nhận biết thế giới tự nhiên qua mối tương quan tự nhiên và tái sinh tự nhiên có thể dạy chúng ta cách sống vững vàng. Chúng ta có thể cùng với những người có truyền thống niềm tin khác trong sự đối thoại chân chính, tôn trọng lẫn nhau và chứng tá ngôn sứ, nhận biết rằng sự biến dổi khí hậu có tầm ảnh hưởng xấu cho toàn thể thế giới. Trong xã hội, chúng ta được mời gọi sử dụng các nguồn năng lượng trao phó cho chúng ta để bảo vệ sự sống của thế giới. Sự lựa chọn người nghèo và bảo vệ tạo thành mời gọi chúng ta sống ý thức trong mối tương quan với các cộng đồng và thế giới tự nhiên đang bị tổn thương.
Thông điệp “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung”, chúng ta đang đọc là một thông điệp rất tuyệt vời về môi sinh. Đây là một giáo huấn của Giáo Hội về xã hội rất hay. Nhưng thông điệp hoặc giáo huấn này chỉ thật sự tuyệt vời hoặc hay, chỉ đầy đủ hơn và thích hợp hơn khi nội dung của thông điệp được áp dụng vào môi trường thực tế, bảo vệ môi sinh để bảo vệ sự sống của mọi người và cách riêng bảo vệ những người nghèo. Nếu thông điệp này được áp dụng thiết thực vào việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ sự sống và người nghèo thì nó thật sự là một thông điệp phúc âm hóa. Như thế, việc phúc âm hóa sẽ trở nên hiện thực nơi mỗi Kitô hữu và cộng đồng Kitô giáo.
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
Nguồn: ubclhb.com (01.9.2022)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn