03/04/2022
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM C
Ga 8, 1-11
XÉT MÌNH TRƯỚC KHI KẾT ÁN
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,7)
Suy niệm: “Ta giống nhau về việc sai lỗi, nhưng không bao giờ giống nhau về sự chấp nhận” (Nhà văn Mỹ A. Liccione). Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã cầm đá trong tay, sẵn sàng ném vào người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thế nhưng, chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng của Đức Giê-su, họ lại từ từ bỏ các hòn đá lớn nhỏ xuống, rồi già trẻ lặng lẽ rút lui. Lúc đầu, họ hăng hái kết án người khác, vì không thấy lỗi lầm của mình. Chỉ khi Ngài bắt buộc họ phải đối diện với cõi lòng, chợt nhận ra bao tội tà dâm không bị bắt quả tang, lắm ước muốn thầm kín trái luân thường đạo lý. Rút lui, không lên án người khác, là họ chấp nhận mình không phải là kẻ vô tội. Họ vẫn còn đủ liêm sỉ để không lên án người chị em của mình.
Mời Bạn: “Đừng dùng lời nói để phê phán, lên án, hay phàn nàn; nhưng để nhận thức đúng, gợi hứng và tạo ra năng lực cho người khác” (Nhà văn D. Mridha). Mỗi ngày bạn “ném đá” người khác không biết bao lần, vì quên nhìn và chấp nhận các sai lỗi của mình. Nhớ Lời Chúa dạy, bạn soi, xét mình kỹ lưỡng trước khi đưa ra lời nhận định. Tích cực hơn, bạn tập thói quen sử dụng miệng lưỡi để nói lên lời khích lệ, nâng đỡ người chung quanh.
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn lại mình, đối diện với những lầm lỗi của mình, trước khi bị cám dỗ xét đoán, lên án người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm phục thái độ bình thản trước đối thủ và nhân từ với tội nhân của Chúa. Xin cho con có được sự bình thản khi thẳng thắn xét mình, cũng như nhân từ khi đối xử với người anh em. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin Chúa minh xét cho tôi xin bênh vực quyền lợi tôi đối nghịch với dân vô đạo; xin cứu tôi khỏi tay người độc ác điêu gian, vì Chúa là Thiên Chúa tôi và là sức mạnh tôi.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh Chị em thân mến! Mùa chay, mùa của sám hối và trở về. Tuy nhiên, để việc sám hối của chúng ta thực sự có hiệu quả, chúng ta cần nhận ra con người thật của mình, và Chúa của mình là Đấng nào. Chính vì thế, ngay Chúa Nhật đầu mùa chay, Hội Thánh đã mời gọi chúng ta tuyên xưng lại niềm tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất.
Bước sang Chúa Nhật II Lời Chúa nhắc bảo chúng ta đặt trọn niềm tin của mình vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III, kêu mời chúng ta thật lòng sám hối trở về với Thiên Chúa, bởi lẽ Ngài là người Cha nhân hậu đang chờ đợi chúng ta trở về như chúng ta đã cùng nhau suy niệm trong Chúa Nhật IV vừa qua.
Và trong Chúa Nhật hôm nay, có thể coi như Chúa Nhật cuối cùng của mùa chay, Lời Chúa một lần nữa mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình, thật lòng thống hối để xứng đáng nhận ra ơn tha thứ của Thiên Chúa. Quyết tâm ấy, chúng ta hãy thực hiện trong giây phút thống hối này.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại, Ðức Giêsu Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình; xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết noi gương Người tận tình yêu thương mọi anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 43, 16-21
“Ðây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa là Ðấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Ðấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Ðây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc II: Pl 3, 8-14
“Vì Ðức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Ðức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Ðức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.
Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Ðức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
Phúc Âm: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một thái độ độc đáo của chính Chúa Giêsu đối với một tội nhân (một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình): Rõ ràng là Chúa hằng muốn tha thứ và cứu độ, chớ không muôn kết án. Chúng ta hãy phấn khởi nguyện xin:
1. “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa ”.- Xin cho các vị Chủ chăn sống trọn vẹn sứ mệnh cứu thế của mình, để với tâm tình yêu thương, quảng đại, nhẫn nại và khoan dung của Chúa Giêsu, các Ngài là lời mời gọi tội nhân can đảm trở về với Chúa.
2. “Vì Đức Kitô tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự”.- Xin cho các Kitô hữu biết lợi dụng những đau khổ, để họ biết chấp nhận mọi nghịch cảnh trong tinh thần khiêm hạ và hoàn toàn tín thác vào Chúa.
3. “Còn lại một mình Chúa Giêsu với người phụ nữ vẫn đứng đó”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta tìm được những giây phút chỉ sống với Chúa, để nhận ra tình thương Chúa mà can đảm trở về sống xứng đáng với tình thương tha thứ của Chúa.
4. “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.- Xin cho các dự tòng sắp lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, được một tình mến nồng nàn, sẵn sàng từ bỏ nếp sống cũ, để cùng với Chúa, họ sẽ trở nên những Kitô hữu xứng đáng của Chúa Phục Sinh.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức sự bất toàn của bản thân, tích cực cộng tác với ơn Chúa, xa tránh dịp tội, tập luyện tinh thần yêu thương và tế nhị của Chúa đối với những sơ xuất, khuyết điểm của tha nhân, hầu có thể giúp nhau chấp nhận mọi thua thiệt để chỉ tìm một Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con là con cái Chúa được thấm nhuần đạo lý đức tin; giờ đây, xin cũng thương nhận lời chúng con khẩn nguyện và dùng lễ tế này thanh tẩy tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời kinh tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã muốn chúng con dùng việc hãm mình mà tạ ơn Chúa, để nhờ đó, chúng con là những người tội lỗi, giảm bớt được tính kiêu căng, và khi giúp nuôi dưỡng những kẻ túng thiếu, chúng con trở nên những người biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa.
Vì thế, cùng với vô số thiên thần, chúng con đồng thanh tôn vinh Chúa mà ca tụng rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!...
Ca hiệp lễ
Thật Thày bảo thật các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa được phúc kết hợp với Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những chi thể sống động của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
Lòng thương xót của Chúa.
Người Do Thái là những kẻ xác tín rằng con người chỉ có thể được coi là công chính nếu tuân giữ trọn vẹn luật Maisen. Thực ra, nếu họ là những người sống công chính theo lề luật, thì điều đó tự nó không phải là một chuyện xấu, mà còn tốt nữa là đàng khác. Nhưng cái làm cho họ trở thành những kẻ xấu và thậm chí có thể là những kẻ ác, đó là vì họ vênh vang tự đắc về cái thành tích giữ luật của mình, và nhất là tự biến mình thành những “cảnh sát” của đạo, những loại chó săn, chuyên môn đi rình mò, đánh hơi để tố cáo những người phạm luật. Và họ không ngại nhân danh lề luật, nhân danh lòng nhiệt thành bảo vệ luật pháp mà lên án và ném đá những kẻ lỗi luật.
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình hôm nay thật là tiêu biểu cho cái thái độ đạo đức giả của những tín đồ Do Thái cuồng tín và cái ác ý của họ. Thực ra ở đây họ không chỉ nhằm tố cáo những phụ nữ yếu đuối đáng thương, nhưng chủ yếu là giăng trước mặt Chúa Giêsu một cạm bẫy: Họ tố cáo người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy bắt lỗi chính Chúa Giêsu và như vậy để có bằng chứng tố cáo Ngài.
Chúng ta biết rằng luật Maisen truyền ném đá giết chết những kẻ ngoại tình. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, thì quyền xử tử đã bị tước khỏi người Do thái, vì chỉ có tổng trấn Rôma, đại diện hoàng đế tại Giêrusalem mới có quyền ấy. Vậy nếu Chúa Giêsu tuyên bố là phải ném đá người phụ nữ, thì họ sẽ đi tố cáo với quan tổng trấn là Ngài đã phạm pháp. Còn nếu như Ngài tuyên bố là tha bổng thì điều đó có nghĩa là Ngài không tôn trọng luật Maisen.
Chúa Giêsu đã phá vỡ cạm bẫy của họ bằng cách giăng trước mặt họ một cạm bẫy tinh vi hơn nhiều. Ngài bảo họ: Ai trong các ông vô tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Thế là “dĩ đào vi thượng sách”, bọn biệt phái liền đánh bài chuồn. Tác giả Kinh Thánh đã hóm hỉnh ghi lại một chi tiết: Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Sở dĩ như thế là vì câu thách thức của Chúa Giêsu khiến cho mỗi kẻ trong bọn họ phải ngó lại chính lương tri của mình và khám phá ra rằng: mình càng già thì càng lắm tội.
Lời nói của Chúa Giêsu là ánh sáng chân lý vạch trần sự đạo đức giả của họ. Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Như thế toà án nhân dân bỗng trở nên vắng lặng, chỉ còn lại có tội nhân được dùng như con mồi, như cái bẫy, và Chúa Giêsu mà bọn biệt phái muốn gài bẫy để đưa ra trước vành móng ngựa. Toà án chỉ còn lại một phạm nhân và một người cũng đang bị kẻ khác muốn luận tội, hay nói cách khác, đối với bọn biệt phái thì cả hai đều là những kẻ có tội đứng trước luật pháp của Maisen. Phiên toà kết thúc một cách nhẹ nhàng với lời lẽ đầy từ bi của Chúa Giêsu: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa.
Có người nói Chúa Giêsu đã giải tội mà quên cả việc đền tội, quên cả công thức giải tội. Thái độ của Chúa Giêsu thật khoan dung độ lượng với người tội lỗi, còn chúng ta thì sao, chúng ta đối xử như thế nào đối với những kẻ tội lỗi?
Normal
0
false
false
false
EN-US
X-NONE
X-NONE
/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:"Table Normal";
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-parent:"";
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:6.0pt;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:6.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
text-align:justify;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:14.0pt;
font-family:"Times New Roman","serif";}
Chúa nhật 5C Mùa Chay 2001
(Gn. 8:1-11) – Lm Lã Mộng Thường
Bài Phúc Âm vừa được công bố đại ý nói về sự thể một người đàn bà bị bắt quả tang về tội ngoại tình. Những vị luật sĩ và biệt phái dẫn người đàn bà đến nơi Đức Giêsu đang giảng dạy thử xem Ngài giải quyết cách nào với mục đích kiếm cớ buộc tội Ngài. Đọc Phúc Âm chúng ta biết rõ, những điều Đức Giêsu giảng dạy không những chống nghịch lại quan niệm của những người đồng thời bấy giờ mà còn lên án những lề luật của người Do Thái.
Chẳng hạn câu chuyện người Samaritanô tốt lành ngụ ý cho rằng luật nhơ uế đã ngăn cản con người thực hiện những chuyện tốt lành nên và cần được thực hiện mà cũng chỉ vì đó là luật lại trở thành nguyên nhân làm hại con người. Nơi trường hợp tục lệ rửa tay trước khi ăn cũng như nghi thức rảy nước thanh tẩy thực phẩm khi đã mua đem về nhà… Đức Giêsu nêu lên chính những suy tưởng và ý định làm con người nhơ uế khiến những người tuân giữ và bảo vệ những lề luật này bối rối. Tất nhiên, bất cứ sự kiện nào hay là lời nói dẫu tốt lành đến đâu nếu không thuận chiều hoặc chống nghịch lại đường hướng của một tổ chức thì cũng chỉ làm cho những người thuộc về tổ chức đó tức giận.
Đàng khác, kinh nghiệm sống chứng minh, niềm vui của người thức ngộ là cớ cho người ngu bực mình thì sự thể vui thú của kẻ ngu khiến những bậc thức giả xót thương. Phúc Âm đặt Đức Giêsu vào vị thế tiến thoái lưỡng nan. Nói rằng họ đã có luật thì cứ theo luật mà giải quyết, Đức Giêsu tất nhiên rơi vào bẫy kết án con người theo quan niệm thế tục. Nói rằng không biết cách nào giải quyết hoặc đó là trường hợp cá nhân thì Ngài rơi vào trường hợp trên đe, dưới búa; răng cắn phải lưỡi như khá nhiều bậc ông bà, cha mẹ nơi xã hội này. Suy gẫm sự thể cuộc đời liên hệ đến trường hợp Phúc Âm nêu lên, tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống. Dân Chúa xưa nay không khác gì bị rơi vào cảnh “Trói lại mà đánh khen hay chịu đòn”. Nào luật đời, luật đạo, luân lý xã hội, danh dự, tiếng tăm, những cảnh bất thường nơi cuộc sống liên tục dồn ép, đẩy đưa con người rơi vào những ngõ hẹp cuộc đời không phương xoay xở. Khổ một điều, chúng ta đã không để ý đến sự nhận thức mà luôn sẵn lòng làm tôi mọi cho ý thích, muốn sự việc xảy đến theo lề lối suy luận hay danh vọng tùy thuộc quan niệm cá nhân nên càng gặp nhiều giai đoạn trớ trêu. Những vị nào có con có cháu lỡ vội đắm mình chiều theo tiếng gọi bồng bột nơi bể yêu đương bất chấp danh dự gia đình, luân lý xã hội, hoặc tiếng đời, hay luật đạo, chắc chắn không ít thời nhiều đều mang nỗi tổn thương tâm tưởng. Đôi khi có nhiều trường hợp thấy cần phải lên tiếng vì lợi ích cho cộng đồng hoặc đỡ được phần nào phiền hà cho người đồng thời chung quanh mình, chúng ta đành nén lòng im lặng bởi há miệng mắc quai. Lắm lúc vì lòng chân thành nêu lên đôi ý kiến thì lại bị người ta không những đàm tiếu mà đôi khi bị nhiếc móc… nhất là thời đại bây giờ, nào phôn nhà, phôn tay, xi bi, VSF, email e nấm, ra rả đồn thổi cho hợp với câu, “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”. Chẳng những thế, người biết chuyện thì ít, kẻ đồn thổi thêm mắm thêm muối lại nhiều. Quả thật, không cực hình nào có thể gớm ghê hơn! Chúng ta đang sống nơi hỏa ngục được kiến tạo bởi muôn ngàn thứ lề luật trói buộc nên dù muốn tránh trời cũng không khỏi bị nắng. Nhận được thực tại khốn khổ nơi cuộc đời như thế, chúng ta thấy Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu trả lời quả là khôn ngoan, “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Phúc Âm viết tiếp, “Nghe nói thế họ rút lui từng người một” chỉ còn lại mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ đứng đó. Nơi văn chương bình dân của chúng ta có câu, “Chân mình thì lấm bết bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người” rất đúng nơi trường hợp này. Càng những người ưa bới móc, xoi mói những chuyện không ra gì của người khác lại càng chất chứa nhiều sự thể chẳng nên. Suy nghĩ ngược lại, thái độ “vạch lá tìm sâu” là phương tiện công bố rõ ràng và hùng hồn nhất rằng mình là người chẳng ra gì. Để ý suy nghiệm, chúng ta sẽ nhận thấy câu trả lời quá ư thâm trầm, khôn ngoan và thánh thiện của Đức Giêsu đối với người thiếu phụ, “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Dĩ nhiên, người nào dẫu lỗi lầm đến mấy, ngưng không thực hiện những điều chẳng nên nữa thì đã bắt đầu bước vào con đường tốt lành, thánh thiện. Chúng ta đang sống trong trạng thái đó mà ít người dám để tâm nhận biết. Chỉ có một nguyên tắc căn bản để nhận ra lỗi lầm của mình đó là khi nào mình cho rằng người khác không ra gì, chắc chắn mình đã chẳng tốt lành chi. Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa chia sẻ sự hiện hữu của Ngài và Chúa là cội nguồn, là căn bản, là trung tâm phát xuất mọi sự hiện hữu. Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện thế nên sự hiện hữu của từng người chúng ta là chính sự thánh thiện phát xuất từ Chúa mà ra. Chúng ta cần nhận thức rõ thực thể thánh thiện này nơi mỗi người. Tôi muốn nhắc lại, mỗi người chúng ta đều là sự hiện thể của sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi thế giới hữu hình. Chúng ta chất chứa sự thánh thiện của Chúa, và sự thánh thiện của Ngài tràn ngập nơi mỗi người từng giây từng phút mà chúng ta không để tâm nhận biết.
Như vậy, tội lỗi chính là những gì làm nhơ bẩn sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi mỗi người. Tội lỗi ngăn cản con người nhận ra sự thánh thiện của Chúa nơi mình. Thế nên, xin quý ông bà, anh chị em từ nay để tâm nhận biết sự thánh thiện nơi mình. Nhận biết sự thánh thiện nơi mình tất nhiên chúng ta sẽ nhận biết sự thánh thiện nơi những người khác. Amen.
BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY C
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Ga 8, 1-11
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
Suy niệm
Khi những ngày cuối của mùa Chay đang dần trôi qua, cũng là lúc Mẹ Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt Thiên Chúa với những hình ảnh đầy tình yêu thương.
Lời mời gọi trở về của mùa chay đưa chúng ta đi vào hoang địa để thấy sự yếu đuối của con người đó là luôn đối diện với những cám dỗ thực tiễn trong cuộc sống, từ cơm áo gạo tiền, cho đến quyền lực và niềm tin vào một Thiên Chúa như thế nào mới là tinh ròng. Cũng từ đó, mỗi người được mời gọi lên núi Tabor với các môn đệ, cùng chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa và vẻ sáng láng của Nước Trời, đó là phần thưởng cho người sám hối và trở về. Sự sám hối và trở về đó phải là một cố gắng tích cực, một sự cố gắng để sinh hoa trái, chứ không chỉ dừng lại có sức sống, có màu xanh niềm vui nhưng không cho trái ngọt của niềm tin và lòng bao dung, nếu không thực hiện được vậy, sẽ bị đốn bỏ như cây vả trong vườn nho. Sám hối và trở về là những nỗ lực của con người, chính thái độ đó, giúp con người nhận ra thân phận mình chỉ là một đứa con phung phá, một đứa con dám coi cha mình như đã chết khi đòi chia gia tài, dám gạt bỏ những truyền thống gia đình và mọi tương quan, để ra đi trở thành một người tự do, một người không cần đến gia đình. Quả đó là một lối sống của chủ thuyết nhân bản vô thần, hoặc tôi hiện hữu, thì Thiên Chúa phải bị loại bỏ, hoặc Thiên Chúa tồn tại, thì tôi sẽ ra đi. Bên cạnh đó, hình ảnh người cha được trình bày như là một người phung phí tình yêu thương. Ông đã cho con tất cả, đã quên đi tất cả lỗi lầm của con cái, dù đó là đứa con bỏ nhà hay đứa con coi ông là một ông chủ chứ không phải là một người cha. Quả đó là một hình ảnh tuyệt vời của người cha, và đó cũng là một góc nhìn về Thiên Chúa trong tương quan Thiên Chúa và con người.
Bước vào tuần lễ thứ 5, chúng ta được giới thiệu một góc nhìn mới về Thiên Chúa qua câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Đám đông giận dữ vì một người phụ nữ phạm luật tiền nhân. Cô sẽ bị xử tử, bị ném đá, nhưng họ còn muốn ném đá luôn cả Đức Giêsu khi thấy Ngài nói phạm thượng về Chúa Cha, xúc phạm đền thờ và vi phạm luật của tiền nhân. Họ đã dẫn người phụ nữ đó đến trước mặt Đức Giêsu và đề nghị Ngài lên tiếng. Theo ý họ, họ sẽ ném đá chị ta, sẽ đóng cánh cửa cuối cùng của cuộc đời chị ta, làm cho cuộc đời của chị kết thúc trong buồn tủi, đau thương. Ngược lại với đám đông, Đức Giêsu im lặng, không lên tiếng và không kết án chị ta. Ngài đề nghị ai sạch tội hãy ném đá người đó trước. Một lời đề nghị nhẹ nhàng nhưng lay động nhiều tâm hồn, đánh thức nhiều lương tâm chai đá, và làm đổ vỡ bức tường tự mãn của đám đông đang dựng lên để kết án người tội lỗi. Đức Giêsu đã mở ra cho chị ta một cánh cửa của niềm hy vọng, cho tương lai thêm sức sống. Thay vì kết án chị ta, Ngài đã tha thứ và đề nghị chị đừng tái phạm, Ngài không muốn chị ta đi vào ngõ cụt của cuộc đời, không muốn chị ta bị ràng buộc trong sự mặc cảm của bản thân. Ngài đề nghị chị ta nên can đảm tiến về tương lai trong sự tự do của một con người được tha thứ.
Khuôn mặt mới của Thiên Chúa được khắc họa qua câu chuyện này đó là Ngài không bao giờ đóng cánh cửa tương lai của con người, đặc biệt là các tội nhân. Ngài mong họ nhận ra điều đó để cố gắng vươn lên, thoát khỏi hố sâu của tội lỗi, của mặc cảm và của dư luận. Thiên Chúa là vậy, luôn yêu thương và tìm đủ mọi cách thế để giải thoát con người, đưa con người vào một tương quan mới giữa Ngài với họ. Thế nhưng, lắm lúc Thiên Chúa đã tha thứ cho con người, nhưng chính con người lại chưa thể tha thứ cho nhau và tha thứ cho chính mình. Biết bao nhiêu người đã được tha thứ nhiều tội lớn trong cuộc đời, nhưng khi trở về cuộc sống, họ luôn day dứt với những tội lỗi đó, luôn trăn trở với những hậu quả do tội đó gây ra cho mình và cho tha nhân. Đó có phải là lúc con người chưa thực sự tin vào tình thương của Thiên Chúa, chưa thực sự tin vào ơn tha thứ của Ngài, bí tích Hòa giải là nơi Thiên Chúa thi thố tình thương và ơn tha thứ của Ngài cho con người, Ngài mở cho họ cánh cửa hướng về tương lai, thêm niềm hy vọng và có một niềm vui mới, nhưng con người cứ hướng về quá khứ, chứ không can đảm để quên đi tất cả, hướng về tương lai để sống niềm tin của mình thật xác tín và ngập tràn trong tình thương và ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã bộc bạch cuộc đời của ngài cho con cái thành Philliphê khi nói về quá khứ đầy thăng trầm. Ngài mời gọi con cái của ngài hãy tạm quên quá khứ của mình, tạm quên đi những lầm lỗi, những thiếu sót cứ dằn vặt tâm hồn, làm ray rứt lương tâm, để hướng về phía trước trong niềm hy vọng và hạnh phúc, đó là những gì người tín hữu cần ý thức và cố gắng. Cuộc đời của thánh nhân là những chuỗi ngày huy hoàng trong vai trò của một biệt phái nhiệt thành, với những thành tích bắt bớ Kitô hữu, thánh nhân đã được ơn trở lại và từ đó, ngài đã ao ước được biết Đức Kitô, Đấng đã gọi ngài và cho ngài một tương lai đầy hy vọng và hạnh phúc. Với kinh nghiệm đó, thánh nhân muốn mời chúng ta cùng ngài hướng về một tương lai của tự do trong Thiên Chúa, để sống, để làm việc và để làm chứng.
Đã bao lần chúng ta lãnh nhận ơn tha thứ từ tòa cáo giải, chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt mới của Thiên Chúa là đấng luôn mong muốn con người mỗi ngày gần gũi Ngài hơn, không còn bị ràng buộc bởi tội lỗi và sự mặc cảm của tội. Mỗi người, trong ơn gọi của mình, chúng ta thực sự khát khao để được sống trong sự hy vọng và tự do của Thiên Chúa hay chấp nhận an phận trong vùng trũng của tội lỗi. Thiên Chúa đã đưa tay ra với mong ước kéo con người lên, điều Ngài chờ đợi nơi chúng ta là hãy chỗi dậy, trở về và cùng Ngài đi vào cõi vinh quang và hy vọng.
Lạy Chúa, đã bao lần con vấp ngã, đã bao lần con bội phản, và đã bao lần con cố gắng trở về xin tha thứ qua bí tích hòa giải, rồi con đã được Chúa thứ tha, vậy mà con cứ mặc cảm và tự ti, chưa dám mạnh dạn lên đường với Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con, biết xóa bỏ những mặc cảm tội lỗi, can đảm tha thứ cho chính mình, để cùng với Chúa lên đồi Can-vê, nơi đó, con được Ngài ôm trọn trong vòng tay yêu thương của Ngài. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn