TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 22/01/2022 17:01 |   1439
“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3, 29)

24/01/2022
THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Thánh Phanxicô Salêsiô, Giám mục, tiến sĩ

 

t2 t3TN

Mc 3, 22-30

TỘI KHÔNG ĐƯỢC THA

Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3, 29)

Suy niệm: Trong các lớp giáo lý — dành cho thiếu nhi cũng như người lớn — khi nhắc đến tội phạm đến Thánh Thần, là thứ tội không được tha, ai cũng thường thắc mắc không biết tội ấy là tội gì, biết để mà tránh sợ ‘mất linh hồn đời đời’, cứ nghĩ rằng chắc là tội ‘to lắm’ đến nỗi không bao giờ được tha. Thật ra, người đã sợ mắc tội-không-được-tha này thì rõ ràng người ấy chưa bao giờ phạm tội đó. Bởi vì nếu một người phạm tội mà xin Chúa tha thứ thì không bao giờ Ngài từ chối. Chỉ những ai từ chối sự tha thứ, không chịu sám hối thì mới không thể được tha: Họ không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì họ không muốn được tha; họ từ chối sự tha thứ là vì đã từ chối sự thật, không nhìn nhận thực trạng tội lỗi của mình, nói cách khác, không nhìn nhận Đức Kitô là chính Đấng Cứu độ (Cv 16,30-31).

Mời Bạn: Khái niệm về tội xem ra ngày càng bị lu mờ, sai lệch vì thế mà nhiều khi phạm tội mà cứ viện đủ lý do để cho rằng mình không có tội gì phải sám hối. Thiên Chúa được định nghĩa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài luôn tha thứ hết mọi tội con người phạm nếu người ấy có lòng sám hối. Nhận ra mình là người có tội xúc phạm đến Chúa và tha nhân là điều kiện tiên quyết để được hưởng ơn Chúa tha tội.

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày để nhận ra tội lỗi của mình và xin ơn sám hối.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa đã đến thế gian để gánh lấy tội con. Xin cho con biết mình là tội nhân để luôn trông cậy vào lượng từ bi của Chúa và sống bao dung với anh chị em. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phanxicô Salêsiô, Giám mục, tiến sĩ

Ca nhập lễ

Chúa đã cho người lên tiếng ở giữa giáo đoàn. Và ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan và minh mẫn; Chúa mặc cho người áo vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Phan-xi-cô đờ Xan, giám mục, biết trở nên tất cả để hòa mình với mọi người hầu muôn dân được ơn cứu độ. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại biết hết lòng phục vụ anh em, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc 

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ cứu độ chúng con dâng; vì của lễ này, xin lấy lửa yêu mến của Thánh Thần đốt nóng tâm hồn chúng con, như xưa Chúa đã dùng ngọn lửa ấy thiêu đốt tâm hồn rất hiền hậu của Thánh Phan-xi-cô. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ bí tích chúng con vừa lãnh nhận, xin cho chúng con ở đời này sống hiền lành và bác ái như Thánh Phan-xi-cô, để mai sau được hưởng vinh quang trên trời. Chúng con cầu xin…

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 15. 24-28

“Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người”.

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.

Ðáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng:Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

Xướng: Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua.

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 5, 1-7. 10

“Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel”. Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel. Khi Ðavít lên làm vua, ngài được ba mươi tuổi, và cai trị được bốn mươi năm. Tại Hebron, ngài cai trị Giuđa được bảy năm rưỡi. Còn tại Giêrusalem, ngài cai trị toàn cõi Israel và Giuđa được ba mươi ba năm.

Nhà vua và tất cả quân sĩ theo ngài kéo đến Giêrusalem, đánh đuổi dân cư Giêbusê. Người ta nói với Ðavít rằng: “Ông đừng vào đây, bằng không những người mù què sẽ đánh đuổi ông”. Như thế có nghĩa là: “Ðavít sẽ không vào được nơi này”. Nhưng Ðavít đã chiếm đóng đồn Sion làm kinh thành của Ðavít.

Và Ðavít vào thành, càng ngày càng trở nên cường thịnh, và Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phù hộ nhà vua.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 20. 21-22. 25-26

Ðáp: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người

Xướng: Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. Xướng: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người.

Xướng: Thành tín và ân sủng của Ta hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Ta đặt tay người trên mặt biển, và tay hữu người, Ta đặt lên sông ngòi.  

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 3, 22-30

“Satan phải diệt vong”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng: “Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”. Ðó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TÍN THÁC VÀO CHÚA
Huệ Minh 

Trang Tin Mừng hôm nay thuộc phân khúc Mầu Nhiệm Đấng Mêsia mà trong đó, thánh sử Marcô giới thiệu phản ứng của các đối tượng trước những gì Đức Giêsu đã rao giảng và hành động: Dân chúng (1, 14 – 3,6) ngưỡng mộ, tìm nghe và xin Ngài chữa lành; thân nhân tưởng Ngài mất trí (3, 20 – 21); còn kinh sư và pharisêu lại bảo Ngài bị quỷ ám (3, 22). Những ngộ nhận này khiến Đức Giêsu phải minh giải (3, 23 – 30).

Tin mừng thuật lại hoạt động của Chúa Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Giêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, các kinh sư đã ngoan cố không theo sự thật, không nhìn nhận vai trò thiên sai của Chúa Giêsu, thậm chí còn mặc cho Ngài chiếc áo xấu xa của ma quỷ. Thành ra có thể nói, chính các kinh sư mới đang mang bộ mặt của ma quỷ, mới đang bị quỷ ám, mới đang dựa vào thế quỷ để chống lại Chúa Giêsu.

Đức Giêsu được sai đến trần gian để thiết lập Vương quốc của Nước Trời bằng cách đem Ánh Sáng xua tan tối tăm, đem Sự Sống diệt tiêu cái chết, đem Niềm Vui đẩy lui đau khổ, đem Linh Thánh thay cho lỗi tội, … Ngài thi hành sứ mạng bằng biển xót thương, bằng đường sự thật và bằng quyền năng tuyệt đối. Trước mặt Ngài, Xatan phải đành thua, dù có vẫy vùng mọi cách để phá rối kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Giêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.

Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu biểu lộ quyền năng qua việc trừ quỷ. Dân chúng hồ hởi, phấn khởi trước quyền phép của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn chữa lành cho họ nhiều bệnh tật khác nhau và giảng dạy cho họ nhiều điều. Rất nhiều người trong họ, nhờ được nghe giảng, chứng kiến những phép lạ, mà tin vào Chúa Giêsu.

Lẽ ra, những luật sĩ phải vui mừng vì trong dân tộc họ xuất hiện một con người vĩ đại, hoặc ít ra họ cũng vui mừng vì một số người trong dân tộc họ được chữa lành bệnh. Là những người lãnh đạo trong dân, họ phải chia sẻ niềm vui với dân của họ vì những ân ban mà dân của họ đã nhận được. Thế mà họ tỏ ra ganh tức và tìm đủ mọi cách hạ bệ Chúa Giêsu, thậm chí họ còn dùng những lời lẽ hết sức là mâu thuẫn để chống báng Ngài. Trong bài Tin mừng hôm nay, họ lấy cớ là Chúa Giêsu lấy quyền lực của tướng quỷ mà trừ quỷ. Đây quả là một lập luận hết sức ngớ ngẩn. Thái độ của họ xuất phát từ lòng ganh tỵ và trái tim thiếu lòng bao dung.

Trong đời thường, lẽ ra rước một điều may lành nào đó của tha nhân, đúng ra chúng ta phải vui mừng với họ. Tuy nhiên, vì lòng ganh tỵ, chúng ta thường tỏ ra khó chịu vì họ may mắn hơn chúng ta. Hoặc khi một người nào đó có khả năng hơn chúng ta, làm được những công việc xem ra thành công hơn chúng ta thì chúng ta cũng lại khó chịu và ganh ghét. Thậm chí cũng tìm đủ mọi cách mà hạ bệ họ. Khi còn phản ứng như thế, chứng tỏ lòng chúng ta còn chất chứa nhiều ganh tỵ, trái tim chúng ta chưa có đủ bao dung.

Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây