TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 21/10/2021 18:38 |   1149
“Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.” (Lc 13, 5)
23/10/2021

THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Capestranô, Linh mục

 

t7 t29 tnB

Lc 13, 1-9

 

CƠ HỘI ĐỂ SÁM HỐI

Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.” (Lc 13, 5)

Suy niệm: Gần đây báo chí tường thuật nhiều trường hợp cái chết “từ trên trời rơi xuống”, những chiếc “xe điên” bỗng dưng mất lái đâm thẳng vào nhà dân, gây thương tích, tử vong cho nhiều người. Dân gian dễ lấy quan niệm “ác giả ác báo” để qui kết những người bị nạn hoặc thậm chí cha ông họ đã ăn ở thất đức nên mới bị “quả báo nhãn tiền” như vậy. Lời Chúa hôm nay cũng thuật lại thái độ tương tự của người Do Thái đối với những người “chết oan” trong hai biến cố thời sự: Họ cho rằng hẳn là những người gặp nạn đó bị Chúa trừng phạt vì họ tội lỗi hơn những người khác. Chúa Giêsu bác bỏ lối lý giải kiểu “quét rác sang nhà hàng xóm” đó và mời gọi mỗi người phải coi những biến cố như vậy như một lời cảnh báo, một cơ hội để sám hối, vì “nếu không chịu sám hối thì cũng sẽ chết như vậy.”

Mời Bạn: Một nhà thơ đã nói: “Mỗi cái chết của một người khác là một tiếng chuông báo trước cho bạn biết về tương lai của chính mình”. Mọi biến cố xảy ra đều là những lời nhắc nhở chúng ta luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất đó bằng cách sống một đời sống tốt: Đó là luôn sống hết mình cho công việc mà bạn đang đảm trách trong giây phút hiện tại này.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút cuối ngày để kiểm điểm và sám hối vì những lỗi lầm và để quyết tâm sửa đổi.

Cầu nguyệnLạy Chúa, sám hối không phải là điều dễ dàng bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin Chúa giúp chúng con biết hoán cải thực sự để dám chấp nhận những cắt tỉa đớn đau và những hành động sửa lỗi cụ thể.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 1-11

“Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 7-16

“Ðức Kitô là đầu, nhờ Người mà toàn thân thể được lớn lên”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô,

Anh em thân mến, mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Vì thế có lời rằng: “Người lên nơi cao điệu tù nhân về, Người đã ban ân huệ cho mọi người”. Nói rằng “Người lên” nghĩa là gì nếu không phải là trước Người đã xuống những miền hạ tầng trái đất sao? Ðấng đã xuống cũng chính là Ðấng đã vượt lên trên mọi tầng trời, để làm viên mãn vạn vật.

Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin, và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm tuổi người của Ðức Kitô viên mãn, để chúng ta không còn là trẻ nhỏ bị lắc lư và lôi cuốn theo mọi chiều gió học thuyết, nghiêng theo sự lừa dối của người đời, và mưu mô xảo trá làm cho lạc lõng trong sự sai lầm.

Nhưng chúng ta hãy thực hiện chân lý theo đức ái, hãy tấn tới bằng mọi phương tiện trong Ðức Kitô là đầu. Do nơi Người mà toàn thân thể được hoà hợp với nhau, kết cấu với nhau bằng những dây liên lạc cung cấp sinh lực tuỳ theo phận sự của mỗi phần, làm cho thân thể lớn lên và tự xây dựng lấy mình trong đức mến.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít.

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

 Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

 Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

NẾU KHÔNG SÁM HỐI, SẼ CHẾT Y NHƯ VẬY! (Lc 13,1-9)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Đứng trước một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, hẳn chúng ta thấy có rất nhiều cách nghĩ từ những cái nhìn khác nhau.

Ví dụ như căn bệnh thế kỷ Sida chẳng hạn:

Có người thì dè bửu và cho rằng đây là do ăn chơi trác táng nên mới bị. Có người thì cho rằng do tội lỗi nên bị Chúa phạt. Lại có người rất cảm thông, luôn tìm cách nâng đỡ, đồng hành, hầu giúp cho người bệnh vượt qua đau khổ về tinh thần và thể xác. Hay ngang qua căn bệnh đó, cũng có những người nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa cảnh tỉnh nhân loại về sự kiêu ngạo…

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc những người Do thái khi chứng kiến cảnh những người Galilê bị Philatô giết, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh, hay như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Khi chứng kiến như thế, họ cho rằng những người này do tội lỗi ngập đầu nên bị Chúa phạt chết cách bất đắc kỳ tử như vậy.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học sám hối qua các sự kiện đó, vì: nếu không lo sám hối, cải tà quy chính thì họ cũng sẽ chết và bị hủy diệt y như vậy.

Trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi. Có khi sẵn sàng gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để lay tỉnh lương tâm của họ để họ cải tà quy chính mà được cứu độ. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa.

Tưởng cũng nên nói thêm:  mỗi khi chúng ta coi thường người khác, ấy là lúc chúng ta tự coi mình tốt lành, đạo đức hơn người ta. Nhưng thực ra, có thật thế hay không, hay chỉ là thói đạo đức giả như những người Pharisêu khi xưa?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em mình, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối, hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh chị em kia…

Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất; hay dụ ngôn người Cha nhân hậu; hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa trên chúng con. Đồng thời nhận ra sự kiên trì chờ đợi của Chúa khi mong mỏi chúng con sám hối trở về. Xin Chúa cũng cho chúng con luôn có cái nhìn cảm thông với anh chị em chúng con như Chúa đã từng cảm thông và yêu thương chúng con. Amen.
 

GÁN GHÉP VỘI VÀNG
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXIX TN – Lc 13,1-9)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Gán ghép nguyên lý nhân quả cách “vô tội vạ” là thói quen không tốt nhưng lại khá phổ biến trong dân gian. Hễ thấy một ai hay những ai đó bỗng nhiên gặp tai ương hay lâm cơn hoạn nạn thì rất dễ bị gán cho là “trời phạt”. Dĩ nhiên kéo theo luận suy là vì họ tội lỗi, gieo nghiệp xấu nên hứng lấy quả báo. Nhiều người ở thời Chúa Giêsu cũng vậy, khi thấy một số người Galilê bị quan Philatô đàn áp, giết chết cách tàn nhẫn và thấy một số người bỗng dưng bị tháp Silôê đổ xuống đè chết thì người ta đã vội nghĩ rằng họ bị trừng phạt vì tội lỗi của họ.

Chúa Giêsu đã chấn chỉnh và sửa sai việc áp dụng nguyên lý nhân quả cách hồ đồ và thiếu hiểu biết này. Sự dữ xảy ra thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh tật, đau khổ hay cái chết của một hay nhiều người có thể là do định luật tự nhiên, có thể là do hành vi độc ác của kẻ xấu, cũng có thể chính đương sự gây ra vì cuộc sống không lành mạnh của mình… Một kết quả có thể do một nguyên nhân mà cũng có thể do nhiều nguyên nhân dệt thành. Khi thấy sự dữ mà áp dụng nguyên lý nhân quả cách vội vàng, hồ đồ thì chúng ta không chỉ dễ sai lầm trong việc gán ghép tội lỗi cách bất công cho nạn nhân mà chính chúng ta cũng dễ lầm tưởng về tình trạng sống của mình. Mình không gặp nạn là mình còn lành, còn tốt hơn họ!

Trong cơn dịch bệnh côvid 19 đang hoành hành, chuyện xưa, gán ghép nhân quả hồ đồ, thiếu suy nghĩ nay lại đang tái diễn dưới nhiều hình thức. Nghe tin nơi này F0 tăng nhiều thì vội phỏng đoán lý do trong đó có việc thầm kết tội kẻ này người kia. Và ắt có tâm trạng thỏa lòng vì vùng mình chưa hoặc ít người bị nhiễm virus. Nghe tin xứ này, cha kia bị Chính quyền “quản lý” chặt, “bị làm việc” thì tín hữu giáo dân và thậm chí các đấng bậc cũng vội luận suy: “chắc là có lỗi, có tội gì đây rồi!” Sự thường khi luận suy vội vàng như thế luôn kèm theo thái độ hả hê vì mình còn tốt, còn khôn ngoan, cẩn trọng và nghiêm túc hơn nhiều.

Trước các sự dữ đang xảy ra cho tha nhân, thái độ tốt nhất theo lời Chúa Giêsu dạy là hãy xét mình, kiểm điểm bản thân để sám hối ăn năn. Vì sao phải ăn năn sám hối? Chắc chắn có đó nhiều sự dữ xảy ra là do lỗi tội của chúng ta cách trực tiếp hay gián tiếp. Nếu do tội của chúng ta cách trực tiếp gây ra thì dễ nhận diện. Tuy nhiên có nhiều sự dữ mà tha nhân gánh chịu là do chúng ta thiếu sự liên đới. Đây là thứ tội chúng ta thường xuyên thú nhận trước khi dâng Thánh Lễ đó là tội thiếu sót, nghĩa là xao lãng, bỏ qua những việc phải làm đáng làm, nên làm trong khả năng và hoàn cảnh của mình (in what I have failed to do). Vì nếu mình biết sống tình liên đới và can đảm thực hiện điều phải làm thì hẳn sự dữ đã không ra hoặc nếu xảy ra thì hậu quả không đến nỗi tồi tệ, xấu xa như thế.

Một sự dữ đang xảy ra đó là tình cảnh khốn khổ của rất nhiều người, không chỉ là những người nhiễm bệnh Côvid 19 mà rất, rất nhiều người đang gánh bao tai ương do các kiểu cách chống dịch “quan liêu, chủ quan, duy ý chí”, thậm chí là thiếu khoa học, thiếu tình người. Nếu thành thật xét mình cách nghiêm túc, hẳn bạn và tôi, chúng ta phải đấm ngực ăn năn sám hối về nhiều thứ tội, nhất là tội thiếu sự liên đới, bỏ qua nhiều việc đáng ra phải làm. Dĩ nhiên hầu hết các việc đáng làm và phải làm luôn có đó cái giá phải trả.

Ăn năn tội bằng việc đấm ngực khóc lóc: dễ quá! Sám hối bằng việc ăn chay hãm mình: không quá khó. Nghe dụ ngôn cây vả không ra trái của Chúa Giêsu, hẳn chúng ta nhớ lại lời của thánh Gioan Tẩy giả: “Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Abraham”. Vì tôi nói cho các anh hay: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Mt 3,8-10).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây