TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ tư - 08/12/2021 17:54 |   1686
“Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ‘ông ta bị quỉ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo ‘đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.” (Mt 11,18-19)

10/12/2021
THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG
Đức Mẹ Loreto

 

t6 t02MV C

Mt 11, 16-19

CÓ QUẢ TIM THÔNG CẢM

Đức Giêsu nói: “Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ‘ông ta bị quỉ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo ‘đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.” (Mt 11,18-19)

Suy niệm: Ngày nay, ba căn bệnh đáng sợ là HIV-AIDS, ung thư và tim mạch. Về phương diện tinh thần, có một căn bệnh đáng sợ không kém là bệnh “đeo kính đen” khi nhìn người khác. Đó là chứng bệnh nhìn người khác với một màu đen, lúc nào cũng nhìn thấy người khác sai lỗi, còn mình lúc nào cũng đúng. Triệu chứng của căn bệnh nan y này là hễ ai làm gì khác với ý kiến, quan điểm, sở thích của tôi thì tôi quả quyết rằng chắc chắn họ sai lầm. Đức Giêsu chẩn bệnh và nói cho giới lãnh đạo Do Thái biết họ đang mắc chứng bệnh ấy. Chỉ vì muốn bắt thiên hạ phải theo ý mình, nên họ lên án Gioan Tẩy Giả là quỷ ám, Đức Giêsu là “tay ăn nhậu, bạn bè với người tội lỗi”.

Mời Bạn: Có một cái nhìn bao dung hơn với người lân cận, chấp nhận những khác biệt trong quan điểm, sở thích, phương cách hành động… Bạn đừng phê phán, chỉ trích anh em, chỉ vì họ khác với bạn.

Chia sẻ: Tôi có thường chỉ trích người khác vì họ có những khác biệt với tôi không? Tôi sẽ làm gì để sửa đổi?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Vọng này, tôi sẽ tập sự sẵn sàng, vui với người vui, chia sẻ nỗi buồn với người đau khổ. Tập có một trái tim thông cảm.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, có những ngày chúng con không thể nào kính trọng kẻ khác được, vì ý kiến, sở thích, vì cái nhìn của người ấy. Lúc ấy, xin cho chúng con nhớ Lời Chúa: “Điều gì chúng con làm cho một kẻ bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta(Prier).

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA VỌNG

Ca nhập lễ

Đây Chúa sẽ vinh quang ngự đến, Người xuống viếng thăm, ban bình an cho dân Người, và cho họ hưởng phúc trường sinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin làm cho dân Chúa biết kiên trì tỉnh thức mà chờ đợi Con Chúa quang lâm. Ước gì chúng con biết hăm hở cầm đèn sáng trong tay ra đón Người như chính Người là Ðấng cứu độ chúng con đã phán dạy. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 48, 17-19

“Chớ gì ngươi lưu ý đến giới răn của Ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa là Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như cát và con cháu ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Này đây Ðức Vua là Thiên Chúa địa cầu sẽ đến. Chính Người sẽ cất ách tù đày của chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 16-19

“Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”

“Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: “Ông ta phải quỷ ám!” Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: “Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ và những lời chúng con khiêm tốn nài van. Thật chúng con chẳng có công trạng gì chỉ trông chờ lượng từ bi ban ơn trợ giúp. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ, là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được tham dự mầu nhiệm thánh, và Chúa đã lấy bánh bởi trời mà nuôi dưỡng chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương dạy dỗ để chúng con hằng khôn ngoan sáng suốt cân nhắc những thực tại trần gian và luôn thiết tha với những thực tại bền vững trên trời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

TẠI SAO…? (Mt 11,16-19)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Tin Mừng hôm nay tiếp diễn bài Tin Mừng hôm qua. Hôm qua, Đức Giêsu khen ngợi sự xuất hiện và vai trò cũng như sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả, thì hôm nay, Ngài khiển trách nặng nề đối với các vị lãnh đạo tôn giáo thời của Gioan. Tại sao vậy? Thưa vì Gioan đã kêu gọi dân chúng sám hối để đón chờ Đấng Cứu Tinh đến. Dân chúng thì tỏ lòng sám hối, xin chịu phép rửa thanh tẩy, còn những người lãnh đạo thì cứng lòng, ích kỷ và không chịu tin. Vì thế, Đức Giêsu đã mượn một trò chơi hát đối của trẻ em thời đó nhằm diễn tả về thế hệ này vì sự cố chấp, kém tin của họ:

Các trẻ em thường chia làm hai phe. Bên xướng bên đáp. Nếu bên xướng hát những điệu buồn hay đưa đám thì bên đáp phải khóc lóc, than vãn…còn nếu bên xướng hát lên những điệu nhạc vui, thì bên kia phải nhảy múa hân hoan…

Nếu đôi bên không hiểu ý nhau thì cuộc chơi mất vui. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào bọn trẻ cũng thành công trong trò chơi này, vì gặp phải những “đầu biếu” cố tình trọc ngoáy làm cho cuộc chơi mất vui. Vì vậy, bên chủ động bực tức nên mới nói: “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!”. Tệ hơn nữa là nhóm trẻ không chịu chơi đó lại còn trách móc đủ điều…

Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả cũng vậy. Lời mời gọi của ngài không được giới lãnh đạo đáp ứng, mà ngược lại, họ còn coi ông như là: người bị quỷ ám. Đức Giêsu cũng chung số phận với Gioan vì Ngài cũng đã từng bị họ lên án là người “mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”. 

Tin Mừng hôm nay được đọc trong bối cảnh của Mùa Vọng, hẳn sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy noi gương dân chúng thời Gioan khi xưa là: hãy hoán cải đời sống, ăn năn sám hối, trở về với Chúa trong phẩm giá người Kitô Hữu, để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh… Bên cạnh đó, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy thực thi tinh thần sám hối cách thiết thực hơn nữa chính là việc hy sinh, hãm mình, khổ chế, làm việc bác ái để nêu gương sáng cho hối nhân sám hối trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi của Gioan để ăn năn sám hối, canh tân đời sống, ngõ hầu tâm hồn chúng con được xứng đáng đón nhận chính Chúa Giáng Sinh hằng ngày trong tâm hồn mình qua việc đón nhận chính Mình và Máu Chúa. Amen.
 

NGUỒN GỐC CỦA SỰ KIÊU NGẠO ĐỘC TÔN: NẠN ĐỘC QUYỀN
 

tbd 081221a

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Mt 11,16-19) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Xưa lẫn nay, các hình thái kiêu ngạo độc tôn vẫn xuất hiện và tồn tại một thời gian khá dài. Chúng xuất hiện chủ yếu nơi hàng lãnh đạo. Ngoài xã hội thì chúng hiện diện nơi các loại hình xã hội toàn trị, chuyên chế. Trong các tập thể tôn giáo thì chúng dễ ngự trị lâu dài nơi các tôn giáo có tổ chức, cơ chế chặt chẽ. Một vài khẩu hiệu các nhà lãnh đạo độc tôn, kiêu ngạo thích dùng đó là “vạn vạn tuế, muôn năm, bất diệt, không thể sai lầm, thay trời hành đạo…”

Thực tiễn cho thấy một khi đã xuất hiện thì sự độc tôn cao ngạo của nhiều nhà lãnh đạo lại tồn tại với thời gian không ngắn. Trong nhiều lý do thì chúng ta cần chân nhận lý do chủ yếu này đó là nạn độc quyền. Khi quyền bính của mình lên hàng tuyệt đối mà không một ai, không một tập thể nào có thể cạnh tranh và không một cơ chế nào có thể kìm giữ thì những người nắm quyền tuyệt đối rất dễ rơi vào chước cám dỗ tự tôn.

Những lời nhận xét của Chúa Giêsu về giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ xem ra ở vào trường hợp này. Đế quốc Rôma đô hộ các nước bị trị bằng chính sách khôn khéo hơn các đế quốc Hy Lạp, Ba Tư,… trước đó. Họ không thẳng tay tiêu diệt tôn giáo các nước bị trị nhưng lại sử dụng các lãnh đạo tôn giáo nước bị trị làm công cụ hợp tác để cai trị dân chúng. Họ trao cho giới lãnh đạo tôn giáo nhiều quyền hành không chỉ trong các sinh hoạt tôn giáo mà cả nhiều lãnh vực ngoài xã hội. Họ cũng cho giới lãnh đạo tôn giáo có lực lượng chuyên chế riêng (quân đội) dĩ nhiên là dưới sự kiểm soát của họ. Khi có được quyền tối cao trong đạo và nhiều quyền khác ngoài xã hội thì người ta rất dễ cao ngạo, độc tôn. Một hình thái của sự độc tôn cao ngạo là không thể chấp nhận một ai đó, những ai đó khác mình mà được dân chúng mến mộ.

Chúa Giêsu đã nói rõ điều này: “Gioan đến, không ăn không uống (sống nhiệm nhặt), thì họ nói: “Ông ta bị quỷ ám! Con Người đến, ăn uống như thường, thì họ nói: “Đó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi.” (Mt 11,18-19a). Để bảo vệ sự độc tôn, các nhà lãnh đạo thường dùng sự độc quyền. Sự độc quyền tồn tại chủ yếu dựa vào bạo lực chuyên chế, và công cụ hỗ trợ đắc lực đó là nguồn thông tin đại chúng. Tin Mừng Phục Sinh cũng đã từng bị các binh lính nhận tiền hối lộ từ các Thượng tế, thông tin xuyên tạc mà thánh sử Matthêu ghi rằng nó tồn tại khá lâu dài (x.Mt 28,11-15).

Là con cái Chúa, chúng ta phải kiên trì sống đức ái và bền bỉ loan truyền chân lý, vì: “Sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình” (Mt 11,19b). Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chung tay loại bỏ dần các hình thái độc quyền. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mở ra Thượng Hội Đồng mời gọi đoàn dân Chúa “Đồng Nghị - Hiệp Hành”. Trong cuộc họp báo trên đường từ Athens về Rôma, ngày 06/12/2021, Ngài nói: “Tính đồng nghị là bản chất của Kitô giáo, bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi và là kết quả của tiếng nói chung của Giáo hội trên thế giới… về mặt con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân, trong khi đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là đoàn chiên của Người. Năng động tính giữa những khác biệt trong Giáo hội là tính đồng nghị: nghĩa là, lắng nghe nhau và đồng hành với nhau”. Thiết tưởng rằng việc biết lắng nghe nhau là tiền đề của việc đồng hành. Bề dưới biết lắng nghe bề trên xem ra không quá khó. Tại nhiều Giáo hội địa phương, trong đó có Việt Nam thì việc bề trên biết lắng nghe bề dưới quả là không dễ. Vấn đề trước tiên thật đơn giản đó là bề trên phải tạo điều kiện cho bề dưới biết “mở miệng” cách chân thành và thẳng thắn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây