TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Thứ ba - 30/03/2021 03:39 |   1533
“Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy… thà người đó đừng sinh ra thì hơn.” (Mt 26,23-24)

31/03/2021
THỨ tư tuần thánh



Mt 26,14-25

NHẬN DẠNG SỰ DỮ NƠI MÌNH

“Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy… thà người đó đừng sinh ra thì hơn.” (Mt 26,23-24)


Suy niệm: “Sự dữ hiện diện nơi con tim mỗi người, có thể âm ỉ trong cả cuộc đời; thế nhưng, hoàn cảnh có thể làm thức tỉnh sự dữ ấy hoạt động” (Nhà văn Mỹ N. Hawthorne). Trong cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su, ta thấy sự dữ hiện hình rõ nét nơi các thượng tế hay nơi một kẻ từng giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy mình. Với các thượng tế, giết chết Giê-su là giải pháp tốt nhất: không còn Giê-su, chẳng còn vấn đề nào cần phải giải quyết nữa! Với Giu-đa, phức tạp hơn, tiền bạc có thể làm mờ mắt ông, hay ông muốn đẩy Thầy mình vào thế phải tự vệ để khôi phục Vương quốc Ít-ra-en hùng mạnh ngày nào. Dù sao đi nữa, sự dữ ông làm cho Thầy không thể chấp nhận được!

Mời Bạn: “Ai cũng có con quỷ riêng của mình, và ta làm cho thế giới này thành hỏa ngục của ta” (Nhà văn O. Wilde). Tham lam, ham muốn, cầu an, chuộng an toàn bản thân, tự phụ, kiêu căng… luôn là con quỷ riêng của mỗi người. Bạn cần được giải thoát khỏi những con quỷ thầm lặng này, để có được tự do đích thực của người con cái Chúa trong Tuần Thánh và những ngày Phục Sinh sắp đến.

Sống Lời Chúa: Trước Thánh giá Chúa, tôi nhìn vào sự dữ nơi mình, sự dữ ấy đang ẩn mình dưới hình dáng, cung cách nào, để xin Chúa giúp trừ khử khỏi mình ngay hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sự dữ con người làm cho Chúa, Chúa biến thành thiện ích cho con người. Xin cho con dám can đảm nhận dạng rõ sự dữ đang hiện diện trong con, để xin Chúa ban ơn giúp con xua trừ, để con thành con người mới trong Chúa. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ tư tuần thánh

Ca nhập lễ

Khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quì gối xuống: Vì Chúa đã tự hạ mình vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá, vì thế Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để giải thoát chúng con khỏi quyền lực ác thần. Xin cho chúng con hưởng nhờ mọi ơn phúc bởi mầu nhiệm phục sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 50, 4-9a

“Tôi đã không che mặt tránh những người chửi mắng, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải thẹn thùng”.

(Bài ca thứ ba của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 21bcd-22. 31 và 33-34

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, đây là lúc biểu lộ tình thương

Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người con cùng một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.

Xướng: Con mong chờ người cảm thương, nhưng không có, mong chờ người an ủi, nhưng chẳng thấy đâu. Cơm con ăn, chúng pha mật đắng, con khát, thì chúng cho uống dấm chua.

Xướng: Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Ngài bị bắt cầm tù.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Kính lạy Vua chúng con, chỉ có Ngài là Ðấng thương hại đến những lỗi lầm của chúng con.

PHÚC ÂM: Mt 26, 14-25

“Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lay Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin đoái nhận của lễ chúng con dâng, để tưởng nhớ Ðức Giêsu đã chịu khổ hình. Xin cho chúng con biết đem lòng mến yêu tha thiết thông phần vào cuộc thương khó của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng thương khó II

Ca hiệp lễ

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn để tuyên xưng Ðức Giêsu đã chịu chết. Xin cho chúng con vững vàng tin tưởng rằng: Chúa đã ban sự sống muôn đời cho chúng con nhờ cuộc thương khó của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

“THƯA THẦY CÓ PHẢI CON KHÔNG?” (Mt 26, 14-25)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ…!

Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: “Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?” Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:

Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.

Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.

Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU

Bài Ðọc I: Is 61, 1-3a. 6a. 8b-9

"Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, và cho họ dầu hoan lạc".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương; báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân; công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, và ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta; an ủi mọi kẻ ưu phiền, đem cho các kẻ buồn phiền ở Sion triều thiên thay tro bụi, dầu vui mừng thay tang chế, áo hân hoan thay tâm hồn sầu muộn.

Còn các ngươi, các ngươi sẽ được gọi là tư tế của Chúa, là thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta. Ta sẽ trung thành thưởng công cho chúng, sẽ thiết lập với chúng một giao ước vĩnh cửu. Dòng dõi chúng sẽ được nổi danh giữa các dân tộc, miêu duệ chúng sẽ được biết đến giữa chư dân. Tất cả những ai thấy họ, đều nhận biết họ là dòng dõi được Chúa chúc phúc.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 21-22. 25 và 27

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Xướng:

1) Ta đã gặp Ðavit, tôi tớ của Ta, Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh Người.

2) Thành tín và ân sủng của Ta, hằng ở với người, và nhân danh Ta, sức mạnh người tăng thêm mãi. Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và là Ðá Tảng cứu độ của con".

 

Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8

"Người đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của người".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt sẽ nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.

Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: "Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh".

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Is 61, 1

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó.

 

Phúc Âm: Lc 4, 16-21

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Bài giảng Thánh lễ Truyền Dầu 2018 tại TGP Sài Gòn
+ĐC Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Thánh lễ Truyền Dầu với 2 ý nghĩa: Thứ nhất, trong Thánh lễ này, Đức Giám mục sẽ hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng. Tiếp đến, lễ Truyền Dầu còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền chức Thánh, lập chức Linh mục. Linh mục được xức dầu thánh hiến để thuộc trọn về Chúa, để có thể nhân Danh Chúa Kitô làm những việc mà Ngài đã làm, những việc chỉ mình Thiên Chúa có thể làm, như hiện tại hóa hy lễ của Chúa Kitô trên Thánh giá, hay giơ tay tha tội cho muôn người, v.v..

Hình ảnh xức dầu thánh hiến và người linh mục được gắn bó với nhau. Linh mục là người được xức dầu thánh hiến, để thuộc về Thiên Chúa (TC) là Đấng Thánh và để thi hành những tác vụ mà TC ủy thác.

Trong bầu khí trang trọng và ấm cúng của gia đình Tổng giáo phận trong lễ Truyền Dầu hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài suy niệm được gợi lên từ những bài đọc Kinh Thánh về hình ảnh: Linh mục là người được thánh hiến và được sai đi.

2. Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Isaia: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Ngài đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”….Và trong bài phúc âm, đoạn Kinh thánh từ sách Isaia này đã được chính Chúa Giêsu đọc lại, tại Hội đường Nazareth, và đã giải thích với lời khẳng định: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".

Dưới ánh sáng Lời Chúa từ những đoạn Kinh Thánh trên đây, có thể nhận ra ý nghĩa đích thực hay căn tính của người linh mục:“Linh mục là người được thánh hiến và được sai đi” (consacré et envoyé).

Người linh mục được xức dầu thánh hiến để sai đi thi hành một nhiệm vụ.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi; Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó”….

3. Trong chuyến viếng thăm Ad Limina vừa qua, trong buổi gặp gỡ và trao đổi giữa HĐGMVN và ĐTC Phanxicô. ĐTC đã chia sẻ về hình ảnh của người mục tử, của người giám mục và bao gồm trong đó hình ảnh của người linh mục. Bởi vì cụ thể, linh mục đại diện cho giám mục, để trực tiếp chăm sóc cho đoàn chiên Chúa trong tư cách mục tử tại các giáo xứ.

Cách nói của ĐTC Phanxicô thật bình dân, thay vì nói: Giám mục hay linh mục là người được thánh hiến và được sai đi, thì ngài nói: Giám mục, linh mục là người “có mùi của TC” và “có mùi của chiên”.

4. Trước hết, “để có mùi của TC”, người linh mục phải gần gũi TC, phải cầu nguyện.

ĐTC nhắc lại câu nói của các tông đồ trong sách Cv 6,4 khi xác định về bổn phận của người Tông đồ là “cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”.

Tôi xin được trích lại toàn bộ những câu nói này để thấy được rõ vấn đề (Cv 6,1-4) :

1Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. 2Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói : "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. 4Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa".

Kính thưa cộng đoàn và đặc biệt quý cha thân mến,

Qua đoạn trích Cv 6,1-4 vừa rồi, Lời Chúa nhắc lại cho chúng ta nhiệm vụ chính yếu của người tông đồ, của giám mục, của linh mục là:

- Cầu nguyện
- Phục vụ Lời Chúa
- Chọn người cộng tác để giúp mình trong những công việc khác.

Từ đó chúng ta thấy rằng, 3 công việc này chính là 3 chức năng của người linh mục: Thánh hóa, rao giảng và lãnh đạo cộng đoàn.

- Trong 3 chức năng này, cầu nguyện hay chức năng thánh hóa được xếp hàng đầu. Những thành công thực sự hay những hoa trái trong đời mục vụ tùy thuộc vào Thiên Chúa. Chính qua cầu nguyện, người linh mục tiếp xúc, gặp gỡ Chúa, để Chúa thánh hóa mình, để mình được tràn đầy ơn Chúa, và rồi sau đó mang ơn Chúa hay mang Chúa đến cho người khác.

- Công việc thứ hai chính là phục vụ Lời Chúa, là rao giảng Lời Chúa hay loan báo Tin Mừng. Trước khi kết thúc, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch HĐGMVN đã hỏi:

“Thưa ĐTC, chúng con sẽ trở về Giáo phận, ĐTC có điều gì nhắn nhủ chúng con không?

ĐTC trả lời: Xin các Đức cha hãy mang về cho giáo phận “niềm vui được rao giảng Tin Mừng”. Nếu giám mục nào không cảm thấy niềm vui này, thì hãy hỏi tại sao? Vì một mục tử, một giám mục không có niềm vui này thì không thể hướng dẫn giáo phận, không thể hướng dẫn đoàn chiên của mình. Hãy nhớ lại bổn phận của người tông đồ: “Cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa”.

Chúng ta vừa nói đến 2 nhiệm vụ của người mục tử, giám mục cũng như linh mục. Nhiệm vụ “cầu nguyện” thánh hóa đoàn chiên và nhiệm vụ “rao giảng Lời Chúa” hay “phục vụ Lời Chúa”. Sau nhiệm vụ “thánh hóa và rao giảng”, nhiệm vụ thứ ba của linh mục là “lãnh đạo cộng đoàn” qua hình ảnh các tông đồ đã chọn 7 phó tế để giúp các ngài trong nhiệm vụ quản lý, phục vụ bàn ăn cho cộng đoàn.

Như vậy, Lời Chúa gợi lên cho thấy người lãnh đạo cộng đoàn là người phân chia công việc và tìm người cộng tác, trao những trách nhiệm cho những người khác để cùng làm việc và phục vụ cho cộng đoàn.

Kính thưa cộng đoàn,

Trên đây, chúng ta vừa nhìn lại hình ảnh “linh mục là người có mùi của Chúa”, gần gũi với Chúa đặc biệt qua cầu nguyện. Nhưng sự gần gũi này không phải chỉ có lúc cầu nguyện, mà còn lan tỏa trong những rao giảng, lo những công việc trong giáo xứ. Nhờ những giờ cầu nguyện người linh mục tìm được Thánh ý Chúa, nhận được sức mạnh từ nơi Chúa để rồi trong suốt ngày sống, các ngài luôn sống thuộc về Chúa, luôn sống theo Thánh ý Chúa.

7. Sau hình ảnh “linh mục là người có mùi của Chúa”, ĐTC đã say mê nói về hình ảnh thứ hai “linh mục là người có mùi của chiên”.

Người mục tử đích thực cần phải gần chiên của mình. Thăm hỏi, gặp gỡ… và ĐTC còn nói cả đến phương thế hiện đại, đó là điện thoại. Các giám mục cần gần gũi các linh mục. Các linh mục có thể gọi điện thoại cho giám mục. Giáo dân có thể gọi điện thoại cho cha sở… Cha sở gọi điện thoại thăm hỏi giáo dân. Đó là những phương thế hỗ trợ giúp cho người mục tử biết chiên, gần gũi với chiên…

Việc gần gũi này làm tôi nhớ đến tòa giải tội là nơi vị linh mục gần con chiên của mình nhất, biết được những khó khăn, những thương tích của con chiên... Bí tích giải tội là nơi mà người mục tử có thể xoa dịu, chữa lành những thương tích của con chiên.

5. Kính thưa cộng đoàn,

Linh mục là người được thánh hiến và được sai đi. Linh mục là người “có mùi của TC” và “có mùi của chiên”. Linh mục là người “gần gũi với TC” và “gần gũi với đoàn chiên”.

Việc gần gũi thực sự với Chúa sẽ giúp cho người linh mục muốn gần gũi với đoàn chiên.

Kết quả của việc “được sai đi” sẽ dựa trên kết quả của việc “được thánh hiến”. Nhiệm vụ “được sai đi” của linh mục được đặt nền tảng trên việc “được thánh hiến”. Không có thánh hiến sẽ không có sai đi. Và sau khi được xức dầu rồi, nếu linh mục “bị cạn dầu” thì không thể mang ánh sáng Chúa Giêsu cho người khác được.

Linh mục được mời gọi gìn giữ, vun trồng hồng ân thánh hiến, như lời thánh Phaolô nhắc môn đệ Timôthê:

2Tm 1,6: Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi lại ngọn lửa hồng ân của Thiên Chúa, hồng ân anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.

Chính vì thế, ngày thứ Năm Tuần Thánh, kỷ niệm hồng ân thánh chức linh mục, tất cả các linh mục trong giáo phận họp nhau quanh giám mục, và cùng nhau lập lại lời hứa khi chịu chức, cùng nhau khơi lại ngọn lửa hồng ân linh mục mà mình đã lãnh nhận ngày chịu chức.

Và không phải chỉ ngày hôm nay, mà mỗi ngày trong cuộc sống, Lời Chúa mời gọi linh mục hãy để Chúa thánh hóa và sai đi. Linh mục như phải tự hỏi, xét mình mỗi ngày, hôm nay tôi có để Chúa thánh hóa tôi qua thánh lễ, qua giờ kinh phụng vụ, qua giờ cầu nguyện, để đèn của tôi được tràn dầy dầu thánh nhằm có thể lan tỏa áng sáng Chúa Giêsu cho mọi người không?

Kính thưa cộng đoàn,

Đặc biệt kính thưa anh chị em tu sĩ và giáo dân,

Xin anh chị em cầu nguyện cho các giám mục và anh em linh mục chúng tôi, được luôn gắn bó với Chúa Giêsu, được luôn gần gũi với Chúa Giêsu, được tràn ngập “mùi ân sủng, mùi yêu thương, mùi tha thứ của Chúa Giêsu”, để rồi từ đó chúng tôi có thể gần gũi anh chị em hơn và chia sẻ những mùi hương thánh thiện đó cho anh chị em. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây