TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhật ký Truyền Giáo của Cha Anthony Lê Đức

Thứ ba - 31/10/2023 00:06 | Tác giả bài viết: Anthony Lê Đức |   624
Cha Anthony Lê Đức là một linh mục thuộc dòng truyền giáo Ngôi Lời, người Mỹ gốc Việt. Hiện tại Ngài đang truyền giáo ở tại xứ Chùa Tháp (Thái Lan). Đây là bài viết cảm nhận của ngài về công việc truyền giáo (trích trong https://nhatkytruyengiao5.blogspot.com/)
Nhật ký Truyền Giáo của Cha Anthony Lê Đức

BA ĐIỀU CẦN THIẾT TRONG ĐỜI SỐNG CỦA MỘT NHÀ TRUYỀN GIÁO

Từ ngày đầu tiên bước vào nhà dòng Ngôi Lời sau khi tốt nghiệp đại học cho đến tám năm sau khi tôi được Đức Giám Mục đặt tay tấn phong để trở thành một linh mục truyền giáo thực thụ, tôi đã học hỏi được nhiều điều từ cách sống trong cộng đoàn, cách diễn giải Kinh Thánh cho đến cách cử hành các bí tích phụng vụ, v.v... Nhưng cũng có những thứ khác mà tôi chỉ thực sự cảm nhận được một khi đã dấn thân vào đời sống truyền giáo nơi mà những kiến thức và lý thuyết luôn bị thách thức bởi những tình huống thực tế khiến tôi phải không ngừng điều chỉnh lối suy nghĩ và cách thức làm việc của mình. Bài viết này không có tính chất thần học cao siêu hay là lý thuyết gì mới mẻ. Nó đơn thuần chỉ là những cảm nhận của riêng tôi trong những khoảnh khắc mà tôi dừng lại để suy gẫm về những gì mình đã trải qua trong hành trình sống đời sống ơn gọi thánh hiến và truyền giáo. 

Khi nghĩ về đời sống truyền giáo của mình, tôi nhận ra có ba điều quan trọng không thể thiếu được vì chính qua những điều này mà công việc và căn tính nhà truyền giáo của tôi được hình thành và phát triển. Thiết nghĩ những điều tôi chia sẻ ở đây cũng không khác biệt với kinh nghiệm của các nhà truyền giáo khác về tính chất. Có gì khác biệt thì chỉ là những tình huống trong cuộc sống của từng người ở những bối cảnh và môi trường phục vụ khác nhau. Nhưng đó cũng là những điều làm cho những trải nghiệm của mình đặc biệt và đủ có giá trị để chia sẻ với người khác trong tinh thần cởi mở và cảm thông. 

Điều quan trọng đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ đó là lòng ao ước của một nhà truyền giáo để được phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Chúa. Tôi nhớ rất rõ từ khi khái niệm ơn gọi truyền giáo được khơi dậy trong thâm tâm tôi, tôi đã luôn luôn ao ước được đi tới một nơi thật xa, khác hẳn với môi trường quen thuộc trong cuộc sống thường nhật để phục vụ Chúa và tha nhân. Ở đó tôi có thể cống hiến bằng những khả năng mà Chúa đã ban cho mình cũng như những gì tôi đã học hỏi được qua việc học tập và đào tạo. Ở đó tôi có thể chia sẻ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại bất kể giới tính, dân tộc hay địa vị xã hội. Khi bước vào nhà dòng, tôi đã luôn hướng tới ngày mà tôi sẽ được bề trên sai đi tới một vùng đất xa xôi để tôi có thể sống phiêu lưu với ơn gọi truyền giáo của mình. Và điều mà tôi ôm ấp trong lòng bấy lâu cũng đã trở nên hiện thực khi tôi nhận được bài sai đi phục vụ ở một tỉnh lẻ vùng đông bắc Thái Lan, ở trong một giáo xứ nhỏ bé kém phát triển mà gần một nửa các “giáo dân” đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là các bệnh nhân và trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV đang được chăm sóc và nuôi nấng trong trung tâm của hai hội dòng Ngôi Lời và dòng Mẹ Tê-rê-xa. 

Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là một ngôi nhà thờ nhỏ bé nhưng xinh xắn nằm trên một con đường khá rộng vừa mới được xây cất. Mặc dầu tương đối gần trung tâm của tỉnh, nhưng xung quanh nhà thờ có nhiều đồng ruộng nơi người dân trồng lúa hoặc cây mía. Ngoài ra còn có những cây bạch đàn, cây hoa sữa, những bụi chuối và những loại cây khác được trồng trong khuôn viên nhà thờ cũng như dọc con suối nhỏ chạy ngang qua đất giáo xứ làm cho khuôn viên nhà thờ nhìn rất thiên nhiên và mát mẻ. 

Khi đến nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, tôi thấy rằng ở đây nhiều giáo dân không đi lễ ngày Chúa Nhật vì họ bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa của người Phật giáo. Đối với người theo đạo Phật tại Thái Lan thì việc đi chùa không phải là điều bắt buộc, vì thế nhiều người Công giáo không có khái niệm bỏ lễ ngày Chúa Nhật là một tội trọng. Một phần người Công giáo ở đây không có thói quen đi lễ cũng vì nhà thờ chỉ mới được xây dựng sau này bởi một tu huynh dòng Ngôi Lời, còn trước đó giáo dân có muốn đi lễ cũng không có nhà thờ để đi.

Khi tôi mới đến nhận xứ thì trong cộng đoàn không có ban hành giáo, không có giáo lý viên, không có ca đoàn hoặc nhạc cụ, cũng không có ban giúp lễ hoặc nhóm sinh hoạt giới trẻ. Tôi là vị linh mục quản xứ người thứ 6 trong thời gian 6 năm từ khi nhà thờ được xây cất. Khi chứng kiến điều này phản ứng đầu tiên của tôi là buồn vì đời sống đạo trong giáo xứ thật ít ỏi và tẻ nhạt. Ngân sách của giáo xứ cũng ít ỏi không kém, chỉ vỏn vẹn 300 USD một tháng cho tất cả những chi phí và sinh hoạt của giáo xứ cũng như của vị quản xứ. Khi đó, nhà xứ chưa được xây dựng. Tôi ở trong một căn nhà nhỏ trong trung tâm trẻ mồ côi. Trong những ngày đầu tiên đó, tôi hay ngồi trước hiên nhà, nhìn các em mồ côi chạy chơi trên sân cỏ mà trong lòng tự vấn, mình có thể làm được điều gì ở nơi xứ đạo này?

Trong khi tôi băn khoăn và đặt ra những câu hỏi cho chính mình cũng là lúc tôi chợt nhớ ra rằng Chúa đã ban cho tôi chính điều mà tôi đã hằng mong ước. Ở đây, giữa những con người bị xã hội xa lánh và ruồng bỏ, giữa những con người nguội lạnh về tâm linh, và giữa muôn con người không biết gì về Thiên Chúa, tôi đã được trao phó trọng trách quan trọng là giới thiệu Tin Mừng của Chúa đến với họ. Ở đây tôi đã được ủy thác công việc làm chứng nhân cho Chúa và gieo rắc niềm vui Tin Mừng của Ngài để nước trời ngày càng được triển nở. Và như thế tôi đã bắt tay vào công việc của mình trong thái độ hăng say và bình an. Tôi đã nhận ra rằng sứ vụ của mình không phải là đi đến một nơi sung túc, đầy đủ tiện nghi và mọi thứ đều nằm trong khuôn khổ. Ngược lại, điểm khởi đầu của tôi là một căn nhà nhỏ bé giữa một cánh đồng truyền giáo rộng mênh mông để ở đó tôi có thể tha hồ phiêu lưu, có thể thử nghiệm, có thể làm tất cả những gì mà sức lực và tinh thần của tôi cộng hưởng với ân sủng Chúa có thể làm được. Giờ đây tôi không thể chỉ sống với một giấc mơ hão huyền nhưng với chính những thách đố của thực tại trong đời sống truyền giáo của mình. 

Và đây chính là điều quan trọng thứ hai mà tôi muốn chia sẻ trong bài viết này. Đó là ơn Chúa. Kiến thức tôi có rất nhiều. Dầu sao đi nữa thì tôi cũng đã có trong người mấy cái bằng về sinh hóa học và Á châu học cũng như thần học. Tôi cũng đã được đào tạo kỹ lưỡng bởi các cha trong hội dòng của tôi ở Hoa Kỳ để có thể đảm nhận công việc của mình. Nhưng tôi đã nghiệm ra một điều, kiến thức và khả năng mà thôi thì không thể nào đủ. Và cho dù lòng ao ước có cao đến bao nhiêu mà không có ơn Chúa thì khó lòng làm nên việc. 

Có một sự việc mà tôi luôn cho rằng đó là ơn Chúa đối với tôi xảy ra sau khi tôi đến nhận xứ được hơn một tháng. Một ngày nọ, khi tôi đang nghỉ trưa thì bổng nhận được một cuộc điện thoại. Trên điện thoại là giọng nói của một người phụ nữ. Cô ta giới thiệu mình tên Ratiya, đang ở Nong Bua Lamphu, cách nhà thờ khoảng 10km. Cô nói rằng đã đến ở Nong Bua Lamphu 5 năm rồi, nhưng thời gian qua không đi lễ vì một số vấn đề cá nhân trong cuộc sống làm cho cô xa lìa Chúa và nhà thờ. Nhưng bây giờ cô muốn trở lại với đời sống đạo và hơn thế nữa, cô muốn cộng tác vào các sinh hoạt của giáo xứ. 

Những lời nói của cô Ratiya làm tôi không thể tin được vì nó quá bất ngờ, đặc biệt là ở một môi trường như tỉnh Nong Bua Lamphu. Tôi hẹn gặp cô Ratiya để nói chuyện thêm vì trao đổi trên điện thoại không thuận tiện lắm. Lúc đó khả năng tiếng Thái của tôi cũng chỉ mới ở mức căn bản nên giao tiếp trên điện thoại vẫn còn gặp khó khăn. Khác với nhiều người Thái mà tôi đã từng giao tiếp, cô Ratiya đến gặp tôi đúng giờ hẹn. Và tôi cảm thấy bất ngờ khi thấy cô là một người còn trẻ, chỉ mới ngoài 30 tuổi. Cô cho biết công việc chính của cô là dạy học sinh mẫu giáo ở một trường tư trong tỉnh. Sau khi chia sẻ ít nhiều về câu chuyện đời sống của cô, mình hiểu được những khó khăn trong cuộc sống mà cô đã trải qua. Mình hỏi cô Ratiya rằng: - Vậy cô nghĩ rằng mình có thể cộng tác vào những việc nào của giáo xứ?

Cô Ratiya trả lời: - Thưa cha, tôi có thể dạy giáo lý vì trước đây tôi cũng đã từng dạy giáo lý khi còn ở quê tôi. 

- Như vậy thì tuyệt vời quá. – Tôi nói. - Ở đây hiện giờ không có giáo lý viên, mà các em thiếu nhi cũng khá nhiều. Trong trung tâm mồ côi có rất nhiều em cần phải học giáo lý. Mà các soeurs chăm sóc thì toàn là người nước ngoài với khả năng tiếng Thái quá hạn chế nên không thể dạy cho các em được. 

- Thưa cha tôi có thể dạy cho các em. 

- Ngoài việc dạy giáo lý ra cô còn có khả năng gì nữa? – Mình hỏi tiếp.

- Thưa cha tôi có thể đánh đàn organ. 

Nghe đến đây mình cảm thấy phấn khích vô cùng vì đó chính là điều mà nhà thờ đang cần. Thời điểm đó tiếng nhạc trong Thánh lễ chỉ phát ra từ một cái máy chơi đĩa CD có nhạc thánh ca không lời thu sẵn. Tại Thái Lan vì có không ít nhà thờ thiếu người chơi nhạc cụ nên những đĩa CD nói trên là nhằm phục vụ cho những nơi có hoàn cảnh như thế. Mặc dầu trong nhà thờ của mình chưa có đàn, nhưng dù có cũng không có người chơi. Việc tìm cho được một cây đàn thì không khó, nhưng để có người chơi đàn trong Thánh lễ không phải dễ dàng có được ở một vùng quê. 

Hóa ra cô Ratiya có rất nhiều khả năng để có thể giúp công việc cho giáo xứ. Cô không chỉ biết dạy giáo lý, biết đánh đàn, biết hát, mà còn có kiến thức về phụng vụ. Khi đó tôi đã nghĩ rằng, có nằm mơ cũng không thể tìm ra được một người giúp việc như cô Ratiya, đặc biệt là ở một nơi như thế này. Và còn kỳ lạ hơn nữa là cô đã đến với tôi một cách thật bất ngờ. Mặc dầu cô đã định cư ở đây tới 5 năm, mà suốt thời gian qua đều có những vị linh mục người Thái có, người nước ngoài có đến để phục vụ, nhưng cô đã không liên lạc để cộng tác cho đến khi tôi tới nhận xứ. Cuối cùng, tôi chỉ có thể xác quyết rằng, sự xuất hiện của cô Ratiya là một hồng ân của Chúa dành cho tôi khi tôi đã mở lòng đón nhận sứ vụ của mình với thái độ chấp nhận và bình an.

Với sự giúp đỡ của cô Ratiya cũng như những giáo dân chủ chốt khác trong cộng đoàn, dần dần giáo xứ cũng có được một ban hành giáo, có chương trình giáo lý và sinh hoạt giới trẻ đều đặn. Thời gian sau, giáo xứ còn tổ chức những chương trình dạy hè và sinh hoạt cho các em thiếu nhi trong tỉnh, những chương trình tĩnh tâm, hội trại và kỷ năng sống cho giới trẻ, chương trình bác ái xã hội để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là những cụ già neo đơn, và còn có thêm một chương trình radio Công giáo phát sóng mỗi tối trên đài radio địa phương. Với sự cộng tác của cô Ratiya, các giáo dân, và các bạn trẻ, giáo xứ nhỏ bé của tôi trở nên một nơi sinh động với rất nhiều sinh hoạt tâm linh và giáo dục; mà những chương trình này thì chỉ có được khi Chúa ban cho tôi một người trợ tá không chỉ có tài nằng mà còn có nhiệt huyết. 

Để nói về ơn Chúa thì còn có nhiều ví dụ khác mà tôi có thể nêu lên như một dẫn chứng về tình yêu và lòng thương xót mà Chúa đã dành cho tôi trong cuộc đời phục vụ của mình. Nhưng tôi không nói nhiều vì tôi nghĩ rằng chỉ một sự việc trên cũng đã đủ để chứng mình rằng ơn Chúa đã đồng hành với tôi ngay từ những bước đầu trên cánh đồng truyền giáo. Và đến bây giờ ơn Chúa vẫn đang sát cánh cùng tôi trong việc học tập cũng như mục vụ đòi hỏi sự dấn thân và kiên trì để làm được.

Điều cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ cũng là một điều quan trọng không kém ân sủng của Chúa. Đó là lời cầu nguyện. Tất cả các nhà tu trì đều ý thức được rằng việc cầu nguyện cần thiết như thế nào trong đời sống của mình. Giữa muôn vàn thử thách mà một nhà truyền giáo phải trải qua, có thể nói không cách nào hữu hiệu và thiết yếu hơn để đối phó bằng lời cầu nguyện. Tôi đã cảm nhận được điều này một cách sâu xa trọng sự việc tai nạn giao thông xảy ra với đoàn giới trẻ Việt Nam trên đường đi tham dự Đại hội giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan ngày 2 tháng 6, 2014 vừa qua. Trong đoàn trên 60 người đi tham dự từ Bangkok, một trong những chiếc xe đã gặp tai nạn khiến xe bốc cháy và dẫn đến hậu quả khủng khiếp là tài xế và 13 người Việt đã bị thiệt mạng một cách thảm thương. Trong chiếc xe gặp nạn chỉ còn hai bạn trẻ là thoát chết. Và một trong những nạn nhân là linh mục Giacobe Vũ Văn Hanh, OP. Tai nạn xảy ra cách nơi tổ chức đại hội là nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, tỉnh Nong Bua Lamphu 100 km. Khi đó tôi trong vai trò là người tổ chức đại hội đang chờ đợi để đón tiếp tất cả các bạn trẻ Việt Nam từ nhiều nơi trên nước Thái đến tham dự. Nhưng thay vì được chào đón các tham dự viên trong tinh thần phấn khởi hân hoan, thì tôi đã nhận được hung tin từ lúc sáng sớm về vụ tai nạn mà trong mơ tôi cũng không bao giờ hình dung ra nổi. 

Sau khi thông tin về vụ tai nạn lan ra, không chỉ tôi hoặc những người gần gũi cha Giacôbê và các bạn trẻ đã tổ chức cầu nguyện, mà ở nhiều nơi trên khắp thế giới, rất nhiều người cũng đã chung lời cầu nguyện. Tôi đã rất cảm động khi thấy các nhóm bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan cũng như những cá nhân các bạn trẻ trong cộng đoàn Công giáo Việt Nam trên đất Thái đã nhiệt tình tổ chức quyên góp để giúp đỡ các gia đình trong lúc khó khăn. Một điều có thể hiểu được rằng sự thật về vụ tai nạn thương tâm không hề thay đổi. Chúa đã không làm cho những người thiệt mạng sống lại. Chúa đã không biến vụ tai nạn trở nên như một cơn ác mộng mà khi chúng ta tỉnh thức và hoàn hồn thì ngộ ra đó chỉ là một giấc mơ. Ngài cũng đã không làm cho vụ tai nạn bớt khủng khiếp. Nếu ai đã có mặt ở hiện trường và chứng kiến chiếc xe bị cháy nát, hoặc những xác người bị thiêu rụi thì mới hiểu được sự kinh khủng của vụ tai nạn như thế nào. Tuy nhiên, qua lời cầu nguyện, Ngài đã làm cho nỗi đau khổ của chúng tôi và đặc biệt của các gia đình dễ chịu đựng hơn. Ngài đã giúp cho nỗi tuyệt vọng trong chúng tôi mau tan biến hơn. Và Ngài đã giúp làm cho nỗi bàng hoàng trong chúng tôi được cất đi một cách nhanh chóng hơn. Đây chính là kết quả của việc cầu nguyện liên lỉ của tất cả chúng tôi là những thân nhân, ân nhân, và người quen biết cha Giacôbê và các bạn trẻ.

Riêng đối với tôi, trong những ngày điều phối công việc để giải quyết vấn đề liên quan đến chính quyền, xác nhận danh tính thi hài, và tổ chức đưa các thi hài về quê hương, tôi đã từng chia sẻ với nhiều người rằng quả thật đây là một cú sốc vô cùng lớn lao đối với tôi. Sự việc xảy ra chỉ năm ngày sau ngày tôi kỷ niệm 8 năm trong đời sống linh mục. Và có thể nói trong suốt 8 năm làm linh mục, tôi chưa bao giờ phải đương đầu với một sự việc to lớn như vụ tai nạn vừa qua. Và tôi càng bàng hoàng hơn khi sự vị xảy ra liên quan đến một sinh hoạt mà chính tôi là người tổ chức và điều hành. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc trong đời sống linh mục của mình tôi phải trải qua hoặc phải đương đầu với những sự việc như thế này.

Vì thế việc phải làm gì khi có tình huống này xảy ra hoàn toàn không nằm trong vốn kiến thức hoặc kinh nghiệm mà tôi đã gom góp được trong đời sống mục vụ của mình. Trong suốt những năm được đào tạo trong nhà dòng hoặc được dạy dỗ trong trường triết học rồi thần học, không có một môn học nào giúp tôi chuẩn bị để đối phó với một sự việc khủng khiếp quá mức tưởng tượng. Vì thế, trong những ngày đó, tôi phải cầu nguyện rất nhiều. Tôi chỉ biết tha thiết cầu xin Chúa ban ơn soi sáng để tôi có thể làm những điều tốt nhất cho các nạn nhân và gia đình của họ. 

Trong những ngày đó cũng đã có rất nhiều người cầu nguyện cho tôi. Dường như mỗi ngày tôi đều nhận được những tin nhắn trên điện thoại hoặc trên mạng rằng họ đang nhớ đến tôi và đang cầu nguyện cho tôi. Đặc biệt mẹ của tôi ở Mỹ mỗi ngày vẫn để lại những lời nhắn tin trên điện thoại để động viên tinh thần của tôi cũng như chia sẻ những nỗi khổ mà tôi đang trải qua. Mẹ tôi cũng không quên nhắc nhở tôi phải tin tưởng và phó thác vào Chúa. Tôi tin rằng chính lời cầu nguyện của tôi cũng như những người thân quen của tôi đã giúp cho tôi có những ơn cần thiết để thực hiện trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao phó cho tôi. Những ngày đó, tôi ăn ngủ không tốt vì quá lo lắng và bận rộn với công việc. Nhưng tôi đã vượt qua những thử thách đó bằng lời cầu nguyện và lòng tín thác vào Chúa. Cho đến đêm cuối cùng khi đoàn xe chở các thi hài và người thân của các nạn nhân về Việt Nam từ Thái Lan, trong lòng tôi chỉ biết nói lên lời cảm tạ vì nếu không có sức mạnh của Chúa thì có lẽ tôi cũng đã bị kiệt quệ về thể xác cũng như tinh thần. 

Trải qua những kinh nghiệm và biến cố khác nhau trong đời sống truyền giáo, tôi đã nhận thức được rằng. Để phục vụ hiệu quả, tôi cần phải có lòng ao ước đi kèm với những khả năng và kiến thức nhất định để biến lòng ao ước đó trở thành hiện thực. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của cuộc sống của một linh mục truyền giáo. Có những thứ mà không có bất cứ khả năng hoặc sự nỗ lực nào có thể đem lại cho mình. Đó là ân sủng, một món quà ban tặng từ bàn tay của Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện như một phương tiện để chống chọi với những khó khăn và thách đố trong cuộc sống. Đối với một nhà truyền giáo phục vụ những người nghèo, những người sống bên lề xã hội, nhiều khi cũng cần lắm khả năng giao tiếp và tìm những nhà hảo tâm giúp đỡ về tài chánh hoặc điều chuyên môn. Nhiều khi cũng cần lắm khả năng quản lý các dự án và tổ chức những sinh hoạt. Nhưng công việc sẽ rất khó khăn nếu không có ơn Chúa và không có những lời cầu nguyện. Tôi rất may mắn khi tôi đã ngộ ra rằng, trong đời sống phục vụ của tôi, thỉnh thoảng tôi sẽ mở miệng ra để xin lời cố vấn từ những người chuyên môn. Có khi tôi sẽ mở tay ra để xin và nhận những đồng tiền đóng góp từ những nhà hảo tâm. Đó là những điều tôi sẽ làm rất dè dặt và chỉ làm khi nào thật sự cần thiết. Nhưng đối với ơn sủng và lời cầu nguyện thì tôi sẽ luôn sẵn sàng làm một người ăn xin chuyên nghiệp. Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại xin Chúa ban cho tôi những ơn cần thiết để sống ơn gọi của một nhà truyền giáo một cách xứng đáng. Và tôi sẽ không bao giờ dè dặt khi mở miệng xin người khác cầu nguyện cho tôi để tôi có đầy đủ tâm huyết và sức mạnh để thực hành những gì được trao phó cho tôi.

Xin vào xem thêm
:
https://nhatkytruyengiao5.blogspot.com/

Anthony Lê Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây