TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XI Thường Niên -Năm B

“Nước Thiên Chúa tựa như hạt giống nẩy mầm và mọc lên” (Mc 4,26-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đất Nước Mặt Trời Mọc:  Một Góc Nhìn Khác

Thứ ba - 21/05/2024 10:37 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   78
Tự do để yêu thương và thờ phượng Thiên Chúa. Tự do để yêu thương và phục vụ anh chị em mình hay tự do để làm nô lệ cho thụ tạo: tiền tài, danh lợi, lạc thú …?!
Đất Nước Mặt Trời Mọc:  Một Góc Nhìn Khác

Đất Nước Mặt Trời Mọc: 
Một Góc Nhìn Khác



Năm ngày bốn đêm lang thang theo đoàn du lịch trên nước Nhật tôi có ý nhìn xem có ngôi thánh đường nào không? Chỉ duy nhất một lần nhìn thấy được một nóc nhà thờ với cây thánh giá thấp thoáng từ xa.

Xã hội Nhật có nhiều điều hữu ích cho chúng ta mở tầm con mắt: Nước Nhật là một nước phát triển, nền kinh tế vào hàng thứ tư thế giới (năm 2023) (1) Rất chú trọng về giáo dục con người. Đề cao tính dân tộc. Luôn biết tự trọng, xem việc công hơn việc tư. Biết mình vì mọi người, biết tôn trọng pháp luật, luôn bảo vệ và giữ gìn văn hóa của dân tộc. Tình yêu đôi lứa được đề cao vì đân Nhật đang già hóa…

Dân số hiện tại của Nhật Bản là 122.708.612 người vào ngày 19/05/2024 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Dân số Nhật Bản hiện chiếm 1,51% dân số thế giới. Nhật Bản đang đứng thứ 11 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Nhật Bản là 337 người/km2. Với tổng diện tích đất là 364.571 km2. 92,05% dân số sống ở thành thị (115.292.289 người vào năm 2019). Độ tuổi trung bình ở Nhật Bản là 49,5 tuổi. (2)

Trong những ngày lang thang trên đất Nhật, tôi thấy có 2 điều làm tôi băn khoăn: Phu kéo xe và chiếc xe nôi.

Phu Kéo Xe


Trên đường đi thăm quan Chùa Kiyomizu (Chùa Thanh Thủy) tôi gặp một phu kéo xe cho những người du lịch dạo phố; tỉ như ở Việt Nam, khách du lịch dạo phố trên những chiếc xe xích lô đạp. Phu kéo xe có tại nhiều nước ở Châu Á vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, có lẽ ngày nay không còn. Nhưng thật bất ngờ, tôi lại gặp ở Nhật Bản, một nước văn minh vào bật nhất Châu Á làm tôi nhớ đến câu chuyện Ngựa Người – Người Ngựa của nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan mà không người Việt nào không biết đến. (3)

Nghề kéo xe cho khách du dịch đang phát triển ở Nhật, ngay tại Tokyo, nghiệp đoàn Tokyo Rickshaw có 90 “phu kéo xe”, trong đó nữ giới là 30 người, đa số là các cô gái trẻ tuổi đôi mươi. Họ phải có thể lực tốt để có thể kéo xe 8 tiếng mỗi ngày, ngoài ra họ cũng cần có vốn kiến thức về Nhật Bản và Tokyo, có thể trò chuyện với du khách. Nếu tính đủ khách, trọng lượng xe lên đến 205 kg. Trung bình mỗi ngày họ chạy 20 km, bất kể nắng mưa miễn là có khách. Bù lại, thu nhập của những phu kéo xe khoảng 1 triệu yên / tháng (5.2024 một yên Nhật đổi được khoảng 170 đồng Việt Nam) cao gấp 2,5 đến 3 lần thu nhập của người bình thường.(4)

Chiếc Xe Nôi

Cuộc sống người dân Nhật nhiều áp lực. Đôi lứa ít dấn thân trong cuộc sống gia đình. Tiếng cười trẻ em ít dần. Trên phố, bạn có thể gặp nhiều xe nôi nhưng … trong những chiếc xe nôi này không phải là trẻ con.

Trên đường tới chiêm ngưỡng Cây anh đào Matabei Zakura cổ thụ cành rủ với tuổi đời hơn 300 năm, tôi gặp khá nhiều phụ nữ dắt theo thú cưng đi dạo với đủ mọi thứ phụ tùng mang theo: găng tay, bao nylon, xẻng nhỏ hốt phân, túi đựng phân … vì khi thú cưng của mình ị ra, chủ nhân phải tự tay hốt, bỏ vào túi sạch sẽ, đem về nhà… chờ ngày bỏ vào thùng rác theo qui định. Và tôi thấy một chiếc xe nôi với hai sinh vật nhỏ bé trong xe được một cặp nam nữ đẩy đi chiêm ngưỡng cây hoa anh đào 300 năm tuổi đang nở hoa. Tôi đang mừng, vì có những trẻ nhỏ được bố mẹ đưa đi ngắm hoa anh đào khi còn nằm trong nôi. Những thật bất ngờ, hai sinh vật bé nhỏ đó là hai con chó nhỏ chứ không phải là hai con người.

Tôi chợt nhớ lại những trang đầu của Thánh Kinh. Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ vạn vật và con người. Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, Ngài taọ dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa và ban cho con người quyền làm chủ muôn loài muôn vật mà Ngài đã dựng nên:

“Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1,26-28).

Thiên Chúa yêu thương tạo dựng nên con người và ban cho con người quyền bá chủ mọi thụ tạo của Ngài. Thiên Chúa ban cho con người tự do để con người yêu thương và thờ phượng Thiên Chúa song con người đã dùng tự do được Thiên Chúa ban cho làm ngược lại ý muốn của Thiên Chúa. Tâm trí con người ra tăm tối. Tâm hồn con người đâm ra lệch lạc. Và rồi lựa chọn của con người cũng sai trái. Con người tự làm nô lệ cho thú vật. Buồn thật buồn.

Trong một lần trò chuyện với bạn bè sau thánh lễ, một bà mẹ khoe với tôi rằng: Con trai bà có vợ và một đứa con nhỏ xinh xắn, có công ăn việc làm ổn định tại thành phố, có nuôi một con mèo rất đẹp. Và bà nói tiếp: Thấy con mèo một mình có vẻ buồn nên nên nó định sẽ nuôi thêm một con nữa để cho có đôi. Tôi nói ngay: Thế còn thời gian đâu để chăm sóc vợ và con cái? Vợ chồng/con cái có bao nhiêu nhớ nhung, yêu thương và lo lắng trong trái tim của mình khi sau những giờ làm việc căng thẳng tại công sở, công ty hay nhà máy… về nhà còn lo cho thú cưng! Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam là hai mươi lăm phần trăm, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn có một cặp ly dị. (5)

Tôi tự hỏi, trong số những gia đình ly dị này có bao nhiêu gia đình nuôi thú cưng? Một thống kê xã hội có vẻ rất thú vị.

Tôi gởi đến các bạn một Bức Thư Mẹ Gửi Con Trai đang gây bão cộng đồng:

Con trai à,
Giờ này vợ chồng con và các cháu đã ngủ chưa? 10h đêm mẹ mới dọn hàng cá để về, trời mưa nên cá vẫn ế rất nhiều. Trên đường về nhà, mắt mờ nên mẹ chẳng nhìn rõ đường nữa, không may va phải một nhóm thanh niên, khiến quần áo của họ bị thùng cá đổ lên. Mẹ đã vội vàng giải thích và xin lỗi, nhưng nhóm người đó chỉ nhìn mẹ rồi nói:

“Chó thật, bà đi đứng thế à? Biết bộ quần áo này đắt tiền thế nào không? Già rồi thì ở nhà đi, ra đường làm gì gây phiền phức cho người khác.”

Với người bình thường khi nghe câu đó chắc hẳn họ phải tức giận lắm, nhưng mẹ lại thấy bình thản, thậm chí là vui lắm. Lâu nay mẹ đều muốn làm một con chó, như là con chó mà vợ chồng con vẫn đang nuôi ấy.

Con trai biết không, bố mất sớm, một mình mẹ với gánh cá cũng đã hơn 35 năm nuôi con khôn lớn. Ra trường con tìm được công việc ổn định, cưới vợ đẹp, có nhà, có xe. Mẹ mừng lắm, cuối cùng con trai mẹ cũng bằng người ta.

Nhưng căn nhà của con lộng lẫy quá, khác xa căn nhà cấp 4 mẹ đang ở, nắng thì oi bức mà mưa thì mẹ phải mang hết nồi niêu xoong chảo ra để hứng nước.

Mẹ nhớ con vô cùng, mỗi lần con gọi điện về mẹ vui mừng lắm. Còn bảo con có thể về đón mẹ lên chơi nhà con, thăm vợ chồng con và 2 đứa cháu nội được không?

Mẹ có thể nghe thấy tiếng thở dài, khó chịu và có chút hậm hực của con: Mẹ lên đây làm gì, con bận bao nhiêu việc đâu thể về chăm sóc cho mẹ được. Hơn nữa giá xăng thì đang lên, con về chở mẹ lên thì mua được 5 kg thịt cho con Mực ăn rồi. Mẹ nhớ đúng không? Con mực là con chó mà con được đối tác tặng ấy, giá của nó là 40 triệu đấy.

Làm sao mà mẹ không nhớ được, hồi nhỏ con cũng rất thích nuôi chó. Nhưng lúc đó nhà mình nghèo, tiền ăn tiền học cho con mẹ còn phải chắt góp từng đồng thì sao đủ gạo mà nuôi chó được. Mẹ định bảo thôi không chở mẹ lên thành phố thì 1 tuần con gọi mẹ 2 lần cũng được. Nhưng chưa kịp nói thì đã thấy con Mực sủa lên đòi ăn thì con đã tắt máy để chăm sóc cho con chó rồi.

Từ cuộc điện thoại đó đến nay cũng 3 tháng rồi con chưa gọi cho mẹ lần nào. Bệnh đau khớp chân của mẹ lúc nào cũng tái phát, mẹ đau chẳng thể ngủ nổi. Nhưng mẹ không dám gọi làm phiền con.
Chờ mãi không thấy con gọi, cũng chẳng thấy con đưa vợ con về thăm mẹ. Thế là có đứa cháu ông Tư hàng xóm nhà mình lái xe lên thành phố nên mẹ nhờ chở mẹ đến thăm con, tạo bất ngờ cho con luôn.

Mẹ mang cá, rau, thịt mua ở quê mang lên cho các con ăn cho đảm bảo sức khỏe. Nhưng vừa thấy mẹ ở cổng tay xách nách mang con đã hậm hực:

“Mẹ lên sao không báo trước, mà mẹ ăn mặc kiểu gì thế? Trông quê không chịu được. Mấy mớ rau cá này mang lên làm gì, ai ăn đâu”.

Lúc đầu mẹ chỉ nghĩ con sợ mẹ không có tiền nên bảo vậy, nhưng không, lúc sau con mang tất cả thức ăn của mẹ mang lên ném vào thùng rác.

Đến giờ cơm trưa mẹ thấy con mang thịt bò, hải sản loại tốt mua ở siêu thị lớn để cho con Mực ăn. Cách con chăm sóc con chó khiến mẹ chạnh lòng. Con ơi, có thể nào con cũng chăm sóc cho mẹ giống như con chó của con được không. Mẹ định thốt lên như thế nhưng sợ con giận nên lại không dám nói gì.

Chiều đến con lại mang con Mực đi tắm, đi dạo rồi ôm nó vuốt ve. Nhà của con Mực cũng đẹp, còn có tấm nệm bằng lông cừu mà con khoe là mua tận bên nước ngoài lần đi công tác. Nệm của nó còn ấm và đắt hơn cả chiếc nệm mẹ nằm 10 năm nay nữa. Mẹ chợt nhận ra đã lâu con không ôm mẹ, những chuyện con kể với con Mực còn nhiều hơn với mẹ.

Lúc mẹ đói lả người, tìm đồ ăn nhưng đồ đạc nhà con toàn thứ hiện đại mẹ dùng chẳng quen. Tới lúc con Mực sủa lên vì đói thì mẹ thấy con trộn thứ cơm gì đó thơm ngon lắm, nhìn hấp dẫn vô cùng. Lúc này mẹ bèn xin con một bát thì con quát lên:

“Đến cơm của chó mẹ cũng đòi ăn sao? Nhà con đầy thứ ăn đó, mẹ không tự lấy được à?”

Con đi làm về câu đầu tiên không chào mẹ mà chạy đến ôm lấy con Mực mà vuốt ve nó, nựng yêu nó. Nó có bị ốm thì con cho đi bác sỹ, chăm sóc hết sức chu đáo. Nhưng tới lúc mẹ ốm thì con chẳng hỏi thăm, còn quát:

“Thôi mẹ về đi, lên đây không hợp khí hậu nên mới ốm. Vợ chồng con đi làm cả ngày, mẹ mà để lây bệnh sang chúng con thì làm sao có tiền đây. Thế này thì con Mực nó đói là chết con đấy”.

Đêm đó mẹ nghĩ mẹ chẳng thể chịu đựng được nữa. Cách con quan tâm con chó, mẹ thấy sinh mạng của nó còn quan trọng hơn mẹ nữa.

Con trai à, nếu có kiếp sau, để mẹ được đầu thai làm con chó mà con nuôi được không? (6)

Ngựa Người - Người Ngựa cùng Chiếc Xe Nôi có gợi cho bạn suy nghĩ nào?
Tự do để yêu thương và thờ phượng Thiên Chúa. Tự do để yêu thương và phục vụ anh chị em mình hay tự do để làm nô lệ cho thụ tạo: tiền tài, danh lợi, lạc thú …?!
Đâu là lựa chọn của tôi?
Đâu là lựa chọn của bạn?
Đâu là lựa chọn của chúng ta?

Nguyễn Thái Hùng


+++++++
(1) (https://thanhnien.vn/nhat-ban-bat-ngo-suy-thoai-kinh-te-duc-gianh-vi-tri-lon-thu-3-the-gioi-1
(2) (https://danso.org/nhat-ban/
(3) (https://baotangvanhoc.vn/tac-pham/truyen/nguoi-ngua-ngua-nguoi/).
(4) https://tinhte.vn/thread/hinh-anh-nhung-co-gai-keo-xe-xich-lo-o-tokyo-tuoi-doi-muoi-thu-nhap-gap-2-3-muc-gdp-binh-quan.3720627/
 (5) (https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/255782/ly-hon-theo-quy-dinh-cua-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-2014-va-thuc-trang-ly-hon-o-nuoc-ta-hien-nay
(6) https://www.facebook.com/buimanhtoan.dongytruongxuan


 

 Tags: Nhật Bản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây