TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải chăng con người phải sửa đường thật phẳng

Thứ bảy - 07/12/2024 09:08 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   168
“Phải chăng con người phải sửa đường thật phẳng, phải san bằng đồi cao, phải lấp đầy lũng sâu thì Chúa mới đi hay Chúa đi thì đường mới phẳng?”.
Phải chăng con người phải sửa đường thật phẳng
LẤP ĐẦY LŨNG SÂU CHÚA MỚI ĐI HAY CHÚA ĐI THÌ ĐƯỜNG MỚI PHẲNG?


Hằng năm cứ vào mùa Vọng, người ta lại nghe vang vang lời của của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6). Đoạn văn trên được trích trong phần thứ hai của sách ngôn sứ Isaia, vốn được gọi là “Sách An ủi dân Ít-ra-en”. Trong phần này, dân Do-thái được thông báo rằng họ sẽ lại một lần nữa nếm trải đau khổ lưu đày và một cuộc xuất hành mới sẽ diễn ra, nhưng lần này họ được chính Thiên Chúa dẫn dắt chứ không phải Mô-sê. Một lần nữa họ sẽ đi qua sa mạc để đến một đất hứa mới. Thánh Lu-ca xem lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả tiền báo về Đấng Mê-si-a sẽ đến, như là một hoàn tất lời ngôn sứ này.[1] Qua trình thuật vừa trình bày, chúng ta có thể đặt ra một lời chất vấn: “Phải chăng con người phải sửa đường thật phẳng, phải san bằng đồi cao, phải lấp đầy lũng sâu thì Chúa mới đi hay Chúa đi thì đường mới phẳng?”. Vậy điều mà Gioan Tẩy Giả đặt ra muốn nhắm đến điều gì? Chúng ta cùng bước theo dấu chân Đức Giêsu để xem Người đi con đường nào và con người phải làm gì để đón Người.

Trong cuộc đời rao giảng của Đức Giê-su Ngài thường lui tới, trò chuyện, ăn uống và trở nên bạn bè với những người thu thuế và những người tội lỗi (Lc 7,34). Chưa hết, ngay cả tuyển chọn môn đệ, Người cũng chọn Lê-vi, một người thu thuế (Lc 5,27). Người thu thuế và những người tội lỗi cũng thường lui tới nghe Người giảng ((Lc 15,1). Khi người ta trách Người sao thường ăn uống với phường tội lỗi và quân thu thuế như thế, Đức Giê-su điềm tĩnh trả lời: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi(Mc 2,17;Mt 9,12; Lc 5,31). Hơn thế nữa, Người xác nhận đó chính là mục đích của sứ vụ nhập thể, nhập thế của Người: Tìm kiếm và cứu những gì đã mất (Lc 19,10).

Như thế, rõ ràng Đức Giêsu không chọn cho mình một con đường bằng phẳng. Ngài không cần con người phải dọn đường cho người bởi Thánh Gioan nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Đức Giêsu chính là con đường duy nhất để nhân loại có thể đến với Chúa Cha. Nói khác đi, chính Thiên Chúa đã dọn sẵn cho con người một con đường chứ không phải con người dọn đường cho Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa đi đường của con người nhưng con người phải đi đường của Thiên Chúa.

Vậy phải hiểu thế nào về lời mời gọi “hãy dọn đường” và “hoán cải” của Gioan Tiền Hô? Câu trả lời có lẽ Lm.Ns Nguyễn Duy đã cho chúng ta thấy nơi ca từ của bài hát “để Chúa đến”: “Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến”. Thiết nghĩ, đó là tâm tình cần thiết và thiết thực nhất mà tác giả Nguyễn Duy đã cảm nhận được. Mùa Vọng thường làm cho người ta có cảm giác mình đang chờ mong Chúa, cảm thấy Chúa ở nơi xa xôi nào đó, mình phải kêu mời Chúa. Mặc dù ngoài đường phố và trong các quán café cũng như nơi tư gia, đâu đâu cũng rộn ràng nhạc Giáng Sinh chứ không phải nhạc Mùa Vọng. Tuy nhiên, trong các ngôi thánh đường, phụng vụ Thánh Lễ với màu sắc tím, không Kinh Vinh Danh, thánh ca mùa Vọng thảm thiết, làm cho người ta có cảm giác là Chúa đang vắng bóng, Chúa chưa đến và con người phải làm nhiều thứ lắm, phải chuẩn bị điều này điều kia thì Chúa mới đến. Thực tế, Chúa đã đến và đang hiện diện ngay bên con người và chỉ cần họ mở lòng ra thì sẽ gặp được Chúa. Đời sống của chúng ta cũng phải sống trong tâm tình chờ đợi. Tâm tình chờ đợi đó được Thánh Phaolô tông đồ gửi thư cho giáo đoàn Thessalônica cũng như gửi cho mỗi người chúng ta: Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em” (1 Tx 3, 12 - 4, 2). Có lẽ lời mời gọi của thánh Phaolô là một lời mời gọi hết sức thiết thực, hết sức gần gũi với mỗi người chúng ta. Hãy sống làm sao như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của đời chúng ta thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, bình an và hạnh phúc.

Ở một ngôi làng kia, có một người hoạ sĩ vẽ một bức tranh về một cánh cửa lớn. Bên ngoài cánh cửa ấy là hình ảnh của Thiên Chúa đang gõ cửa và chờ đợi. Khách xem triển lãm không khỏi thắc mắc: “Tại sao vị hoạ sĩ lại ngớ ngẩn đến thế, cánh cửa không có tay cầm làm sao mà mở được?”. Vị hoạ sĩ mới ôn tồn giải thích: “Đó chính là cửa lòng con người và tay cầm luôn nằm phía bên trong”. Quả đúng như vậy, cửa lòng của mỗi người thì chỉ có họ mới mở ra được. Nếu con người không muốn mở lòng ra thì Thiên Chúa cũng hết cách. Trong sứ điệp truyền giáo năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến một “bi kịch” mới của nhân loại hôm nay. “Cái bi kịch trong Hội Thánh hôm nay là Chúa Giêsu vẫn đang gõ cửa, nhưng từ bên trong, để chúng ta mở cho Người đi ra! Chúng ta thường trở thành một Hội Thánh ‘giam hãm’ không cho Chúa ra, mà cứ giữ Người lại “làm của riêng mình”, (…).[2] Thay vì mở ra để Chúa đến với muôn dân (dd gentes), con người giam Chúa lại trong sự gồ ghề của hận thù, của định kiến, của ích kỷ nơi bản thân.

Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta để ngày mỗi ngày ta luôn hướng về ngày cuối cùng của đời ta và ta luôn sống trong tâm tình chờ đợi Chúa đến với cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Đức Hữu
 

[1] Xc.The Navarre BiBle, Gospel & Acts, New York: Scepter, 1999, p. 368
[2] https://gpquinhon.org/giang-le/di-va-moi-theo-dang-dung-chua-giesu-6323.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây