TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa

Thứ tư - 12/05/2021 20:48 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   615
Sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa

Lễ Chúa Ba Ngôi

Sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa

Tông đồ Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thật vậy, Kinh Thánh chép rằng: “Từ ban đầu Thiên Chúa sáng tạo trời và đất” (St 1,1). Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn “làm ra con người theo hình ảnh (Thiên Chúa) và để cho con người làm bá chủ trên mặt đất” (St 1,26).

Buồn thay! con người đã phạm tội bất tuân. Chính tội lỗi con người phạm đã phá hủy chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nó hủy diệt ơn phước và tình yêu thương Thiên Chúa đã dành cho con người. Vì đã phạm tội nên con người sợ hãi để rồi trốn chạy Thiên Chúa. Vì phạm tội, sự chết đã thống trị con người. “Là bụi đất, (con người) sẽ trở về với bụi đất” (St 3,…19). Điều đau buồn hơn hết, chính vì tội lỗi đã phạm, nên con người phải lìa xa Thiên Chúa. Mất đi hồng phúc làm con Thiên Chúa.

Dẫu là vậy, nhưng, như lời Kinh Thánh đã ghi, Thiên Chúa vẫn luôn “… là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.” (Tv 103, 8-9).

**
Quả thật, nhiều lần và nhiều cách, tình yêu thương của Thiên Chúa vẫn luôn được biểu lộ trong suốt chiều dài lịch sử con người. Và cái cách biểu lộ tuyệt vời nhất, như lời tông đồ Gioan nói, đó là: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 1, 9)

“Con Một của Người” chính là Đức Giê-su. Ngài đã đến thế gian và tái khẳng định với con người rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu, qua những lời giảng dạy, Ngài đã gửi đến con người nhiều thông điệp, một trong những thông điệp đó đã được Ngài công bố rằng: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Để minh họa cho thông điệp, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn, một dụ ngôn đã làm ngất ngây cử tọa, đó chính là “dụ ngôn người cha nhân hậu” (x.Lc 15, 11- 32)

Trong dụ ngôn, qua nhân vật người cha, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy rõ nét về một Thiên Chúa Cha nhân hậu và bao dung. Một Thiên Chúa luôn “chạnh lòng thương xót” trước những hối nhân trở về.

Với nhân vật người con thứ, Đức Giêsu đã gửi đến mọi người một thông điệp rằng, con người chỉ có thể đón nhận lòng nhân hậu và sự bao dung của Thiên Chúa với điều kiện, đó là “tin”, tin vào sự tha thứ, đó là, đứng lên và đi về với Thiên Chúa, như người con hoang đàng đã “tin” và đã “đứng lên, đi về cùng cha”.

Vâng, “Như người cha chạnh lòng thương con cái. Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn”, hôm đó, để khép lại bản thông điệp về tình yêu, Đức Giê-su đã khẳng định rằng: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18).

** *
Đến thế gian, Đức Giê-su không chỉ giới thiệu đến con người một “Thiên Chúa là tình yêu” nhưng còn mạc khải cho con người biết rằng, ngoài Thiên-Chúa-là-tình-yêu còn có một “Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Mạc khải này đã được chính Đức Giêsu bày tỏ trong đêm Ngài trò chuyện với ông Nicôđêmô.

Trong đêm đó, khi nói chuyện về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô về một “Đấng” mà nếu không bởi Ngài thì sẽ không thể vào Nước Thiên Chúa và ông ta đã ngớ người ra khi nghe Đức Giêsu nói về Đấng đó, rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”.

Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, hôm đó, Đức Giê-su đã giải thích với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8).

Và quả thật, điều Đức Giê-su nói đã trở thành sự thật sau khi Ngài về trời. Sự thật đó đã xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Chuyện được kể lại rằng, các môn đệ đã nhìn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Và từ đó, các ông “được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2 ,2).

“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian…” Con-của-Người nói: “Tôi và Chúa Cha là một”… Con-của-Người còn phán hứa: “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”. (Ga 16,7)

Vâng, với tất cả những lời Đức Giê-su tuyên phán, không ai có thể thể phủ nhận rằng, Đức Giê-su đã mạc khải cho con người mầu nhiệm về “Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Phaolô sau khi trở thành tông đồ của Chúa, Ngài cũng nhận đã nhận ra mạc khải trọn vẹn về “Ba Ngôi Thiên Chúa”. Thánh nhân đã không quên chia sẻ mạc khải này trong thư gửi cho cộng đoàn Roma.

Thư được viết rằng: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Và hơn thế nữa, thánh nhân luôn “cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cor 13,13).

****
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi.

Nếu… nếu hôm nay, chúng ta được mời đến một cộng đoàn, hoặc một nhóm nhỏ, để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa… Vâng, chúng ta sẽ nói gì?

Phải chăng chúng ta sẽ “bổn cũ soạn lại” theo chân những nhà thần học xưa cố gắng diễn tả cho mọi người nhận biết mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” theo nhiều cách thế khác nhau!

Phải chăng chúng ta sẽ diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa giống như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá),và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là “nước”?

Phải chăng chúng ta sẽ nói về một quả trứng. Nó có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng? Phải chăng chúng ta không quên hình ảnh về mặt trời nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời?

Thiên Chúa là Đấng vô hạn, chính vì thế, chúng ta không thể dùng những vật thể hữu hạn để mà so sánh về Người. Và Thiên Chúa nào có cao xa… Người đã mặc lấy xác phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta kia mà!

Vâng, nói về Ba Ngôi Thiên Chúa, không gì tốt hơn là hãy học theo Thầy Giêsu, dùng ngôn ngữ tình yêu để mà diển tả về Người.

Thế nào là ngôn-ngữ-tình-yêu? Thưa, đó chính là hãy bày tỏ được lòng bao dung, sự chậm giận và hay tha thứ trong cuộc sống của mình.

Thật vậy, lòng bao dung, sự chậm giận và hay tha thứ có nơi chúng ta, chúng ta mới có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù – đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp”.

Và khi chúng ta thực hiện trọn vẹn một trong những điều nêu trên, hãy nghĩ xem, phải chăng hình ảnh về một Đức Chúa Cha, qua chúng ta, đang phảng phất trước đôi mắt mọi người!

Lòng bao dung, sự chậm giận và hay tha thứ có nơi chúng ta, chúng ta mới có thể “tìm an ủi người hơn được người ủi an – tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết – tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.

Vâng, khi chúng ta thực hiện tốt một trong những điều nêu trên, hãy nghĩ xem, làm sao mọi người lại không thể không nhìn thấy hình ảnh Đức Chúa Con, một Đức Chúa “dám liều mạng sống vì người mình yêu”!

Thưa Bạn, khi bạn bày tỏ lòng bao dung, sự chậm giận và hay tha thứ, trong lòng bạn sẽ cảm nhận được gì? Phải chăng, tâm hồn bạn sẽ cảm thấy bình an, hoan lạc, hiền hòa, nhân hậu, từ tâm?

Đúng, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình bình an, hoan lạc, hiền hòa, nhân hậu, từ tâm. Khi có được một tâm hồn như thế… Ôi! tuyệt diệu thay! tâm hồn bạn đang tỏa sáng “Hoa quả của Thần Khí”.

Tỏa sáng “Hoa quả của Thần Khí”, chẳng ai có thể phủ nhận bạn đang tuyên xưng “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.

*****
Khi nói về Ba Ngôi Thiên Chúa bằng “ngôn ngữ tình yêu”, phải nhìn nhận rằng, đó không phải là những lời nói dễ thực hiện. Thế nhưng, “ngôn ngữ tình yêu” lại là “điều kiện ắt có và đủ” cho bất cứ ai muốn trở thành môn đệ Chúa Giê-su.

Chính vì thế, để có thể thực thi “ngôn ngữ tình yêu”, chúng ta hãy cùng nhau ca nguyện rằng; “Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường”.

Vâng, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho “Ngôi thánh đường” tâm hồn chúng ta tràn ngập “ngôn ngữ tình yêu”, bởi nhờ đó chúng ta mới có thể làm “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”. Nói cách khác, làm sáng danh “Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây