TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Xin cứu con

Thứ tư - 12/05/2021 21:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   664
Xin cứu con

Chúa Nhật XIX – TN -A

Thưa Ngài, xin cứu con với

Người ta thường nói: “Sức khỏe là vàng”. Thật vậy, cuộc sống của một đời người, không ai là không mong muốn cho mình có được một cơ thể tráng kiện trong một tinh thần minh mẫn. Buổi sáng thức giấc, qua khung cửa sổ, nhìn thấy bầu trời xanh bao la, ai trong chúng ta lại không hơn một lần thốt lên rằng, “ôi! cuộc đời vẫn đẹp sao…”.

Muốn là vậy mãi, thế nhưng, không ai có thể biết rằng, biết đâu, bất ngờ vài ngày sau, ta bị bịnh, thình lình ta bị mất sức khỏe. Ta tự hỏi, chuyện gì thế! Ta có biết rằng, một số vi-rút nguy hiểm đang tấn công ta. Nó tấn công các cơ quan trọng yếu trong cơ thể ta. Không kịp thời điều trị, những con vi-rút đó có thể tiêu diệt sức khỏe của ta, đôi khi có thể dẫn đến cái chết…

Không có sức khỏe tốt khi bị nhiễm trùng, ta có nguy cơ ngã bịnh rất nhanh. Y học cho biết, nếu cơ thể yếu do suy dinh dưỡng, ta dễ dàng mất sức đề kháng, và chỉ cần một sự nhiễm trùng nhẹ, nó vẫn có thể gây cho ta tử vong.

Làm sao để tránh khỏi nguy cơ mất sức khỏe? Thưa, không gì tốt hơn là ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và chắc chắn là chúng ta sẽ phải làm đủ mọi cách để tránh khỏi bị nhiễm vi-rút hay vi trùng.

Vâng, con người là một tổng hợp gồm thể xác và linh hồn. Và tất nhiên, con người còn có một niềm tin, tin vào một Đấng Tối Cao nào đó. Với chúng ta là người Ki-tô hữu, Đấng Tối Cao đó chính là Thiên Chúa.

Cho nên, ngoài việc thận trọng cho việc gìn giữ sức khỏe thể xác, chúng ta cũng cần thận trọng gìn giữ sức khỏe linh hồn để có thể “vững mạnh trong đức tin” (Tt 2, ..2). Vì thế, có bao giờ chúng ta cảnh giác trước những hiểm nguy do sự hoài nghi về một niềm tin mà chúng ta đang tin tưởng?

Lịch sử con người đã cho thấy, sự hoài nghi một khi đã xâm chiếm tâm hồn và lòng trí, nó sẽ gây hại niềm tin và sự liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Sự hoài nghi của nguyên tổ Adam và Eva là một ví dụ rõ nét.

Sự hoài nghi thường dẫn đến sự đổ vỡ. Sự hoài nghi dễ dẫn đến chia ly. Sự hoài nghi là bước đầu cho sự bất trung và bội phản. Sự hoài nghi làm suy yếu niềm tin. Câu chuyện “Đức Giê-su đi trên mặt nước” được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu, cho chúng ta thấy rõ tác hại của sự hoài nghi như thế nào. (Mt 14, 22-33)

**
Câu chuyện được kể lại rằng: hôm ấy, sau biến cố Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, các môn đệ, theo lệnh truyền của Đức Giêsu, nhổ neo con thuyền, trực chỉ ra khơi để “qua bờ bên kia” Biển Hồ.

Chỉ là một cuộc ra khơi như mọi cuộc ra khơi trước kia. Tuy nhiên, cuộc ra khơi lần này có chút khác biệt, sự khác biệt, đó là, lần ra khơi này không có mặt Đức Giêsu cùng đi theo. Riêng Đức Giê-su, hôm đó, sau khi giải tán đám đông “Người lên núi một mình và cầu nguyện”.

Tối đến, đang khi Đức Giê-su “vẫn ở đó một mình” thì ngoài kia, ngoài biển khơi “xa bờ đến cả mấy cây số” chiếc thuyền của các môn đệ “bị sóng đánh vì ngược gió”.

Thưa bạn, nếu bạn là một trong số mười hai môn đệ trên con thuyền hôm đó, bạn sẽ nghĩ gì trước cảnh bị sóng đánh dồn dập như thế? Phải chăng, bạn sẽ nghĩ rằng, “Ôi! thầy Giê-su ơi! Chúng con gặp nạn này là bởi Thầy ‘bắt’ chúng con xuống thuyền qua bờ bên kia trước”? (x. Mt 14, 22)

Vâng, không thấy Mát-thêu, một nhân chứng trên con thuyền hôm ấy, nói gì, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng, chắc hẳn các môn đệ sẽ vô cùng bối rối; như trước kia cũng đã một lần phải bối rối vì một trận cuồng phong nổi lên trong lúc thuyền của các ông đang làm một cuộc hải hành trên Biển Hồ.

Nhớ, hôm ấy, “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Các ông sợ hãi đến độ tưởng rằng Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Chỉ đến khi Đức Giêsu “ngăm đe gió và truyền cho biển: Im đi. Câm đi…”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “nhột nhạt” trước lời trách cứ của Thầy mình: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin” (x.Mt 8, 26)

Còn hôm nay, vâng, hôm nay, có vẻ như lòng tin của các ông cũng kém không thua gì lần trước. Theo lời kể của thánh Mát-thêu, thì: “Vào khoảng canh tư. Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”. Thế nhưng, thật đáng tiếc, các ông lại không nhận ra Ngài. Các ông hồ nghi không biết có phải là Thầy Giê-su không? Rất có thể các ông đã hồ nghi rằng, Thầy Giê-su là một con người bình thường như mọi người, sao Ngài lại có thể đi trên mặt biển?

Vâng, như lời Victor Hugo nói: “Lòng nghi ngờ là chứng mục nát của trí tuệ”. Hôm đó, trí tuệ của mười hai người môn đệ đã “mục nát” đến độ không còn nhận ra khuôn mặt đầy quyền năng của Đức Giê-su, thay vào đó, các ông đã hoảng hốt bảo nhau “Ma đấy!”.

Nghe thế, nhưng Đức Giê-su không trách móc các ông, có lẽ, Ngài thấu hiểu nỗi lòng của các ông. Nỗi lòng của những con người đang phải sống trong một xứ sở đầy dẫy những tên biệt phái “ma đầu giáo chủ” luôn rình rập, chực chờ hãm hại Ngài cũng như các môn đệ của Ngài.

Với lòng cảm thông sâu sắc, Đức Giêsu xóa tan sự hoài nghi nơi các môn đệ bằng một lời nói đầy quyền uy “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Và hơn thế nữa, Ngài còn làm một phép lạ vô tiền khoáng hậu, đó là, cho ông Phê-rô, theo như lời cầu xin của ông, được “đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

“Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Vâng, chỉ một lời khẳng định ngắn ngủi của Thầy Giê-su, Phê-rô cùng với các đồng môn của ông như bước ra khỏi cơn mê u tối của sự hoài nghi. Và khi Đức Giê-su lên thuyền, các ông bái lạy Người và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

***
Phêrô hôm ấy, khi xin đi trên mặt nước để đến với Thầy Giê-su, ông ta đã được Ngài chấp nhận với lời mời gọi “Cứ đến”. Thế nhưng chỉ vì kém tin, nên “khi thấy gió thổi tới” ông sợ. Và vì “hoài nghi” vào lời nói “cứ đến” của Đức Giê-su nên ông đã nghĩ rằng, mình đang bị “con ma da” kéo chìm!

Có lẽ, vì hoảng hốt nên ông quên có lời Kinh Thánh đã chép rằng: “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”. (Tv 118, 5-6).

Chưa “kêu cầu Chúa”, Phêrô “bắt đầu chìm”. Và khi Phêrô la lên “Thưa Ngài, xin cứu con với”, Đức Giê-su thực hiện lời hứa “liền đưa tay nắm lấy ông”. Thiên Chúa, như lời thánh Phao-lô nói: “Điều gì Người đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4, …21).

Vâng, hôm đó, nhờ vào quyền năng của Đức Giê-su, và giữ đúng lời hứa, Đức Giê-su đã cùng Phê-rô tay-nắm-tay cùng bước “lên thuyền”.

****
Như các môn đệ xưa đi trên con thuyền “bị sóng đánh và ngược gió”, hôm nay, con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn sóng hung hãn của trần gian, những cơn sóng có khả năng làm cho niềm tin của mỗi chúng ta tan vỡ.

Những cơn sóng đó chính là những “làn sóng chủ nghĩa” – chủ nghĩa duy vật vô thần – chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa “mác-lê” những loại chủ nghĩa cho rằng không có Thượng Đế hoặc nếu có thì “Thượng Đế đã chết rồi!”…

Những cơn sóng đó, chính là những trào lưu cổ võ cho một nền “văn hóa sự chết”, một nền văn hóa “sống chung – sống thử”, một nền “văn hóa phá thai”, một nền văn hóa, như lời Lm. Đỗ Trung Thành OP nói: “làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên ‘thú dữ’ giết hại lẫn nhau, thậm chí đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả ‘giọt máu’ khi còn ‘trứng nước’…”.

Nói tắt một lời, đó là những cơn sóng đi ngược với giá trị sự sống: sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên mà Thượng Đế đã ban cho con người.

Chúng ta sẽ phải làm gì? Phải chăng là run rẩy sợ hãi, là im lặng đồng lõa? Hay chúng ta sẽ lớn tiếng, như Phê-rô xưa đã lớn tiếng kêu lên “Thưa Ngài, xin cứu con với!” – “Thưa Chúa, xin cứu chúng con và con cháu chúng con!”

*****
“Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Đúng, Thiên Chúa sẽ cứu chúng ta, nếu chúng ta nhận ra Thiên Chúa và để cho Người lên con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta.

Làm thế nào để nhận ra Thiên Chúa và để cho Người lên con thuyền cuộc đời của chúng ta?

Thưa, trước hết, đó là phải tránh xa những điều có thể đem đến cho chúng ta sự hoài nghi, bởi khi niềm tin trong trạng thái hoài nghi, chúng ta sẽ trở nên hoang mang, phân vân. Đó chính là lúc chúng ta dễ bị những thứ triết lý trần tục dụ dỗ, dễ bị những loại chủ nghĩa đạo đức giả của Xa-tan đầu độc.

Kế tiếp, như cơ thể, dù đang trong tình trạng nghỉ ngơi, nó cũng cần được liên tục cung cấp năng lượng để thực hiện các tiến trình hóa học, một tiến trình thay thế các mô tế bào.

Đức tin của chúng ta cũng giống như thế. Không thường xuyên cung cấp thức ăn thiêng liêng, đức tin của chúng ta sẽ chẳng khác nào một cơ thể suy dinh dưỡng, một dấu hiệu dẫn đến suy nhược và kết quả đó là cái chết.

Về điều này, khi còn tại thế, Đức Giê-su đã nói “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4)

Và cuối cùng, như Phê-rô xưa cất tiếng thưa với Đức Giê-su “Thưa Ngài… xin truyền cho con”, thì hôm nay, chúng ta cũng hãy cất tiếng thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa! Con chẳng đáng… nhưng xin Chúa phán một lời…”

Nếu ngày xưa “khoảng canh tư Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ và nói: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, thì ngày nay, Đức Giê-su vẫn đứng đó, 24/24 giờ, trên bàn Tiệc Thánh – trong ngôi nhà tạm, qua môi miệng linh mục, Ngài nói “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Vâng, chúng ta đang sống trong một xã hội “mạnh vì gạo bạo vì tiền”, một xã hội đầy dẫy bất công và bạo lực, một xã hội mà mạng người còn thua mạng con chó, một xã hội cổ võ cho một nền văn hóa sự chết v.v… Một xã hội như thế, con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đức tin của mỗi chúng ta chắc chắn sẽ bị thử thách. Nó không chỉ ảnh hưởng và thử thách trực tiếp đến chúng ta mà còn tác hại đến con em chúng ta.

Chính vì thế, đừng chần chờ gì nữa, đừng để tới lúc chúng ta “bắt đầu chìm”, mà ngay bây giờ, ngay khi chúng ta vừa đọc xong bài viết này, hãy cất tiếng nguyện xin Đức Giê-su, nguyện rằng: “Thưa Ngài, xin cứu con với”. Amen

Petrus.tran

 Tags: Xin cứu con

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây