TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 21,25-28;34-36)

Thứ bảy - 30/11/2024 04:43 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   81
Muốn được như thế, Đức Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C: Lc 21, 25-28; 34-36


Suy niệm

Mùa Vọng hướng đến việc Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng điều chính yếu là hướng chúng ta về ngày Chúa lại đến trong vinh quang. Vì vậy mà đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ ngày cánh chung: Đức Giêsu nói tới những việc sẽ xẩy ra vào những ngày sau cùng. Điều quan trọng không phải là hiểu biết về ngày ấy như thế nào, sẽ diễn biến sa sao, mà là một thái độ sống tích cực bằng tình yêu mến trong mọi công việc, để có thể vui mừng đón Chúa đến trong ngày ấy. Muốn được như thế, Đức Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

Thế nào là tỉnh thức? Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với hiện thực; không sống mơ hồ, nhưng nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân; biết về thực chất của mọi công việc; biết về thực tại của mọi biến chuyển, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với người, thực tế với đời. Chúa Giêsu nói rất cụ thể, là đừng để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Thật ra, Thiên Chúa không hành động bất ngờ để bắt chộp ai, vì vẫn luôn có những điềm thiêng dấu lạ để báo trước. Bất ngờ là vì ta đã sống ơ hờ, ươn lười và chểnh mảng (x. Mt 25, 1-10; 24-28). Nếu ta biết sống thanh thoát và sẵn sàng, thì việc Chúa đến bất ngờ lại là điều rất thú vị.

Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối liên hệ với tâm hồn đầy yêu mến. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta: “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai.

Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân tướng của của cuộc đời và con người, là thoát khỏi vô minh: không bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế, không bị đam mê và dục vọng lôi kéo, không bị chìm ngập trong những tính toán lợi lộc, không mong được giàu sang hay sung sướng, mà luôn thuận theo lẽ Trời. Triết lý Á Đông cũng có câu: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Đời Kitô hữu là một cuộc đời sống thuận theo ý Chúa. Đặc biệt hơn nữa, là đỉnh cao của việc giác ngộ là đặt Đức Kitô lên trên hết, như thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8).

Tỉnh thức không chỉ để đón chờ Chúa sẽ đến, mà còn nhận ra Ngài đang đến, và thường đến với ta mọi nơi, mọi lúc, trong mọi thời khắc (x. Kh 3, 20). Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Hãy đón nhận từng giây phút đang đến như từng viên ngọc quí mà Chúa trao ban cho ta. Đừng thương tiếc hôm qua, đừng chờ đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay, mà hãy dân thân cách hăng say vào hiện tại trong mọi tương quan của mình.   

Tỉnh thức nhưng phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện luôn thì mới có thể sống tỉnh thức, vì tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện giúp ta tách mình ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để sống với Chúa nhiều hơn. Cần gặp Chúa hôm nay trước khi gặp Chúa trọn vẹn sau này. Cầu nguyện làm nên phẩm chất, bản lãnh và sức mạnh của đời Kitô hữu, giúp ta thoát khỏi mưu mô và nanh vuốt của tà thần để sống thuộc về Chúa. Ý thức như thế nên R. Tagore đã dâng lời khẩn nguyện: “Lạy Thượng Đế! Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng hồn lên khỏi những ti tiện hằng ngày. Và xin cho tôi sức mạnh tràn đầy để âu yếm dâng mình theo ý muốn của Người”.

Ngày Chúa đến thật uy nghi như đã báo: “Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”. Ngài đến như vị Thẩm Phán xét xử trần gian, nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước thánh nhan. Nhưng nếu chúng ta đã tỉnh thức và cầu nguyện, thì đây lại là giây phút hạnh ngộ đã từ lâu mong chờ. Trong tin yêu, chúng ta đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì biết mình sắp được cứu chuộc. Lòng chúng ta tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng để được sống sung mãn với Đức Giêsu, Vua vinh hiển muôn đời. Muốn vậy, chúng ta hãy sống sâu sát với Chúa ngay từ bây giờ, để không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, Chúa chúng ta (Rm 8, 35).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Rồi có một ngày Chúa lại quang lâm,
kết thúc mọi diễn biến của cuộc trần,
Ngài uy nghi xét xử khắp muôn dân,
để cân phân thiện ác mọi thành phần,
và đưa tới sự thành toàn mỹ mãn.


Để đón đợi ngày giờ chung quyết ấy,
đòi con đây phải thanh tẩy chính mình,
bằng tâm tình tỉnh thức và cầu nguyện,
bởi Chúa đến vẫn luôn thật bất ngờ.


Thiếu tỉnh thức sẽ bàng hoàng kinh sợ,
không thể nào đứng vững trước nguy cơ,
thiếu cầu nguyện con sẽ sống ơ hờ,
dễ sa chìm khi ngày giờ chấm dứt.


Thật ra có những điều con phải lo,
và luôn có những việc con phải làm,
nhưng nhiều khi lo làm không lo sống,
lo bên ngoài đánh mất cả bên trong.


Ngay cả việc làm dù là bổn phận,
nhưng nhiều khi chẳng có chút tình thân,
trong phục vụ cũng chẳng có nhiệt thành,
nên hiện diện của con hóa khô cằn,
không làm cho cuộc sống thêm tươi tắn,

mà chỉ thêm gánh nặng với khó khăn.


Xin cho con một đức tin chín chắn,
giúp cho con luôn mau mắn thi hành,
chẳng có gì để con phải kêu than,
mà luôn sống với tình thương ngập tràn,
để chờ ngày Chúa đến vui hợp hoan,
ngày hạnh ngộ thật huy hoàng trong Chúa! Amen.

Lm. Thái Nguyên
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây