TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Câm lặng không lời

Thứ hai - 18/12/2023 09:30 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   930
Sự câm lặng không ở trạng thái khép kín mà là trạng thái của chiêm niệm, trầm tư.
Ông Dacaria dâng hương bàn thờ 01
Ông Dacaria dâng hương bàn thờ 01
Câm lặng không lời




Sự việc ông Giacaria xin một dấu lạ để biết lời sứ thần truyền sẽ là một sự thật. Ông sẽ câm lặng cho đến khi đặt tên cho con trẻ. Sự câm lặng của ông ở trong thể thụ động, như sư thần Gabriel nói: “Và này ông sẽ bị câm không nói được cho đến khi sự việc loan báo xảy ra” (Lc 1, 20). Tình trạng này nói lên điều gì cho ta suy nghĩ?

Câm lặng như diễn tả của bài hát Cao Cung Lên diễn tả: “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính”. Im lặng mà cung kính trước sự việc Chúa sẽ làm cho ông. Thời gian của suy tư, của lòng sùng kính trước mầu nhiệm cao cả Thiên Chúa làm cho ta. Không có lời nào diễn tả, mà cũng chẳng cất được tiếng để cao rao. Trạng thái cao nhất của con người thờ phượng là im tiếng cúi đầu khiêm cung kính thờ.

Sự câm lặng không ở trạng thái khép kín mà là trạng thái của chiêm niệm, trầm tư. Đây là một trạng thái đưa con người vào chiều sâu tâm hồn. Ở đó nghe Chúa nói trong thâm tâm, ở đó con người ngỏ lời, lòng nói với lòng, như cuộc gặp gỡ của ông Elia với Chúa: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. (1v 19, 10 – 13). Ngất ngây vì cuộc gặp gỡ Chúa, như Hàn Mặc Tử diễn tả trong bài Thơ Ave Maria sau khi đã hết lời tán tụng: “Thơ trong trắng như một khối băng tâm, Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu, Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu, Cho đê mê âm nhạc và thanh hương, Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng, Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ, Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ”.

Thánh Têrêsa d’ Avila trình thuật trong “Lâu đài nội tâm” về căn phòng thứ tư là an bình nội tâm, Chúa ban cho. Một sự an bình, không xao động, tràn đầy niềm vui. Đời sống cầu nguyện mật thiết hơn, không dùng lời, có một chiều sâu nhất định của thinh lặng, chìm lắng. Họ vẫn hoạt động giữa đời với tâm hồn vui tươi, vẫn ở sâu trong tĩnh lặng. Có nhiều người được sống an bình và tươi vui như thế. Họ sống tích cực trong tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, họ cảm thấy Chúa gần bên, lúc nào cũng có Chúa hiện diện. Sự tĩnh lặng đến từ Thiên Chúa sau khi người ấy đã sống đời sống cầu nguyện chân thành lâu năm, ví như đời sống cầu nguyện của ông Giacaria. “Vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì.” (Lc 1, 5 – 6)

Sự câm lặng, có một thứ ngôn ngữ không lời để nói, không tiếng để nghe. Hành vi cung kính sâu xa vẫn là hành vi tôn kính trong trạng thái không lời, không tiếng. Ai đã từng kinh nghiệm một lần chết lặng trong việc quá sức tưởng về hồng ân Chúa ban. Có lẽ sẽ thấy đó là kinh nghiệm sâu xa của một tâm hồn im tiếng mà cung kính. Ông Giacaria được sống một kinh nghiệm thần bí, Chúa dẫn ông vào trong câm lặng để nghe bằng một thứ âm thanh không lời, một thứ âm thanh không tiếng. Đã được sống trong kinh nghiệm sâu xa ấy, có thể nói không phải tự con người muốn mà được. Thiên Chúa ban cho mới có, đây là một đặc ân sống kinh nghiệm thần bí. Một kinh nghiệm muốn có mãi chìm đắm trong sự say mê Thiên Chúa, khao khát không nguôi. Một tâm hồn thinh lặng thao thức về Thiên Chúa, để nghe, để thấy: “Việc chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (Tv 126, 3)

Ước muốn của con người chúng ta là thân phận đầy giới hạn mong được tới cõi vô biên. Muốn sống giữa đời ồn ào, náo động, mà được Thiên Chúa dẫn vào tĩnh lặng. Một cõi tĩnh lặng như ông Giacaria.
 
L.m Giuse Hoàng kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây