TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Ba Ngôi: hồng phúc đời ta…

Thứ sáu - 02/06/2023 08:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   597
Kinh Thánh cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu”. Mà, đã là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình. Yêu là cho đi và yêu cũng là đón nhận.

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Chúa Ba Ngôi: hồng phúc đời ta…

 

tbd 020623a


Như là một truyền thống đẹp, hôm nay toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Thưa, Giáo lý Công Giáo dạy rằng: Chỉ có một Chúa nhưng có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.

Khi nói về “Chúa Ba Ngôi”, có người gọi đó là một danh từ thần học, một danh từ thần học tuy không được nhắc đến trong Kinh Thánh nhưng lại là “danh từ” rõ nghĩa nhất để diễn tả về Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

Thật vậy, tuy Kinh Thánh không trực tiếp nói về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng, Kinh Thánh vẫn phảng phất đây đó những trình thuật, những thông điệp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Về Cựu Ước, với đoạn mở đầu sách Sáng Thế, trình thuật đã mô tả “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (x.St 1, 1-2) Rồi khi tạo dựng con người, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” (x.St 1, 26).

Với những lời diễn tả “thần khí Thiên Chúa bay lượn… Chúng ta hãy làm ra…” trong đoạn trình thuật nêu trên, có nhà chú giải Kinh Thánh đã suy tư rằng, phải chăng những lời lẽ đó chính là sự hé lộ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi!

Chỉ là sự hé lộ. Và, theo như lời chia sẻ của Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn thì: “Mầu Nhiệm này đã không được mặc khải trong Kinh Thánh Cựu Ước có lẽ để tránh bối rối cho Dân Do Thái vốn quen với não trạng ‘độc thần = monotheism’ theo đó họ chỉ biết tôn thờ một Thiên Chúa Yaweb là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Jacob và cũng là Thiên Chúa đã giải phóng họ, qua bàn tay ông Môisen, khỏi ách thống khổ bên Ai Cập, được an toàn trở về quê hương. Nghĩa là họ không biết gì về Chúa Kitô, Đấng đã xuống trần gian làm Con Người để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội. Cũng như không biết Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Đấng ban sự sống, đã khai sinh Chúa Giêsu trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã phục sinh Chúa Giêsu-Kitô từ cõi chết sau ba ngày nằm trong mồ đá.” (nguồn: internet).

Ngài Lm. Huấn chia sẻ tiếp, “Ngược lại trong Kinh Thánh Tân Ước mà anh em Do Thái không nhìn nhận và đọc chung với chúng ta, thì Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải rõ ràng cho nhân loại lần đầu tiên qua trình thuật Chúa Giêsu nhận phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả trong sông Jordan, nơi đây ‘Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu’ và tiếng nói của Chúa Cha lần đầu được nghe từ trời cao phán ra: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.” (Lc 3, 22).

Tiếng Chúa Cha lại được nghe thêm một lần nữa khi Chúa Giêsu Biến Hình trên núi Tabor trước mắt ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Gia-cô-bê: ‘Đây là Con Ta yêu dấu hằng đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người’ (Mt 17, 5). Đặc biệt, trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã minh nhiên nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa khi Người truyền cho các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và rửa tội cho muôn dân ‘nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần’. Những lời này của Chúa Giêsu đã vén mở cho chúng ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể trong Một Thiên Chúa duy nhất mà Giáo Hội long trọng mừng lễ hôm nay.”

**
Kinh Thánh cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu”. Mà, đã là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình. Yêu là cho đi và yêu cũng là đón nhận. Trong tình yêu phải có người yêu và người được yêu. Nói cách khác, tình yêu phải có điểm xuất phát và điểm hội tụ.

Chính vì thế, với sự suy tư của thánh Augustin, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đã được ngài diễn tả rất chí tình. Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm xuất phát của tình yêu. Chúa Con là điểm hội tụ của tình yêu. Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết hai chiều của tình yêu.

Đọc Tin Mừng theo thánh Gio-an (x.Ga 3, 16-18), chúng ta sẽ thấy rõ nét về những suy tư (nêu trên) của ngài Augustin.

Tin Mừng thánh Gio-an có ghi rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Con của Người)”. Đó, đó chẳng phải là một “tình yêu sáng tạo” sao! Và, tình yêu sáng tạo này đã được biến thành tình yêu trao ban, ban cho con người “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

Nếu xưa kia, xuất phát từ tình yêu sáng tạo, Thiên Chúa đã sáng tạo con người “theo hình ảnh Người”. Thì ngày nay, Người “…sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Làm thế nào để được-cứu-độ? Thưa, là nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần, như có lời Đức Giê-su tuyên phán: “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (x.Ga 16, 13-15).

Chỉ có tám mươi tám chữ… Vâng, với tám-mươi-tám-chữ, Đức Giê-su không chỉ nói đến Chúa Thánh Thần, mà Ngài còn cho chúng ta nhìn thấy rõ nét về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Ngôi thứ nhất là Chúa Cha: mọi-sự-Chúa-Cha-có… Ngôi thứ hai là Ngài: đều-là-của-Thầy. Ngôi thứ ba là Thánh Thần: Người-lấy-những-gì-là-của-Thầy.

Với những gì Đức Giê-su đã nói, thiết tưởng chúng ta không cần giải thích Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi theo những cách thông thường mà một số người xưa đã diễn tả, chẳng hạn như: so sánh Ba Ngôi Thiên Chúa giống như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O. Hoặc đem quả trứng ra so sánh. Trứng có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng, v.v…

Thiên Chúa là Đấng vô hạn, chính vì thế, chúng ta không thể dùng những vật thể hữu hạn để mà so sánh về Người. Và Thiên Chúa nào có cao xa… Người “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, kia mà! (x.Ga 1, 14).

Nếu, nếu phải giải thích, hãy giải thích: đây là Mầu Nhiệm Đức Tin.

***
Nói đây là Mầu Nhiệm Đức Tin, chưa đủ. Chúng ta còn phải tuyên xưng niềm tin đó. Tuyên xưng như thế nào? Sao! Tuyên xưng bằng cách làm dấu thánh giá ư! Tốt. Rất tốt khi “Ϲon làm Dấu hằng ngàу, con làm Dấu một đời... Khắc ghi tình уêu Ba Ɲgôi Thiên Ϲhúa trong trái tim con.” (trích nhạc phẩm: Làm Dấu – tác giả Lê Đức Hùng).

Thế nhưng, sẽ là hoàn hảo hơn nếu chúng ta tuyên xưng qua cuộc sống của chính mình. Nói theo cách nói của thánh Augustin, đó là; sẽ thiết thực hơn khi chúng ta chính là “nguồn mạch của tình yêu, là điểm xuất phát của tình yêu, là mối dây liên kết hai chiều của tình yêu.” Bởi vì, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chẳng phải là “Mầu Nhiệm của Tình Yêu”, đó sao?

Thế nên, nếu không tuyên xưng qua cuộc sống của mình, thì có khác nào chúng ta còn xa lạ với Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời tông đồ Gio-an cảnh báo, còn đó: “Ai không yêu thương thì không ở trong Thiên Chúa” (x.1Ga 4, 8).

Đừng quên, Đức Giê-su cũng có lời truyền dạy, rằng: “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy; là anh em có lòng yêu thương nhau”. Và hãy nhớ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Hãy ghi khắc trong con tim mình và hãy thực hiện những “cách thức yêu thương” Đức Giê-su truyền dạy. Đó là: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em… Ai xin thì hãy cho…” Đó là: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.”

Đức Giê-su không quá khắt khe đâu! Bởi vì, như lời Ngài nói: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả…”

Nghe lời Thầy Giê-su truyền dạy, thấy mà “lạnh người”, phải không, thưa quý vị! Thế nhưng, dù có “lạnh” đến đâu, chúng ta vẫn phải thực hiện. Phải thực hiện vì chúng ta “là môn đệ của Ngài”.

Phải thực hiện, vì có như thế, “tình yêu của (Thiên Chúa) mới nên hoàn hảo”. (x.1Ga 4, 12). Phải thực hiện, vì có như thế, chúng ta mới hoàn tất sứ vụ “tôn vinh Ϲhúa Ϲha toàn năng… chúc tụng Ϲhúa Ϲon tình уêu... vinh danh Ϲhúa Thánh Thần.”

Cuối cùng, phải thực hiện vì, nói theo cách nói của Lm.Thái Nguyên: “Đó chính là dấu chứng của một thực tại vô hình, là biểu hiện đích thực của niềm vui sự sống và hạnh phúc muôn đời.” (nguồn: internet).

Đúng vậy, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy vô hình, nhưng lại là biểu-hiện-đích-thực của “Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc đời con.” Nói tắt một lời: “Chúa Ba Ngôi: hồng phúc đời ta”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây