TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chứng nhân cho Chúa

Thứ tư - 26/05/2021 05:39 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   751
Chứng nhân cho Chúa

Lễ Chúa Thăng Thiên

Hãy là “chứng nhân cho Chúa”

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

Đức Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha”. Đây… đây là niềm tin không do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng do các tông đồ truyền dạy. Các thánh sử Mác-cô và Luca có ghi lại biến cố trọng đại này.

Với thánh sử Mác-cô, ngài ghi lại vắn tắt, rằng: “Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. (x.Mc 16, 19). Còn với thánh sử Luca thì sao! Thưa, ngài đã ghi lại biến cố trọng đại này rất chi tiết.

**

Biến cố này đã được thánh sử Luca kể lại rằng: hôm ấy, khi nhóm mười một các ông đang nói chuyện với nhau, thì Đức Giê-su hiện đến. Ngài đã hiện đến và “đứng giữa các ông”.

Vâng, không nói ra, nhưng chúng ta có thể tin rằng: các môn đệ quá đỗi kinh ngạc và tự hỏi: Thầy đó sao!

Đúng, Thầy Giê-su đây. Hôm ấy, khi đã đứng giữa các ông, Đức Giê-su cất tiếng bảo các ông rằng: “Bình An cho anh em”.

Ôi! thật không thể tin được! Nhận được lời chúc phúc, thay vì vui mừng, các ông lại “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”!

Có là ma thật không? Thưa không. Hôm ấy, khi thấy các môn đệ “run như run như hơi thở chạm tơ vàng”, Đức Giê-su nhẹ nhàng trấn an rằng: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?”

Và để gây dựng niềm tin nơi các ông, Ngài tiếp lời: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem”.

Khi các ông còn đang ngỡ ngàng, thì Đức Giê-su hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Và rồi, các môn đệ đã “đưa cho Người một khúc cá nướng”. Thánh sử Luca cho biết: “Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông”.

Đức Giê-su không chỉ hiện ra và cùng ăn với các môn đệ, nhưng Ngài còn có những lời chỉ bảo, những lời chỉ bảo để củng cố đức tin cho các ông. Hôm ấy, Đức Giê-su nói: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.

Sau lời truyền dạy, Ngài đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Tiếp đó, Ngài nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

Và đây, giờ phút linh thiêng bắt đầu, chính giờ phút này mà hôm nay toàn thể cộng đoàn Giáo Hội đồng thanh cất tiếng ca vang: “Chúa đã lên trời bóng Người xa khuất mù khơi. Con mong được đổi làm mây theo gót chân Người. Bầu trời mênh mang luôn vọng vang tiếng Người gọi mời. Con vui nhẹ bước trên đời tiến về cõi trời.” (Phanxico).

Vâng, thánh sử Luca đã ghi lại giờ phút linh thiêng này như sau: “Người dẫn các ông tới gần Be-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.” Và rồi “đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (x.Lc 24, 50-52).

***

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Và, sau bốn mươi ngày, Người “được rước lên trời”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao, sau khi sống lại, sao Ngài không ở lại thế gian! Ở lại thế gian, với “quyền phép” chết đi sống lại của mình, một chứng cứ đủ thuyết phục, và sẽ là một lợi thế cho việc loan báo Tin Mừng?

Thưa, nếu câu hỏi này được gửi đến Đức Giê-su, có phần chắc Ngài sẽ nói: “tư tưởng của ngươi không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của phàm nhân”.

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Nhưng, Ngài không sống lại chỉ để “lang thang trên đồi vắng, qua rừng sâu”, tiếp tục thi thố những phép lạ, thu phục nhân tâm, hầu khôi phục vương quốc Israel, (như các môn đệ lầm tưởng) nơi trần thế này.

Hãy nhớ, trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, trước lúc tử nạn, Đức Giê-su đã có lời tâm tình cùng với các môn đệ, rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Và rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16, 7).

Lợi gì? Thưa, Đức Giê-su nói: “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em”.

Lợi gì nữa? Thưa, như lời Đức Giê-su đã hứa, đó là: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Thánh Phao-lô khi nói tới biến cố Đức Giê-su lên trời, ngài cho thấy thêm một điều lợi nữa: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20).

****

Thế còn chúng ta hôm nay thì sao? Mừng kính trọng thể lễ Chúa Giê-su thăng thiên, chúng ta sẽ làm gì?

Vâng, tác giả bài suy niệm “Rồi Ngài sẽ trở lại”, có lời chia sẻ rằng: “Mừng Mầu Nhiệm Chúa về trời, bạn bước vào một mùa vọng mới, mùa mong đợi Đức Ki-tô lại đến. Chúng ta, ‘những người Ga-li-lê’ ngày nay, không được phép cứ đứng nhìn trời mà không làm gì cả, nhưng hãy quay trở lại công trường của mình là cuộc sống trần thế này, xắn tay áo xây dựng nó xứng tầm với “thành đô Giê-ru-sa-lem mới” trong ngày Đức Ki-tô lại đến.” (nguồn: internet)

“Xắn tay áo xây dựng” nghĩa là sao? Phải chăng, nghĩa là phải sống chứng nhân, chứng nhân cho những lời Đức Giê-su đã truyền dạy? Thưa, đúng vậy.

Trước lúc được-rước-lên-trời, Ngài đã có lời truyền dạy với các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28, 19), và tất nhiên đó cũng là lời truyền dạy cho chúng ta, hôm nay.

Mà, có gì ngăn cản chúng ta thực hiện lệnh truyền của Đức Giê-su! Chúng ta hãy cùng đọc lại tông huấn Giáo hội tại Châu Á ở số 45, do Đức Gioan Phaolo II viết: “Như Công đồng Va-ti-can II đã chỉ rõ, ơn gọi của người giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi truyền bá Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô…”

Ngài Gio-an Phao-lô nói tiếp: “Do ân sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà truyền giáo (chứng nhân); và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như: chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao… Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”. (nguồn: Tông Đồ Giáo Dân Thực Hành).

Đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải làm chứng cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt. Và, nơi “làm chứng” lý tưởng nhất, chính là gia đình chúng ta.

Tại sao lại là vậy? Thưa, là bởi, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống, là nhà giáo dục đầu tiên, và tất nhiên cũng là một tập hợp để hình thành Giáo Hội.

(Mở ngoặc một chút nhé! Khi nói về gia đình, thật đáng xấu hổ khi trong số những bà mẹ phá thai có không ít bà mẹ là người Công Giáo. Và, trong số những gia đình ly dị cũng có không ít gia đình là gia đình Công Giáo).

Thế nên, thật cần thiết để mỗi chúng ta “sống chứng nhân ngay trong gia đình mình”.

*****

Vâng, sống chứng nhân không quá khó đâu! Không cần phải là một nhà thần học, hay một nhà chú giải Kinh Thánh, chúng ta vẫn có thể sống chứng nhân cho những lời Đức Giê-su đã truyền dạy, trong gia đình của chúng ta (hay bất cứ nơi nào mình có mặt).

Này nhé, chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn gắn bó với Đức Giê-su Ki-tô, với lời nguyện: “Xin Người soi lòng mở trí” như xưa “Người (đã) mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh”, để chúng con thấy rõ “đâu là niềm hy vọng… đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú… đâu là quyền lực vô song Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu”.

Với lời cầu nguyện thật lòng như thế, Chúa sẽ “mở trí” cho chúng ta. Mở trí cho chúng ta biết rằng: niềm hy vọng mà chúng ta cần hướng đến chính là Nước Trời, gia nghiệp vinh quang phong phú của chúng ta chính là Thiên Chúa (như chúng ta thường ca nguyện: Chúa là gia nghiệp đời tôi), và cuối cùng, quyền lực vô song chỉ có ở nơi Thiên Chúa, mà thôi.

Thiên Chúa sẽ mở trí cho chúng ta “biết”. Nhưng “biết” không chưa đủ, mà còn phải “sống”. Sống vì Nước Trời, sống như Chúa và sống trong Chúa.

Nói cách khác, sống vì Nước Trời, sống như Chúa và sống trong Chúa, chính là chúng ta đã “sống với Thánh Kinh – sống bằng Thánh Thể”.

Mà khi chúng ta đã sống với Thánh Kinh – sống bằng Thánh Thể, hãy tin, láng giềng của chúng ta sẽ thân thiết với chúng ta, anh em chúng ta sẽ hòa thuận và vợ chồng chúng ta sẽ ý hợp tâm đầu.

Láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu - Kinh Thánh nói – “cả ba điều này đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta” (Hc 25, 1).

Một khi làm “đẹp lòng Đức Chúa và người ta”, vâng, đó chính là lúc chúng ta thực thi trọn vẹn lệnh truyền của Đức Giê-su năm xưa, “chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

Vâng, là một Ki-tô hữu, chính chúng ta phải là “chứng nhân cho Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây