TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta phải có sự kiên trì

Thứ tư - 26/05/2021 22:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   892

Chúa Nhật XXXIII – TN – C

Chúng ta phải có sự kiên trì

Như chúng ta thường nói: có sinh ắt có tử, có khởi đầu thì có kết thúc. Đó là quy luật tự nhiên trên thế gian này. Ông Quintilian, một nhà hùng biện cổ thời Roma, cũng đồng quan điểm như thế, nên ông ta đã nói rằng: “Tất cả mọi thứ đều có một sự khởi đầu đến một sự kết thúc”.

Đức tin Ki-tô giáo cũng vậy, cũng có một sự khởi đầu, khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật, và rồi sẽ có một ngày kết thúc, đó là ngày tận thế.

Khởi đầu khi nào? Thưa, chúng ta được biết rằng, đó là những ngày đầu tiên Thiên Chúa tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

Kết thúc khi nào? Vâng, khi nói tới ngày tận thế, có thể nói rằng đó là một ngày đã làm cho biết bao người rơi vào vòng xoáy của những tiên báo mơ hồ vu vơ.

Thật vậy, một thống kê tương đối cho biết, tại Hoa Kỳ, có một số tín đồ của một vài giáo phái, họ đã làm công việc “tiên đoán” về ngày tận thế tổng cộng năm lần, cả năm lần đều được công bố trong thế kỷ 20, vừa qua. Thế nhưng, tất cả những lần tiên đoán đó đều đã không xảy ra.

Còn các nhà khoa học ư! Theo họ, một ngày nào đó sau hàng tỷ năm, thế giới chúng ta sẽ qua đi, vì mặt trời, nguồn năng lượng của nó, sẽ cạn kiệt nhiên liệu.

Về ngày tận thế, Hội Thánh Công Giáo đã có lời giáo huấn, rằng, không một ai “…biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại… Chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị…” (x.Hiến chế về Mục Vụ trong thế giới ngày nay, số 39).

Ngày tận thế ư! Nó sẽ xảy ra, vì đó là điều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì là chương trình của Thiên Chúa, cho nên ngày đó sẽ đến, không phải theo cách hoặc thời điểm mà một số các giáo phái thường tiên báo hay các nhà khoa học tưởng là…

Vào những ngày còn tại thế, Đức Giêsu đã cho mọi người biết rằng, sự cần thiết để biết “bao giờ sẽ tận thế” không quan trọng cho bằng “đến Ngày phán xét (mọi người) sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói (hay đã làm)”, mới là điều cần quan tâm đến.

Và, trong một lần khác, khi có người hỏi “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra”, Đức Giê-su có lời truyền dạy, lời truyền dạy đó được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Vâng, chuyện được thánh sử Luca ghi lại rằng: Một hôm, nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.

Đây không phải lần đầu tiên Đức Giê-su lớn tiếng nói về Đền Thờ. Đã có lần, nhìn Đền Thờ bị con người lạm dụng cho việc kinh doanh buôn bán, Đức Giê-su đã xua đuổi họ, và sau đó Ngài tuyên bố, rằng: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.

Trở lại với biến cố hôm nay, khi dân chúng nghe những lời tiên báo đầy bi quan về Đền Thờ, họ không khỏi hoang mang. Có người liền chất vấn Đức Giê-su: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”.

Trước việc họ muốn được nghe một lời giải đáp khả dĩ, Đức Giê-su đã có lời cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘chính ta đây’, và ‘Thời kỳ đã đến gần’: anh em chớ theo họ” (x.Lc 21, 8).

Muốn biết điềm gì báo trước ư! Thưa, hôm đó Ngài nói: “Khi anh em nghe có chiến tranh thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước.” Cũng “sẽ có động đất, ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. Thê thảm hơn nữa, “người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em và bỏ tù v.v…”.

Và để khép lại cuộc chất vấn, Đức Giêsu không nói với họ “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra”, Ngài chỉ đưa ra một lời khuyên, khuyên rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21, 19).

***

Những lời Đức Giê-su tiên báo về Đền Thờ “sẽ có ngày bị tàn phá hết” có ứng nghiệm không? Thưa có. Đền Thờ, niềm tự hào của người Do Thái, ngày 9/8/70, hùng binh La Mã đã triệt hạ và phá hủy, phá hủy “không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Ngày nay, dấu tích Đền Thờ chỉ còn một bức tường, người Do Thái gọi là “bức tường than khóc”.

Còn những lời tiên báo về sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét” thì khỏi phải nói. Nó đã ứng nghiệm, ứng nghiệm một cách tàn khốc suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội.

Thánh Têphanô như là vị tiên khởi cho những lời tiên báo của Đức Giê-su. Chỉ vì rao giảng một “Giêsu người Nadaret”, ngài Tephano đã bị người ta chống đối “xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá”.

Chuyện kể rằng: “Họ ném đá ông, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7, 60).

Tiếp đến là thánh Giacôbê, ông ta đã bị con cáo già Hêrôđê chém đầu. Sách Công Vụ tông đồ cho biết, khi thấy việc làm đó vừa lòng người Do Thái, “nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa”.

Sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét” đã xảy ra rất tàn khốc suốt ba thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội.

Những người tín hữu Việt Nam cũng đã nằm trong tầm ngắm của những con người thích sự dữ, thích việc bắt bớ, thích ngược đãi, thích bỏ tù v.v… Tiêu biểu là một trăm mười tám vị tử đạo (118), là những vị ngày nay chúng ta kính nhớ.

Các vị cũng chính là những nạn nhân về lời tiên báo của Đức Giêsu. Các ngài đó cũng đã bị “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét”.

Nhắc lại biến cố lịch sử này để làm gì? Thưa, trước hết là để nhìn các vị đó như là tấm gương mẫu mực cho sự kiên trì trong đời sống niềm tin, một niềm tin vì “danh Thầy Giê-su”, và sau là để nhìn lại đời sống niềm tin của chính mỗi chúng ta, hôm nay.

Vâng, hãy nhìn lại và tự hỏi lòng mình rằng, “vì danh Thầy Giêsu” chúng ta cũng sẽ “noi gương” các vị tử đạo Việt Nam! Chúng ta sẽ noi gương không ở việc cũng sẽ “tử đạo” như các ngài, nhưng là sẽ noi gương ở sự kiên trì trong vai trò chứng nhân của Đức Ki-tô?

Nói rõ hơn, chúng ta sẽ kiên trì trong đời “sống đạo” của chính mình! Cụ thể là kiên trì giữ “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa. Hay nói ngắn gọn hơn, đó là: Mến Chúa – Yêu người!

Đừng quên, trước giờ sinh ly tử biệt, Đức Giê-su đã tuyên bố rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (x.Ga 13, 35)

Chưa hết đâu! “vì danh Chúa”, chúng ta sẽ xử sự ra sao khi phải đối diện trước những nhà cầm quyền áp đặt những luật lệ, như luật cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, nói tóm lại là những đạo luật đi ngược lại luật Thiên Chúa? Ta sẽ bỏ phiếu tán đồng! Hay tôi vẫn kiên trì trong đức tin truyền thống của Giáo Hội “cấm phá thai –cấm hôn nhân đồng tính”!

Vâng, xã hội hôm nay là một xã hội đang ngày càng bị tục hóa, một xã hội đang bị khống chế, đang bị điều khiển bởi Satan và bè lũ của chúng. Có biết bao nhiêu sự quyến rũ, sự cám dỗ đang bủa vây chúng ta. Nào là tiền bạc, tình dục, danh vọng, quyền lực, v.v…

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: nó có làm xói mòn sự kiên trì của chúng ta, nó có bẻ gãy niềm tin của chúng ta! Có bao giờ chúng ta tự hỏi: làm sao để chúng ta vẫn có thể “kiên trì” sống chứng nhân cho Đức Giê-su!

Tạ… tạ ơn Chúa, trước mối nguy hiểm này, Lm. Lưu Quang Bảo Vinh, qua một bài giảng đã có lời khuyên, khuyên rằng: “Thứ nhất: loại trừ tội lỗi. Thứ hai: giữ các giới răn của Chúa. Thứ ba: coi chừng thế gian (đó là các thói tục xấu xa của thế gian. Cuối cùng là phải luôn đề phòng những kẻ phản Ki-tô, là những kẻ chối từ Thiên Chúa”.

Thật đúng vậy, thánh Phao-lô, khi nói về những thói tục xấu xa của thế gian (đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén), ngài đã cảnh báo rằng: “những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (x.Gl 5, 20-21).

Vâng, lời Chúa, qua môi miệng thánh Phao-lô, thật quá rõ ràng. Và, rõ ràng hơn nữa qua lời Đức Giê-su đã phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ Là được vào Nước Trời đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào thôi” (x.Mt 7, 21).

Thế nên, điều quan trọng mà chúng ta cần biết hôm nay, không phải là cần biết “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra”, nhưng điều cần biết hôm nay, đó là chúng ta cần biết đến những lời khuyên của Lm Bảo Vinh, cũng như những lời cảnh báo của thánh Phao-lô, để mà xem đó như là kim chỉ nam cho đời sống đức tin của mình.

Tại sao? Thưa, là bởi, nhờ biết đến những điều đó (nêu trên), chúng ta mới có thể củng cố được sự kiên trì, một sự kiên trì cần thiết để “giữ được mạng sống mình”.

Đó… đó chính là điều đã được Đức Giê-su truyền dạy: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Nói cách khác, để giữ được mạng sống mình, chúng ta “phải có sự kiên trì”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây