TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Con dân Trường Xuân tiến bước

Thứ năm - 20/01/2022 04:41 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   1352
Vì thế, đến năm 1987, nghĩa là sau 12 năm lưu lạc, toàn bộ bà con thuộc hợp tác xã 1 lại đưa nhau về vùng đất thuộc xã Trường Xuân, ở dài theo cây số 10, quốc lộ 14.
Con dân Trường Xuân tiến bước

Con dân Trường Xuân tiến bước trong tình Chúa xót thương

 

Những năm chiến tranh, cùng với các sắc dân M’Nông anh em, bà con M’Nông Prưng cũng đổ dồn về sống quanh vùng Gia Nghĩa, được các cha thừa sai và các nữ tu dòng Thánh Phaolô đứng ra chăm sóc, dẫn vào đời sống đức tin. Số người tin theo rất đông, nhưng mới chỉ có số ít được lãnh nhận bí tích rửa tội.

Sau biến cố 1975, cũng như các sắc dân M’Nông khác, bà con M’Nông Prưng dắt dìu nhau trở về đất xưa, phát rừng làm rẫy theo hợp tác xã ở Dak Drung, cầu 20 đi vào chừng 15 km.

12 năm trời lang thang mà lòng người không yên, vẫn nhớ về núi rừng của tổ tiên, các ông bà lớn tuổi vẫn mơ về những con đường mòn thuở ấu thời, nhất quyết không chịu làm ăn sinh sống trên vùng rừng núi không có mồ mả mẹ cha. Vì thế, đến năm 1987, nghĩa là sau 12 năm lưu lạc, toàn bộ bà con thuộc hợp tác xã 1 lại đưa nhau về vùng đất thuộc xã Trường Xuân, ở dài theo cây số 10, quốc lộ 14.

12 năm trời của một đoàn chiên non trẻ vất vưởng không linh mục, không nhà thờ, cũng không có điểm tập trung, chỉ vỏn vẹn có 3 thầy giảng là Ma Mach, Ma Duyên và Ma Thêm, cùng với một vài giáo lý viên phụ giúp. Không có điểm tập trung thì chỉ còn cách khích lệ bà con sớm hôm đọc kinh cầu nguyện riêng trong gia đình, chứ có thể làm gì hơn.

Thêm một năm vật vờ trên vùng đất mới, sau đó mới được phân chia lại thành từng thôn như hiện nay:

Thôn 1 và 2 tiếp tục ở dài theo cây số 10 quốc lộ 14, thôn 3 rẽ phải vào sâu dưới dốc chừng 3 km, thôn 4 và 5 rẽ trái nằm sâu chừng 4km. Khi đã ổn định chỗ ở, bà con bắt đầu tập trung cầu nguyện tại nhà giáo phu. Mỗi năm 2 lần, vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, một số bà con mới có dịp tham dự Thánh Lễ tại góc sân vận động của thị trấn Gia Nghĩa. Cho mãi tới năm 1994 các cha mới được về dâng lễ đều đăn một năm 6 lần, và tới năm 2004, sau gần 30 năm vắng bóng, mới có linh mục về ở luôn Gia Nghĩa, bắt đầu cho dựng nhà thờ.

Gần 30 năm sống trong thầm lặng, đời sống đạo của bà con không vì thế mà tàn lụi, vì một lòng tin son sắt vào Chúa Kitô đang sống! Chúa vẫn ở đó, ngay trong cảnh đời của mỗi gia đình.

Chúa Kitô đang sống, luôn tươi trẻ.

Và vì thế, dù cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng với một Chúa Kitô đang sống và luôn tươi trẻ thì đời sống của bà con với Chúa cũng luôn tươi trẻ.

Thôn 1 và thôn 2 nằm dài theo quốc lộ 14, bao gồm 2 bon là Păng Sim và Tà Mung, có 48 gia đình công giáo, phần lớn đã được lãnh nhận bí tích rửa tội. Ngoài Ma Thêm là người đã có được gần một năm theo chương trình đào tạo của các cha thừa sai trước 1975, còn có anh chị em thanh niên giúp sức, hàng tuần tập trung bà con đọc kinh ở nhà Ma Thêm, đồng thời cũng giúp bà con học thêm giáo lý và lắng nghe lời Chúa. Kinh sách vẫn đọc bằng tiếng K’Hor, coi như tiếng chung cho cả vùng này. Cho tới năm 1994, nhờ băp Xuân và bố Phương chuyển dịch, mới bắt đầu có kinh bằng tiếng M’Nông.

Riêng tại thôn Ba, với sự dẫn dắt của Y Sing (Ma Duyên), là người cũng có được một năm theo học giáo lý ở trung tâm sắc tộc Ban Mê Thuột, kết hợp với Y Dinh và Y Nham, nhờ đó mỗi lần có linh mục về dâng lễ ở Gia Nghĩa, các anh lại dẫn một ít gia đình đến xin lãnh nhận bí tích rửa tội. Thôn 3, đặc biệt có một khuôn mặt nổi bật là Y Dinh, anh đã cùng với các anh em trong thôn về theo học các khóa giáo lý và cầu nguyện ở Lái Thiêu, một con người năng động và nhiệt thành lo cho bà con. Thế nhưng năm 1998, anh đã sớm ra đi, tuổi đời còn rất trẻ, khi đứa con trong bụng mẹ chưa kịp chào đời để thấy mặt cha. Tuy nhiên, khoảng trống này đã được Y Nham cùng với Y Sing lấp đầy, và lời Thiên Chúa vẫn lan rộng, Đấng Phục sinh vẫn ở giữa bà con và không bao giờ bỏ rơi. Người vẫn luôn ở đó để trao ban sức mạnh và hy vọng, chả thế mà tính từ năm 1990 đến năm 2002, bà con cứ đều đặn nắm tay nhau tìm về dòng suối thanh tẩy, tổng cộng lên tới 369 người, bao gồm 63 gia đình.

Qua thôn 4 và thôn 5, có Ma Mach, một thầy giảng đã qua trường đào tạo 3 năm ở Buôn Ma Thuột, kết hợp với Ma Tuyên, và các giáo lý viên. Hai thôn này chỉ có ít gia đình công giáo, thế nhưng bà con luôn kiên vững. Phải nói khuôn mặt nổi bật của Trường Xuân ngay từ ban đầu là Ma Mach, một con người điềm đạm, nhẹ nhàng, rất mực kiên nhẫn và luôn trung tín. Chỉ riêng nhà Ma Mach đã là một đại gia đình: ông có 9 người con thì 8 người đã lập gia đình, cho ông 40 đứa cháu và 7 chắt. Nghĩa là từ cặp vợ chồng son thuở nào nay tròn con số 12 gia đình, gần phân nửa số gia đình công giáo của thôn 5 hiện nay. Một đại gia đình tốt lành mẫu mực cũng có sức lan tỏa mãnh liệt, giữ cho lòng đạo không bị hao mòn qua bao nhiêu năm tháng không chủ chăn, cũng không có nhà thờ.

Thực ra, mái nhà này một khi đã là điểm cho bà con tập trung cầu nguyện thì cũng là nơi Thiên Chúa ấp ủ chở che và tuôn đổ muôn hồng ân. Cuộc sống của những người con trong gia đình, có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những lỗi lầm và thất bại của họ, họ vẫn tiếp tục tiến bước và tỏ ra rất đẹp lòng Chúa.

Để hướng dẫn bà con trong cộng đoàn cũng như nuôi dậy con cái, Ma Mach ngày nào cũng lập đi lập lại một lời: “Thiên Chúa không thiên vị người nào, nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành thì đều được Ngài tiếp nhận”, “Đừng bao giờ bỏ Chúa”. Cũng vì các gia đình luôn dạy con cái ăn ngay ở lành, sống trong Thiên Chúa là Đấng tốt lành và cao cả, mà nhà nhà của thôn Tư và thôn 5 đầm ấm an vui, và tràn đầy sức sống.

Cuộc đời nghèo khổ, lam lũ, loanh quanh với một ít nương rẫy, rồi đi làm thuê làm mướn sống qua ngày. Mẹ rừng ngày nào ê hề mật ong với thú rừng, măng le, đọt mây, lá nhíp với rau bưng, nay thì chỉ còn trơ lại những bụi tre mọc ven theo suối, ở đó mùa măng cũng kiếm được chút ít, còn đọt mây, món ăn chỉ cần thưởng thức qua một lần là nhớ mãi, nay khan hiếm lắm, coi như thuộc mặt hàng cao cấp. Dĩ nhiên, cuộc sống đói no gian khổ, bấp bênh như vậy sao có thể gọi là an vui?

Có đấy, trong cảnh đời của những con người nghèo khổ thì vùng đất sinh sống không phải là chỗ tranh giành, mà là vùng trời của đức tin và lòng cậy trông Thiên Chúa, vùng trời của tình liên đới và chia sẻ, nâng niu đỡ đần những ai lâm cảnh sầu buồn. Đời sống của bà con từ bao đời vẫn vậy chứ đâu chỉ hôm nay. Vì thế, mỗi lần họp nhau quì gối khẩn nguyện, là một lần tha thiết nài van xin Chúa giữ gìn và che chở đoàn con, để tất cả bước đi trước con mắt Chúa, an vui trong Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và luôn xót thương. Một khi bà con chỉ tìm cách sống đời mình trong Thiên Chúa thì làm gì còn cảnh người ôm sầu nuốt tủi trong cô đơn lạnh giá (x. Tv 139:23-24). Khi dìm mình trong Thiên Chúa, được dẫn đưa trong ánh sáng và tình yêu của Ngài, thì ngày lại ngày, kiếm đâu ra nơi an vui bằng chốn này.

Trường Xuân hôm nay đã là một giáo xứ với hơn hai ngàn giáo dân, từ hơn một năm nay đã có cha xứ ở giữa bà con, rồi mai ngày ngôi nhà thờ tạm sẽ được xây mới. Một giáo xứ ghi đậm dấu ấn của một bước đường dài thầm lặng của đức tin và lòng cậy trông. Từ 12 năm đầu ở Dak Drung, cho tới những năm về lại Trường Xuân, 18 năm dựng lại nhà, dựng lại buôn làng, phát rừng làm rẫy, và mãi cho tới năm 2019 mới có linh mục về chăm sóc, đưa giáo họ thành giáo xứ.

Có những khoảnh khắc khó khăn, những thời điểm thập giá, nhưng không gì có thể hủy hoại được niềm vui của đoàn con luôn ngước nhìn lên Chúa.

Và Thiên Chúa cũng reo vui khi cúi xuống vực dậy từng phận người bé nhỏ, yếu đuối và cơ cực trong tình yêu và ân sủng của Người.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây