TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cơ Chế - Luật Lệ

Thứ hai - 17/01/2022 18:16 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1430
“Ngày sabbat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabbat. Bởi đó Con Người làm chủ luôn cả ngày sabbat” (Mc 2,27-28).
Cơ Chế - Luật Lệ

CƠ CHẾ - LUẬT LỆ

Trong một lần trả lời chất vấn của Quốc Hội năm 2006 về những sai phạm, cách riêng trong vụ PMU 18, ông Đào Đình Bình, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải đã nói: “Với cơ chế này thì ai ở trong vị trí của tôi cũng vi phạm như thế thôi”. Nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải cũng đã từng nói rằng có nhiều điều ông muốn làm cho quê hương đất nước phát triển nhưng bị trở ngại do cơ chế.

Cách đây hai mươi năm, nhân buổi làm việc với một vị trong Ban Tôn Giáo Tỉnh về việc xin dâng Lễ cho bà con một giáo điểm vùng xa, vị ấy nói rằng không thể đựơc vì nơi ấy chưa có cơ sở thờ tự. Nếu giải quyết là trái luật. Tôi trình bày rằng theo luật thì không được dâng lễ cho bà con vì chưa có cơ sở thờ tự, nhưng trong thực tế thì làm sao có cơ sở thờ tự nếu trước đó chưa có linh mục đến dâng Thánh Lễ. Quả là một vòng lẩn quẩn như chuyện nhà và hộ khẩu trên đất nước ta của một thời qua. Không thể làm hộ khẩu vì không có giấy chủ quyền nhà ở và làm sao có thể đăng ký chủ quyền nhà ở khi không có hộ khẩu!

Nhiều địa phương, nhiều vị lãnh đạo xã hội đã mạnh dạn tháo gỡ cái vòng lẩn quẩn này khởi đi từ việc “xé rào”. Để có được chuyện sửa đổi luật thì trước đó phải có những hành vi hợp lý, hợp nhu cầu chính đáng mà trái luật. Chuyện của Việt Nam một thời: làm sao có được chính sách “khoán 10” trong nông nghiệp nếu trước đó không có những cá nhân, đơn vị hành xử như là “xé rào” vì trái với luật “Hợp tác xã nông nghiệp” lúc bấy giờ và nhiều chuyện tương tự như thế trong nhiều lãnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội lẫn chính trị? Vì sự phát triển của con người và xã hội thì chúng ta cần nhìn nhận sự tồn tại cần thiết của những hành vi, những quyết định hợp lý, hợp nhu cầu, hợp quy luật nhưng là trái luật vào thời điểm đó. Ở đây chúng ta không có ý cổ võ một thái độ, một lối sống “vô chính phủ” hay bất chấp luật lệ. Cần phải cẩn trọng và ngăn ngừa thái độ phóng túng và lối sống theo chủ nghĩa tự do quá khích này. Tuy nhiên, cũng cần phải cảnh giác trước thái độ suy tôn lề luật của con người và thượng tôn cơ chế.

Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận duy chỉ có “thiên luật” là luật mang tính tuyệt đối về giá trị và sự bó buộc phải tuân giữ mọi thời, mọi nơi và cả với mọi người trong khả năng và hoàn cảnh đón nhận. Thiên luật gồm có luật tự nhiên và luật mạc khải. Nhân luật (luật quốc gia, luật tôn giáo…) thì vẫn có giá trị và sự bó buộc đối những người mà luật chi phối. Tuy nhiên, vì là luật do con người làm ra nên có sự hạn chế. Hạn chế trước hết là do phía người làm luật. Nhân bất thập toàn. Khả năng con người có giới hạn, chưa kể đến các yếu tố khách quan chi phối như hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, điều kiện văn hoá… Chính vì thế mà đã có sự kiện sửa đổi hay tu chính luật pháp, kể cả Giáo luật. Một hiện tượng mang tính tất yếu đã có trong quá khứ thì cũng tất yếu sẽ có trong tương lai. Và điều này minh chứng nét tồn tại, đúng hơn là sự hạn chế của nhân luật.

Sự khập khiễng hay hạn chế vẫn có đó ngay cả trong Bộ Giáo Luật 1983. Chẳng hạn Điều 1086 ghi: “Hôn phối cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội, với một người không rửa tội”. Theo điều này thì nếu như một người đã được rửa tội nhưng đã công khai bỏ đạo, khi kết hôn với một người “không rửa tội” thì hôn phối ấy hữu hiệu hay sao? Có người cho rằng luật thường căn cứ dấu chỉ bên ngoài. Người ấy đã công khai bỏ đạo là kể như lương dân và khi kết hôn với người không rửa tội thì hôn phối thành sự dạng hôn phối tự nhiên. Thế thì giáo lý về Bí tích rửa tội phải giải thích thế nào về ấn tích không hề phai? Nếu như hôn phối ấy cũng vô hiệu thì cụm từ “và chưa công khai bỏ Giáo Hội” là thừa và rất dễ gây ngộ nhận. Chắc chắn văn phong và từ ngữ về luật lệ phải chặt chẽ và rõ ràng. Tạ ơn Chúa, ngày 15-12-2009 Đức Bênêđictô XVI đã ra Tự Sắc “Omnium in mentem” bỏ câu “chưa công khai bỏ Giáo hội” trong Điều 1086. Gần đây, ngày 01/01/2021 Đức Phanxicô đã ra Tông Hiến Pascite Gregem Dei thay thế Quyển Sáu của Bộ Giáo Luật liên quan đến “các tội ác và hình phạt”.

Theo các Điều 1041, 1044 thì người đã công khai bỏ đạo hay bị bệnh tâm thần vẫn lãnh chức thánh (Giám Mục, linh mục, phó tế) thành sự nghĩa là hữu hiệu dù bị cấm hành xử chức thánh. Theo giáo Luật thì người không thể sử dụng trí khôn bình thường (vd điên khùng) thì được đồng hoá với nhi đồng (Đ. 99) và khi cử hành Bí Tích Rửa Tội phải sử dụng nghi thức như trẻ thơ (Đ. 852). Thế mà theo các điều 1041 và 1044 thì “người mắc bệnh điên khùng” vẫn chịu chức thánh thành sự (valide), dù không hợp pháp (licite). Một người được đồng hóa với nhi đồng mà có thể lãnh nhận một bí tích xây dựng cộng đoàn, một thừa tác vụ thánh cách thành sự thì quả là khó hiểu!

Giáo Luật qui định điều kiện thành sự của Bí tích truyền chức thánh chỉ gói gọn hai yếu tố là: “nam giới và đã chịu Bí tích Thánh Tẩy” (Đ.1024) mà không quy định tuổi và các điều kiện khác như sự ý thức, tự do… Trong khi đó với Bí Tích Hôn Phối, cũng là bí tích xây dựng cộng đoàn thì “Người nam chưa đủ 16 tuổi, người nữ chưa đủ 14 tuổi, không thể kết hôn hữu hiệu” (Đ. 1083). Lý do chính yếu khiến không thể kết hôn hữu hiệu vì chưa đủ khả năng (không có năng cách) để đảm nhận các quyền lợi và nghĩa vụ bậc hôn nhân. Ngoài ra còn có nhiều điều kiện khác như sự ý thức, tự do, không gian dối, lường gạt trong những điều quan trọng… thì bí tích hôn phối mới thành sự. Trái lại trong thực tế tại Việt Nam có đó một số người làm giả chữ ký của đấng này đấng kia để lường gạt các giám mục già, hưu… để được truyền chức linh mục. Căn cứ Giáo Luật thì bí tích thành sự dù không hợp pháp!

Một số vị dựa vào thần học bí tích nói rằng Bí tích Truyền chức thánh thành sự là do “tại sự” (ex opere operato). Rất có thể chúng ta rơi vào chước cám dỗ “ma thuật”. Nếu là “tại sự” thì tại sao truyền chức linh mục cho nữ giới thì Giáo hội Công giáo cho là không thành sự? Và người ta viện dẫn lý do là Chúa Giêsu không muốn truyền chức linh mục cho nữ giới. Vậy Chúa Giêsu có muốn truyền chức linh mục cho trẻ em nam hay cho người đàn ông tâm thần không? Thiển nghĩ rằng không. Đã từng biết có vị đã làm bài khảo luận về những bất cập, khập khiễng của Bộ Giáo Luật 1983 và đã dẫn trưng rất nhiều điểm. Chúng ta không nên lấy làm lạ vì tất thảy đều là do con người làm ra, dù là những người rất uyên bác hay đạo đức thì vẫn là con người. Nếu có ai thấy mình hụt hẫng thì có lẽ đang ở trong tình trạng thượng tôn lề luật của con người.

Đức Kitô đến không phải huỷ bỏ lề luật nhưng để kiện toàn (x.Mt 5,17). Một trong những cách thức Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, cách riêng nhân luật là trả nhân luật về đúng vai trò và vị trí của nó. Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Ngày sabbat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabbat. Bởi đó Con Người làm chủ luôn cả ngày sabbat” (Mc 2,27-28).

Luật được làm ra là vì con người chứ không phải con người được dựng nên vì lề luật. Như thế vai trò của lề luật là phục vụ hạnh phúc con người chứ không ngược lại. Con người có tính xã hội và vì thế cần thiết có luật lệ. Vai trò của luật lệ là duy trì sự công bình và trật tự, gìn giữ thiện ích chung, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển con người và xã hội. Một nét tích cực của luật lệ là bảo vệ người cô thế, người kém phận. Nếu không có luật lệ chi phối thì tình trạng cá lớn nuốt cá bé sẽ tràn lan và hạnh phúc cũng như quyền lợi của nhiều người bị xâm phạm. Chính vì thế mà khi một luật không còn đảm nhận được vai trò này thì sẽ không có lý do tồn tại. Các vị Đại Biểu Quốc Hội chúng ta đã bàn thảo sôi nổi về sự tồn tại của cái “hộ khẩu” là một đan cử rõ nét. Đến nay vai trò của nó xem ra đã chấm dứt khi thẻ căn cước công dân ra đời. Thời Hội Thánh sơ khai, các Tông đồ cũng đã sớm nhận thức vai trò của “luật cắt bì” không còn tác dụng nên đã mạnh dạn loại bỏ. Chúng ta đừng quên một thực tế đó là chính những kẽ hở của luật lệ đã trở thành mảnh đất sống của rất nhiều luật sư trên thế giới. Có thể nói trong Giáo hội, sự bất cập hay thái quá của cơ chế, luật lệ làm nảy sinh sự độc quyền, tình trạng giáo sĩ trị và sự thụ động của tín hữu giáo dân.

Con người làm chủ cả ngày Sabat. Khi tuyên bố điều này, Chúa Giêsu đã chính thức trả nhân luật vào vị trí của nó. Chính con người làm ra nhân luật thì phải làm chủ nó chứ đừng làm tôi cho nó. Ai làm ra luật thì có quyền trên luật. Một quy tắc mà lắm khi chúng ta ít để ý. Xin đừng để chính những sản phẩm do con người làm ra trở thành những “uy quyền” mang tính thần thánh, bất khả xâm phạm. Cũng đã từng có đó nhiều người lợi dụng chính những sản phẩm của con người đã được phong thần ấy để rồi hành xử cách độc quyền, độc đoán. Và cũng đang có rất nhiều người vì quá thượng tôn cái “sản phẩm” ấy mà vô tình cam chịu phận làm đầy tớ, dù cho trên danh nghĩa họ là những người chủ thực sự.

Một vài đề xuất nhỏ để cùng Hiệp Hành: “Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ”:

1. Luật lệ là cần thiết vì con người có tính xã hội. Cần phổ biến tinh thần tôn trọng luật lệ đối với mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi chức vụ… Không ai được miễn trừ khi không có lý do chính đáng. Những người mà chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì càng phải đi đầu và gương mẫu trong việc chấp hành luật lệ.

2. Khi cần thiết phải ban hành một luật lệ nào đó thì cần lưu ý tính công bình và ích chung, đồng thời quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích cho những người yếu thế, kém phận. Tránh tình trạng làm luật có lợi cho phía người điều hành, người cai trị, người quản lý hơn là ích lợi của nhân dân. Trong Bộ Giáo Luật xem ra có nét tương tự. Có người nói rằng luật trao quyền cho hàng giáo dân là chỉ biết “ngồi, nghe và móc túi ra!”. Ai cũng nhìn nhận một điều không tốt đó là tình trạng giáo sĩ trị. Thiết nghĩ rằng nó có nguyên cớ trong Giáo Luật khi mà Đấng Bản Quyền được trao cho như toàn quyền với các Quyền Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Dù có đó quy định là phải có Hội Đồng linh mục được xem như là “Nghị viện” của giám mục (Đ.495), nhưng thực tế tại nhiều giáo phận, chỉ là tập thể hữu danh mà không có chút thực quyền nào, vì mọi sự phải tùy quyết định của Đấng Bản Quyền. Thậm chí có nơi Hội Đồng linh mục được thành lập nhưng không làm gì. Bên cạnh đó vai trò của “Hội Đồng kinh tế” hình như chưa thực sự có vai trò gì trong nhiều giáo phận đó đây, trong đó có Việt Nam (Đ 492-494).

3. Một luật do cấp dưới ban hành không được trái với luật của cấp trên và cũng không được trái với tinh thần của luật cấp trên. Tránh tình trạng đang phổ biến là trên thì thoáng mà dưới thì nhặt. Trong đạo chúng ta đã và đang có đó tình trạng “ông cha khó hơn cả Roma”. Theo Giáo luật hiện hành thì quyền của linh mục quản xứ xem ra quá lớn và Hội Đồng giáo xứ hay Hội Đồng mục vụ như chỉ là tập thể mà nhiều nơi chỉ có cái quyền được gọi là “sai đâu đánh đó”! Để chỉnh sửa tình trạng “giáo sĩ trị” của các đấng bậc bề trên và “sự thụ động” của tín hữu bề dưới, không gì hơn hay giảm bớt quyền của người bậc trên và tăng quyền của người bậc dưới bằng cơ chế, luật lệ rõ ràng.

4. Khi đã có luật, dù là Hiến pháp, dù là Giáo luật, dù là luật của Đấng sáng lập dòng… thì không được tuyệt đối hoá nó, phong thần phong thánh cho nó. Có những luật, dù là do các đấng bậc cao trọng đặt định nhưng hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, với sự phát triển của con người, của cộng đoàn dòng tu, của xã hội, của đất nước hay của Hội Thánh thì cũng nên mạnh dạn loại bỏ. Cơ chế nào cũng là do con người đặt ra. Luật lệ nào cũng do con người viết ra. Hãy làm chủ nó, đừng suy tôn nó nhưng hãy “bắt nó uốn mình” để phục vụ hạnh phúc con người.

5. Đã biết rằng nhân luật (luật xã hội, quốc gia; luật tôn giáo) luôn có đó mặt hạn chế, bất cập hay khập khiễng thì cần phải có sự tu chỉnh hay sửa đổi kịp thời. Hình thức và tốc độ phát triển của con người và xã hội hôm nay phải nói là rất chóng mặt và đa dạng, vì thế không thể ì ạch trong việc cập nhật hoá luật lệ. Trong khi các xã hội dân sự thường xuyên tu chỉnh, sửa đổi luật pháp thì mong sao Giáo Luật cũng sẽ có được sự cập nhật kịp thời. Để tu sửa cả Bộ Giáo luật thì quả là công phu và cần nhiều thời gian, nhưng tu chỉnh vài chương hay một đề mục thì rất có thể thực hiện đúng lúc và kịp thời.

Thượng Hội Đồng Hiệp Hành: “Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ” đã mở ra. Theo sự hướng dẫn của vị cha chung Giáo hội, Đức Phanxicô, chúng ta cùng bước đi dưới tác động của Chúa Thánh Thần để sống đúng căn tính và sứ mạng của mình. Một sự đổi thay dựa trên lòng nhiệt thành, sự khiêm nhu, lòng đạo đức… thì rất tốt nhưng thiết nghĩ rằng để cho sự đổi thay ấy được chắc chắn và lâu bền thì cần có cơ chế và luật lệ gìn giữ và bảo vệ. Dĩ nhiên đó là những luật lệ và cơ được toàn thể dân Chúa cập nhật và sửa đổi.

Dẫu biết rằng vẫn còn đó nhiều bất cập lẫn sai sót, nhưng theo tinh thần Đức Giáo Hoàng Phanxicô, xin mạnh dạn tỏ bày một vài nghĩ suy của mình trong tình con cái của Mẹ Giáo hội. Mong sao Thượng Hội Đồng gặt hái kết quả như lòng Chúa mong ước cũng như tâm nguyện của vị Cha chung toàn thể Giáo hội.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây