TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dạ, muốn lắm nhưng không dám

Thứ tư - 13/04/2022 06:13 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1742
Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu khúc gỗ hình chữ thập trên vai Chúa Giêsu là gì, thì có đó không ít người khiêm nhu và trung thực thân thưa: “Dạ con muốn lắm nhưng không dám”.
Dạ, muốn lắm nhưng không dám

DẠ, MUỐN LẮM NHƯNG KHÔNG DÁM

 

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật dữ kiện Chúa Giêsu lần thứ nhất tiên báo cuộc khổ nạn của Người và đưa ra những điều kiện để theo Người. Không thấy Tin Mừng tường thuật tiếp thái độ của đám đông là dừng lại hay tiếp tục đi theo, tuy nhiên các tông đồ thì vẫn còn theo Thầy (x.Mt 16,21-26; Mc 8,31-38; Lc 9,22-26 ). Đặt mình vào hoàn cảnh đám đông đang theo Chúa Giêsu năm xưa, nghe Người nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34) chắc hẳn rất nhiều Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức sẽ nói rằng “con muốn”. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu khúc gỗ hình chữ thập trên vai Chúa Giêsu là gì, thì có đó không ít người khiêm nhu và trung thực thân thưa: “Dạ con muốn lắm nhưng không dám”.

Khúc gỗ hình chữ thập trên vai Chúa Giêsu là gì? Thập giá là án phạt tử hình độc ác, rùng rợn, dã man mà đế quốc Rôma đặt ra để trừng trị các phạm nhân mắc trọng tội. Cách riêng thời Chúa Giêsu thì nó được dùng làm vũ khí đàn áp những chí sĩ Do Thái muốn giải phóng quê hương khỏi ách nô lệ đế quốc Rôma, dành lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Quan Philatô lúc bấy giờ rất thích dùng án hình này. Chắc chắn khi Chúa Giêsu tiên báo án hình khổ giá mình sẽ phải chịu thì có thể nhiều môn đệ hiểu lý do về mặt chính trị, vì đây như là mục đích chính mà các vị “từ bỏ mọi sự” mà đi theo Người.

Cùng xét xem bối cảnh mà Chúa Giêsu nói lời tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá. Sau khi rao giảng chân lý về nước Thiên Chúa và miệt mài giáng phúc thi ân bất chấp một vài luật lệ của Do Thái giáo, cách riêng là luật ngày lễ nghỉ thì Chúa Giêsu đã bị nhiều lãnh đạo Do Thái giáo, nhiều người biệt phái và kinh sư ganh ghét, tìm cách hãm hại. Hai trong ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá của mình Chúa Giêsu đã nói rõ chính các Thượng tế, kỳ lão và kinh sư ở Giêrusalem là những người trực tiếp áp đặt khúc gỗ chữ thập trên vai của Người (x.Mt 16,21-23; Mc 8,31-33; Lc 9,22; Mt 20,17-19; Mc 10,32-34; Lc 18,31-34).

Theo bối cảnh này chúng ta thoáng nhận ra lý do Chúa Giêsu phải đón chịu khúc gỗ hình chữ thập đó là vì Người muốn dùng ánh sáng chân lý qua lời giảng dạy và việc làm để giải thoát nhân loại ra khỏi ách kìm hãm của thần dữ, ra khỏi cung cách sống đạo như là người nô lệ mà nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đang áp đặt trên dân. Trước tòa Philatô, chính Người đã khẳng định: “Phải, tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Trước đó Người đã từng nói với những người Do Thái: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông:” (Ga 8,31-32).

Là loài có sự sống, con người chúng ta bị chi phối bởi ba bản năng là sinh – tồn và thống trị. Bên cạnh hai bản năng sống, tồn tại và lưu truyền nòi giống thì bản năng thống trị luôn chi phối các hoạt động của chúng ta. Đặc biệt khi có chút quyền lực về mặt xã hội hay tôn giáo thì bản năng này có dịp nổi lên dưới nhiều hình thức mà mục đích đến là kiểm soát, nô lệ hóa tha nhân để bảo vệ vị thế và quyền lực của mình. Đã và đang có đó nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội nơi này, nơi kia dù rằng vẫn tuyên bố là tôn trọng sự tự do của người dân nhưng lại bắt dân phải sử dụng “tự do trong khuôn khổ”. Sự xảo quyệt ở đây nằm ở phạm trù “khuôn khổ”. Thực chất đó chính là những cơ chế, luật lệ do chính những người lãnh đạo đặt ra mà nhiều khi rất bất minh và thiếu công bình. Và thế là người dân, nhất là dân nghèo được “tự do sống đời nô lệ”. Đã và đang có đó nhiều lãnh đạo các tôn giáo nô lệ hóa các tín hữu bằng những lời giảng dạy một chiều, bằng tập tục và truyền thống của mình, nhất là bằng việc thần thánh hóa cách tuyệt đối quyền bính mình đang đảm nhận. Và thế là nhiều tính hữu cách vô tri sống đạo cách thiếu trưởng thành, chỉ biết “xưa bày nay làm”, “trên bảo sao thì dưới nghe vậy”.

Chúa Giêsu cam chịu vác thập giá là để giải thoát nhân loại chúng ta khỏi kiếp nô lệ, đưa chúng ta về với cảnh đời con cái tự do của cùng một Cha trên trời. Thiết nghĩ rằng vì lý do nào đó mà chúng ta cam chịu cảnh sống vong thân, quá lệ thuộc thì có lẽ thập giá của Chúa Kitô đã ra vô ích với chúng ta. Cũng xin hãy cẩn trọng với nhiều hình thức nô lệ hóa tha nhân bằng thần quyền qua những truyền thống do chính bàn tay chúng ta làm ra. Dù rằng rất nhiều trường hợp chúng ta vẫn được Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ vì chúng ta “lầm, không biết việc mình làm là sai trái” (x.Lc 23,34), nhưng chính chúng ta đang góp phần đặt lên vai Người khúc gỗ hình chữ thập.

Vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giêsu là không chỉ muốn sống đời tự do như là con cái Nước Trời mà còn phải nỗ lực giúp tha nhân thoát khỏi vòng nô lệ dưới mọi chiều kích và hình thức. Chắc chắn có đó nhiều gian truân, cách riêng sự phản kháng và đàn áp của những người quyền cao chức trọng đang nô lệ hóa tha nhân để bảo vệ quyền uy của mình. Sự khốn khó mỗi người mỗi khác nhưng đó là thập giá. Lạy Chúa, chúng con muốn theo Chúa nhưng vác thập giá thì lại không dám. Ước gì chúng con cảm nhận được lời của Chúa xưa ngõ với các tông đồ: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), và với vị tông đồ dân ngoại, Phaolô: “Ơn ta đủ cho con” (2Cr 12,9).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây