TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đấng làm nên cái mới

Thứ hai - 29/01/2024 07:15 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   565
Mỗi ngày, mỗi thời gian qua là một sáng tạo mới, Thiên Chúa là Đấng làm nên cái mới.
Đấng làm nên cái mới
Đấng làm nên cái mới




Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, thời gian nối tiếp thời gian như vòng tròn khép kín. Đối với quan niệm của Kitô giáo, thời gian không chỉ biểu thị bằng vòng tròn mà còn là đường thẳng có mũi tên đi lên. Mỗi ngày, mỗi thời gian qua là một sáng tạo mới, Thiên Chúa là Đấng làm nên cái mới.

Vòng tròn khép kín không thay đổi, không biến dạng nên thường làm cho ta suy tư về giới hạn. Con người vốn sinh ra trong thời gian và thời gian như “con tạo xoay vần”, cứ thản nhiên mà sống. Buồn lo, thành công, thất bại rồi cũng qua, hơn kém nhau rồi cũng xong. Tư tưởng “Không có gì mới trên trái đất này”, mang theo cảm nghĩ dừng chân tại chỗ hoặc thay đổi theo chu kỳ: “hết thăng rồi trầm” bốn mùa đổi thay.

Vòng tròn thời gian mang tính chu kỳ của bánh xe quay mang tính đơn điệu, vây hãm. Cái mới thì không hay, cái hay thì không mới, quẩn quanh vòng đời người, sách Giảng viên nói: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn” (Gv 1, 2 – 4). Thoát ra cái vòng tròn ấy, người ta đã chế tạo ra mặt đồng hồ hình vuông để muốn làm chủ thời gian, tạo nên ảo tưởng để thoát khỏi vòng chu kỳ.

Những thăng cùng trầm, những mong cùng ước tìm ra con đường giải thoát khỏi vòng sinh tử: Sinh rồi lại sinh, nhưng sinh lần sau vượt xa lần trước. Một khát mong tái tạo thoát vòng sinh tử, hưởng một mùa xuân vĩnh cửu. Muốn thế người ta cần tu thân, luyện đức.

Giải thoát ấy có lẽ là nên chấp nhận thêm một quan niệm đường thẳng, có chiều đi lên của Kitô giáo. Đó là một hình thức rửa tội cho một quan niệm khép kín, đó cũng là con đường giải thoát cho vòng luân hồi, sinh rồi lại sinh.

Trong ngôn ngữ cũng như trong nhận thức, thời gian có tính chất hữu hạn, là điểm phân chia giữa hữu hạn và vô hạn, là sự phân biệt giữa thế trần và vĩnh hằng. Thư thứ 2 của Thánh Phêrô, đã nói Thiên Chúa làm chủ thời gian, hoặc thời gian là của Chúa: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pet 3, 8). Con người hữu hạn, khát mong lại không cùng, chính Thiên Chúa sẽ viên toàn ước mong của con người: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng.” (Is 65, 17-18)

Đón nhận thời gian với quan niệm “Xuân hạ thu đông” và cùng với quan niệm thời gian là chiều thẳng đứng đi lên cho ta thấy sự phong phú của nhận thức. Giống như cấu trúc cơ thể con người luôn có cấu trúc song đôi bổ túc: có phải và có trái, có trái tim cũng có lý trí, có bộ não và bao tử… Những cặp đôi bổ sung hòan thiện.

Lời nguyện sau bài đọc sáng tế trong Đêm Vọng Phúc Sinh xác quyết một niềm tin rằng: “Công trình tạo thành vũ trụ ban đầu tuy đã kỳ diệu, nhưng công trình cứu độ của Đức Kitô; Đấng hy sinh làm Chiên Vượt Qua của chúng con trong thời sau hết còn kỳ diệu hơn nữa”. Như vậy,  không gì có thể cản trở được hay làm hủy hoại công trình sáng tạo tự ban đầu ấy, ngay cả tội lỗi cũng là một duyên cớ để tiến trình đi lên mãnh liệt hơn.

Thánh Lêo Cả  nói  rằng: “Ân sủng khôn tả của Đức Kitô, đem lại cho ta những gì tốt đẹp hơn những gì mà ma quỷ do lòng ghen ghét đã cướp mất”. Cũng trong ý hướng đó, Thánh Thomas d’ Aquine viết: “Sau khi con người phạm tội, không có gì ngăn cản bản tính loài người được hướng về một cứu cánh cao đẹp hơn”. Động lực cho chiều đi lên ấy do Một Đấng là chủ thể của thời gian, Người là Đấng siêu việt vượt trên thời gian, là mốc căn nguyên của thời gian. Thời gian được nới dài thêm ra là mỗi thời gian được Người ban tặng và bảo tồn cho đến khi hoàn tất nơi cùng đích. Thiên Chúa làm chủ thời gian là Alpha và là Omêga. Là khởi đầu cũng là cùng đích của lịch sử đi lên, hướng về Thiên Chúa.

Quan niệm thời gian của Kitô giáo bổ sung quan niệm chu kỳ vòng tròn. Mỗi chu kỳ vận hành là một chu kỳ mới, hoàn toàn mới vượt xa cái tuần hòan cũ, là một đường thẳng có chiều đi lên, không còn trong vỏ bọc khép kín. Con người sinh ra để sống và sống dồi dào, chứ không phải để chết. Cái mới là cái làm cho con người say mê và vui thích. Hãy đón nhận Thiên Chúa, là Đấng làm nên những cái mới và những cái mới đầy những bất ngờ của tình thương.

“Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cor 5, 16 – 17)
 
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây