Gẫm về sự chết
Người xưa viết rằng: “Nhất thất nhơn thân, vạn kiếp bất phục”, cuộc đời này chỉ có một mất đi rồi vạn kiếp không thể tìm lại. Thế nên gẫm về sự chết để ta biết sống là một hạnh phúc.
Gẫm về sự chết không phải là sợ chết mà là để sống cho có giá trị. Ta cần phải chấp nhận chết là một phần quan trọng của sự sống. Sách Gỉang viên chỉ ra cho ta: “Những gì trong tầm tay, bạn hãy ra sức làm, vì trong cõi âm ty, nơi bạn đang đi tới, không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan.” (Gv 9, 10).
Không nghĩ tới sự chết, khiến ta lầm tưởng cuộc đời này là mãi mãi, ôm trọn cái trần thế này, hưởng lạc thú ở đời cho thoả mãn thú vui xác thịt. Nhưng rồi chẳng ai có thể thấy thoả mãn khoái lạc lâu dài. Những chán nản, buồn sầu hơn trước lại ập tới. Mới tậu được căn nhà khang trang, nghĩ rằng mình sẽ vui thú với nó trong thời gian dài. Nhưng rồi sau khi tận hưởng nó thời gian, bắt đầu cũng nghiệm thấy không còn hứng thú. Không có thú vui nào ở trần gian này là mãi mãi, như khi người ta nói: Cái gì có được bằng tiền đều có thời hạn nhất định. Cuộc sống của ta ở trần gian này không bao giờ mãi mãi, dù muốn dù không ta cũng phải chấp nhận sự thực của nó. Khi ta đau, khi ta bệnh, khi ta lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, khó khăn… sự thực trần gian này chỉ là cõi tạm cho ta thấy rõ.
Gẫm về sự chết cho ta thấy, phần đầu là trẻ thơ, phần sau là tuổi già đau bệnh, chỉ có một thời ngắn ngủi khoảng giữa. Thời gian học, thời gian làm việc và ngủ chiếm phần lớn. Nếu ta tiêu tốn trong vui thú ăn chơi, đau bệnh đến sớm, khoảng giữa ngắn lại vô ích. Nếu ta sống có ý nghĩa khoảng giữa thời thấy có phúc. Ta sống cuộc sống của ta, chỉ có khoảng giữa thời gian do ta phác thảo quyết định. Nếu ta không nghĩ tới sự sống đời đời thật tiếc cho ta ở cuộc đời này. Chỉ một lần sống cho một cuộc đời dài lâu, trường tồn, vĩnh cửu. “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90, 10)
Hôm nay khi gẫm về sự chết, ta hãy chuẩn bị cho cuộc sống dài lâu khi còn chưa muộn. Ta hãy luôn nhủ lòng mình “sống sao cho ý nghĩa”. Sống cuộc đời tươi vui hạnh phúc. Sống có lúc hoàn cảnh chẳng mong muốn, nhưng hãy luôn cố gắng vượt qua, vì chỉ có một đời, đừng để thân này lỡ hư, nhất là hư mất cả cuộc đời.
Còn sống nghĩa là còn có cơ hội quay lại và trở về, Chúa luôn chờ đợi ta, ban lại cho ta nguồn sinh lực mới, như trong dụ ngôn người cha nhân từ (X Lc 15, 13 – 32).
Một cuộc sống cho ta sống ý nghĩa ở đời này khi ta biết ta có thể lập công phúc cho người đã mất bằng tham dự Thánh lễ, hy sinh, bác ái, cầu nguyện. Đức Gíao Hoàng Phanxicô đã nói trong một buổi trưa đọc Kinh Truyền Tin: “Truyền thống Giáo hội luôn thức giục chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là dâng lễ cầu cho họ. Đó là các giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho các linh hồn, nhất là các linh hồn bị bỏ rơi. Nền tảng của việc cầu nguyện cho các linh hồn là tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô”.
Ta cùng nhau dọn mình xưng tội, dâng kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, chuyển cầu cho các linh hồn.
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ yên muôn đời. Amen!
L.m Giuse Hoàng Kim Toan