TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời - NVMN 09.01

Thứ năm - 08/04/2021 10:50 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   817
Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải chỉ là Mẹ sinh hạ thể xác Ðức Giêsu mà thôi, mà là Mẹ của Ðấng đã mặc lấy thân xác nơi Mẹ, là Ðấng có trước Mẹ là Chúa Giêsu.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời - NVMN 09.01

 

 Niềm Vui Mỗi Ngày

 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
9 tháng Giêng 

 
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
 
Thứ Bảy.
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con.

 
Câu này chúng ta đọc rất nhiều lần trong ngày. Câu này có ý nghĩa gì và xuất phát từ đâu?
 
Ngày 1 tháng 1, mừng kính lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa là một trong 4 tín điều về Đức Maria.
Ba tín điều kia là:
          Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh (649).
          Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854).
          Đức Maria Hồn Xác Lên Trời (1950).
 
Lịch sử
 
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc âm thánh Luca minh hoạ rõ ràng, và từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism (1).
 
Năm 431, có một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo, về tước hiệu đặc biệt của Đức Mẹ. Cuộc tranh luận đã đưa tới một công đồng chung, được tổ chức tại thành phố Êphêsô nhằm giải quyết vấn đề đặt ra.
 
Có hai lập trường hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là giám mục Nestorius (Constantinople), bên kia là thánh Cyrilô (Alexanria).
 
Giám mục Netorius một mực cho rằng, Đức Maria nên được gọi là Christokos “người sinh ra Chúa Kitô”. Linh mục Dwight Longnecker giải thích rằng “Ngôn từ mà giám mục Netorious sử dụng, cho thấy, ông ta chủ trương rằng, Đức Giêsu Kitô có hai ngôi vị tách biệt. Vì thế, Đức Mẹ chỉ là người đã sinh ra Chúa Giêsu về mặt thể xác, nhân tính; và Mẹ nên được gọi là Christokos, tức là “Mẹ của Chúa Kitô” chứ không thể là “Mẹ Thiên Chúa”.
 
Đối lại với quan điểm trên, thánh Cyrilô và đa phần các giám mục đều cho rằng, Đức Maria phải được gọi là Theotokos, tức là “Mẹ Thiên Chúa”. Tín điều này khẳng định rằng Chúa Giêsu có “một ngôi vị duy nhất, gồm hai bản tính liên kết chặt chẽ với nhau (không hề tách rời nhau)”.
 
Đa số tuyệt đối đã đồng quan điểm rằng, Theotokos là tước hiệu xứng hạp với Đức Mẹ, và Nestorius đã bị truất phế chức giám mục Constantinople.
 
“Mẹ Thiên Chúa” không có nghĩa là Đức Maria hiện hữu trước Thiên Chúa hay Mẹ dựng nên Thiên Chúa, nhưng Mẹ là Đấng đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật (2).
 
Tuyên xưng
 
Điều căn bản trong tín điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa không chỉ nhắm đến Mẹ Maria, nhưng chính là nhắm đến Chúa Giêsu. Khi khẳng định rằng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Công đồng Êphêsô khẳng định rằng nơi Chúa Giêsu chỉ có một ngôi vị trong hai bản tính: bản tính thần linh và bản tính con người, chứ không phải hai ngôi vị: một ngôi vị con người, ngôi vị kia là thần linh, trong một bản tính lai ghép mù mờ.
 
Lm Hồng Phúc, CSsR, Trong tác phẩm “Mẹ Maria” do Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992 đã viết:
 
“Thánh Truyền xưa nay vẫn liên kết ba tín điều sau đây: Chúa Giêsu là Thiên Chúa - Vậy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa – Nhưng Mẹ vẫn đồng trinh vẹn tuyền.
 
Và tín điều đó do Công Ðồng long trọng tuyên bố bao hàm những điểm sau đây:
 
1. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa mà là Mẹ một người Con chính là Thiên Chúa.
 
2. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ của một người con đã kết hợp với Thiên Chúa hay là đã trở nên Thiên Chúa, mà là Mẹ của Ðấng là Thiên Chúa từ thuở ban đầu.
 
3. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải chỉ là Mẹ sinh hạ thể xác Ðức Giêsu mà thôi, mà là Mẹ của Ðấng đã mặc lấy thân xác nơi Mẹ, là Ðấng có trước Mẹ là Chúa Giêsu.
 
Ðiều đáng chú ý là khi Công Ðồng bênh vực tước hiệu Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, Công Ðồng không nhắm chỉ đề cao Ðức Mẹ mà cách riêng chú trọng và gìn giữ sự duy nhất Ngôi vị nơi Ðức Kitô.

Công Ðồng Êphêsô lên án những ai muốn tách rời, phân chia Ðức Kitô, chỉ coi con người của Ngài mới được sinh ra, mới chịu chết cho chúng ta, còn chính Ngài là Con Thiên Chúa thì không.
 
Như thế, Công đồng Êphêsô bênh vực Đức Kitô duy nhất. Hạn từ “Théotokos - Mẹ Thiên Chúa”, mà Nestôriô chỉ trích là không có trong Kinh Thánh và chỉ là lối tôn sùng bình dân, sẽ không còn bị tranh cãi nữa. Quần chúng tán thành phấn khởi, biểu lộ niềm hân hoan và chúc mừng Công đồng bằng cuộc rước đuốc vĩ đại đêm 22 tháng 6 năm 432, tung hô Mẹ Thiên Chúa. Kinh: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội” đã được soạn ra trong dịp này. Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đã đặt nền tảng cho việc tôn sùng Đức Maria ở cả Đông và Tây phương (3).
 
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
 
                                                                               Nguyễn Thái Hùng
2021

 
++++++++++++
(1)
http://www.dongcong.net/MeMaria/NhungNgayCuaMe/03methienchua.htm
(2) http://www.vietcatholic.com/News/Home/Article/264638
(3) https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-maria-me-thien-chua-va-me-chung-ta-41205
 Tags: nvmn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây