Mẫu mực của đời ta
Petrus.tran
2021-05-26T23:19:35-04:00
2021-05-26T23:19:35-04:00
https://gpbanmethuot.net/van-hoc-nghe-thuat/mau-muc-cua-doi-ta-4086.html
https://gpbanmethuot.net/uploads/news/2021_05/tbd-270521a49.jpg
Giáo Phận Ban Mê Thuột
https://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 26/05/2021 23:18 |
Tác giả bài viết: Petrus.tran |
754
Chúa Nhật - Lễ Hiển Linh
Họ phải là mẫu mực của đời ta
Merry Chrismas – Máng Cỏ - Cây Thông và những chòm sao lấp lánh v.v… Đó… đó là những vật dụng chúng ta dùng để trang trí, thiết kế trong ngày lễ Giáng Sinh. Và, mỗi một vật dụng mà chúng ta đã trang trí, thiết kế đều có một ý nghĩa của nó.
Với những chòm sao lấp lánh, đặc biệt là một ngôi sao rất lớn được treo vào chỗ cao nhất của ngôi thánh đường, nó có một ý nghĩa rất đặc biệt. Muốn biết được ý nghĩa đặc biệt này, chúng ta hãy mở cuốn Kinh Thánh Tân Ước và chọn cuốn Tin Mừng Thánh Mát-thêu. Ngài Mát-thêu sẽ cho chúng ta một sự kinh ngạc về ngôi sao này. Một ngôi sao mà không có nó, hôm nay chúng ta không thể biết được một biến cố rất trọng đại, đó là biến cố “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”.
**
Vâng, câu chuyện được thánh sử Mát-thêu kể lại như sau: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem”.
Những nhà chiêm tinh này đến Giêrusalem với mục đích là để tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh…”. Giêrusalem như chúng ta được biết, nơi đó là Đền Thờ của người Do Thái, thế nên, họ đến đó và nghĩ rằng vị vua này chắc hẳn phải sinh ra ở đây.
Vâng, rất lạc quan và tin tưởng, các nhà chiêm tinh đã hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?”. Tiếp theo câu hỏi gây không ít người bàng hoàng là lời loan báo đầy chấn động: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Và, khi nguồn tin ấy được loan ra, thánh sử Mát-thêu kể rằng: “vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành cũng xôn xao”.
Trong cơn bối rối đó, vua Hêrôđê triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, để hỏi cho ra lẽ. Vua Hêrôđê hỏi rằng: “Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”
Các thượng tế và kinh sư nghe thế, họ đã phản ứng như thế nào nhỉ! Thưa, rất bài bản, một sự bài bản của những vị chức sắc nơi Đền Thờ am tường Kinh Thánh.
Hôm ấy, không một phút chần chờ, các thượng tế và kinh sư khẳng định: “Tại Belem miền Giu-đa, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: ‘Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).
Nhờ vào sự chỉ dẫn của các thượng tế và kinh sư, những nhà chiêm tinh đã biết được nơi mình sẽ phải đến. Thế là họ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm.
Các nhà chiêm tinh tiếp tục cuộc hành trình bằng cách nào nhỉ! Phải chăng họ mở “Google maps”? Vâng, chỉ là ý tưởng của thời nay.
Với các ngài chiêm tinh hồi ấy, rất kỳ diệu, kỳ diệu hơn cả “anh google maps” của chúng ta thời nay. Đó là… đó là cái ngôi sao. Chuyện kể rằng: “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ”.
Vâng, ngôi sao đó, rất kỳ diệu, kỳ diệu ở chỗ, (mà không ai có thể phủ nhận), đó là: cùng thời điểm trên, tại Belem, cũng có rất nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… kỳ diệu thay! Ngôi-sao lại chỉ dừng chính nơi “Lãnh tụ chăn dắt Israel ra đời”.
Thế là “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”, sau đó, các nhà chiêm tinh “mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.
***
Câu chuyện kết thúc ở đây ư! Thưa, không. Bởi nếu kết thúc ở đây, chúng ta sẽ không nhìn thấy được sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho những ai “sấp mình thờ lạy Người”.
Vâng, chuyện là thế này: Vua Hê-rô-đê, là một tay cáo già, một “cáo già” đầy tham vọng. Hôm ấy, y đã “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.” Hỏi xong, ông ta “giả nai” nói với những nhà chiêm tinh rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.
Nghe những lời “đưa đẩy” như thế, những nhà chiêm tinh có tin không? Thưa, không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng: các nhà chiêm tinh không dễ tin vào lời đưa đẩy đó.
Là những nhà chiêm tinh, làm sao họ lại không có kinh nghiệm về cuộc đời, một kinh nghiệm rằng, trên thế gian này, từ cổ chí kim, có nhà vua nào vui mừng khi nghe tin một người vừa mới sinh ra sẽ “trở thành lãnh tụ”, sẽ là vua, một nguy cơ soán ngôi của mình!
Vậy, có nên quay về báo lại cho Hê-rô-đê? Quả là tiến thoái lưỡng nan. Trong tâm trạng lưỡng nan đó, kỳ diệu thay! lại một điều kỳ diệu nữa xảy ra cho những nhà chiêm tinh. Các ông đã được “báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”. Hôm ấy, vâng theo lời báo mộng, những nhà chiêm tinh đã “đi lối khác mà về xứ mình”.
Cùng lúc ấy, có lẽ tại kinh thành Giê-ru-sa-lem, con cáo già Hê-rô-đê đang “hậm hực nghiến răng”. Y quên rằng, với những “Kẻ gian ác mưu hại người công chính... Chúa cười nhạo nó” (Tv 37(36), 12-13).
****
Như các nhà chiêm tinh xưa đã trải qua một cuộc hành trình tìm kiếm, hôm nay, chúng ta cũng là những kẻ đang trải qua một cuộc hành trình tìm kiếm.
Tuy nhiên, khác một điều, cuộc hành trình của chúng ta hôm nay, không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Hài nhi Giêsu” nhưng là tìm để gặp “Giêsu Cứu Chúa của đời ta”. Khác một điều nữa là, cuộc hành trình tìm gặp Giê-su của chúng ta hôm nay, không phải là tìm về Belem-miền-Giu-đê, nhưng là tìm về “Belem Thiên Quốc”.
Và, giống một điều là, chúng ta cũng sẽ phải gặp những con cáo già Hê-rô-đê, lúc nhúc một lũ Herode-thời-@.
Họ cũng làm ra vẻ có một chút sự quan tâm đến tôn giáo, nhưng thâm tâm họ vẫn ra sức tiêu diệt niềm tin Ki-tô giáo bằng những “quỷ kế”, những quỷ kế đại loại như: biến ngày lễ Giáng Sinh trở thành ngày lễ hội đậm tính cách trần tục, biến những thánh địa hành hương trở thành những nơi “buôn thần bán thánh”, tệ hại hơn, trở thành những nơi đầy dẫy sự mê tín dị đoan.
Vì thế cho nên, để có thể thoát ra khỏi những con cáo già Herode-thời-@, để có thể hoàn thành cuộc hành trình tìm về Belem-Thiên-Quốc, không gì tốt hơn là, hãy nhìn các nhà chiêm tinh xưa, xem các ngài như là tấm gương mẫu mực, mẫu mực về niềm tin - tin vào lời “ngôn sứ”, về sự kiên trì – kiên trì đi theo “ngôi sao hiện bên phương Đông” và cuối cùng, đó là sự vâng phục – vâng phục lời báo mộng “đi lối khác” một lối đi đem lại sự bình an.
Nói cách khác, như mấy nhà chiêm tinh xưa, để tiến bước trên đường về Belem, họ đã đi theo ánh sáng do “ngôi sao” dẫn đường. Nay, với chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng cần có ánh sáng do “ngôi sao”, và ánh sáng do ngôi sao ấy dẫn đường chính là “ánh sáng Đức Ki-tô”.
Thật thế, Đức Giê-su Ki-tô đã chẳng từng nói: “Ta là ánh sáng thế gian”, đó sao! Ngài đã chẳng từng nói: “người nào theo Ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”, đó sao!
Thế nên, chớ dại dột… chớ dại dột xem những tên cáo già Hê-rô-đê thời @, với những lời hứa hẹn láo to, với những quyết định đại loại như: cho phép xây dựng những trung tâm hành hương, trùng tu những ngôi thánh đường v.v…, như là ánh sáng của sự tôn kính Thiên Chúa.
Đừng… đừng bao giờ nằm mơ như thế. Bởi vì đó… đó chỉ là những “giấc mộng”, những giấc mộng không dẫn chúng ta đến “bái lạy Thiên Chúa’ nhưng là bái lạy “quyền lực – quyền hành”.
Đừng… đừng bao giờ nằm mơ như thế. Bởi vì đó chỉ là những giấc mộng không đưa chúng ta đi lối khác đến nhà thờ để mà “bái lạy Thánh Thể” một Thánh Thể đem đến cho chúng ta sự sống đời đời, trái lại sẽ đưa chúng ta trở lại thời kỳ Trung Cổ, một thời kỳ đã là cho bộ mặt Giáo Hội không khác gì bộ mặt của thế gian.
Ngoài ngôi sao dẫn đường, một kinh nghiệm của các nhà chiêm tinh mà chúng ta cần noi theo, đó là lắng nghe và tuân theo lời ngôn sứ đã được ghi chép.
Lời ngôn sứ đâu có khó tìm, đâu có khó kiếm. Ở ngay trong Kinh Thánh mà chúng ta có thể đọc (đọc ở nhà), có thể nghe (nghe trong Thánh Lễ), mỗi ngày, mỗi tuần.
Các nhà chiêm tinh, qua lời ngôn sứ, họ đã đến được Belem và thờ lạy Người. Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Chỉ khi chúng ta nghe lời ngôn sứ (Kinh Thánh), chúng ta mới có thể tìm thấy Ngài và chúng ta mới có thể thờ phượng Ngài “trong Thần Khí và sự thật”.
Thờ phượng Ngài “trong Thần Khí và sự thật” nào có gì xa lạ với một người Ki-tô hữu chân chính. Vâng, đó là hãy có lòng “bác ái”, hãy có sự “nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (x.Gl 5, 22)
Chỉ khi chúng ta thờ phượng Chúa như thế, chúng ta mới thật sự xứng đáng lãnh nhận ơn phước được “cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, …6). “Điều Thiên Chúa hứa” là điều gì? Thưa, đó là chúng ta sẽ có được một tấm chiếu khán để vào “Belem Thiên Quốc”, mai sau.
Thưa quý vị, quý vị có tin rằng chúng ta sẽ được vào Belem Thiên Quốc, mai sau? Nếu tin, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi lòng mình rằng: đã qua bao nhiêu “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”, thế nhưng, tôi đã thật sự tìm thấy Giê-su Cứu Chúa đời tôi và thờ phượng Người trong Thần Khí và sự thật?
“Giờ đã đến và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”. Vâng, đó là lời Đức Giê-su đã tuyên phán.
Lời Chúa đã phán như thế, thế nên chỉ khi chúng ta thực thi, chúng ta mới không “lạc lối” về Belem Thiên Quốc. Chúng ta mới có thể tự tin tìm về Belem Thiên Quốc để “sấp mình thờ lạy Chúa”, như các nhà chiêm tinh xưa, cũng đã làm như vậy.
Cuối cùng, Giáng Sinh rồi sẽ trôi qua, nhưng đừng để các nhà chiêm tinh đi vào dĩ vãng, hãy xem các ngài như là mẫu mực cho đời sống đức tin của chúng ta. Các nhà chiêm tinh - họ phải là mẫu mực của đời ta.
Petrus.tran