TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa sẽ nói với ta như thế

Thứ tư - 26/05/2021 23:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   627



Chúa Giê-su chịu phép rửa


Thiên Chúa sẽ nói với ta như thế

Giáo lý Công Giáo dạy rằng: đạo Đức Chúa Trời có bảy phép bí-tích. Và, có ba bí tích mà bất cứ ai muốn trở thành tín hữu Công Giáo đều phải lãnh nhận, đó là: Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Thêm Sức, Bí Tích Mình Thánh Chúa.

Ba bí tích này còn được gọi là bí tích khai tâm, qua các bí tích khai tâm, người lãnh nhận trở thành phần tử của Giáo Hội trong cùng một cộng đoàn đức tin, sống đúng theo tinh thần Chúa Kitô.

Việc phải lãnh nhận những bí tích khai tâm, đặc biệt là bí tích rửa tội (cũng còn được gọi là phép rửa tội) rất quan trọng, quan trọng là bởi bí tích này “…là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (GLCG #1213).

Chính Đức Giê-su, khi khởi sự cho việc ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài cũng đã “chịu phép rửa”. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi rằng: “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình”.

Việc làm của Đức Giê-su, dưới đôi mắt của những cư dân thời đó, không có gì ngạc nhiên cả. Không ngạc nhiên bởi chính họ cũng đang được ông Gio-an “làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan”.

Thế nhưng, với ông Gio-an, việc làm của Đức Giê-su đã làm ông kinh ngạc. Thế nên, hôm ấy, ông đã “một mực can Người và nói: ‘chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”.

Phản ứng của Đức Giê-su về lời can ngăn của ông Gio-an thế nào nhỉ? Thưa, hôm ấy Đức Giê-su trả lời rằng: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”.

Nghe thế: “Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người”.

Chiều-theo-ý-Người có nghĩa là ông Gio-an đã “làm phép rửa” cho Đức Giê-su.

***
Đức Giê-su (đã) chịu phép rửa. Và, đó là lý do có nhiều người nghĩ rằng, Ngài có tội gì mà phải chịu phép rửa!

Đức Giê-su, Ngài chẳng có tội gì cả. Không có tội, nhưng Đức Giê-su vẫn chịu phép rửa, (theo lời chia sẻ của Lm Giu-se Nguyễn Hữu An), là để “mạc khải về một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, một mạc khải sống động về Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Đúng vậy. Hôm ấy, “khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. (x.Mt 3, 16-17).

Phép rửa của ông Gio-an “rửa trong nước để giục lòng sám hối”.

Còn Đấng đến sau tôi, vâng ông Gio-an cho biết: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa… trong Thánh Thần và lửa”.

Thế nên, đừng ngạc nhiên về việc Đức Giê-su chịu phép rửa. Ngài phải chịu phép rửa, bởi vì qua đó, mọi người sẽ nhìn thấy một Giê-su “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”.

Qua việc chịu phép rửa, Đức Giê-su đã “trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”.

Thế thì, có gì phải thắc mắc, phải không, thưa quý vị!

****
Đức Giê-su đã chịu phép rửa. Còn bạn, bạn đã chịu phép rửa chưa?

Nếu chưa, hãy đến. Đến đâu? Thưa, hãy đến một ngôi nhà thờ, một ngôi nhà thờ Công Giáo để xin “ông linh mục làm phép rửa cho mình”.

Sau khi ông linh mục “làm phép rửa cho mình” thì sao… thì sao nhỉ? Thưa “mình” được tái sinh, một sự tái sinh trở thành con Thiên Chúa.

Thật vậy, thánh Phao-lô khẳng định rằng: chúng ta “được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cũng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trổi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta” (x. Cl 2, 12-13).

Tuyệt diệu không, thưa quý vị! Vâng, rất tuyệt diệu, một sự tuyệt diệu do ân sủng Thiên Chúa ban. Ân sủng đó đem đến cho chúng ta một cuộc sống mới, một cuộc sống: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Và, đã là ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng Đức Ki-tô sống trong tôi, cớ sao chúng ta không đón nhận! Và nếu đã đón nhận, cớ sao chúng ta không gìn giữ!

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình rằng: tôi đã sống như thế nào sau bao nhiêu năm mình là con Thiên Chúa? Tự hỏi như vậy để chúng ta tái xác nhận lại cuộc hành trình của mình, một cuộc hành trình về “Trời Mới Đất Mới”, nơi đã phát ra tiếng nói đầy yêu thương, rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Nói cách khác, đã lãnh nhận “phép rửa” một phép rửa được làm con Thiên Chúa, chúng ta có chắc rằng Thiên Chúa cũng sẽ “hài lòng về mình”?

Muốn Thiên Chúa hài lòng về mình ư! Vâng, nào có gì khó đâu! Hãy học thuộc lòng bài học đã được Đức Giê-su truyền dạy. Đó là bài học khiêm nhường và hiền lành. Vâng, một ngày nọ, Đức Giê-su truyền dạy: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Có được hai nhân đức này, chúng ta mới có thể thể hiện trong cuộc sống của mình sự nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm.

Và, như một bàn cờ domino, khi có được sự nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, chúng ta sẽ có thể: “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp… Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”.

Khi có được sự nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, chúng ta sẽ không ngần ngại mà cất tiếng nói, nói rằng: “Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu… Tôi muốn cười vào những khoe khoang. Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn”.

Đã được làm con cái Thiên Chúa, chúng ta phải thể hiện những nhân đức nêu trên trong cuộc sống của mình.

Khó thực hiện đấy, nhất là phải thực hiện trong một xã hội, một xã hội đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa hưởng thụ, một nền văn hóa sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, một nền văn hóa dối trá, gian lận, một nền văn hóa biến con người thành con vật v.v…

Rất…, rất khó thực hiện. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải thực hiện, bởi vì đó là một mối phúc - “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”.

Ngoài việc được Đất Hứa làm gia nghiệp, Đức Giêsu còn nhìn chúng ta như là một người con yêu dấu, một người con mà Ngài rất hài lòng về những điều (nêu trên) chúng ta đã thể hiện.

Cuối cùng, đừng quên, khi chúng ta nhận phép rửa, Thần Khí Chúa cũng sẽ “đáp xuống và ngự trị” trong ta. Thế thì, có gì ngăn cản chúng ta đem bài học của Đức Giê-su đã truyền dạy, ra thực hành!

Phải thực hành quý vị nhé! Bởi nhờ đó Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta, như Người đã nói với Đức Giê-su tại sông Gio-dan xưa, rằng: “Cha hài lòng về con”.

Thiên Chúa sẽ nói với ta như thế.

 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây