Như Thầy đã yêu!
Một tu viện trước kia rất nổi tiếng. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang vọng tiếng kinh cầu. Vậy mà giờ đây, tu viện chẳng khác gì ngôi nhà hoang, vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già, nua. Cuộc sống tẻ nhạt.
Cha Bề Trên buồn bã tìm đến vị ẩn sĩ trên vùng núi Hy Mã Lạp Sơn thỉnh ý. Vị ẩn sĩ ôn tồn nói: “Các tội đã và đang xảy ra trong tu viện, đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.
Nghe vậy, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Ngài tập hợp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống trong cộng đoàn đều có thể là Đấng Cứu Thế.
Từ ngày ấy, mọi người đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Ai cũng kính trọng nhau, quan tâm chăm sóc, phục vụ nhau. Từ ngày ấy, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui ngập tràn trong tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.
Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt, vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Yêu thương nhau, đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.
Yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là phải hy sinh quên mình, hạ mình phục vụ anh em. Yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là phải yêu những người bé nhỏ nghèo hèn. Yêu như Thầy đã yêu, là phải yêu thương cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa. Yêu như Thầy đã yêu, là không ngừng tha thứ, làm hòa với nhau.
Yêu như Thầy đã yêu, đó là sự sống của Giáo Hội. Yêu như Thầy đã yêu làm nên nét đẹp của đạo Công giáo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.
Huyền thoại “Chim họa mi và bông hồng đỏ” của nhà văn Wiliam Oscar Wilde kể lại câu chuyện tình yêu rất hay.
Một sớm mùa hè, chim họa mi làm tổ trên cây sồi đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ: “Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi”. Họa mi dư hiểu dưới cái nắng chói chang mùa hạ này, tìm đâu ra một bông hồng màu đỏ? Chàng trai than thở: “Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa mất thôi”. Họa mi không chịu nổi sự dằn vặt bi thương đó của chàng trai. Họa mi phải ra tay giúp đỡ. Họa mi khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin:
- Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không?
- Họa mi ơi! em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy lấy đâu ra bông hồng đỏ?
Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Họa mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng dậu.
- Chị hồng ơi, có phép mầu nào làm nở cho em một bông hồng đỏ chăng?
- Họa mi ơi, muốn có phép mầu phải có thương đau?
- Sao cũng được, em cần bông hồng đỏ để kết chặt một mối tình.
- Được, nhưng phép mầu cần có máu đỏ.
- Bằng mọi giá chị ạ.
- Bằng cả sinh mạng ư?
- Vâng, kể cả sinh mạng em.
- Họa mi ơi! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu đỏ cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu đỏ cho bông hồng thắm tươi. Mình sẽ có một bông hồng đỏ đẹp nhất trần gian.
Họa mi đã hót say mê đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng bên cạnh đóa hồng bí nhiệm, đỏ thắm, tươi xinh.
Chàng trai mừng vui như mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt cẩn thận trước khi có mặt trong dạ hội. Điều lạ lùng nhất và cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đóa hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo cô gái đã có một bông hồng giả đang ngự trị… Hôm sau, dân làng nhìn thấy một đóa hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò, giữa buổi trưa nắng chói chang mùa hạ.
Họa mi thương người, đã lấy máu và sinh mạng của mình, đổi lấy bông hồng. Người thiếu nữ đón nhận bông hồng giả để chối từ một tình yêu chân thật.
Câu chuyện chỉ là huyền thoại, nhưng nội dung rất sâu sắc. Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu cần được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả tính mạng. Tình yêu chân thật được trả bằng một giá rất đắt. Họa mi đã cất tiếng hót bi thương trước khi chết vì muốn hiến tặng đóa hồng cho tình yêu.
Chúa Giêsu đã trả giá cho tình yêu nhân loại bằng cái chết trên thập giá. Chúa Giêsu trước khi chịu khổ nạn, chịu chết đã để lại cho các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là Điều Răn Mới của Ngài. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.
Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh: “như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em”.
Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban. Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Ngài.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp “Sự Rạng Ngời Chân Lý”: Chữ “như” này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Ngài mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ “như” cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy. (số 20).
Yêu “như Thầy đã yêu”. Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại. Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy. Thầy cúi xuống rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.
Tình yêu của Chúa Giêsu cao đẹp quá, quý giá vô ngần. “Anh em hãy yêu, như Thầy đã yêu”. Lời này quả thật là quá khó đối với con người! Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Giêsu, rồi tuôn chảy đến nhân loại. Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: “Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong Tình yêu”. (R.Tagore).
Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, được “ở lại trong tình yêu của Chúa”.
Hãy yêu nhau đi! Yêu “như Thầy đã yêu”.
Vũ Đình Bình
Những tin cũ hơn