NHỮNG CẠM BẪY KHI CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện Kitô giáo không nhằm tìm kiếm cảm giác an lạc thư thái, nhưng là, tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Bất cứ phương pháp cầu nguyện nào không quy hướng về Đức Kitô, và không nhằm giúp xây dựng tương quan cá vị với Đức Kitô, thì, đó không phải là cách cầu nguyện của Kitô giáo. Hiểu đúng về cầu nguyện là một chuyện, nhưng, thực hành đúng lại là một chuyện khác. Nhiều người đã bỏ cầu nguyện, vì thấy không hiệu quả; Số khác thì bị lún sâu vào ảo tưởng do chính tâm trí mình tạo ra. Vì thế, trước khi thực hành cầu nguyện, chúng ta cần phải hiểu về những cạm bẫy, mà việc cầu nguyện có thể mang lại.
Như đã nói, cầu nguyện Kitô là nhằm tìm ý Chúa, mà, thánh ý Chúa lại rất nhiệm mầu, vì thế, chúng ta cần phải có người đồng hành tốt, để giúp chúng ta khách quan hóa chính mình, và tránh được những cạm bẫy do chính mình hay Satan bày ra. Ở cấp độ thấp, người đồng hành tốt sẽ hướng dẫn, chỉnh sửa, và vạch trần những cạm bẫy, để giúp ta đi đúng hướng; Ở cấp độ cao, người đồng hành tốt sẽ là người chứng kiến một cuộc tình, là khán giả ngồi coi “phim ngôn tình”, mà diễn viên chính là Chúa Thánh Thần và người đang thực hành cầu nguyện, họ chỉ hiện diện ở đó, bao lâu, Chúa thấy là cần thiết, để giúp ta khỏi chủ quan.
Cạm bẫy thứ nhất: muốn dừng suy nghĩ. Thiên Chúa tạo dựng bộ não của chúng ta với những dòng suy nghĩ liên tục, kể cả khi ta ngủ, vì thế, khi cầu nguyện, ta thường hay lo ra chia trí là vì lý do này. Nếu ta dừng nó cách cưỡng ép, nó sẽ phải phản kháng. Cầu nguyện không phải là một cuộc chiến chống lại suy nghĩ, nhưng là, cứ để cho những suy nghĩ vận hành cách tự nhiên, và nhiệm vụ của ta là khơi dòng để chúng chảy xuôi về phía Chúa.
Cạm bẫy thứ hai: muốn tìm một cảm giác đặc biệt. Nhiều người khi cầu nguyện mong muốn đạt được một cảm giác nhẹ nhàng, an lạc thư thái, hay một sự chuyển hóa nội tâm nào đó. Cầu nguyện không phải là đi tìm một trạng thái đặc biệt, mà là, rèn luyện khả năng sống trong sự hiện diện của Chúa. Cầu nguyện không phải là làm cho bầu trời quang đãng, mà là nhận ra rằng: dù có bất kỳ cơn bão nào đi qua, thì bầu trời vẫn luôn ở đó, vẫn luôn rộng mở, Chúa vẫn luôn hiện diện ở đó, trong những nghịch cảnh đau thương của chúng ta.
Cạm bẫy thứ ba: muốn trốn chạy cuộc sống. Nhiều người chỉ cảm thấy bình an, thư thái khi cầu nguyện, nhưng, khi bước ra khỏi trạng thái cầu nguyện, họ lại bị cuốn vào những lo âu, căng thẳng và những thói quen cũ. Cầu nguyện đúng cách là xây dựng được mối tương quan cá vị với Đức Kitô, và có khả năng mang Đức Kitô vào trong mọi hoạt động của chúng ta: khi ta ăn, khi ta làm việc, khi ta giao tiếp với người khác, nếu ta làm và hành xử như chính Đức Kitô đang thực hiện, thì, ngay cả khi, ta không đang ngồi cầu nguyện, thì đó cũng chính là cầu nguyện rồi.
Cạm bẫy thứ tư: muốn kết quả ngay lập tức. Nhiều người khi cầu nguyện mong đợi rằng: sau một thời gian ngắn, họ sẽ có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt, tâm trí có thể trở nên sáng suốt hơn, cảm xúc trở nên ổn định hơn, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng, thực tế là, cầu nguyện không mang lại kết quả ngay lập tức, nó là một tiến trình dài, đòi hỏi sự kiên trì: có những ngày, ta thấy cầu nguyện thật dễ dàng, nhưng, cũng có những ngày ta cảm thấy cực kỳ khó khăn; có những lúc ta sẽ cảm thấy bình an, nhưng, có những lúc ta thấy đầy những xung đột nội tâm. Điều quan trọng là không bám víu vào bất kỳ trạng thái nào, mà chỉ đơn giản là, tiếp tục thực hành, giống như một dòng sông, tâm hồn ta có lúc sẽ an bình, có lúc sẽ cuộn sóng, và nhiệm vụ của ta không phải là thay đổi dòng sông đó, mà là học cách quan sát nó, sống với nó, và điều hướng nó theo đúng ý Chúa.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn