TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Qui Nhơn: SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019

Thứ năm - 15/04/2021 21:18 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   673
Khởi đầu sinh hoạt giao lưu, linh mục Trưởng Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận Qui Nhơn, Lm Võ Tá Khánh – Trăng Thập Tự, giới thiệu tất cả mọi người với nhau. Ngài cũng ưu ái dành cho giáo phận Ban Mê Thuột những giây phút quý báu để giới thiệu và tặng những tập sách Vui Học Thánh Kinh cho mọi người, tập sách giúp các em dễ đọc, dễ nhớ và sống những điều Thầy Giêsu dạy cho con người.
Qui Nhơn: SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019

 

Qui Nhơn: SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019


 
Tháng chín mùa thu. Mưa thu lất phất. Trời thu lành lạnh. Chiều thu buồn man mác khiến lòng xao xuyến nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ. Mỗi mùa thu đến, kỷ niệm xưa ùa về. Mái trường bao yêu dấu. Ngày tháng đã xa xôi.
 
Truyện ngắn “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh luôn trở về trong ký ức của tôi: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
 
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng...” (1).
 
Mùa thu năm nay, tôi được về Qui Nhơn, được tham sự Lễ trao giải Cuộc Thi Sáng Tác Cho Tuổi Thơ 2019, nhân ngày họp mặt truyền thống các tác giả Văn thơ Công giáo, do Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn tổ chức vào tối 21/9/2019 tại Chủng viện Qui Nhơn, 116 Trần Hưng Đạo, Tp. Qui Nhơn.
 
Sau cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử (21-22/9/2012) và những lần gặp gỡ nhân dịp trao giải Viết Văn Đường Trường 2012-2018, đây sẽ là cuộc gặp gỡ những cây bút văn thơ Công giáo với cuộc Hành hương Dấu chân Hàn Mạc Tử lần thứ VIII.
 
Về Qui Nhơn, với tôi, là về nguồn. Về với cội nguồn văn hóa. Về với cội nguồn đức tin.
 
1. Lễ trao giải Cuộc thi SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019
 
Nói tới Qui Nhơn, Bình Định là nói tới văn hóa. Có thể nói là cội nguồn văn hóa Kitô giáo Việt Nam qua chữ Quốc ngữ. Là cái nôi của chữ Quốc ngữ mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay.
 
Nói tới Qui Nhơn, Bình Định là nói tới một trường thơ tinh hoa của một thời: Trường Thơ Loạn với thi sĩ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Yến Lan (2).

Nói tới Qui Nhơn, Bình Định là nói tới Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận Qui Nhơn, nơi đã có những chương trình qui tụ, nuôi dưỡng và phát triển những giá trị Kitô giáo qua con chữ: từ Giải Văn Thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn dành cho các bạn trẻ ở tuổi học Giáo Lý phổ thông với nội san Hoa Biển (2009) đến Sen Giữa Lầy (2009), Nhánh Huệ Nước Trời (2010). Năm 2012, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mặc Tử, Ban Mục Vụ Văn Hóa đã phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, tới nay đã được 6 tập.

Để kỷ niệm 400 năm Loan Báo Tin Mừng trên quê hương giáo phận Qui Nhơn, Ban Văn Hóa Giáo Phận đã mở cuộc thi truyện ngắn mang tên Giải Viết Văn Đường Trường kéo dài 6 năm (2012-2018).

Năm 2017, tập san Mục Đồng ra đời. Và nay thêm Cuộc thi SÁNG TÁC CHO TUỔI THƠ 2019.

Số lượng bài viết cho trẻ em được gởi về dự thi có 687 bài thơ và 324 bài văn của 165 tác giả dự thi, trong đó có 76 tác giả Công giáo (Tu sĩ và giáo dân) và 89 tác giả ngoài Công giáo, trên khắp cả mọi miền đất nước: Từ giáo phận Hưng Hóa, Hà Nội, Vinh, Phát Diệm, Qui Nhơn, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Nha Trang, Sài Gòn, Bà Rịa, và Phú Cường. Từ Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Móng Cái, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng, Bình Định, Qui Nhơn, Lâm Đồng, Đà Lạt, Gia Lai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Sóc Trăng, và vương quốc Đan Mạch xa xôi.

Sau sự tiếp đón chu đáo và thân tình, những tác giả và khách mời được giới thiệu xem những thành quả của Ban Mục Vụ Văn Hóa đã thực hiện. Từ nội san Hoa Biển, tập san Mục Đồng, những tuyển tập Giải Viết Văn Đường Trường: Chuông Chiều (2013), Nắng Mùa Đông (2014), Người Gieo Hạt (2015), Điểm Hẹn Giêsu (2016), Những Đứa Con Của Mẹ (2017), Người Vẽ Hy Vọng (2018), và những tác phẩm của Tủ sách Nước Mặn. Bên cạnh triển lãm của giáo phận Qui Nhơn, những tập sách Vui Học Thánh Kinh của giáo phận Ban Mê Thuột cũng được giới thiệu với mọi người.

Sinh Hoạt Giao Lưu
 

Khởi đầu sinh hoạt giao lưu, linh mục Trưởng Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận Qui Nhơn, Lm Võ Tá Khánh – Trăng Thập Tự, giới thiệu tất cả mọi người với nhau. Ngài cũng ưu ái dành cho giáo phận Ban Mê Thuột những giây phút quý báu để giới thiệu và tặng những tập sách Vui Học Thánh Kinh cho mọi người, tập sách giúp các em dễ đọc, dễ nhớ và sống những điều Thầy Giêsu dạy cho con người. Tiếp theo, linh mục Trưởng Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận Kon Tum giới thiệu thành quả của cuộc thi viết văn tại giáo phận Kon Tum qua tập sách Hoa Núi Rừng V. Như thế, những tập sách Vui Học Thánh Kinh, Hoa Núi Rừng V và những tác phẩm của giáo phận Qui Nhơn được gởi đến mọi người trên khắp mọi miền đất nước, đến với người tin Chúa và cả những người chưa tin Chúa.

Chia sẻ 1: Hàn Mặc Tử  Chùa Ông Núi của PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn Học, Hà Nội, đã chia sẻ với mọi người về những sáng tác của thi sĩ Hàn Mặc Tử khi ông đến thăm Chùa Ông Núi hay những tác phẩm khác vừa mới được giới thiệu: Chùa Ông Núi Phù Cát, Ngày Xuân Đi Chơi Đề Thơ Ở Chùa, Karl Marx Thi Sĩ, Bóng Liễu Bên Hồ, Rửa Thù, Đêm Xuân Rừng Thiền, v.v... (3).
 

Chia sẻ 2: Văn Học Cho Thiếu Nhi và Tuyển Tập Cho Thiếu Nhi của Tiến sĩ Lê Nhật Ký, giảng viên Đại học Qui Nhơn, nói về những khó khăn và mong ước khi viết cho tuổi nhỏ, dẫu vất vả nhưng rất ý nghĩa, bởi qua tác phẩm, chúng ta giúp các em hình thành và phát triển nhân cách của chính mình (4).

Buổi Sinh Hoạt Giao Lưu kết thúc với bữa cơm huynh đệ đầy tình thân ái.

Đêm Trao Giải
 

Bắt đầu Đêm Trao Giải với video Theo Dấu Chân Hàn Mặc Tử giúp cho cộng đoàn có cái nhìn tổng quát về thi sĩ Hàn Mặc Tử, từ khi sinh ra cho đến lúc chết tại Trại Phong Quy Hòa (1912-1940).

Ngày 21.9, ngày mừng kính thánh Mátthêu tông đồ, bổn mạng của Đức Giám mục giáo phận Qui Nhơn, cha Trưởng Ban Mục Vụ Văn Hóa giáo phận, thay mặt mọi người mừng lễ Ngài được hồn an xác mạnh và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa để hướng dẫn Dân Chúa, cũng như hướng dẫn Ban Mục Vụ Văn Hóa, có những hướng đi giúp ích cho con người, người tin Chúa và cả những người chưa biết Chúa.

Từ Bất Ngờ Đến Bất Ngờ

Ban Tổ Chức đã rất lo lắng khi gần đến ngày kết thúc mà bài gởi về dự thi quá ít ỏi. Thật bất ngờ, càng gần đến ngày kết thúc, bài vở gởi về ào ạt, khiến cho những anh chị trong Ban Tổ Chức làm việc suốt ngày đêm mới có thành quả như hôm nay.

Một bất ngờ nữa, ngoài hơn 1000 bài dự thi gồm các thể loại, là có nhiều tác giả dự thi là người chưa tin Chúa. Trong số 165 tác giả dự thi có 89 tác giả ngoài Công giáo và chỉ có 76 tác giả Công giáo (Tu sĩ và giáo dân) mà thôi.

Một bất ngờ khác, trong số 59 tác giả đạt giải, có 34 tác giả ngoài Công giáo và 25 tác giả Công giáo.

Lại thêm một bất ngờ nữa là Giải nhất của Truyện ngắn và Thơ đều thuộc về các tác giả ngoài Công giáo.

Truyện ngắn
 

Giải nhất:
* Chu Thị Thu Hằng (Nguyệt Chu), tác phẩm: Tiếng Chuông Trong Mờ Sương.

Giải Nhì:
* Anna Nguyễn Bích Hạt (Violet), tác phẩm: Cây Thông Nhỏ
* Nguyễn Ngọc Bích, tác phẩm: Cỗ Tràng Hạt Bị Đánh Cắp
* Lê Thị Lệ Hằng, tác phẩm: Mình Không Có Chúa.

Giải ba:
* Nguyễn Đình Thu (An Viên, Thanh Ba, Thu Đình), tác phẩm: Điện Thoại Di Động Và Con
* Bùi Minh Phượng (Ý An), tác phẩm: Vì Sao Cây Thông Không Có Hoa?
* Vũ Thị Thanh Hòa, tác phẩm: Hai Anh Em
* Phan Đức Lộc, tác phẩm: Nắng Dã Quỳ
* Anê Trần Thị Cẩm Lệ, tác phẩm: Ánh Sáng Cuối Chân Trời.

Thơ
Giải nhất:
* Nguyễn Xuân Hòa, tác phẩm: Bông Lúa Chét.

Giải nhì:
* Phêrô Nguyễn Xuân Hiển, tác phẩm: Tâm Hồn Trẻ Thơ
* Nguyễn Bá Hòa, tác phẩm: Em Đi Học.

Giải ba:
* Nguyễn Ngọc Hưng, tác phẩm: Ngọn Nến
* Maria Trần Thị Thùy (Muối Đất), tác phẩm: Phép Tính Tình Yêu
* Nguyễn Minh Ngọc Hà (Thái Hà), tác phẩm: Đố Ai
* Lasan Ngô Văn Vỹ, tác phẩm: Em Muốn Làm Sơ
* Đaminh Huỳnh Ngọc La Sơn (Đa Minh Thiên Sa), tác phẩm: Xin Biến Đổi Đời Con.

Nhìn vào những giải chính thức của Truyện ngắn và Thơ, chúng ta thấy các tác giả ngoài Công giáo đoạt giải nhiều hơn với con số áp đảo: 17/6. Điều này có làm cho chúng ta buồn không? Thưa: Không. Chính điều này nói lên sự công tâm của Ban Tổ Chức khi chọn những bài hay, những bài có chất lượng để trao giải, và cũng nói lên sự quan tâm đến việc giáo dục, phát triển nhân cách của trẻ nhỏ thông qua những câu chuyện, những bài văn, không chỉ có chúng ta mà cả những anh chị em khác tôn giáo nữa.

Đêm Trao Giải khép lại với lời chúc lành của Đức Giám mục giáo phận, cầu chúc mọi người được bình an, hạnh phúc và nhiều niềm vui trong cuộc sống.
 

HÌNH ẢNH
Còn tiếp ...
                                                                               Nguyễn Thái Hùng
                                                                                   Mùa Thu 9.2019
 
+++++++++++++++++++++
1. Thanh Tịnh, Tôi Đi Học, http://www.saigonline.com/truc_huy/tdh_tt.htm
2. 
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0n_M%E1%BA%B7c_T%E1%BB%AD
3. PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn, Thi sĩ Hàn Mặc Tử - Tác Gia, Tác Phẩm Và Tiếp Nhận trong Dấu Chân Hàn Mặc Tử 2019, 10-49.
4. Lê Nhật Ký, Sáng Tác Cho Tuổi Thơ trong Dấu Chân Hàn Mặc Tử 2019, 3-10.
 
Xin đón đọc kỳ sau:
Hành Hương Theo Dấu Chân Hàn Mặc Tử



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây