Sống Cộng Đoàn – Thập Giá Tình Yêu
Khi quyết định bước đi theo Chúa để trở thành tông đồ loan báo Tin Mừng, thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ cái tôi của bản thân, để sống cho và sống vì hạnh phúc của anh chị em. Chúng ta thấy được rằng đời sống cộng đoàn, dù là cộng đoàn dòng tu hay là cộng đoàn giáo xứ, thì đều phải đối diện với những thách đố, những khó khăn đang chờ đợi.
Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su trong truyện Một tâm hồn đã nói rằng: “Thiên Chúa đã đặt trước mắt chúng ta quyển sách thiên nhiên và chúng ta hiểu rằng mọi bông hoa Người đã dựng nên đều đẹp, vẻ rực rỡ của bông hồng và vẻ trắng tinh của bông huệ không át mất hương thơm của bông hoa tím bé nhỏ hay vẻ đơn sơ quyến rũ của bông hoa cúc đầu xuân… Và nếu tất cả các bông hoa bé nhỏ đều muốn làm bông hoa hồng, thì thiên nhiên sẽ mất đi những vẻ trang sức của mùa xuân, và các cánh đồng sẽ không còn được tô điểm bằng các bông hoa bé nhỏ xinh xinh”. Cũng vậy trong đời sống cộng đoàn thì mỗi người chúng ta cũng chính là một bông hoa trong vườn hoa của Thiên Chúa. Có người là bông hoa hồng, có người là bông hoa huệ trắng tinh, có người chỉ là bông hoa tím, có người là bông hoa cúc tỏa ánh vàng tô thắm cho mùa xuân, nhưng cũng có người chỉ là một bông hoa dại mọc bên vệ đường, nhưng tất cả những bông hoa đó lại hòa quyện với nhau tạo thành một vườn hoa tuyệt đẹp với muôn màu muôn vẻ, và đầy đủ hương thơm mà người trồng chính là Thiên Chúa. Tuy mỗi một loài hoa có một mùi hương khác nhau, nhưng mà chúng lại không chèn ép những loài hoa khác, tất cả đều cùng nhau tỏa hương cho đời. Chúng ta cũng vậy nếu chúng ta biết nhường nhịn anh chị em mình trong cuộc sống, thì chắc chắn một điều là cộng đoàn của chúng ta càng ngày sẽ càng tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Tuy chúng ta khác nhau về nhiều mặt như: tính tình, tuổi tác, trình độ học vấn, v.v…, nhưng tất cả chúng ta khi bước chân vào đời sống cộng đoàn chỉ vì một mục đích mà thôi, đó là được nên thánh.
Mỗi người là một bông hoa
Khi sống với nhau trong đời sống hằng ngày, ắt hẳn là chúng ta sẽ không ít lần va chạm với nhau, có khi đó chỉ là một cái liếc mắt không thiện cảm, cũng đã khiến cho chúng ta cảm thấy không ưa người anh chị em đó, và rồi chúng ta sẵn sàng loại người đó ra khỏi tập thể mà chúng ta đang sống. Chúa Giê-su đã dạy mỗi chúng ta là hãy chấp nhận người anh chị em trong đời sống cộng đoàn của mình. Khi xưa Chúa cũng đã chọn mười hai Tông Đồ, để làm trợ tá cho mình và Ngài đã sống chung với các ông như những người bạn. Mười hai Tông Đồ với mười hai tính cách khác nhau, nhưng Chúa đã chấp nhận hết những điều đó, tuy các ông yếu kém về văn hóa, nhưng mà Chúa lại sử dụng các ông, để các ông trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên cho Giáo Hội. Tuy các ông là những người đã bán Chúa, chối Chúa, rồi bỏ Chúa khi Chúa bị bắt, nhưng mà Ngài đã bỏ qua tất cả và đã tha thứ tất cả mọi tội lỗi cho các ông. Vì thế trong đời sống của chúng ta, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho nhau, yêu thương nhau như anh chị em một nhà, tuy không cùng một gia đình về mặt thể lý, nhưng là một gia đình về mặt tâm linh, chúng ta có một Cha là Thiên Chúa, và chúng ta là anh chị em với nhau trong Đức Giê-su Ki-tô.
Chúng ta đừng bao giờ lấy bản thân mình làm khuôn mẫu và đòi buộc những anh chị em khác phải giống như mình. Điều đó đi ngược lại với giáo huấn của Chúa. Trong đời sống dâng hiến chúng ta chỉ có một khuôn mẫu tốt lành để bước theo và noi gương mà thôi, đó chính là Đức Giê-Su, một vị Mục Tử nhân lành, dám hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đoàn chiên. Chỉ vì tình yêu mà Ngài đã vâng lời Thiên Chúa Cha, nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, và Ngài đã làm người, chịu đóng đinh vào thập giá một cách tủi nhục và đau đớn để cứu rỗi loài người. Vì vậy bước theo Chúa thì chúng ta cũng phải biết chết đi, biết hạ thấp bản thân mình để phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giê-su, như Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ của Ngài rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và là người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Chúng ta cũng phải biết sống hòa đồng, bình đẳng với mọi người, đừng bao giờ coi người này hơn người kia, hay là chỉ chơi được với người này mà lại không chơi được với người kia, nếu chúng ta sống như thế thì chúng ta sẽ mất đi sự quân bình nội tại, và càng ngày nó sẽ trở thành một thói quen và rồi chúng ta sẽ khó khăn trong vấn đề tiếp xúc với mọi người. Chính Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chứ không phải chúng ta đã chọn Ngài, chúng ta chỉ đáp lại lời mời gọi của Ngài mà thôi. Vì vậy chúng ta hãy luôn cầu nguyện với Chúa, xin Chúa sử dụng chúng ta như là một khí cụ của Ngài, để trao ban bình an và tình thương yêu của Ngài cho tất cả mọi người.
Cũng phải biết khiêm tốn đừng xét đoán người anh chị em mình, bởi vì chúng ta cũng chưa hoàn hảo. Chúng ta hãy lấy ưu điểm của người anh chị em để bổ sung cho khuyết điểm của mình, chứ đừng bao giờ lấy khuyết điểm của anh em để đem ra mà xét đoán họ. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta rằng: “Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em ngươi” (Mt 7, 5). Đúng là như vậy, con người chúng ta bất toàn, nhưng lại không nhận thấy sự bất toàn nơi bản thân mình, mà chỉ thấy sự xấu xa nơi anh chi em mình mà thôi. Vì vậy chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận những lời góp ý chân thành của anh chị em mình, bởi vì nếu một khi chúng ta chấp nhận sai xót của bản thân, thì chúng ta càng dễ dàng để sửa chữa những sai xót đó.
Để được như vậy chúng ta phải nhìn rõ con người của mình, phải thấy được cả ưu và nhược điểm nơi con người mình, phải nghiêm khắc với bản thân mình hơn, nhưng phải dễ dàng với anh chị em hơn. Bởi vì khi chúng ta nhìn rõ được bản thân mình thì chúng ta mới có thể lấy ưu điểm để bổ sung cho khuyết điểm của mình.
Trong đời sống cộng đoàn thì sự đoàn kết và hiệp nhất sẽ tao nên sức mạnh và sẽ làm rạng danh Chúa, nhưng thực tế cho ta thấy, chúng ta lại không biết nỗ lực để xây dựng điều đó, thay vì nói những lời yêu thương để tạo nên sự đoàn kết, thì chúng ta lại tìm cách phá vỡ đi sự hiệp nhất trong chính cộng đoàn nơi chúng ta đang sống. Thử nghĩ lại xem chúng ta đã bao nhiêu lần dùng môi miệng của mình để gây chia rẽ? Đã bao lần chúng ta coi thường và không nghe những góp ý của anh chị em? Đã bao lần chúng ta vạch lá tìm sâu, dùng ánh mắt soi mói vào những việc làm của anh chị em? Nhưng còn tệ hơn hết là chúng ta lại áp dụng suy nghĩ của mình để gán ghép cho người khác: “tôi như thế này… người khác có tốt hơn tôi không?”. Những lúc chúng ta suy nghĩ như thế, thì đó chính là lúc chúng ta đánh mất đi tính hiệp nhất trong cộng đoàn và sự liên đới giữa anh chị em.
Trong một xã hội phát triển không ngừng này, có nhiều thứ như tiền tài vật chất, danh vọng địa vị, đã làm cho tình cảm của anh chị em sống trong cộng đoàn bị rạn nứt, vì vậy mỗi người chúng ta cũng cần phải có đời sống đạo đức chiều sâu, luôn nhìn nhận Chúa đang hiện diện nơi người anh chị em, để chúng ta có thể yêu thương cho tròn đầy hơn. Việc cầu nguyện và tâm sự với Chúa, đó là điều rất quan trọng đối với đời sống chung, khi chúng ta thưa chuyện được với Chúa thì chúng ta dễ dàng thông cảm cho người anh chị em mình hơn, và dễ dàng tha thứ hơn. Và để trở nên những người thuộc về Thiên Chúa, thì chúng ta phải tránh xa mọi điều gây chia rẽ hận thù, ganh ghét, nói hành nói xấu và tập những thói quen tốt như: sống quảng đại, vị tha, nói những lời tốt đẹp với anh chị em và cố gắng duy trì sự hiệp nhất trong tình huynh đệ để làm chứng cho Chúa.
Sống trong cộng đoàn thật sự là một điều khó, nhưng mà đó lại chính là thập giá mà Chúa đang trao cho mỗi người, và buộc mỗi người chúng ta phải vác đi trong suốt đời sống của mình. Nếu chúng ta vượt qua được những rào cản ngăn cách với anh chị em, thì chắc chắn chúng ta sẽ trưởng thành hơn, và sẽ trở thành một mục tử nhân lành, thân thiện, hòa đồng với với mọi người, được mọi người yêu quý. Nhưng để được như vậy mỗi người chúng ta hãy cố gắng: “nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện”. Và sống “đáng yêu, dễ mến” để là một bông hoa đẹp, tạo nên một vườn hoa, làm cho cuộc sống này tràn đầy ý nghĩa hơn.
Ứng Sinh Chủng Viện Phaolô Lê Bảo Tịnh - Bmt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn