TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Giáng Sinh

Thứ hai - 23/12/2024 08:40 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   132
Theo các Tin Mừng tường thuật thì Chúa Giêsu giáng sinh vào một đêm đông giá lạnh tại cánh đồng quê Bê Lem, xứ Giuđêa.

SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH

tbd 231224b


Bà con lương dân, anh chị em khác niềm tin, tôn giáo hầu như đều nhìn nhận Đức Giêsu là nhân vật lịch sử. Kitô hữu thì tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa đã giáng trần vào năm thứ nhất của Công Nguyên, nghĩa là cách đây khoảng 2024 năm. Theo các Tin Mừng tường thuật thì Chúa Giêsu giáng sinh vào một đêm đông giá lạnh tại cánh đồng quê Bê Lem, xứ Giuđêa. Tuy nhiên để có câu trả lời cho câu hỏi rằng vì sao Con Thiên Chúa lại giáng sinh, Ngài xuống thế làm người để làm gì thì xem ra có một vài thay đổi. Đã từng một thời gian khá dài Kitô hữu trả lời đó là Thiên Chúa giáng sinh làm người để cứu chuộc nhân loại. Và như thế nguyên nhân là vì loài người đã phạm tội. Câu trả lời này không sai nhưng có phần hạn chế vì rất dễ hiểu lầm rằng việc Thiên Chúa làm người là “kế hoạch thứ hai”, một thời gian sau khi sáng tạo vũ trụ đất trời và loài người. Ngày nay Kitô hữu chúng ta tin nhận việc Thiên Chúa làm người là chương trình có từ ngàn đời ngay từ bui sáng tạo vũ trụ đất trời. Vậy cần phải hiểu mục đích của việc Thiên Chúa giáng trần theo một chiều kích phổ quát và hoàn hảo hơn.

Thiết nghĩ rằng không gì hơn là hãy tập chú vào chính những lời Chúa Giêsu, Đấng làm người đã trực tiếp nói về việc Người giáng trần làm người. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu đã từng nói về mục đích đến thế gian của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ người ta và hiến dâng mạng sống là giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45) và “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa nhưng gì đã hư mất” (Lc 19,10). Tuy nhiên trước khi chịu khổ hình thập giá, trước mặt Philatô thì Người đã minh nhiên khẳng định: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai hâm mộ sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Có thể nói rằng lời khẳng định sau là đủ đầy và hoàn hảo hơn. Khi sai các tông đồ đi rao giảng thì Chúa Giêsu căn dặn các vị đừng đi đến với anh em lương dân mà tốt hơn là đến với các chiên lạc nhà Israel (Mt 10,5). Tuy nhiên khi từ cõi chết sống lại thì Người lại truyền cho các tông đồ và môn đệ: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15).

Chân lý cứu độ mà Chúa Kitô tỏ bày là chính trọn cuộc đời của Người khởi đi từ mầu nhiệm nhập thế, nhập thế giáng sinh cho đến khi chịu tử nạn và phục sinh, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha và trao ban Thánh Thần. Hạ sinh trong hang lừa, được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ, Hài Nhi Giêsu dù chưa biết nói nhưng lại mạc khải cho nhân loại chúng ta một trong những chân lý nền tng đem ơn cứu độ, nghĩa là dẫn đưa nhân loại đến hạnh phúc vĩnh tồn.

1. Dù không được tạo thành nhưng Hài Giêsu đã được sinh ra. Để tồn tại và phát triển, Hài Nhi Giêsu lại còn rất cần đến ân tình của mẹ cha, cần đến ân tình của những người chăn chiên, cn đến hơi ấm của bò lừa và của cả nắm rơm khô. Không một ai trong loài người chúng ta tự làm nên chính mình. Chúng ta vừa được tạo thành vừa được sinh ra. Như thế, có thể nói rằng chúng ta là những hiện hữu bởi và hiện hữu nhờ. Nghĩa là chúng ta có mặt ở đời này là do bởi quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa qua sự cộng tác của mẹ cha. Chúng ta sống, tồn tại và phát triển là nhờ công sức và ân tình của rất nhiều người gần xa.

2. Là tạo vật thì việc sống theo ý lời của Đấng Tạo Thành chính là điều căn bản để tạo vật thực sự là chính mình. Chúa Giêsu đã mình nhiên nói rằng việc thực thi thánh ý Cha trên trời mới đem lại hạnh phúc vĩnh tồn cho chúng ta và đó là cách thế chúng ta trở nên người nghĩa thiết của Người. Khi ý thức mình được sống, tồn tại và phát triển là nhờ tha nhân thì chúng ta phải biết sống với, sống cùng và sống cho tha nhân, nghĩa là có những ai đó nhờ chúng ta mà tồn tại, phát triển và được hạnh phúc. Chúa Kitô đã tóm gọn chân lý này vào giới luật vàng: “Hãy làm cho tha nhân những gì anh em muốn tha nhân làm cho mình” (Mt 7,12).

Đôi tay Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ mở ra vừa là dấu chỉ của sự đón nhận vừa là dấu chỉ của sự trao ban. Cái máng cỏ vừa là dấu chỉ bao bọc che chở Hài nhi Giêsu vừa là dấu chỉ cho thấy Hài Nhi chính là lương thực được trao ban cho nhân trần.

Mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh chúng ta giăng kết đèn hoa lung linh là việc nên làm, chúng ta trang trí máng cỏ rực rỡ cũng là việc nên làm, chúng ta tổ chức các bui diễn nguyện cũng thật nên làm. Tuy nhiên điều đáng làm trên hết đó là đón nhận sứ điệp Giáng Sinh thật ý nghĩa và hữu ích. Chúa xuống thế làm người là để nhân loại chúng ta biết cách làm người theo thánh ý Đấng Tối Cao. Mong sao mỗi lần đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong hang đá, chúng ta  thêm xác tin rằng mình có mặt ở đời này là do bởi quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, mình tồn tại và phát triển được là nhờ ân tình của rất nhiều người. Chính vì thế chúng ta phải biết lấy thánh ý Cha trên trời làm lẽ sống và đồng thời phải biết sống với, sống cùng và sống cho những ai đó đang cần nhờ chúng ta để họ được tn tại và hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây