TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình Chúa tình người nơi tuyến đầu

Thứ tư - 18/08/2021 20:18 | Tác giả bài viết: Nữ tu Marie Đoàn Tuyết, SPC |   929
Con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa...
Tình Chúa tình người nơi tuyến đầu
TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI NƠI TUYẾN ĐẦU
WGPSG (18.8.2021) - Con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa...

Ngày Sở Y Tế thông báo: “Xin cho danh sách các Tình Nguyện Viên sẽ đi trong một tháng và hai tháng để chuẩn bị xe trở về”, con đã lặng lẽ tìm một góc vắng, tận hưởng bầu khí yên bình, thanh mát của hàng cây bên nhà, cố gắng hít những hơi thật sâu và dâng lên Chúa chút tâm tư trăn trở trong con.

Mới ngày nào đó con "ra quân" mà hôm nay đã nhận được thông báo ngày trở về. Gần một tháng qua, nỗi nhớ Nhà Dòng, nhớ chị em, nhớ những giờ kinh chung đong đầy trong con… Con muốn trở về, nhưng nỗi niềm thương nhớ bệnh nhân đang đau khổ, đang cô đơn trên giường bệnh; những đôi chân liêu xiêu mệt mỏi của các y bác sĩ; nghĩ về những hành lang bệnh viện đầy rác không có nhân viên thu dọn; nghĩ về giây phút hiện tại con vẫn còn đang thở, đang khỏe, bình an và vui tươi trong sứ vụ... con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa.

“Những ân tình Chúa dành cho con quá cao vời không còn chi hơn, biết lấy chi cảm mến Thánh Ân không bờ bến Chúa thương ban xuống trên phận hèn”. Cả cuộc đời con là lời chúc tụng Chúa, bởi từng phút, từng giây con được sống trong Ơn Thánh Ngài. Mỗi sáng khi thức dậy, lời đầu tiên con thưa lên cùng Chúa thật đơn giản: “Con cám ơn Chúa! con vẫn còn sống”, rồi con nghĩ về những chợ rau không đồng, siêu thị không đồng, những cây ATM gạo miễn phí do những nhà hảo tâm lập ra... Tuy nhiên, có một cửa hàng mà chủ nhân của nó dù có tài sản “kếch-xù” đến mấy cũng không đứng tên được, đó là cửa hàng: “O HAI KHÔNG ĐỒNG” (O2 là Oxy). Vâng chủ cửa hàng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa. Mỗi ngày, Ngài vẫn ban phát khí thở cho con cách miễn phí nhưng con cứ ngỡ đó là tự nhiên nên con quên mất cội nguồn của mình. Chỉ khi phải đối diện với sự thiếu thốn O2  giữa cơn đại dịch, con mới bắt đầu thức tỉnh và suy tư.

“Tạ ơn Chúa mỗi sớm mai thức dậy cho con thêm ngày nữa để yêu thương”. Vì thế, con đã tìm về bên Chúa để tạ ơn, để chìm sâu trong thinh lặng và cầu nguyện, vì chỉ nơi Chúa con mới có đủ tình yêu, sức mạnh, sự bình an để trao ban cho những người con phục vụ. Tất cả chúng con - những tu sĩ tuyến đầu - đều hiểu và cảm nghiệm rõ điều ấy, nên mỗi người tự tìm những góc khuất sau ca làm để ở lại với Chúa và hâm nóng đời sống nội tâm của mình.

Mỗi buổi sáng, khi cầm trên tay tô hủ tiếu, chiếc bánh giò, hộp cơm… rồi nhìn vào trong những túi ni-lon đầy đủ những thứ nho nhỏ: chanh, ớt, tăm, khăn ướt… rau, nước để riêng từng bịch, con xúc động, chợt nhớ đến những “chi tiết nhỏ của tình yêu” (Tông huấn Gaudete et exsultate số 144). Vâng, chỉ có những tâm hồn tràn đầy tình yêu mới có thể chu đáo, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Chắc chắn để có những phần ăn sáng đúng giờ cho chúng con đi làm, từ những ngày trước các ân nhân đã phải vất vả, trời mưa, trời nắng chuẩn bị nguyên liệu cần thiết; có khi chúng con đang say giấc 3 đến 4 giờ sáng, các mẹ, các chị đã dậy sớm để nhúng phở, luộc rau… Cảm động lắm khi chúng con nhận được những phần cơm bổ dưỡng còn kèm theo bao khích lệ được viết ngoài hộp cơm như: “Cám ơn các chiến sĩ áo trắng”.
 


Cứ như thế, ngày qua ngày các chuyến xe chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm gói trọn bao yêu thương vất vả, hy sinh cùng lời cầu nguyện từ Đức Tổng, các Linh mục, các Hội Dòng, các giáo xứ, các ân thân nhân xa gần đã được chuyển tới chúng con để tới ngày hôm nay chúng con vẫn khỏe, vẫn vui tươi và bình an. Nhìn về phía sau, chúng con thật hạnh phúc vì có một hậu phương vững chắc đêm ngày giang tay cầu nguyện, thay nhau chầu trực Thánh Thể, dâng lên Mẹ bao lời kinh Mân Côi… để cầu nguyện cho chúng con.

Con ngậm ngùi khi nhận được tin nhắn từ một linh mục già nơi vùng sâu xa: 

Con thương quí. Cha già rồi. Ý thức sự giới hạn con người và sẽ trở thành người thừa thãi trong Giáo Hội, trong xã hội nên nghe biết con và chị em ra đi, cha mừng và theo dõi cũng như mong tin con. Nhớ và cầu nguyện cho chúng con mỗi ngày. Vì có giờ nên mỗi ngày cha dâng lên Chúa nhờ Mẹ 8 Tràng chuỗi, 2 lần 4 cầu nguyện cho chúng con cách riêng. Nói thì dễ, nhất là những người như cha, nhưng đứng trước ngưỡng cửa chết-sống thì mới thấy ý nghĩa Đời Theo Chúa con hè. Cảm ơn con và chị em đã giới thiệu Chúa là tình thương, đặc biệt tiếp cận với những người âm thầm ra đi... Xin Chúa là niềm vui an bình cho Con.
Cha già!”

Và con xúc động hơn khi hậu phương lại có bóng dáng các em thiếu nhi của mình.
 


Ra đi trong ơn gọi là một tu sĩ - tình nguyện viên nơi tuyến đầu, con nghĩ rằng mình sẽ cho “ai đó” nhiều điều nhưng chút nhỏ bé con cho đi chưa được bao nhiêu thì đã nhận lại cả một đại dương ân tình.
 


Niềm hạnh phúc càng lúc càng đong đầy hơn khi từng ngày mối tình thân giữa các anh chị em liên tôn giáo càng thêm khăng khít. Hình ảnh “ bộ áo nâu” bên những chiếc áo sơ mi nhiều màu sau mỗi giờ cơm chiều, sẻ chia cùng nhau bao vui buồn trong công việc cũng như trong đời tu mới đẹp làm sao! Có lần sư thầy hỏi con:

“Chiều chiều thấy mấy Soeurs vừa đi vừa đọc gì vậy?”.

“Làm Soeurs mình khấn hứa những điều gì vậy?”.

Các Soeurs cũng hỏi lại Thầy: “Pháp danh 'Chúc Khai' của Thầy nghĩa là gì? Thời gian đào tạo một tu sĩ bên chùa như thế nào vậy Thầy?...

Có lẽ thật hiếm những khoảnh khắc để các tôn giáo sống đời thường, cùng ăn uống, cùng ngủ, cùng làm bên nhau. Khác nhau rất nhiều trong niềm tin, văn hóa, cách ăn, cách mặc… nhưng giờ đây, tất cả chúng con cùng một nhịp đập của yêu thương, cùng một chuyến xe, cùng một nơi đến, cùng một nơi để về và cùng chung một nhịp bước nơi tuyến đầu phục vụ. Những phút giây xa lạ ban đầu giờ đây trở nên gần gũi, thân thương. Tiếng “mọi người ơi” mỗi khi thông báo điều gì đó nay được thay thế bằng tiếng “cả nhà ơi”. Ôi! thật đẹp! Thật là một cơ hội quý giá để con học hỏi, trao đổi, giao lưu văn hóa cũng như sống và làm chứng niềm tin của mình với người tôn giáo bạn.

Rời xa mái ấm Hội Dòng con đã nhận lại được nghĩa tình ấm áp nơi đây: Đôi khi chỉ là những miếng gừng, chút sả được bào sẵn trên bàn để khi tan ca trở về có thể dùng ngay; hoặc những chiều mưa nơm nớp trong lòng: “quần áo đang phơi!” Nhưng khi trở về tất cả đều tươm tất... Nhiều lắm những chi tiết nhỏ mà mỗi lần nhìn thấy lại gợi lên trong con lời nhắn nhủ của vị Cha chung trong tông huấn Gaudete et exsultate số 145: “Cộng đoàn nào ấp ủ những chi tiết nhỏ của tình yêu, các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau và tạo được môi trường cởi mở và Tin Mừng, bao giờ cũng là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn ấy theo kế hoạch của Chúa Cha. Có những lúc, do quà tặng tình yêu của Chúa, ta được ban cho, giữa những chi tiết nhỏ này, các kinh nghiệm an ủi về Thiên Chúa”.

Trên tất cả có một nơi để con nghĩ về, một hình ảnh lòng con thương nhớ và chứa đầy những kỉ niệm cũng như dấu vết Tình Yêu của Thiên Chúa, đó là tình gia đình. Ba má chính là hiện thân sống động, cụ thể để con dễ dàng hướng lòng lên Cha trên trời. Từ ngày ra quân cho đến hôm nay, khi biết con đang ở tuyến đầu, ba má không lúc nào không đón xem các tin tức từ Sài Gòn. “Thương con nhưng dâng tất cả cuộc đời con vào tay Chúa quan phòng”, Ba con vẫn nói với con như thế mỗi khi gọi điện. Giọng nói của Chúa vẫn ngày ngày thầm thì những lời yêu thương, động viên, khích lệ qua tiếng nói nơi xa của ba má. Ôi tình Chúa thương con!

Đường Sài Gòn những ngày này vắng ngắt, tiếng còi cứu thương vang lên đến sắc lạnh nhưng lòng con vẫn an vui bởi tiếng Chúa vẫn âm thầm từng ngày: “Ta ở với con”. Đong đầy tình của Chúa, của người can đảm đi vào “chiến trận”, con mang theo bao khát vọng để đem Chúa đến với những người con gặp gỡ. Sự hiện diện của con tuy nhỏ bé, âm thầm nhưng chính những “cái nhỏ” ấy lại ánh lên ánh sáng Chúa Phục Sinh. Một bác sĩ đã từng nói với con: “Bệnh viện sẽ vơi đi sự chết, thêm sự sống khi có các Soeurs ở đây cầu nguyện”.

Đôi khi, trên những chiếc áo bảo hộ ghi tên: “Sr Hà, Sr Kiều, Sr Liên,…” đã làm các nhân viên y tế không khỏi thắc mắc: “Sao các Soeurs lại có cùng tên lót là “Sơ”. Hay những câu hỏi chúng con vẫn thường nghe: “Sao các Soeurs lại có thể sống độc thân không lập gia đình, không thể hiểu nổi?”
 


Từ trước tới nay, mọi người vẫn quen nhìn các nữ tu trong bộ tu phục chỉnh tề nơi xứ đạo, nay nhìn thấy chúng con trong bộ đồ bảo hộ tại các bệnh viện chắc chắn sẽ có nhiều thắc mắc, nhiều dấu hỏi, nhưng nó lại là một cơ hội để chúng con nói về Chúa. Riêng đối với con, con luôn cảm thấy hạnh phúc vì được sống và cảm nghiệm mầu nhiệm “tự hủy”. Con đã để lại bộ tu phục và nhà nguyện thân thương để mặc lấy chiếc “áo trắng thiên thần”, đến bên Thánh Thể đang hiện diện sống động nơi các bệnh nhân. Nhà nguyện của con giờ đây là nhà thương. Như Giêsu, con hiểu và thấu cảm bao nỗi đau của phận người khi sống giữa vùng dịch, để biết rằng: “Không có Chúa, con không làm gì được” (Ga 15, 5) và xác tín hơn: “Không còn là con sống nhưng chính Chúa sống trong con” (Gl 2, 20). “Mọi sự luôn nói với con về Chúa”.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết tận dụng mọi hoàn cảnh “lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện” để rao giảng và làm vinh danh Chúa. Xin được vang mãi khúc ca tạ ơn cũng như khắc ghi “TÌNH CHÚA, TÌNH NGƯỜI” trong tim những người con nơi tuyến đầu chống dịch.

Nữ tu Marie Đoàn Tuyết, SPC
BV Dã chiến ngày 16-8-2021
Nguồn: tgpsaigon.net 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây