TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tinh Thần Từ Bỏ Của Người Môn Đệ Chúa

Thứ năm - 10/10/2024 20:34 | Tác giả bài viết: Lm.Jos Tạ Duy Tuyền |   166
Chính Chúa Giê-su đã sống tinh thần từ bỏ này một cách trọn vẹn khi Ngài từ bỏ vinh quang trên trời để xuống thế gian, sinh ra trong một hang đá nghèo khó ở Bethlehem (Lc 2,7)
Tinh Thần Từ Bỏ Của Người Môn Đệ Chúa

Tinh Thần Từ Bỏ Của Người Môn Đệ Chúa -Suy niệm Chúa nhật 28 thường niên B
 


Một cuộc đời đẹp không phải là có địa vị, có nhiều của cải mà là người dám sẵn lòng cho đi cái mình có. Không so đo, không tính toán. Họ sẵn lòng cho đi tất cả để phục vụ tha nhân một cách quảng đại. Đó mới là một cuộc đời đáng ca ngợi. Đó mới là một bông hoa đẹp dâng tặng cho cuộc đời.

Cuộc đời của người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay tưởng chừng như cũng rất đẹp, vì anh hằng tuân giữ lề luật của Chúa. Anh không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai, và anh hằng luôn thờ cha kính mẹ. Thế nhưng, trong tâm hồn anh lại mất đi nét đẹp của lòng quảng đại trao ban. Anh giầu sang của cải, nhưng chưa giầu sang tấm lòng. Anh có của nhưng không biết làm đẹp con người bằng bác ái trao ban. Anh chưa dùng sự giầu sang của mình để cống hiến, để phục vụ tha nhân.

Đối với Chúa Giê-su một người môn đệ đích thực không dừng lại ở một số việc tuân giữ luật lệ, mà còn phải có một đời sống yêu thương tha nhân bằng cách cho đi những gì mình có, dù đó là của cải vật chất hay tinh thần. Đây là nét đẹp của người môn đệ, nét đẹp thanh thoát cống hiến trao ban.

Chúa Giêsu không dạy chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng nhắc nhở chúng ta đừng để nó trở thành dụng cụ của ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của tham lam và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi nô lệ vật chất. Qua đây, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng sự sống đời đời không phụ thuộc vào việc tuân giữ luật pháp một cách máy móc, mà đòi hỏi sự hy sinh, lòng nhân ái, và sự hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa.

Câu chuyện này không chỉ dành riêng cho người thanh niên giàu có, mà là lời mời gọi cho tất cả mọi người tín hữu. Đi theo Chúa Giê-su là một con đường đòi hỏi sự từ bỏ, nhưng đổi lại chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời trong hạnh phúc. Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta từ bỏ những gì ràng buộc ta với thế gian, dù là tài sản, quyền lực, hay sự tự mãn là để hoàn toàn phó thác vào tình yêu và ý muốn của Chúa. Đừng để của cải ràng buộc chúng ta trong lối sống ích kỷ và nó có thể ngăn cản ta khỏi sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Chính Chúa Giê-su đã sống tinh thần từ bỏ này một cách trọn vẹn khi Ngài từ bỏ vinh quang trên trời để xuống thế gian, sinh ra trong một hang đá nghèo khó ở Bethlehem (Lc 2,7). Đây là một sự từ bỏ mọi sự giàu có, quyền lực và sự cao cả của Thiên Chúa để sống trong thân phận một con người nghèo hèn. Cuộc sống của Ngài không cậy dựa vào của cải hay những phương tiện trần thế, mà Ngài sống đơn giản, không nơi tựa đầu (Mt 8,20). Cuối cùng, Chúa Giê-su đã từ bỏ chính mạng sống mình trên thập giá để cứu độ nhân loại, minh chứng tình yêu và sự từ bỏ trọn vẹn vì chúng ta.

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết chọn lựa sự sống đời đời hơn là của cải mau qua đời này. Và ước gì chúng ta biết dùng của cải đời này mà làm đẹp cuộc đời mình bằng lòng quảng đại, bái ái, vị tha. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây