TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tôi đã thấy và đã tin

Thứ tư - 26/05/2021 05:07 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   677
Tôi đã thấy và đã tin

Chúa Nhật Lễ Phục Sinh

Tôi đã thấy và đã tin

“Chúa sống lại thật rồi, Haleluia”. Vâng, Đức Giê-su đã sống lại và đó là niềm tin tông truyền, một niềm tin được toàn thể cộng đồng dân Chúa cùng nhau cất tiếng tuyên xưng vào mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, rằng: “Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Với Nhóm Mười Một xưa, để tin vào sự sống lại của Thầy Giê-su, đó không phải là một sớm một chiều. Để các môn đệ tin vào niềm tin này, Đức Giê-su đã phải hiện ra nhiều lần, nhiều nơi để củng cố lòng tin các ông. Và có lúc (như trường hợp của hai môn đệ trên làng Emmau), “Người (đã phải) giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (x.Lc 24, 27) .

Trong nhóm Mười Một, có hai trường hợp đến với niềm tin Phục Sinh rất đặc biệt. Thứ nhất là thánh Thomas. Với vị này, ông ta đòi phải được “thấy dấu đinh ở tay Người… đặt bàn tay vào cạnh sườn Người…” thì mới tin.

Thứ hai là thánh Gio-an. Với vị này, ngài đã có một niềm tin rất khác thường, đó là, chỉ cần chứng kiến những “dấu chỉ”, những dấu chỉ đã xảy ra trong ngôi mộ, nơi táng xác Thầy mình, là đủ để ông ta tin. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.

**

Hôm ấy, theo lời tường thuật của thánh Gio-an, thì, chuyện xảy ra là vào “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối”. Dựa vào lời tường thuật nêu trên, thì, đây là ngày thứ ba tính từ hôm Đức Giê-su chết trên thập giá tại đồi Golgotha.

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta thử tưởng tượng xem, hai ngày qua, các người môn đệ của Ngài sống trong tâm trạng như thế nào.

Các người môn đệ đã sống trong tâm trạng như thế nào? Vâng, có phần chắc, sau cái chết của Đức Giê-su vào hôm thứ sáu trên đồi Golgotha, những người môn đệ của Ngài đã sống trong tâm trạng buồn hiu hắt buồn.

Với ngài Phêrô, có quá nhiều điều khiến cho con tim ông nhức nhối. Nghĩ về Giu-đa Iscariot, làm sao ông quên được nụ hôn đầy nham hiểm của y. Nụ hôn, một cử chỉ biểu lộ tình yêu và tha thứ, thế mà y lại dùng làm tín hiệu để nhận diện kẻ bị bắt bớ.

Rồi, nghĩ lại cú “hồi mã thương” của mình đã làm đứt tai phải của Mankhô, tên đầy tớ của vị thượng phẩm. Thế mà, không hiểu tại sao Thầy Giêsu lại “sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành”…

Cuối cùng, khi nghĩ đến bản thân, Phê-rô không khỏi bối rối và hối hận về việc ông đã “thề độc” trước một người tớ gái rằng, “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó”.

Còn người môn đệ Chúa thương mến, là ông Gio-an, thì sao? Thưa, ông đã để cho hồn mình chìm vào khung cảnh của Golgotha, nơi Thầy Giê-su bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Người. Làm sao ông quên được hình ảnh kẻ qua người lại nhục mạ Thầy Giêsu. Làm sao ông quên được trọng trách Thầy Giêsu đã giao phó Mẹ Maria cho mình “Đây là mẹ của anh”. Và cuối cùng, làm sao ông quên được tiếng nói nghẹn ngào của Thầy Giêsu “Thế là đã hoàn tất”.

Đêm nay, đã là hai đêm… hai đêm đợi chờ… Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giê-su, rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” là lời phán hứa hão huyền sao đây!

Chỉ là… chỉ là một chút suy tư của kẻ phàm nhân, thế nên, có lẽ nào chúng ta không nghĩ rằng, chắc hẳn hai vị tông đồ này đang trong tâm trạng đầy tuyệt vọng!

Vâng, khi Phê-rô và Gio-an gần như tuyệt vọng trong sự đợi chờ, thì các ông nghe thấy những tiếng chân chạy. Thì ra, đó là tiếng chân chạy của một người phụ nữ. Bà ta, với khuôn mặt đầy sự căng thẳng, chạy về tìm gặp ông Phê-rô. Khi gặp được ông Phê-rô, bà ta lắp bắp nói với ông ta, rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Người phụ nữ này chính là bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà ta là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Hôm đó, hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết chết, bà ta đã theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.

Bà không thể lầm nơi Đức Giê-su được chôn cất. Gần nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, trong mảnh vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.

Hôm ấy, khi ông Giô-sếp, người A-ri-ma-thê, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn, “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” thấy rõ ràng ông ta đã “lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá”. Sau đó “ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ rồi ra về” (x.Mt 27, …60)

Vậy mà hôm nay, khi bà Ma-ri-a Mác-đa-la đến mộ, tảng đá to lấp cửa mồ đã bị ai đó “lăn khỏi mộ”.

Sau khi nghe những lời kể của Maria Mác-đa-la, không một chút đắn đo, Phê-rô và Gio-an lập tức “liền đi ra mộ”. Rất vội vã, “cả hai người cùng chạy”.

Có lẽ, do nhanh nhẹn hơn, nên người “môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước”. Rồi, khi tới ngôi mộ,“Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào”.

Si-mon Phê-rô tuy chậm hơn, nhưng rồi cũng đến nơi. Đến nơi: “Ông vào thẳng trong mộ, (và cũng) thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại xếp riêng ra một nơi” (x.Ga 20, ...7). 

Đức Giê-su đâu? Ông Phê-rô không thấy, chỉ thấy ngôi mộ nơi đã chôn cất Đức Giê-su, giờ đây chỉ là “ngôi mộ trống”. Còn người môn đệ kia “kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào”. Và rồi, chuyện kể rằng: “ông đã thấy và đã tin”.

***

Ông Gio-an đã thấy gì để rồi ông tin? Xin thưa, ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh, ngoài sự kiện khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống.

Chính… chính ngôi mộ trống, như là “dấu chỉ” rõ nhất về sự sống lại của Đức Giê-su. Và, dấu chỉ này đã tạo ra một luồng “ánh sáng Phục Sinh” chiếu rọi vào tâm hồn ông niềm tin về một Giê-su đã sống lại.

Còn về tông đồ Phê-rô? Thưa, tất nhiên ngài Phê-rô cũng đã tin. Ông Phê-rô đã tin, bởi chính Đức Giê-su, “Người còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (x.Cv 1, 3)

Và, rõ nét nhất về niềm tin của tông đồ Phê-rô, đó là, dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ngài vẫn không sợ hãi mà tuyên tín rằng: “Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (x.Cv 4, 10).

****

Niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh của tông đồ Gio-an như thế đấy. Vâng, rất xứng đáng như là mẫu mực để chúng ta noi theo.

Chúng ta noi theo điều gì? Thưa, noi theo những gì tông đồ Gio-an đã thực hiện. Đó là hãy “chạy”… như Gio-an đã chạy thật mau để gặp Đức Giê-su Phục Sinh. Và hãy nhận ra những “dấu chỉ”, như Gio-an đã nhận ra dấu chỉ, (qua những sự kiện đã xảy ra tại ngôi mộ táng xác Đức Giê-su), những dấu chỉ minh chứng “Ngài đã sống lại như lời đã phán hứa”.

Chúng ta chạy đi đâu để gặp Đức Giê-su Phục Sinh? Phải chăng là làm một “tour” du lịch qua Giê-ru-sa-lem, và chạy đến ngôi mộ nơi táng xác Đức Giê-su, khi xưa?

Thưa, không nhất thiết phải làm như thế. Nhưng là hãy “chạy”, chạy đến những ngôi thánh đường, nơi Đức Giê-su Phục Sinh đang hiện diện trên bàn Tiệc Thánh Thể, một bàn tiệc dành cho những ai đến tham dự “được sống muôn đời (và) được sống lại vào ngày sau hết”.

Chúng ta cũng có thể “chạy”, chạy tìm đến những kẻ đói cho họ ăn, những kẻ khát cho họ uống, những kẻ đau yếu để viếng thăm, những kẻ cô đơn để hỏi han, những kẻ già nua để phục vụ v.v…

Họ chính là Đức Giê-su Phục Sinh, họ chính là “dấu chỉ” về một Giê-su đã sống lại. Bởi vì, Đức Giê-su có nói: “mỗi khi các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Vâng, chạy tìm những con người bất hạnh nêu trên, nhận ra họ chính là dấu chỉ về một Đức Giê-su Phục Sinh, đó chính là một trong nhiều phương cách, để mỗi chúng ta có thể nói, nói rằng: Tôi “đã thấy và đã tin”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây