TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ 4

Thứ tư - 26/01/2022 19:30 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   870
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 4

Linh mục, người là ai?

Linh mục, người là ai? Linh mục làm gì trong những ngày cách ly? Linh mục trở nên Alter Christus như thế nào? Luôn là chủ đề nhiều người quan tâm.

Tuần tĩnh tâm linh mục -2021 tại Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản xác định Linh mục là người xây dựng Giáo Hội. Linh mục là con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51).

Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều linh mục đã có những sáng kiến nhằm phục vụ dân Chúa cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất bằng sự hy sinh quên mình. Nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài những khó khăn về giao tiếp, khác nhau về phong tục tập quán, Cha Lành (nhân vật chính) còn trải qua biết bao thách đố, cám dỗ, cạm bẫy giăng mắc trên bước đường linh mục nơi xứ người.

Linh mục, người là ai? do tác giả Lm Lã Mộng Thường phát hành vào năm 1991 tại Hoa Kỳ, nay được tái bản và lưu hành nội bộ tại Ban Mê Thuột với số lượng có hạn, ưu tiên cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể.

Xin vui lòng liên hệ SĐT: 0905 266 328 (Vũ Đình Bình)
Hoặc email: binhbalme@gmail.com

Trân trọng giới thiệu.

 
LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I

(Kỳ 4)

- Hello pha đơ, hau a giu! -

Anh thày chào vị linh mục người Mỹ khi gặp ngài nơi cuối nhà thờ sáng chủ nhật thày cùng gia đình ông đi dự lễ.

- I’m fine, how are you?

Chỉ tay về phía thày Lành, người anh bập bẹ:

- Dit idz mai bờ rá dơ, hi dớt căm lat oét đây.

- How are you doing? -

Cha xứ ngó phớt qua thày Lành miệng xổ tiếng Mỹ như cái máy rồi vội vã bỏ đi, chắc có chuyện gì cần kíp. Thày Lành đớ ra, chẳng biết trả lời sao! Mình đang đi dự lễ; ông ấy hỏi mình làm gì; sao lạ kỳ! Động từ “to do” nghĩa là làm gì mà...!

- Cha ấy chào sao chú không trả lời!

- Ông ấy hỏi em làm gì sao em có thể nói!

- Vậy mà chú cũng không biết à?

 

Học tiếng Anh tại Việt Nam, do giáo sư Anh văn người Việt dạy và chỉ đọc trên mặt chữ... thì chỉ có Chúa nghe dùm! Mấy tuần chờ đợi đi học Anh văn, lòng thày Lành cũng xốn xang không hiểu rồi sẽ ra sao... Lỡ học đòi làm người lớn ngay từ khi mới 12, 13 tuổi, phì phèo ngậm điếu thuốc lá cho oai; chẳng may nhà hết thuốc hút; thày Lành đi bộ ra tiệm tạp hóa gần nhà.

- Ai oăn to bai one boóx Sa Lem!

- Excuse me...

- Ai oăn to bai one boóc Sa Lem! - Thày Lành cảm thấy ngột ngạt...

- What!... I couldn’t understand...

Thế là tay thày tự động vung lên chỉ vào những cột thuốc lẻ trên kệ:

- Sa Lem!

- What!

- Sha... Lem...

- This one? Người đàn bà Mỹ bán hàng to kềnh càng đưa bàn tay với những ngón “chuối mắn” đặt vào từng cột thuốc...

- Nô, Sha... Lem...

- This...

- Giét, giét.

- Oh! “Xế lầm!” How many?

Thày Lành mặt đỏ tía tai, có mỗi chữ “xế lầm” mà không biết, lại cứ sha lem... Người Mỹ nói ngọng hay mình nói ngọng!

- Oăn boóx!

- Do you mean a case, we don’t have enough!

Cái gì mà nói nhiều thế! Mình muốn mua một cây thuốc Salem trong khi nó có mười mấy gói xếp chồng lên đó hơn một cây rồi; cái gì case...?

- Ai oăn oăn boóx.

- Tell me, how many packs like this? - Người đàn bà cầm một gói thuốc lên miệng xổ một tràng tiếng Mỹ.

- “ten”...

- Alright, you want a carton; here you are.

 

À, thì người Mỹ gọi cây thuốc là cát tần. Cát tần là cây thuốc; cây thuốc Salem là “ơ cát tần óp xế lầm.” Anh văn của 7 năm trung học cộng thêm hai năm Văn Khoa và hai năm nơi chủng viện chẳng giúp ích gì khi mua thuốc lá... Thày Lành lững thững trở về nhà, vừa đi vừa ngẫm nghĩ... Sống trên đất nước này, mình phải biết ngôn ngữ của họ... không còn cách nào hơn... vả lại cũng không thể trốn thoát...

 

Rồi ngày đi học tiếng Anh cũng đến...

- Chú đứng chờ ở đây đón chiếc xe bus số 10 tới trạm... chú xuống, rồi bắt xe bus đi về... và đổi xe lần chót ở trạm... - Ông anh dặn dò rồi lái xe đi làm.

 

Một lô tiếng Mỹ lòng thòng ông anh viết ra giấy cho thày Lành... Tên ngố giữa rừng người... thày thầm nghĩ... lần đầu tiên đi xe bus tại thành phố Mỹ... Xe ngừng mấy lần, chẳng thấy có bảng nào ghi tên trạm thì làm sao kiếm được những tên anh mình đã dặn... hơn nữa, nếu lỡ, mình sẽ bị xe đưa tới đâu... sao mà về...

- Giu tel mi... Thày Lành nhờ người đàn bà ngồi cạnh trong khi lấy ngón tay chỉ vào tên trạm xe bus đầu tiên..

- Ừ hứ! I will...

 

Và rồi trạm kế tiếp... chỉ còn 10 phút nữa tới giờ học; vả lại, thày Lành không biết sẽ còn bao lâu nữa mới đón được chuyến xe bus thứ 3 rồi còn lớp học... đành bắt đại một chiếc taxi. Nơi đồng đất nước người, thày lại e ngại lỡ ra bị bịp, nhất là mấy anh tắc xi, chúa chổm ma giáo, cứ để thiên hạ leo lên xe chẳng có đồng hồ tính tiền và chạy vòng vo tam quốc để đòi trả cho nhiều. Không chịu trả, hắn la toáng lên làm khách đi xe cảm thấy quê chịu không nổi đành trả phứt cho xong. Trong túi thày Lành lại chỉ vỏn vẹn có 8 dollars... lỡ bị tên tài xế taxi đánh lừa như ở Việt Nam, làm sao trở về nhà... Chiếc taxi rề rề ghé lại; người tài xế mở cửa, nhưng thày Lành đi vòng qua bên hông tài xế, đưa ra miếng giấy ghi tên trường...

- How much?

- Three “bấk”.

Cái gì mà bấk? Nó đòi 3 chục? Thày nghĩ.

- What?

- Three dollars.

- “Ai đu nót hev mor!”

- Oke, I will get you three dollars only.

 

Những hành lang trường học nối tiếp nhau chia đi lung tung làm thày Lành phải dừng lại hỏi bởi chưa bao giờ biết về hệ thống đánh số phòng. Sao mà nhà trường này lắm phòng thế. Những ba trăm mấy chục phòng thì đi bao giờ mới hết!... Còn đang dồn bước cho kịp tới lớp ở mãi tận cuối hành lang, một hồi chuông reo như xé màng tang ngay trên đầu tường ngang chỗ thày đang đi. Đây đó vài cái chuông cũng ầm lên thi nhau vọng lại. Phiền quá, mới lớp học đầu tiên đã trễ! Thày Lành ít khi bị trễ lớp bởi rất sợ bị thày giáo xách tai hoặc chí những cái đau điếng nơi cánh tay mãi đến khi về nhà cởi áo ra coi vẫn còn vết thâm bầm... Hành lang trở thành trống trơn sau hồi chuông vì một số người Mỹ tụ tập nói chuyện ở gần cửa đã vội vã vô lớp... Còn lại mình thày Lành, nổi bật giữa hai dãy tường kèm theo tiếng vang rõ ràng của đế giầy trên mặt gạch vọng mãi tới những hành lang yên tĩnh xa lắc nối tiếp khác...

 

Vừa đến cửa lớp, người người đã ngồi chỉnh tề nơi vị trí của mình; mọi cặp mắt hướng về phía kẻ tới muộn... Kinh nghiệm nơi những lớp học thời ấu thơ gợi về khiến thày Lành cảm thấy mình như bị một áp lực nặng nề nào đó dồn tới làm cho khó thở... Đủ mọi thứ người, màu tóc, màu da khác nhau. Đây đó vài chiếc đầu đen ngồi gom lại nhưng hình như Đại Hàn hay Nhật; số còn lại toàn người Mỹ... Thày Lành cảm thấy hơi ngán...

 

- “Hai!”

Bà giáo ngồi nơi bàn riêng giữa đầu lớp học, ngưng viết ngước lên hướng qua thày Lành vừa chợt chùn chân nơi cửa. Miệng bà đỏ chói với lớp son buông lời ngắn gọn, lạ hoắc. Chưa bao giờ thày Lành gặp tiếng Mỹ ngắn và gọn như thế này. Cái gì mà “hai”. Còn đang quê chết người bởi tới trễ, mọi cặp mắt dường như vẫn đang dính chặt trên mình; giờ lại đụng tiếng chi lạ kỳ: “hai.” Bà giáo nói chi thế! giống như tiếng “Ê” người ta gọi bồi bàn. Chắc có lẽ tới trễ là cả một vấn đề quan trọng nơi đất nước văn minh này nên bà giáo dùng tiếng “Ê” nói lên phần nào rằng mình bất lịch sự vì trễ giờ... Thày Lành chợt cảm thấy sững sờ; mặt nóng bừng bừng bởi máu dồn lên; vội cúi đầu chào trong khi miệng câm như hến bước vô kiếm chỗ ngồi...

 

Thiên hạ nói chuyện như sáo với bà giáo khi được phát bản thi khả năng văn phạm Anh ngữ làm thày Lành sợ đến rét cả người. Họ nói nhanh như gió mà còn học lớp này trong khi thày chẳng hiểu gì thì làm sao có thể theo... Có lớp ESL (English as a Second Language) nào thày đã ghi danh hết, nào “reading,” văn phạm, “composition,”... Lớp này là lớp văn phạm cho những người ngoại quốc thế sao những người Mỹ này giỏi như vậy mà còn phải học lớp này... Rồi “tiếng” mà bà giáo nói ngắn gọn lúc thày vừa tới cửa nghĩa là gì; bà giáo nghĩ gì... Tất cả cứ xoay quanh trí óc khi thày làm bản thi...

 

Mang tiếng học Anh văn mà cả giờ chỉ hí hoáy với một bản thi trong khi thiên hạ chỉ nửa giờ sau đã ra về hết... Khổ nỗi... thật là không may cho mình, đã học Anh văn đâu mà thi; thôi thì cứ “bói,” a, b, c và khoanh bừa đi... Nhớ lại kỳ ở Việt Nam, thằng em kế về kể có thằng bạn đi thi; chẳng chịu học hành gì, bắt theo con kiến càng cho chạy trong cái hộp có 4 ô a, b, c, d rồi chấm theo cho môn vạn vật. Kết quả hắn lại trúng hết... Mình kiếm đâu ra kiến giờ này... Mấy câu hỏi lõm bõm chữ hiểu chữ không, đổi đại mấy động từ cho thành câu trả lời... đem nộp cho bà giáo, miệng lắp bắp “guốc bay” với tâm trạng ngượng ngùng không biết sao trả lời khi bà giáo nói: “See you next class.”

 

Đang bước vội vàng nơi hành lang bởi chỉ còn 4 phút nữa là lớp “reading” bắt đầu, khi vừa ngang cửa phòng một lớp học, một ông Mỹ đang ngồi tại bàn giáo sư giơ tay chào miệng buông tiếng “hai” với một người Mỹ đang đi bên cạnh thày Lành có lẽ cũng là giáo sư đang đi tới lớp. Ông này vội giơ tay hướng về phía ông kia, miệng bật tiếng “hai.” À thì ra “hai” là câu chào mà mình không biết. Rõ ngớ ngẩn, mình biết tiếng “hello,” “good morning,” “good afternoon,” “good evening,” mà tiếng “hai” không hiểu nghĩa là gì... Kinh nghiệm nào không phải trả giá....

 

Thày Lành thậm chí khổ sở trong sự cố gắng, hết sức vật lộn với cái ngôn ngữ quỉ quái viết một đàng đọc một nẻo này. Bà giáo dạy lớp “reading” lại còn bồi thêm: “You have to dream in English” khi nói chuyện với bà ta ngoài giờ học. Thật là bực mình, làm sao mà “dream in English!” Đến ngay nói ngọng trếu ngọng tráo mà còn rặn từng chữ như kẻ táo bón lâu ngày phải kèm theo những tác động vung chân múa tay quay cuồng theo ngôn ngữ quốc tế mà thiên hạ vẫn sòn cứ “excuse,” “pardon,” “what” tới tới lui lui nữa là “dream in English”... Bà muốn bắt tôi phải biến thành Mỹ vàng ư? Tôi là người Việt Nam, dân bắc kỳ “dốn”... Thày Lành thầm bực bội...

 

***
 

Mình đã mặc cả với Chúa là trong năm năm nếu vượt biên được là ý Chúa muốn mình tiếp tục đi tu... Phải kiếm chủng viện theo học thế mà Anh ngữ chưa xong, biết sao bây giờ... Nhờ ông anh hỏi cha xứ về địa chỉ chủng viện, cha xứ nói cứ hãy học xong Anh văn đã. Những lớp học Anh văn thì chẳng thấy chữ nào về triết học và thần học cả... Học ba chữ buôn bán, chào hỏi thì vô chủng viện cũng chẳng hiểu chi... Ôi! Cái nhà trường Mỹ cũng giống như dân Mỹ, chữ mình muốn học không thấy, chỉ những chữ vớ vẩn đâu đâu lại đầy rẫy nào có khác chi nói một đàng viết một nẻo...

 

Thế rồi cũng mò mẫm biết được cha Huân ở Richmond, Virginia, thày Lành viết thư hỏi về chủng viện. Gần tháng sau, một bao thư cứng ngắc từ một phương trời xa lạ với địa chỉ chưa bao giờ nghe thấy gửi đến bao gồm một xấp hồ sơ mẫu cần được điền kín các chi tiết kèm theo là một lá thư cha Hùng nói là cha Huân chuyển thư của thày Lành cho ngài. Ngài dặn đây là hồ sơ nhập chủng viện và phải có 3 giấy giới thiệu trong đó bao gồm ít nhất giấy giới thiệu của một linh mục... Nghe đâu cha Thu là anh em họ xa cỡ vài trái đạn đại bác 220 ly đang làm việc tại Philadelphia, thày Lành gọi điện thoại nhờ người anh em hỏi cho được số phone của ngài... để xin giấy giới thiệu...

- Father Peter Thu...

- Xin chào cha, con là Lành, em anh Trung con ông Trần. Con cần giấy giới thiệu của một linh mục để nộp vào hồ sơ xin nhập chủng viện ở Iowa; xin cha giúp cho con...

- Tớ đâu biết cậu mà viết giấy giới thiệu...

 

Bà nội mình vẫn còn nhận họ với bố mẹ ngài; bố mẹ mình cũng nói còn anh em, ngài là vai trên dầu xa nhưng mình phải gọi ngài là bác... Thế mà ngài trả lời “Tớ đâu biết cậu”... Vậy những lần gặp mặt anh em chủng sinh tại xứ cũ, rồi tập hát, rồi trình diễn văn nghệ... mình lại là đứa dám mặc chiếc mini sutan đầu tiên đi nhà thờ quì nơi gian cung thánh để rồi Nguyễn Hoàng Đắc nói mình bạo phổi... Thế mà ngài nói không biết... hoặc vì gọi điện thoại, ngài không thấy... nên không biết... Ông cha nào thuộc địa phận Nha Trang chạy loạn sang bên này... Sao mà kiếm!... Thày Lành cố moi trí nhớ xem có biết cha nào khác ngày xưa mình quen biết không, vừa chán nản, vừa bực mình... “Tớ đâu biết cậu... tớ đâu biết cậu...”

 

***

 

12 tuần của khóa học mùa thu thấm thoát rồi cũng qua. Thày Lành kiếm gặp giáo sư toán xin lấy “Test” Calculus 1 và 2 vì đã học năm MPC ở Việt Nam. Vào một buổi sáng, đang học ôn cho kịp ngày hẹn thi thì chuông điện thoại reo:

- Hello,

- Có anh Lành đó không, tôi là cha Hùng tại Iowa muốn gặp.

- Thưa cha, con đây.

- Sao, có định đi tu thật không đó mà chưa thấy giấy tờ gửi tới nhà trường chi hết?

- Con đang chờ giấy chứng nhận Rửa Tội và Thêm Sức từ Việt Nam; hơn nữa, con cũng chưa kiếm được linh mục cho giấy giới thiệu.

- Vậy có định đi tu thật không?

- Thưa cha, con năm nay 32 tuổi rồi có gì mà phải nói thật với không. Chẳng lẽ con muốn phí thêm thời gian vì không biết mình muốn gì nữa sao!

- 32 tuổi rồi cơ à! Khỏi cần giấy tờ vội, cứ mua vé phi cơ lên thẳng đây rồi giấy tờ tính sau. Lên đây, cha sẽ lo cho. Ngày khai học là 13 tháng 9; lo mua vé và sau đó gọi cho cha biết chuyến bay để cho người ra phi trường đón. Nhớ phi trường Epworth, Iowa.

- Thưa cha vâng, con sẽ nói anh con mua vé phi cơ ngày mai rồi gọi tới cha...

- Được rồi, cứ như thế, đừng lo gì hết.

Gánh nặng ngàn cân nơi tâm tư được trút khỏi, thày Lành lo sắp xếp quần áo vì chẳng còn mấy ngày...

 

o o o

 

- Lấy hai cái 25 cent bỏ vào lỗ nhỏ này; rồi chọn loại nước muốn uống; ấn cái nút phía dưới thì lon nước sẽ rơi xuống chỗ này... Nhớ rằng chỉ loại “quarter” thôi, máy không nhận “dimes” hay “nickels”...

Anh nghĩ tôi ngu đến độ không biết mua lon nước ngọt hay sao mà phải rườm lời thế. Quân Mỹ tụi anh cứ tưởng chỉ các anh là biết hết mọi sự, còn các dân khác là ngu muội. Nơi phi trường, tôi đã thấy người ta mua rồi, cần gì phải nói. Tôi còn biết cách làm hay hơn anh nữa, chỉ cần ấn nút, đá mạnh vào máy là có lon nước chứ cần gì phải bỏ 2 cái quarters cho tốn phí!... Thày Lành ráng nhẫn nhục theo anh bạn Mỹ đầu tiên được phái tới đưa mình xuống phòng cơm ăn sáng và giới thiệu trường sở đồng thời chỉ dẫn những điều cần thiết muốn biết. Điều thày Lành muốn biết là lối đi lên xuống từ phòng ăn, tới nhà nguyện, lớp học và trở về phòng ngủ thì không thể xác định để nhớ hết được; anh bạn Mỹ hướng dẫn cứ chỉ những điều vớ vẩn không cần thiết...

 

- Cầm cái cơ như thế này, để tay trái như vầy, thục mạnh để “break” rồi chọn banh “strike” hay “solid,” nhưng không được đánh trái số 8 đem ngòm kia vô lỗ trước khi đánh hết 7 trái của mình vào các lỗ. Nếu trái số 8 vô lỗ trong khi còn trái của mình trên bàn, tức là mình thua...

 

Cái mục bida lỗ này mà thú vị; sau cơm trưa, thày Lành lò dò xuống bàn bida, một mình bao luôn hai phe thục bida lỗ... Và rồi một tuần sau, người bạn Mỹ đã chỉ thày Lành cách để tay thế nào... đã không bao giờ còn có cơ hội thắng thày dù chỉ một bàn... Tôi muốn nói cho anh biết... Cái tên mà anh nghĩ là mọi rợ đến độ phải chỉ dẫn cách bỏ đồng 25 cent mua nước ngọt không dốt nát như các anh tưởng đâu!

 

- Lấy cây chống này kê mà đánh!

- Khỏi cần, thục bida một tay mới hay chứ dùng cây kê đó thì quá thường rồi...

- “Good shot!”

- Tôi sẽ đánh trái số 3 kia vô lỗ góc đó.

- Anh có khùng không?

- Yên chí đi, tôi đánh trái banh trắng nhảy qua hai trái số 5 và số 8 rồi mới đẩy trái số 3 vô lỗ...

- Anh đánh kiểu gì vậy, chưa thấy ai đánh như thế bao giờ!

- Mình phải sáng tạo mới hay chứ!

 

o o o

 

Bida lỗ chơi thì dễ; những tối “bar” của nhà trường mở cửa, uống bia nói tiếng Anh văng mạng thì dễ, nhưng Anh văn vẫn là mối trở ngại lớn lao dẫu thày Lành hay nói, dám nói, và muốn nói cho quen với cái tiếng Mỹ ngọng ngoẹo này. Thật cả một cực hình cho bộ óc lý luận phải nhớ nghĩa từng chữ, phải nhớ cả nói nhấn vào vần nào, và vần đó phải trẹo quai hàm phát âm ra sao. Hơn nữa, Anh văn giống như một thứ ma quỉ, càng cố gắng học lại càng thấy nhiều chữ không biết, càng cố gắng nói cho trúng giọng, lại càng nói trật... Bao giờ mới có thể nói tiếng Mỹ cho trôi chảy, bao giờ mới hiểu hết được những lời người Mỹ nói ra... Thày Lành nhiều lần muốn khùng lên vì cái tham vọng muốn nói và đọc sách tiếng Anh cho trôi chảy... Không đọc, không nói được tiếng Anh, sao có thể đi tu làm linh mục nơi đất nước này...

 

- “Please, open it up.”

Một chị người Mỹ tay ôm chồng sách, tay kia xách chiếc xắc cũng chứa đầy sách đến trước cửa thư viện lúc ấy thày Lành cũng đang đứng xớ rớ nói chuyện với một người bạn... Cái gì là “open up”... Chị ta muốn mình nâng chồng sánh ở tay cao lên hay sao mà “up”... Nhưng sao lại “open”... Người bạn cũng chẳng hiểu gì nên giống như thày Lành; cả hai còn đang giương mắt ra nhìn không hiểu chị ta muốn gì... Thấy hai người nhìn mình không nói lại cứ đứng yên chằm chằm dòm, chị ta nổi cơn điên, giơ chân đạp cái bình vô cửa thư viện chỉ được khép bởi nhún tự động miệng buông tiếng thô cộc “Sh...” rồi giận dữ ngúng nguẩy bước vô. À thì ra “open it up” là mở cửa ra. “Open” là mở đủ rồi, mắc mớ gì lại thêm chữ “up”... Đòn đau nhớ đời! “Open it up” nghĩa là mở nó ra, có vậy thôi mà cũng không biết... Tiếng anh với tiếng em kỳ cục...

 

Sống tại nhà trường Mỹ, vấn đề ăn nói đã khổ; học với người Mỹ mà nghe tiếng Anh như vịt nghe sấm lại càng đau đớn hơn... Hỏi bạn cùng lớp thì quê, tự ái vặt cứ cao ngút ngàn; không hỏi chẳng biết lối nào mà rờ. Những bài phải đọc cho lớp “Bio- Ethics” với những danh từ chuyên biệt làm thày Lành nản chí. Câu nào cũng phải lật tự điển mà nào phải chỉ một chữ trong một câu, có khi tới 5 chữ không hiểu nghĩa. Dùng tự điển Anh Việt, dù có tra hết mọi chữ cũng không thể nào hiểu được ý của câu văn nói gì mà dùng tự điểm Mỹ thì cả tiếng đồng hồ hãy còn mù tịt. Lật được chữ này, thêm vài chữ mới nơi định nghĩa, rồi lại cứ tiếp tục những chữ lạ hoắc. Sao mà tiếng Anh lắm chữ thế?... Để rồi cuối cùng, không thể tra tự điển cho hiểu những bài đọc, thày Lành quyết định chấp nhận bỏ lớp Bio- Ethics.

 

Niềm cay đắng từ ngôn ngữ khiến thày Lành e sợ. Đọc mà không hiểu như thế này, nói lại như mắc họng mà nghe thì lõm bõm, cứ phải đoán mò... mò đến độ trật lất ý người nói thì sao mà có thể học thần học... Thôi thì đành chấp nhận mặc cả với Chúa lần nữa. Mình hết sức rồi mà vẫn cứ dậm chân tại chỗ... Suốt một tuần thày Lành chỉ một câu cầu nguyện: Lạy Chúa, con cố gắng học tiếng Anh mà không thấy khá hơn, chỉ càng ngày càng lắm chữ không biết... Nếu Chúa muốn con tiếp tục ơn gọi làm linh mục, xin mở tai con ra để nghe, mở miệng cho con nói, và mở trí óc cho con hiểu. Chúa không cho con phép lạ này, trách nhiệm về Chúa... Con mệt cùng đường rồi... cần phải nghỉ, nếu cứ tình trạng này, son sẽ bị khùng vì ngôn ngữ... Một năm rưỡi học Anh văn với 18 “credits” triết và tâm lý rồi cũng qua, Thày Lành được gửi về nhà tập, tiếp đó vào thần học... Sau ngày chịu chức linh mục, nhớ lại hai cuộc “mặc cả” vượt biên và Anh văn, cha Lành vô nhà nguyện thầm thĩ: Bây giờ con mới biết, con được hai điều mặc cả với Chúa và Ngài đã thắng chính con... Từ đây, Chúa muốn dùng con làm gì...”

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây