TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nguồn Thơm

Thứ ba - 02/01/2024 04:59 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   453
Sống là một điều quan trọng, bởi có sống mới thấy được nguồn thơm của sự sống tuôn trào ra.
Nguồn Thơm
Nguồn Thơm


Sống là một điều quan trọng, bởi có sống mới thấy được nguồn thơm của sự sống tuôn trào ra. Ngay từ đầu bài thơ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã reo lên: “Trí đang no và khí xuân đương khỏe, Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm”. Trí ở đây, ai cũng biết là Nguyễn Trọng Trí. Bước vào đời với một tên gọi, bước vào đời để có mặt trong cuộc sống. Có là có tất cả, hương thơm sự sống, chảy mọi nơi, mọi lúc, khổ đau cũng như hạnh phúc. Thôi ta cùng bước vào “Nguồn Thơm” Sự Sống.

Cuộc đời như mùa xuân hé mở, mùa xuân ấy không chỉ là xuân của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Xuân ở đây là chính Chúa. Bởi vậy, lòng Trí rất no, rất đầy, như lời kinh cảm mến sứ thần chào Mẹ Maria thưa lên: “Kính mừng Maria đầy ơn phước”. Một lời tạ ơn chiếm cả hồn thơ của “nguồn thơm” ngào ngạt hương kinh.

Thủy tiên, một loài hoa biểu tượng của lòng chung thủy, một giấc ngủ yên trong lòng mẹ và cũng tựa như lời chúc hạnh phúc gửi trao. Lòng Trí nhà thơ đượm bao màu của niềm vui đang hé mở, một niềm cậy trông vững vàng, cả thân xác, linh hồn chìm đắm trong mến yêu:

“Trí đang no và khí xuân đương khỏe,
Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm
Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé
Trong phút giây trang trọng của linh hồn”

Dù xác pháo sẽ qua, cuộc đời sẽ hết, nhưng Xuân muôn đời vẫn Xuân, Tình Xuân vẫn không phai, nắng Xuân vẫn ấm. Hoa vẫn nở trong tâm hồn và trong cả mạch sống. Cuộc sống giữa những khổ đau có lẽ mới cho nhà thơ cảm nghiệm cuộc sống sâu xa, đầy hương thơm như đã từng vượt qua đau khổ, đến bến bờ hạnh phúc. Không có lời để diễn tả tâm hồn vút cao, vượt lên cõi mê, mọi cảm xúc phù phiếm, để đạt tới tầng cao của hạnh phúc được sống trong niềm phó thác.

“Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện 
Đều dâng lên cho đến chín tầng mây. 
Hơi xuân ấm mỹ vị hơn dạ yến, 
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay.” 


Cuộc sống dễ đâu thấy nguồn thơm từ sự sống đang chịu thử thách bằng đau khổ rướm máu. Ta mất nhiều niềm vui khi chưa đủ nghiệm đau thương. Có đau khổ mới thấy quý niềm hạnh phúc, như ý bài hát “Đời Đá Vàng” của Vũ Thành An: “Có một lần mất mát mới thương người đơn độc  Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu  Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về  Có một thời khóc than mới hiểu đời đá vàng”. Có lẽ nhà thơ mới hiểu vào thời điểm đau tới tận cùng, thấy được niềm an ủi tuyệt diệu từ bàn tay dịu ngọt của Thiên Chúa chạm vào, để đau khổ biến thành thơ:

“Ta cho ra một giòng thơ rất mát,
Tới tinh khôi và thanh sạch bằng hương. 
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát, 
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương.” 

“Nguồn thơm” không chỉ dưới thế dâng lời cảm tạ mà còn từ trời cao rót xuống. Vẫn như một cảm nghiệm tuyệt vời của nhà thơ R.Tagore: “Khi tay Người bất tử âu yếm vuốt ve, trái tim nho nhỏ trong tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết.” (Lời dâng, bài số 1). Đau quá, mới nghiệm thấy thương quá của tình Chúa đổ vào. Lời thơ trở nên lời giảng rao Tình Chúa “Cho vở lở cả muôn ngàn tinh đẩu, Cho đê mê âm nhạc thanh hương” (Ave Maria).

“Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ: 
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm, 
Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở 
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.” 

Thời gian sống vắn dài không quan trọng bằng chất lượng sự sống, ta thường nghe nhưng đã bao lần thấy đó là sự thật. Dù nhà thơ chỉ hai mươi tám năm sống nhưng sự sống ấy chảy như trăm năm sự sống. Bởi một điều đơn giản “tứ thời xuân”. Xuân tuổi trẻ, xuân của hồn thơ, xuân của lòng mến Chúa, xuân cảm mến trong tình Mẹ. Như muôn xuân đã bắt đầu từ cõi thế, nhà thơ cảm nghiệm biết bao sướng vui:

“Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước! 
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang, 
Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước 
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.”  

Chất ngất yêu thương, chất ngất nỗi nhớ. Nỗi nhớ không chỉ là những người thân, người thương, bạn bè một thưở, những con người đã gặp gỡ, đã giận, đã thương, đã vô tình, mà nỗi nhớ còn là “nỗi nhớ hoài hương”. Một nỗi nhớ thổn thức mong về bên Chúa để kết hoa dâng Người hoặc được ngồi bên chân Người ca hát:

“Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt: 
Đường thơ bay sáng láng như sao sa... 
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc 
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.” 

Thấm nhuần ơn trên, đẫm ướt cả linh hồn,chìm đắm trong đê mê. Nhà thơ không sao kể siết những cung bậc của niềm vui sự sống tuôn chảy. Nguồn thơm, thơm qua là hồn thơ say ngất, nguồn thơm ngào ngạt quá, ngất ngây cả tâm hồn. Ngất ngây đó, say thơ đó, vẫn thấy bàn tay mẹ dìu dắt để hồn thơ không bay lạc, để người thơ không rơi xuống bụi trần. Bàn tay Mẹ, bàn tay dìu đắt người thơ và hồn thơ:

“Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát 
Khiến châu thân rung động thể tơ trăng. 
Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc 
Mẹ yêu dấu liền vội đến tay nâng...”

Không chỉ “Nguồn thơm” chảy trong tâm hồn thi sỹ mà nhà thơ còn ước muốn “nguồn thơm sự sống” chảy đến muôn người, muôn đời, làm thơm mãi nguồn ân phúc Thiên Chúa tuôn đổ. Thế nên, với bốn câu cuối ta mới nghe nhà thơ xướng lên:

"Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá, 
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô, 
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ 
Hương mến yêu là lộc của lời thơ". 

Không chỉ nhà thơ nhưng còn là một đạo quân Thánh Giá trong tâm hồn, bước đi trong cuộc đời với niềm vui cứu rỗi. Vui sống và cảm nghiệm được hương thơm của cuộc sống là lời thơ của Trí gửi lại cho đời.

 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây