TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nơi Hang Bêlem

Thứ hai - 10/05/2021 09:41 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   930
2015203 univ lsr xl
2015203 univ lsr xl

Nơi Hang Bêlem

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Hang đá mỗi mùa Giáng Sinh lại được dựng lên và trang hoàng đón Chúa Giêsu hài đồng ngự đến. Đó là một truyền thống tốt đẹp và cũng nói lên niềm thành kính tạ ơn nguồn ơn cứu rỗi chính là Chúa đến cư ngụ chốn trần gian. Trong niềm tri ân, cảm tạ đó, ý nghĩa hang đá biểu lộ điều quan trọng, Thiên Chúa tỏ bày tình yêu thương của Người.

Hang đá, sáng kiến của Thánh Phanxicô Assisi.

Thánh Phanxicô khi làm hang đá đầu tiên để mừng Chúa Giáng Sinh, thánh nhân muốn tỏ bày sự nghèo nàn của Chúa khi xuống thế làm người. Bò, lừa để nhớ lại hoàn cảnh giáng sinh năm xưa, Chúa sinh trong máng cỏ, chuồng bò lừa. Đời sống của thánh nhân cũng ước nguyện sống nghèo nàn như Chúa, ở những căn chòi miền Rivertorto, và khất thực như những người ăn xin. Ngài cùng các anh em sống với ba điều chính yếu từ Phúc Âm:

- “Một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”. (Mt 20, 21)

- “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn”. (Mt 10, 9 – 10)

- “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. (Lc 9, 23).

Sau khi thánh nhân đau bệnh tuổi cao, người vào trong núi ẩn dật, ở đó thánh nhân đón nhận năm dấu thánh, rồi mù lòa đôi mắt, để chỉ nhìn thấy anh chị em trong Chúa bằng đôi mắt tâm hồn. Trong kinh hòa bình, thánh nhân đã tỏ bày ước nguyện: “Xin Chúa dùng con như khí cụ bình an của Chúa…”

Hang đá thánh nhân đã dựng lên năm xưa có lẽ đã trở nên lý tưởng cho cả cuộc đời thánh nhân chọn lựa sự nghèo khó, theo gương Chúa Giêsu: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta”. (Is 53, 4).

Hang đá nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ.

Gắn liền hang đá nơi Chúa sinh ra và hang đá sau khi Chúa chết được đặt vào trong mộ. Dù là nơi ban đầu Chúa không sinh ra nơi hang như vậy, nhưng khi làm hang đá để nhắc lại mầu nhiệm giáng sinh, cũng gợi lên một giao ước mới được khởi sự và hoàn tất nơi Chúa Giêsu.

Giao ước mới đến trước từ Thiên Chúa, khi Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel ngỏ lời với Đức Maria trong việc truyền tin: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. (Lc 1, 31). Giao ước được đón nhận của nhân loại với Thiên Chúa qua lời “Xin vâng” của Mẹ Maria là đại diện. Như vậy, nơi hang đá là nơi giao ước mới khởi sự hình thành, một vương quốc mới bắt đầu từ hang đá bé nhỏ của trần thế: “Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (Lc 1, 33).

Hang mộ Chúa an nghỉ và nơi mộ trống chỉ cho thấy nơi Chúa bắt đầu cho một sự sống mới, sự sống không bao giờ mất nữa. Chúa đã sống lại từ cõi chết, tử thần chẳng còn quyền chi với Người (xem Rm 6, 8 – 9) và ban cho con người sự sống muôn đời ấy.

Hang đá, một nơi bé nhỏ.

Thiên Chúa ưa thích và chọn lựa những con người bé nhỏ và ở nơi xóm nhỏ nghèo nàn. Người ta ngạc nhiên về việc lựa chọn của Thiên Chúa, cả thành bối rối và xôn xao trước câu hỏi của ba nhà đạo sĩ. Những nhà thông thạo Thánh Kinh thời đó về việc Chúa sinh ra ở đâu? Họ tìm thấy câu trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (Mt 2, 5 – 6)

Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, Người đã mang lấy tất cả những gì nghèo nàn, đau khổ, thương tích, bệnh tật, yếu đau thân xác và tinh thần hay tâm hồn, sự chết nơi con người, ngoại trừ tội lỗi (Xem Giáo Lý Toàn cầu số 470). Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ trong Thánh Lễ: “Đức Kitô chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và đây là nền tảng để thực thi lòng thương xót. Các thương tích của anh chị em chúng ta cũng là những thương tích của Chúa Kitô”. (Theo Radio Vaticana 02.03.17).

Nơi hang đá bé nhỏ, chúng ta gặp được lòng thương xót Chúa.

Hang đá nơi ẩn dật chiêm niệm.

Khi đặt Thánh Giuse, Mẹ Maria quỳ gối trước máng cỏ Chúa sinh ra. Không phải là hình ảnh của việc trang trí, nhưng muốn mời gọi mọi người, thinh lặng và chiêm niệm về Chúa Giáng sinh.

Phúc Âm nói về các sự kiện xảy ra trong ngày giáng sinh:

Thánh Giuse được nghe sứ thần nói trong giấc mơ: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (Mt 1, 20 – 21). Với Mẹ Maria: “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19).

Cùng với mục đồng, ba đạo sĩ và những người chung quanh đến viếng Chúa hài đồng, cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa.

Sự kiện Thánh Phanxicô, rút về ở ẩn trong núi, muốn nói lên điều quan trọng trong cuộc sống, mỗi người sống đời cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. (Lc 6,12).

Cầu nguyện là hơi thở cần thiết cho đời sống tâm linh. Nếu Giáng sinh chỉ là những ồn ào, lễ hội, vui chơi, trình diễn qua đi, cũng chẳng thêm gì cho đời sống tâm hồn mỗi người, khi hang đá tâm hồn không có Chúa sinh ra.

Hang đá, mỗi người đều có hang đá trong tâm hồn, nơi gặp gỡ với Chúa, nơi Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót, và là nơi Chúa sinh ra và cư ngụ nơi đó. Xin Thánh Giuse, Mẹ Maria, dạy cho con biết sống đời chiêm niệm để kín múc lòng nhiệt thành như Thánh Phanxicô đã sống: “Phụng sự Chúa trong mọi người”. (Kinh Hòa Bình).

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây