TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tháng Mười Một: Tháng cầu cho các linh hồn

Thứ hai - 10/05/2021 09:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   915
ThangCacLH
ThangCacLH

Tháng Mười Một

Trong năm có mười hai tháng, ngày tháng nào cũng có cầu nguyện cho các linh hồn, riêng tháng mười một lại là tháng nhớ nhất trong năm, tháng của các linh hồn. Có lẽ lời thánh nữ Monica vẫn âm vang đâu đó: “Con hãy nhớ đến mẹ mỗi khi dâng thánh lễ” không chỉ nhớ về mẹ mà còn nhớ những người đã khuất.

Nhờ vào mầu nhiệm các thánh thông công mà những hy sinh trong tháng này dành cho các linh hồn cách đặc biệt hơn. Trọng tâm bao giờ cũng là thánh lễ, mỗi lễ dâng hàm chứa trong đó bao tâm tình của nhiều người hướng về dâng lên. Tâm tình của những người con mất mẹ, vắng cha, tâm tình của những con người yêu thương nhau, không còn nhau trong đời, tâm tình của những anh chị em không còn nhau hoặc chưa kịp làm gì để trợ giúp nhau.

Những tâm tình kết lại trong mỗi hy sinh, nhịn một bữa ăn, làm hòa với nhau những người còn sống, chia sẻ với những người thiếu ăn, khổ đau, lãnh nhận những bổn phận trong tinh thần cầu nguyện hy sinh. Có biết bao cách để làm nên lễ vật hy sinh cầu nguyện cho người đã khuất.

Tháng mười một, người người tuôn về các nghĩa trang, ở đó có những người thân của mình, có những người thân quen, đến để đặt vài cành hoa, thắp lên những nén nhang cho người thân và những người bên cạnh. Đọc những câu kinh, những hình ảnh ấy gợi lên biết bao tình thương mến, xa mặt nhưng không cách lòng, đã khuất mà hình bóng vẫn còn trong tâm khảm của những người sống. Vẫn hòa quyện trong làn hương, lời kinh dâng lên, đối với tâm tình ấy, không ai nghĩ người thân của mình đã lìa xa.

Nhớ đến người đã khuất như là để sống lại những lời khuyên, sửa mình lại trong những sai trái, ướp mình lại trong những hy sinh. Đó là làm hồi sinh những nỗ lực của người đã khuất chưa kịp hoàn tất trong cuộc đời mình, những người sống đang cố gắng hoàn thành. Không chỉ giúp nhau khi còn sống mà còn giúp nhau ngay khi không còn. Nỗ lực của những cố gắng này phải chăng đang làm đậm nét của nền văn hóa tình thương, khi chính tình thương ấy biểu lộ xa mặt nhưng không cách lòng.

Nhớ về người đã khuất cũng là nhớ về tháng ngày cũ như muốn sống lại thời còn có nhau trong đời. Những kỷ niệm buồn vui, những ngày bên cạnh nhau để nghe trong đó bao tình tự của năm tháng gởi trao và nhận ra rằng trong đời có một triết lý để sống: “Rồi sẽ qua tất cả nhưng tình yêu vẫn tồn tại” và từ ấy cuộc sống bao dung, đại lượng hơn. Có lẽ thế mà trong nét văn hóa Việt Nam vẫn còn mang tính hiếu hòa để còn sống với nhau.

Có lẽ tháng mười một gợi nhắc rất nhiều về bài học cho người sống, những bài học từ vở kịch “tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ nhắc đến trong lời của trông coi nghĩa trang: “hỡi những ông lớn bà lớn, khi chết ông bà cũng sống dưới quyền tôi”. Hơn thua trong đời có được gì đâu ngoài năm ba tấc đất, sống với nhau cho đàng hoàng tử tế, sao chẳng sống để chết đi còn có nhau trong đời.

Nhiều lắm những bài học, từ tình thương cho đến những cuộc đời. Tháng mười một về, hãy thắp những nén nhang lòng để nghe đời rộn rã mời gọi: “sống sao cho nên người và nên thánh”.

Xin Chúa thương đến các linh hồn và đến chúng con.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây