121 Đại Chủng Sinh BMT Học Tiếng Stiêng, Hè 2017
Giáo phận Ban Mê Thuột là một giáo phận truyền giáo. Đây là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng sắc tộc khác nhau. Trong đó, dân tộc Êđê, M-nông và Stiêng là 3 cộng đồng sắc tộc lớn nhất bên cạnh cộng đồng người Kinh. Việc quan tâm truyền giáo cho cộng đồng các sắc tộc này là nỗi ưu tư hàng đầu của Đức Cha Vinh Sơn. Chính vì thế, cứ mỗi dịp hè, Đức Cha lại tổ chức những khóa học nội ngữ cho quý thầy Đại Chủng Sinh của giáo phận. Ngài mong ước quý thầy sẽ có cơ hội được tiếp xúc với ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa của các sắc tộc, nhờ đó quý thầy dễ gần gũi, hiểu và yêu mến anh em sắc tộc hơn.
Năm nay, Đức Cha tổ chức khóa học tiếng Stiêng. Đây là ngôn ngữ của anh em sắc tộc Stiêng. Tiếng Stiêng thuộc họ Nam Á (Austro-Asiatic), chi Môn – Khmer, nhánh Nam Bahnar cùng với các ngôn ngữ Kơho, Mnông, Chrau. Trong quá trình phát triển, tiếng Stiêng đã hình thành hai phương ngữ: Stiêng Bu Lơ và Stiêng Bu Dêêh. Phương ngữ Bu Lơ có thể chia làm hai tiểu phương ngữ theo vùng địa lý: tiếng Bu Lơ ở Phước Long (trước đây, nay là Bù Gia Mập, Phú Riềng và Thị xã Phước Long) và tiếng Bu Lơ ở Bù Đăng. Phương ngữ Bu Dêêh cũng thế, gồm Bu Dêêh ở Bình Long và Lộc Ninh.
Có nghiên cứu khác cho thấy tiếng Stiêng có thể được phân làm ba nhóm chính: nhóm thứ nhất chịu ảnh hưởng tiếng M-nông chủ yếu được sử dụng ở vùng Bù Đăng. Nhóm thứ hai ở vùng Phước Long trước đây, nay là Bù Gia Mập, Thị xã Phước Long và Phú Riềng, được xem như tinh ròng nhất và nhóm thứ ba ở vùng Bình Long, chịu ảnh hưởng nhiều của tiếng Khơ-me. Hiện nay, đã có ít nhất bốn cuốn từ điển của ngôn ngữ này. Đó là cuốn Dictionare Stieng của tác giả người Pháp Azémar R.H.P. in năm 1887, cuốn Stiêng – English Dictionary của hai tác giả người Mỹ, Lorrain Haupers và Ralph Haupers, in năm 1991, và hai cuốn từ điển Việt - Stiêng và Từ điển Stiêng - Việt, do một nhóm nghiên cứu có Tiến Sỹ Lê Khắc Cường làm chủ biên. Dầu vậy, các cuốn từ điển này vẫn còn rất nhiều giới hạn. Chữ viết của ngôn ngữ Stiêng đang được từng bước hoàn chỉnh, đặc biệt là các từ ngữ dùng trong tôn giáo. Phần tiếng Stiêng đang được trình bày cho quý thầy Đại Chủng Sinh của Giáo phận nhà là phương ngữ Bu Lơ vùng Phước Long.
Khóa học tiếng Stiêng năm nay diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 23/6 đến 07/7/2017. Tham gia khóa học có 121 thầy Đại Chủng Sinh từ khóa 11 đến khóa 17.
Ban giảng huấn gồm :
- Cha GB. Nguyễn Văn Liêm : Trưởng ban
- Thầy FX. Điểu Mai Đen
- Thầy FX. Điểu Mai Sơn
- Thầy FX. Điểu Tuấn.
Khóa học giúp quý thầy Đại Chủng Sinh có cơ hội học tiếng Stiêng, lao động và sinh hoạt với nhau trong tình thân ái chan hòa qua các công việc hằng ngày. Đặc biệt, Thầy trưởng ban thể thao của Chủng Sinh đoàn đã tổ chức giải bóng đá tranh cúp Stiêng. Giải đấu đã diễn ra hết sức hào hứng và không kém phần gay cấn. Điều đó đem lại cho khóa học bầu khí vui tươi và năng động, tinh thần đoàn kết và yêu thương.
Lúc 05g00 sáng ngày 07. 7. 2017, ĐGM giáo phận chủ tế thánh lễ tạ ơn kết thúc khóa học Stiêng. Lần đầu tiên một thánh lễ được cử hành với bộ lễ hát bằng tiếng Stiêng được diễn ra tại Tòa Giám Mục Banmêthuột.
Trong buổi lễ bế giảng, Đức Cha Vinh Sơn nhắn nhủ quý thầy Đại Chủng Sinh hãy yêu mến vùng đất và con người mà quý thầy sẽ được gửi đến để phục vụ, đặc biệt là anh em sắc tộc. Mục đích của những khóa học nội ngữ trong thời gian hè, là cơ hội tốt để quý thầy có cơ hội tìm hiểu về văn hóa và con người của các sắc tộc. Đây là bước khởi đầu nhen nhúm ngọn lửa yêu thương mà quý thầy cần phải có. Ngài mong ước với những hành trang nhận được quý thầy sẽ hăng say đem niềm vui của Chúa đến cho anh em dân tộc. Và với sự dìu dắt Chúa Thánh Linh các thày sẽ là những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo Tây nguyên đầy nắng và gió này.
Giờ Lao động
Hải Đăng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn