TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

An Táng Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Thứ sáu - 11/06/2021 21:49 |   824
An Táng Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa

LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA

Hôm nay, 18.02.2017, với tâm tình tiếc thương và chia sẻ, giáo dân khắp nơi trong và ngoài Giáo phận đã tề tựu về Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang để kính viếng lần cuối và hiệp dâng lời cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang, trong Thánh Lễ An Táng vào lúc 9g00. Giáo phận Nha Trang mừng kỉ niệm 60 năm Thành lập và phát triển (1957-2017) thì đã có đến 42 năm in đậm dấu ấn của người mục tử Phaolô.

Đức Cha Phaolô được Chúa gọi về lúc 20g00 ngày 14.2.2017. Linh cữu của ngài được quàn tại Tòa Giám Mục 3 ngày để các tín hữu kính viếng và cầu nguyện. Vào lúc 5g00 sáng nay, Cha GB. Ngô Đình Tiến đã chủ sự Thánh lễ đồng tế và nghi thức nhập quan cho Đức Cha. 8g30, di quan linh cữu Đức Cha từ Tòa Giám Mục về Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang. Đức Cha Phaolô được an táng trong mộ phần nằm trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức bên phía quảng trường Ave Maria.

Nhà  Thờ Chánh Tòa Nha Trang hôm nay trầm mặc u buồn với những băng – rôn hoa tím, trắng đan xen với cờ tang hàng rào danh dự của các nữ tu và chủng sinh;  nhưng đồng thời lại thật ấm cúng vì tình huynh đệ yêu thương nơi Đức Hồng Y, các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, chủng sinh, Ân – Thân nhân của Đức Cha Phaolô cùng với cộng đoàn dân Chúa quây quần cùng dâng thánh lễ lần cuối và tiễn biệt Đức Cha kính yêu yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Tại cung thánh Nhà thờ Chính Tòa này, bao nhiêu lần Đức Cha Phaolô đã chủ sự dâng thánh lễ, hôm nay ngài hiện diện giữa cộng đoàn như một của lễ tốt lành dâng lên Chúa. Nhạc khúc “Trăm triệu lời ca” do chính Đức Cha sáng tác vang lên tựa như ca đoàn các thiên thần cùng với Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Thánh lễ đồng tế an táng do Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục TGP. Hà Nội chủ sự. Cùng đồng tế có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam  cùng với 30 Giám Mục khác. Đông đảo linh mục, tu sĩ các dòng tu trong và ngoài giáo phận, và giáo dân đã đến hiệp dâng thành lễ cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô.
 
Mở đầu thánh lễ an táng, một linh mục tuyên đọc tiểu sử và di chúc của Đức Cha Phaolô. Tiếp theo một linh mục đọc các điện văn phân ưu của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Hội Đồng Tòa Thánh. Đức Hồng Y thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ niềm thương nhớ đến Đức Cha Phaolô: một người cha, một người thầy và là một người bạn trong hàng Giám Mục. Đức Cha ra đi là một mất mát lớn đối với Giáo Hội Công giáo Việt Nam và nhất là với Giáo Phận Nha Trang. Nhưng trong niềm tin vào Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta tin chắc linh hồn của Ngài sớm được hưởng tôn nhan Chúa.

Trong bài giảng Đức Hồng y đã  liên hệ các bài đọc trong sách Khôn Ngoan, thư Thánh Phaolô và Tin Mừng theo vào cuộc đời của Đức Cha Phaolô.

“Kính thưa cộng đoàn, chúng ta đang sống trong một biến cố có thể coi là biến cố duy nhất trong cuộc đời chúng ta. Và biến cố này, cách này hay cách khác sẽ ảnh hưởng đến hướng đi trong cuộc đời chúng ta. Thế nên tôi đề nghị với cộng đoàn hãy để cho Chúa nói với chúng ta. Chúng ta đã nghe lời nói của thế gian quá nhiều thì ít nhất cũng có một giây phút nào ta hãy dành riêng cho Chúa. Xin Ngài hãy ban Thánh Thần cho chúng ta.

Khởi đầu chúng ta nghe sách Khôn Ngoan đã khẳng định một điều không dễ gì khẳng định được. Vào cái thời thế kỉ thứ II, thứ I trước Chúa Giáng Sinh là thời mà người ta cũng như ngày nay rất ưu tư khắc khoải tự hỏi rằng: Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự chết? Và chết rồi thì đi đâu? Tác giả của đoạn sách Khôn Ngoan này là một người Do Thái nhưng sống ở trong nền văn hóa của Ai cập và dĩ nhiên nếu không có ơn của Chúa thì không thể khẳng định điều chúng ta vừa nghe “linh hồn người công chính ở trong tay Chúa”. Và nếu chúng ta xác định được điều đó, thưa anh chị em, cuộc sống của chúng ta đã có câu trả lời. Tại sao lại có đau khổ? Tại sao lại có sự chết? Và chết rồi thì chúng ta đi đâu? Bởi vì đối với Thiên Chúa thì chúng ta vẫn sống, chúng ta vẫn sống mãi và hưởng bình an trong Chúa. Vậy làm thế nào để có thể có bình an trong Chúa? Thưa hãy đọc tiếp thư Thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gởi Timothêo cũng là sự lý giải về đau khổ của những ai nghe Chúa, theo Chúa và nói chung ta có thể gọi đó là các Tông đồ của Chúa. Về điều này, tôi nghĩ rằng anh chị em còn nhiều hơn tôi nữa tìm được câu trả lời trong cuộc sống của Đức Cha Phaolô. Tôi thấy, câu mà chúng ta vừa nghe: “Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời”. Thánh Phaolô ngài đã khẳng định thập giá ngài phải vác chịu. Thập giá do Thiên Chúa nhưng còn có thập giá do anh em của ngài đã đặt ra. Thập giá do miệng lưỡi chống đối ngài đã đè lên trên vai ngài. Ngài biết những điều đó và ngài đã cam chịu.

Thưa anh chị em, từ năm 1978, Đức Cha Phaolô đã có sáng kiến cho cả giáo phận mỗi Chúa Chật công bố Lời Chúa, học và sống Lời Chúa mà chúng ta gọi là Bài ca Ý Lực. Mà cho tới ngày hôm nay, lời Chúa được tuyển chọn trong ngày Chúa Nhật và được lập đi lập lại trong cả tuần như thế để nuôi dưỡng dân Chúa. Tôi nghĩ phải có một niềm tin và một cái sự cảm nghiệm sâu xa chứ không phải chỉ là một nhạc sĩ. Mà là nhạc sĩ này đã bị hớp hồn, đã được gợi ý từ  Lời Chúa để có thể kiên trì trong mấy năm trời để làm các bài ca Ý Lực Sống để nuôi dưỡng cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận. Và cũng vì chính ngài cũng hiểu được rằng ngài cũng phải theo gương của Chúa nên ngài đã cần mẫn, ngài đã nhịn nhục, chịu khó để nuôi dưỡng dân chúa. Không phải chỉ là một cộng đoàn nhưng là tất cả những ai mà ngài đã được sai đến để phục vụ.

Và có thể nói như tiểu sử của ngài đã minh chứng, từ trước đến giờ chưa một Giám mục nào đã nhận lãnh nhiều trách nhiệm trong HĐGM như Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa. Và nhất là khi nhận trách nhiệm nào thì ngài cũng trung thành, ngài cũng kiên trì, ngài rất khiêm tốn để thực hiện những nhiệm vụ đó. Ví dụ, có lần ngài đưa tôi đến gặp Bộ Tu sĩ vì lúc bấy giờ ở GHVN có một vấn đề đó là sự kiện các Hội Dòng từ miền bắc vào miền Nam. Rồi thì trở thành cộng đoàn tu sĩ của miền Nam. Rồi thì cũng có những tu sĩ của hội dòng đó ở lại miền Bắc. Thế thì làm sao để xử lý hai hội dòng. Và nhiều lắm anh chị em thấy, tôi nghĩ rằng Thánh hóa với Đà Lạt, hay là Phát Diệm đối với Thánh Tâm, nhiều lắm vấn đề của 2 hội dòng. Nhưng giây phút đó Đức Cha Phaolô đã đưa tôi đến gặp Bộ Tu sĩ và từ đó một ánh sáng lóe ra  biết để làm thế nào để các hội dòng nữ và nam có thể hiện diện với tất cả ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi và bản chất của mình khi thực hiện. Và qua việc đó cho tôi thấy được ngài là một người mục tử hoàn toàn kiên nhẫn, khiêm tốn vì lợi ích của giáo hội.

Tôi cũng được 2 lần ngài đưa đi để đối thoại với anh em Tin Lành và Phật giáo. Có thể nói rằng có nhiều sự xung khắc và khó để tìm ra một tư tưởng chung. Nhưng chính bằng sự khiêm tốn, hòa giải mà ngài đã thực hiện được điều đó nhưng ngài vẫn giữ vững về chân lý, về niềm tin và con đường đi của mình. Chúng ta thấy, đó là lúc ngài để cho Chúa thánh Thần hướng dẫn trong sự thật như châm ngôn của ngài.

Rồi thì không phải là dễ để sống và thi hành nhiệm vụ đó. Phúc Âm Thánh Gioan nói với chúng ta, “Nếu hạt lúa mì chết đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt. Còn nếu nó cứ trơ trơ thì nó chẳng sinh lợi được cái gì”. Chính tinh thần đó, linh đạo đó đã giúp cho cuộc đời 42 năm giám mục của ngài liên tục. Chúng ta thấy không có giây phút nào, kể cả khi ngài được nghỉ hưu thì ngài về ở đại chủng viện và ngài vẫn tiếp tục tinh thần phục vụ đó. Ngài đã chọn châm ngôn “Trong tinh thần và chân lý”, châm ngôn này có thể nói được trích ra từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria và cuộc đối thoại dẫn đưa chúng ta đến cuộc thờ phượng mới cho những ai đã lãnh nhận Thần khí giúp họ trở nên con Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng đó chính là cái mầm mống, chính là cái căn bản để giúp ngài có những bài hát bất hủ. Dường như ngày nay nơi nào hát “Trăm triệu lới ca” thì dứt khoát nghĩ đến Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Và có thể nói cả Giáo hội Việt Nam mang ơn ngài mỗi lần hát bộ lễ Seraphim. Bộ lễ đơn giản cảm hứng từ bình ca nhưng xuất phát từ lòng yêu mến Giáo Hội. Khi đón nhận bản văn mới, ngài là người đầu tiên, ngài trung thành và sửa chữa ngay cả bộ lễ đó và đặc biệt trong Kinh Tin Kính. Tôi thấy rằng một tâm hồn như vậy thì phải là một tâm hồn rất là khiêm tốn, rất là tin tưởng bằng không thì khẳng định tôi đã viết như thế là như thế. Cũng may là ngài đã thích ứng tất cả những điều đó để khi chúng ta hát thì chúng ta tin rằng chúng ta vừa diễn tả vẻ đẹp đồng thời chúng ta cũng trung thành với những giáo huấn của Hội thánh.

Cuộc đời của ngài là một cuộc đời đi tìm kiếm chân lý. Sự tìm kiếm đó đã thể hiện trong cuộc dời dâng hiến của ngài như được soi sáng bởi Chúa Thánh thần. Vì thế cho nên ngày hôm nay chúng ta có thể tin rằng ngài nghỉ bình an trong Chúa và ngài đồng thời trở nên sự trợ lực, sự trợ lực cho tất cả chúng ta, cách riêng cho Đức Cha Giuse, các linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Nha Trang”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, đại diện Giáo phận Nha Trang nói lên tâm tình tri ân đối với Đức Thánh Cha Phan xicô, Đức Hồng Y, quý Đức Cha, Quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh, thân thân của Đức Cha Phaolô và cộng đoàn dân Chúa:

“Ở giữa lòng Giáo hội, trong lòng Dân tộc Việt Nam và trong bầu khí phụng vụ trang trọng, thánh thiện, nghĩa tình nầy, xin mặt cho gia đình Giáo phận Nha Trang, chúng con dâng lời tạ ơn :

1. Cùng với Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, nguyên Chủ tịch HĐGMVN, chúng con tạ ơn Thiên Chúa là suối nguồn tình yêu, từ thưở muôn đời đã yêu thương và thể hiện cụ thể tình yêu, khi ban cho ngài được vinh dự 86 năm làm con Thiên Chúa, 58 năm làm Linh mục, 42 năm làm Giám mục ở trần gian nầy; ngài đã sống sung mãn đường hướng mục vụ ‘’ Trong Tinh Thần và Chân Lý ‘’ ( Gioan 4, 23 ), để phục vụ Dân Chúa. Nay ngài trở về với Thiên Chúa để mãi mãi sống trong nguồn hạnh phúc của tình yêu;

2. Cùng với ngài, chúng con tạ ơn các bậc Tiên Tổ, Ông Bà, Cha Mẹ; tạ ơn Tổ quốc Việt Nam yêu quý; tạ ơn vùng đất Bối Kênh, Bình Lục, Hà Nam, đã sinh thành, dưỡng dục; tạ ơn đồng bào mọi giới đã yêu thương ngài trong suốt 86 năm làm người;

3. Cùng với ngài, chúng con tạ ơn các Phẩm trật trong Hội thánh Công giáo đã hết lòng yêu thương, tin tưởng và tín nhiệm ngài; tạ ơn Đức thánh cha Phaolô VI đã tuyển chọn ngài lên chức Giám mục, tạ ơn quý Đức thánh Cha Gioan Phaolô I, Gioan Phaolô II, Bênêđitô XVI, Phanxicô; cũng như tạ ơn các Thánh Bộ và các Cơ quan của Tòa thánh, mà hôm nay có vị Đại diện của mình là Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli;

4.  Cùng với ngài, chúng con tạ ơn HĐGMVN, đã tạo cho ngài những điều kiện và hoàn cảnh tốt nhất để ngài có thể sống tình hiệp thông trọn vẹn và cống hiến tất cả khả năng và tình yêu thương của ngài đối với lịch sử Dân Chúa tại Việt Nam, góp phần vào sứ mạng của Tin mừng là yêu thương và phục vụ Quê hương Dân tộc Việt Nam như lời dạy của Hội thánh;

5. Cùng với ngài, chúng con xin chân thành cám ơn mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng Dân Chúa trong gia đình Giáo phận Nha Trang, Giáo phận Phan Thiết, Giáo phận Ban mê thuột và Giáo phận Đalat; cám ơn quý Bề trên và Tu sĩ các Hội Dòng, cám ơn Đại chủng viện Sao Biển, Chủng viện Lâm Bích, cám ơn Bệnh viện Khánh Hòa, các vị trong Ban giám đốc, các Bác sĩ, Y tá và mọi người, cách nầy, cách kia đã chăm sóc, phục vụ ngài; cám ơn tất cả mọi người, các ân thân nhân, các đoàn thể đã tổ chức mọi việc hậu sự cho ngài;

6. Cùng với ngài, chúng tôi cũng trân trọng cám ơn Chính Phủ, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo, cũng như các vị lãnh đạo Chính quyền, quý Ban ngành đoàn thể Tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh Ninh thuận, Thành phố Nha Trang; cám ơn các vị lãnh đạo Phật giáo, Tin lành ở Khánh Hòa; đã quan tâm khi ngài còn sống và đến kính viếng trong nghi lễ an táng ngài

7.  Và sau cùng, một điều đặc biệt, trong gia đình Giáo phận Nha Trang: là con cái của ngài, chúng con cảm nhận hết sức thấm thía dấu ấn ngài để lại cho chúng con, khác nào dấu ấn năm xưa Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ, đó là giới luật tình yêu ( Gioan 13, 34 ); chúng con nghĩ rằng Chúa đã đưa ngài từ bệnh viện trở về mái nhà chung Tòa giám mục, giữa vòng tay thân thương của những cộng sự viên gần gủi của ngài; ngài đã lãnh nhận Bí tích xức dầu bệnh nhân, đón nhận phép lành toàn xá từ tay Đức cha Giuse, Giám mục kế vị ngài; rồi, sau khi đảo mắt nhìn quanh như để lại tình yêu thương cho mọi người; ngài từ từ nhắm mắt từ giả mọi người, trở về với Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Giây phút linh thiêng và lạ lùng đó lại diển ra vào lúc 20g tối ngày thứ ba, 14 tháng 2 năm 2017; ngày mà mọi người gọi là ‘’ ngày tình yêu ‘’, ngày tình yêu trong Năm thánh mừng Ngọc khánh Giáo phận Nha Trang. Ngài trao ban tình yêu cho gia đình Giáo phận Nha Trang; ngài như muốn để lại lời nhắn nhủ : ‘’ Mọi sự sẽ qua đi hết, chỉ có tình yêu là tồn tại và tồn tại mãi mãi ‘’.


Cha Tổng đại diện Gp. Nha Trang thay mặt đoàn con đọc điếu văn tri ân và tiễn biệt Đức cha Phaolô.

Trọng kính Đức HY Phêrô,Trọng kính quý Đức Cha,quý quan khách cùng cộng đoàn dân Chúa…vv...

Mọi người sắp chào biệt  Đức Cha Phaolô kính yêu,đứng trước linh cửu ngài,thay mặt cho Linh mục đoàn và toàn thể giáo phận Nha Trang,con xin có vài lời tạ từ Đức Cha:

  * Đức Cha Phaolô quý mến, thấm thoát đã gần tròn 42 năm Đức Cha sống, làm việc và ở với chúng con. Hình ảnh một người cha hiền từ, khiêm nhu, thong thả,nhẫn nại với vóc dáng bề ngoài đơn sơ,nhẹ nhàng.. vẫn còn rõ nét trong tâm trí chúng con như mới ngày hôm qua,hôm kia đây thôi.  Chúng con gặp Đức Cha tại Tòa Giám mục Nha Trang vào những ngày cuối tháng 4/1975, lúc ấy  Đức Cha đang ở tuổi trung niên, chừng hơn 40 !

Qua mấy lời giới thiệu của Đức cha FX Nguyễn Văn Thuận vào thánh lễ chia tay chiều ngày 07/5/1975 tại TGM Nha Trang, trước một số Linh mục,Tu sĩ,Chủng sinh (dịp này, truyền chức LM cho 2 f.tế ) mọi người mới nhận rõ và chắc chắn rằng Tòa Thánh đã đặt Đức Cha làm  Giám mục Giáo phận Nha Trang kể từ 2 tuần lễ trước đó.  Ngay sau ngày 7/5 này, Đức Cha FX vào Sài Gòn,Các Linh mục, chủng sinh… về lại giáo xứ hoặc gia đình, hoặc tiếp tục di tản…Đức cha ở lại Tòa Giám Mục với một vài Linh mục, chủng sinh…TGM lúc ấy trở nên hoang vắng và rộng thênh thang… Bất kể bao xáo trộn xung quanh, Đức Cha bình tĩnh chuẩn bị cho lễ nhận chức Giám mục chánh tòa của chính mình tại Nhà Thờ Chánh Tòa 3 tuần tiếp sau đó. Do hoàn cảnh mới còn nhiều khó khăn, các trách nhiệm mục vụ của Đ trong giáo phận còn gặp rất nhiều trở ngại.Trong một thời gian dài có tới gần 10 năm (1979-1988) Đức cha rất ít có cơ hội làm mục vụ tại các vùng xa như Cam Ranh,  Phan Rang, chỉ quanh đi quẩn lại vùng Tp Nha Trang.  Trong mọi hoàn cảnh,với trách nhiệm mục tử,Đcha luôn là điểm tựa phải quy về cho mọi sinh hoạt của linh mục,tu sĩ chủng sinh,giáo xứ,giáo phận,cộng đoàn dòng tu…Đức Cha phải để mắt quan tâm chăm sóc tất cả… cho dù lắm lúc phải xa cách vì địa lý…     
                
Hằng ngày, Đức cha cùng với cha thư ký, cha quản lý và vài cha, thầy làm vườn, trồng cây, sửa chữa các cây đàn Harmonium bị hư hỏng, cũng có lúc trồng lang-trồng mì quanh nhà nữa!…về làm vườn, Đức cha tỉ mỉ ghép và gây giống các cây xương rồng, nhìn ngắm chúng phát triển từng ngày. Đàn nhạc là món tủ của Đức Cha, vừa phục hồi đàn cũ, vừa nghĩ đến các nét nhạc mới…từ đó Đức cha đã có sáng kiến chủ biên các tập Bài Ca Ý Lực Sống, à những khúc hát ngắn trích lời thánh kinh giúp giáo dân sống tinh thần Phúc âm … Sáng sớm, đến lượt phải đi dâng lễ tại các cộng đoàn, nhiều lần với xe đạp và sau này với chiếc xe Honda DD màu đỏ, dù mưa dù gió, Đức cha vẫn lặng lẽ chu toàn bổn phận đã đề ra.. Tác giả Bộ Lễ Seraphim nổi tiếng khắp nơi, và bài thánh ca “Trăm triệu lời ca” phổ biến một thời giờ đây lặng lẽ khiêm nhường tại TGM với những lớp nhạc, lớp đàn bỏ túi…và đôi khi cũng sẵn sàng ngồi cộ bò đến thăm giáo dân vùng lũ, hoặc ngồi xe ôm do cha quản lý cầm lái chạy băng băng qua biết bao nhiêu là ổ gà…miễn là kip giờ lễ….

…Đến cuối thập niên 80, thời kỳ đổi mới bắt đầu, lúc bước gần đến tuổi 60,  Đức Cha mới đến được với các giáo xứ nhiều hơn, và xa hơn...Đức Cha bận bịu nhiều.. Nhưng dù ở đâu, công tác đào tạo người vẫn là quan tâm hàng đầu của Đức cha: 

Đức cha đã lo liệu  xây mới  ĐCV Sao Biển thật to lớn cho 3 giáo phận Nha Trang-Qui Nhơn-Ban Mê Thuột. Đức cha đã gởi nhiều Lm,;tu sĩ và giáo dân đi du học để có nhiều nhân sự phát triển giáo phận.

- Gởi một số Lm, tu sĩ đi truyền giáo các nơi; cơ sở; nhân sự các dòng tu cũng được khuyến khích phát triển; rất nhiều nhà thờ giáo xứ,giáo họ được trùng tu hoặc xây mới, ; các đoàn thể công giáo tiến hành được phát triển,

- Các tổ chức thiết yếu cho sinh hoạt giáo dân, được kiện toàn và huấn luyện hằng năm; lớp thần học giáo dân dành cho nữ tu được khởi động; thánh ca, thánh nhạc được quan tâm cách đặc biệt góp phần ổn định và kiện toàn các sinh hoạt phụng vụ…Dù bận rất nhiều việc, Đức Cha vẫn tìm được dịp để thư giãn nghỉ ngơi cách này cách khác, không để công việc lôi cuốn đè bẹp mình. Đức cha luôn bình tĩnh sắp xếp mọi việc đâu vào đấy, không tỏ lộ sự lúng túng bối rối hoặc lơ là hoặc lẩn tránh…

Khi thực hành Lời Chúa,khi áp dụng lý tưởng sống của đời Mục Tử,   Đức Cha cũng đã gặp rất nhiều thử thách. Đã có ít nhất là 2 lần Đức cha suýt chết vì tai nạn xe, ất nhiều lần bị hiểu lầm, bị chỉ trích, nhiều lần gặp thử thách vì những đứa con ngỗ nghịch, chia rẽ…Đời Mục tử của Đức Cha không phải là ít thánh giá…Về sức khỏe thể xác, Đức cha không tỏ ra nổi trội, nhưng nhờ kiêng khem, cẩn thận trong ăn uống, bề ngoài có vẻ mỏng dòn, nhưng rất bền bỉ trong công việc…Đức Cha đã là một nhân vật  có vị trí lớn,  đặc biệt với 2 nhiệm kỳ làm Chủ Tịch HĐGMVN 2001-2007 như trong phần tiểu sử đã nói đến… Lúc gần đến tuổi nghỉ hưu, năm 2006 Tòa Thánh lại còn trao thêm nhiệm vụ làm Giám quản Tông Tòa Gp Ban Mê Thuột (cho đến năm 2009), và Đức Cha vẫn làm tốt mọi việc…Đức cha chính thức được nghỉ hưu ngày 4/12/2009 khi đã bước qua tuổi 78 …

Quả thật, đời Đức cha là dâng hiến là phục vụ là hy sinh: Nghèo khó,đơn sơ và đạm bạc là cung cách sống của Đcha…Đức Cha rất ít nói về mình,và cũng rất dè dặt trong lời nói khi được mời phát biểu điều nọ điều kia… mọi lời Đcha nói ra đều được cân nhắc kỹ lưỡng,vì vậy trong các buổi hội thảo với giới trí thức,hoặc hội họp với các cấp,các lời phát biểu của Đcha luôn gây cảm tình vì sự đóng góp chân thành và sâu sắc…

- Đức cha nghỉ hưu tại Đai chủng viện Sao Biển từ 12.2009 tiếp tục giúp các thầy một số tiết học. Đến kỳ nghỉ hè, các linh mục chung quanh tìm dịp để đưa Đức cha di du ngoạn, Đức Cha rất hài lòng và vui vẻ nhận lời, Đức Cha rất thích bơi và bơi lội rất giỏi…

- tháng 8/2013 (82t) sau một lần sơ ý bị té ngã...sức khỏe Đức cha kém đi; tháng 9/2013 Đức cha về lại ĐCV/SB, và ngày 2/10/2013 Đức Cha chuyển sang nhà nghỉ dưỡng giáo sĩ Giáo phận tại Bãi Dương  và từ đó đến nay, sức khỏe yếu kém dần, Đức cha không còn đi đây đi đó được nữa… 
  
  Với 34 năm làm  Giám mục Chánh tòa Giáo phận và tiếp theo với gần 8 năm nghỉ dưỡng vượt qua biết bao là sóng gió, với biết bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn…làm sao chúng con quên được …?
 
           Lạy Thiên Chúa Là Cha nhân từ, xin nhìn đến và xót thương cha chúng con là Đức Cha Phaolô mà Chúa vừa gọi khỏi đời này….mới mấy ngày đây thôi, vâng lạy Chúa….! Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót xin hãy thương ban ngay cho ngài sự sống Vĩnh Hằng của Chúa.

Kính thưa Đức Cha Phaolô, khi Đức Cha về với Chúa, xin nhớ đến chúng con….! Chúng con xin tạm biệt Đức cha và hẹn gặp lại  Đức cha trong Nước Trời….Một lần nữa, đoàn con xin kính cẩn cúi đầu … kính chào giã biệt Đức Cha….

Tác giả bài viết: Ban Truyền Thông GP. Nha Trang

(Xem thêm hình ảnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây