TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng ĐTC –Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót

Chủ nhật - 07/04/2024 07:24 |   325
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Phục sinh năm B, Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót.
Bài giảng ĐTC –Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH NĂM B
CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

WHĐ (05.04.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Phục sinh năm B, Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót.

Đức Phanxicô, Bài giảng ngày 11.04.2021 – Ba món quà của Lòng Chúa Thương Xót
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Người kiên nhẫn an ủi trái tim thất vọng của họ. Sau khi sống lại, Chúa thực hiện “việc phục sinh các môn đệ”. Và các môn đệ, được Chúa Giêsu nuôi dưỡng, đã thay đổi đời sống. Trước đây, nhiều lời nói và nhiều gương sáng của Chúa đã không thể biến đổi họ. Bây giờ, vào lễ Phục Sinh, điều gì đó mới mẻ đang xảy ra. Và nó xảy ra dưới ánh sáng của lòng thương xót. Với lòng thương xót, Chúa Giêsu nâng họ dậy. Và họ, được thương xót, trở nên thương xót. Thật khó để có lòng thương xót nếu trước tiên không có kinh nghiệm nhận được lòng thương xót.
Các môn đệ nhận được lòng thương xót qua ba món quà của Chúa.
Ban Bình an
Trước hết, Chúa Giêsu ban cho họ bình an. Những môn đệ đã rất đau khổ. Họ đã ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và có cùng kết cục giống như Thầy của họ. Nhưng họ không chỉ nhốt mình trong nhà, họ còn nhốt mình trong sự hối hận. Họ đã bỏ rơi và chối bỏ Chúa Giêsu, họ cảm thấy mình không có khả năng, chẳng ích lợi gì, sai lầm. Chúa Giêsu đến và lặp lại hai lần: “Bình an cho anh em!”. Chúa không ban một thứ bình an giúp loại bỏ những rắc rối bên ngoài, mà là một sự bình an khơi dậy niềm tin trong tâm hồn. Người nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”(Ga 20,21). Như thể Chúa muốn nói: "Thầy sai anh em bởi vì Thầy tin tưởng anh em".
Với bình an Chúa Phục Sinh ban, các môn đệ thất vọng đó được làm hòa với chính họ. Sự bình an của Chúa Giêsu khiến họ đi từ hối hận sang sứ vụ. Thật vậy, sự bình an của Chúa Giêsu khơi dậy sứ vụ. Nó không phải là sự yên tĩnh, không phải là sự thoải mái, nhưng là đi ra khỏi chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu giải thoát khỏi những sự đóng kín làm tê liệt, phá vỡ những xiềng xích cầm tù trái tim. Và các môn đệ cảm thấy được thương xót: họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không lên án hay sỉ vả họ, nhưng ngược lại, Người tin tưởng họ. Vâng, Chúa tin vào chúng ta nhiều hơn chúng ta tin vào chính mình. “Người yêu chúng ta nhiều hơn chúng ta yêu chính chúng ta” (xem S. J.H. Newman, Suy niệm và Lòng Sùng kính, III, 12,2). Đối với Chúa, không có ai sai, không có ai vô dụng, không có ai bị loại trừ. Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại một lần nữa: “Bình an cho con, con là người quý giá đối với Ta. Bình an cho con, con quan trọng đối với Ta. Bình an cho con, con có một sứ mệnh. Không ai có thể làm điều đó cho con. Không ai có thể thay thế được con. Và Ta tin con.”
Ban Chúa Thánh Thần
Cách thứ hai Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các môn đệ là ban cho họ Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần để tha thứ các tội lỗi (xem cc. 22-23). Các môn đệ tội lỗi, họ đã bỏ trốn và bỏ rơi Thầy. Và tội lỗi ám ảnh, sự ác đè nặng. Thánh vịnh nói: (xem 51,5) tội lỗi của chúng ta luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể tự mình xóa bỏ nó; chỉ có Thiên Chúa mới xóa bỏ được; chỉ Người, với lòng thương xót của Người, có thể giúp chúng ta thoát khỏi những đau khổ sâu xa nhất của mình. Giống như những môn đệ đó, chúng ta cần để mình được tha thứ và tâm hồn thưa rằng “Xin Chúa tha thứ”. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là món quà Phục Sinh để được phục sinh trong tâm hồn. Chúng ta hãy cầu xin ơn để đón nhận ơn tha thứ, để đón nhận Bí tích tha thứ tội lỗi, và để hiểu rằng: trung tâm của bí tích giải tội không phải là chúng ta với tội lỗi của mình, mà là Thiên Chúa với lòng thương xót của Người. Chúng ta đừng xưng tội để hạ mình nhưng để nâng mình đứng dậy. Tất cả chúng ta rất cần bí tích giải tội. Chúng ta cần nó như những đứa bé, mỗi khi ngã đều cần được người cha đỡ dậy. Chúng ta cũng thường xuyên bị ngã. Và bàn tay của Chúa Cha sẵn sàng giúp chúng ta đứng dậy và giúp chúng ta đi tiếp. Bàn tay an toàn và đáng tin cậy này là bí tích giải tội. Đó là bí tích nâng chúng ta đứng dậy, không để chúng ta nằm trên mặt đất, than khóc trên nền đá cứng nơi chúng ta vấp ngã. Đó là bí tích phục sinh, hoàn toàn là lòng thương xót. Và bất cứ ai ban bí tích giải tội phải làm cho hối nhân cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót. Đây là cách thế của các cha giải tội: làm cho hối nhân cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng tha thứ mọi tội lỗi. Thiên Chúa tha thứ tất cả.
Các vết thương: con kênh của lòng Chúa thương xót
Cuối cùng, cùng với sự bình an phục hồi chúng ta và ơn tha thứ nâng chúng ta đứng dậy, Chúa Giêsu ban cho các môn đệ món quà thứ ba của lòng thương xót: Người cho họ xem những vết thương của Người. Nhờ những vết thương đó, chúng ta được chữa lành (1Pr 2,24; Is 53,5). Nhưng làm thế nào một vết thương có thể chữa lành chúng ta? Bằng lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Thánh Tôma, chúng ta có thể chạm được bằng tay, sự thật rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến tận cùng. Chúa đã biến các vết thương của chúng ta thành những vết thương của chính Người và mang những yếu đuối của chúng ta trên thân thể của Người. Những vết thương là những con kênh mở giữa Người và chúng ta, là những con kênh đổ tràn lòng thương xót của Người lên những đau khổ của chúng ta. Những vết thương là những con đường mà Thiên Chúa đã mở rộng cho chúng ta để chúng ta bước vào tình yêu dịu dàng của Người và thực sự “chạm và cảm nhận được” Người là ai. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ lòng thương xót của Người nữa. Bằng cách thờ lạy và hôn kính các vết thương của Chúa, chúng ta nhận ra rằng tất cả những yếu đuối của chúng ta đều được tình yêu dịu dàng của Người đón nhận. Điều này xảy ra trong mọi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu dâng hiến cho chúng ta Thân thể bị thương tích và Phục Sinh của Người: Chúng ta chạm vào Chúa và Người chạm vào cuộc đời chúng ta. Người làm cho trời cao bước xuống với chúng ta. Những vết thương chiếu sáng của Người xua tan bóng tối mà chúng ta mang trong lòng mình. Và chúng ta, giống như thánh Tôma, khám phá ra Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra Người thân mật và gần gũi, và xúc động tuyên xưng: "Lạy Chúa và là Chúa của con!" (Ga 20,28) Và mọi sự đều bắt nguồn từ đây, từ ơn nhận được lòng Chúa thương xót. Đây là điểm khởi đầu của cuộc hành trình Kitô hữu. Nhưng nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể trao tặng một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.
Và đây là điều các môn đệ đã làm: được thương xót, họ trở nên thương xót. Chúng ta thấy điều này trong bài đọc thứ nhất. Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (4,32). Nó không phải là chủ nghĩa cộng sản, nhưng là Kitô giáo thuần túy. Và càng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng: chính những môn đệ ấy trước đó ít lâu, đã cãi nhau về phần thưởng và công trạng, xem ai là người lớn nhất trong số họ (Mc 10,37; Lc 22,24). Bây giờ, họ chia sẻ mọi thứ, họ “một lòng một dạ” (Cv 4,32). Làm thế nào họ thay đổi được như vậy? Bây giờ, họ nhìn thấy nơi người khác cùng một lòng thương xót đã biến đổi cuộc đời họ. Họ nhận ra rằng họ chia sẻ sứ mệnh, ơn tha thứ và Thân Mình của Chúa Giêsu, và vì vậy, chia sẻ của cải trên mặt đất này dường như là điều tự nhiên. Sách Công vụ Tông đồ nói tiếp rằng "trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn" (câu 34). Nỗi sợ hãi của họ đã tan biến khi chạm vào vết thương của Chúa, giờ đây họ không ngại chữa lành vết thương cho người thiếu thốn. Bởi vì ở đó, họ nhìn thấy Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu ở đó, trong những vết thương của những người khốn cùng.
Anh chị em thân mến,
Anh chị em có muốn thấy bằng chứng về việc Chúa đã chạm đến cuộc đời anh chị em không? Hãy kiểm tra xem anh chị em có cúi xuống băng bó vết thương của người khác hay không. Hôm nay là ngày chúng ta tự hỏi: “Đã bao lần tôi nhận được sự bình an của Thiên Chúa, đã bao lần nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Người, tôi có thương xót người khác không? Đã bao lần tôi được nuôi dưỡng bằng  Mình Chúa Giêsu, tôi có làm gì để nuôi người nghèo không?”. Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta đừng sống đức tin một chiều, một đức tin đón nhận nhưng không trao ban, đức tin đón nhận quà tặng nhưng không làm cho mình trở thành một món quà. Được thương xót, chúng ta hãy trở nên thương xót. Bởi vì nếu chúng ta chỉ yêu chính mình, đức tin sẽ trở nên khô héo, cằn cỗi. Nếu không có tha nhân, tình yêu sẽ không hiện thực. Nếu không có những công việc của lòng thương xót, tình yêu sẽ chết (Ga 2,17). Thưa anh chị em, chúng ta hãy để cho mình được sống lại nhờ ơn bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu nhân từ. Và chúng ta xin ơn để trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin của chúng ta mới sống động và cuộc sống của chúng ta sẽ được hiệp nhất. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, đó là Tin Mừng của lòng thương xót.
Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Bài giảng ngày 08.04.2018 – Nhận biết Chúa từ các vết thương của Ngài
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe đi nghe lại từ “trông thấy”. “Các môn đệ vui mừng trông thấy Chúa” (Ga 20,20); và họ nói với Toma: “Chúng tôi đã trông thấy Chúa” (c. 25). Nhưng Phúc Âm không miêu tả họ trông thấy Chúa thế nào, cũng không miêu tả Đấng Phục Sinh, mà chỉ ghi nhận một đặc điểm: “Ngài tỏ cho các ông thấy tay và cạnh sườn” (c. 20). Xem ra Phúc Âm muốn nói với chúng ta rằng các môn đệ đã nhận ra Chúa qua các vết thương của Ngài. Tôma cũng đã muốn trông thấy “dấu đanh trong các tay của Chúa” (c. 25) và ông tin sau khi đã trông thấy (c. 27).
Bất chấp sự thiếu đức tin của Tôma, chúng ta phải cám ơn ông vì ông đã không chỉ bằng lòng nghe các người khác nói rằng Chúa Giêsu sống, và trông thấy Ngài bằng xương bằng thịt, mà ông đã muốn trông thấy bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương là các dấu chỉ tình yêu của Chúa. Phúc Âm gọi ông là “Didimo” có nghĩa là song sinh. Và trong nghĩa này Tôma thật sự là anh em song sinh của chúng ta. Vì đối với cả chúng ta nữa biết rằng có Thiên Chúa thôi không đủ: một Thiên Chúa phục sinh nhưng xa xôi không làm tràn đầy cuộc sống chúng ta; một Thiên Chúa xa cách, cho dù có công bằng và thánh thiện tới đâu đi nữa, cũng không lôi kéo chúng ta. Không, chúng ta cần “trông thấy Thiên Chúa”, tay sờ vào Đấng đã sống lại vì chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể nhìn thấy Ngài? Giống như các môn đệ: đó là nhìn thấy qua những vết thương của Ngài. Khi nhìn vào đó, các môn đệ đã hiểu rằng Chúa đã không yêu thương họ để giỡn chơi, và Ngài tha thứ cho họ, mặc dầu giữa họ dã có người chối bỏ Ngài, có người bỏ rơi Ngài. Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô hạn vọt ra từ trái tim Ngài. Là hiểu rằng con tim Ngài đập cho tôi, cho bạn, cho từng người trong chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể coi mình là kitô hữu và nói về biết bao nhiêu giá trị của đức tin, nhưng như là các môn đệ chúng ta cần trông thấy Chúa Giêsu bằng cách sờ mó tình yêu của Ngài. Chỉ như thế chúng ta mới đi vào con tim của đức tin, và như là môn đệ chúng ta tìm thấy một sự bình an và một niềm vui (cc. 19-20) mạnh mẽ hơn mọi ngờ vực.
Sau khi đã trông thấy các vết thương của Chúa, Toma đã kêu lên “Lạy Chúa con và là Thiên Chúa của con” (c. 28). Tôi muốn lưu ý tính từ thánh Tôma lập lại: “của con”. Đó là một tính từ chiếm hữu và nếu chúng ta suy nghĩ xem ra nó không hợp, khi quy chiếu về Thiên Chúa: làm sao Thiên Chúa lại có thể là “của tôi” được?. Làm sao tôi lại có thể làm cho Đấng Toàn Năng là “của tôi”? Thật ra, khi nói là “của tôi”, chúng ta không phạm thánh, nhưng chúng ta tôn vinh lòng thương xót của Ngài, bỏi vì chính Ngài đã muốn “trở thành của chúng ta”. Và như trong một câu chuyện tình chúng ta nói: “Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và sống lại cho con và khi đó Chúa không chỉ là Thiên  Chúa ; Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là sự sống của con. Nơi Chúa con đã tìm ra tình yêu mà con kiếm tìm, và còn hơn thế nữa nhiều, như con đã không bao giờ tưởng tượng được”.
Thiên Chúa không bị xúc phạm là “của chúng ta”, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự tín thác, lòng thương xót  đòi hỏi sự tin tưởng. Ngay ở đầu Mười Điều Răn Thiên Chúa đã nói: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) và Ngài nhấn mạnh: “Ta là Chúa Thiên Chúa của ngươi, Ta là một Thiên Chúa ghen tương” (c. 5). Đây là đề nghị của Thiên Chúa, người yêu ghen tương, tự giới thiệu như Thiên Chúa của bạn. Và từ con tim xúc động của Tôma vọt lên câu trả lời: “Lậy Chúa của con và Thiên Chúa của con”. Hôm nay qua các vết thương, trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hiểu rằng lòng thương xót không phải là một đức tính của Ngài giữa các đức tính khác, mà là nhịp đập của chính con tim Ngài. Và như thế giống như Tôma chúng ta không sống như các môn đệ lưỡng lự, sùng kính nhưng lảo đảo; chúng ta hãy trở thành những người say mê Chúa!
Vậy làm thế nào để hưởng nếm tình yêu này, hôm nay làm thế nào để sờ tay vào lòng thương xót của Chúa Giêsu? Phúc Âm cũng gợi ý cho chúng ta, khi nhấn mạnh rằng vào chính chiều ngày Lễ Phục Sinh (x. c.19), nghĩa là vừa sống lại, điều thứ nhất Chúa Giêsu làm là trao ban Thánh Linh để tha tội. Để sống kinh nghiệm tình yêu cần đi qua đó: để cho mình được tha thứ. Để chúng ta được tha thứ! Tôi tự hỏi mình và mỗi người trong anh chị em: tôi có để cho mình được tha thứ không? Để trải nghiệm được tình yêu đó, chúng ta cần bắt đầu từ điểm này. Tôi có cho phép mình được tha thứ không? Nhưng đi xưng tội xem ra khó khăn. Trước Thiên Chúa chúng ta bị cám dỗ làm như các môn đệ trong Phúc Âm: đóng kín cửa lại. Các vị đã làm thế vì sợ hãi và chúng ta cũng sợ hãi, xấu hổ mở lòng ra và nói lên các tội lỗi của mình. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu sự xấu hổ, không xem nó như một cửa khép kín, nhưng như bước đầu tiên của sự gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng ta phải biết ơn: nó có nghĩa là chúng ta không chấp nhận sự dữ, và điều này tốt. Sự xấu hổ là một lời mời gọi thầm kín của linh hồn cần đến Chúa để chiến thắng sự dữ. Thảm cảnh đó là khi không còn biết xấu hổ gì nữa. Chúng ta đừng sợ cảm thấy xấu hổ! Và từ xấu hổ chúng ta bước sang sự tha thứ! Chúng ta đừng sợ phải xấu hổ! Chúng ta hãy chuyển từ xấu hổ sang tha thứ! Đừng sợ xấu hổ! Đừng sợ.
Trái lại, có một cửa đóng kín trước ơn tha thứ của Chúa, đó là cửa của sự chịu trận. Các môn đệ đã sống kinh nghiệm ấy, kinh nghiệm rằng vào lễ Phục Sinh họ nhận thấy mọi sự trở lại như trước kia: họ vẫn còn ở đó, tại Giêrusalem, nhưng mất tin tưởng; “chương Giêsu” xem ra kết thúc, và sau bao thời gian sống với Ngài đã không có gì thay đổi. Cả chúng ta nữa cũng có thể nghĩ: “Tôi là kitô hữu từ biết bao lâu nay, mà chẳng có gì thay đổi cả, tôi luôn luôn phạm các tội như cũ”. Khi đó, mất tin tưởng, chúng ta khước từ lòng thương xót. Chúng ta cũng có thể nghĩ: “Tôi đã là Kitô hữu từ lâu nhưng không có gì thay đổi trong tôi; Tôi tiếp tục phạm những tội lỗi tương tự”. Sau đó, trong sự chán nản, chúng ta từ bỏ lòng thương xót. Nhưng Chúa kêu gọi chúng ta: “Con không tin rằng lòng thương xót của Cha lớn lao hơn sự khốn nạn của con hay sao? Con lại tái phạm tội ư? Hãy lại xin sự thương xót, và chúng ta hãy xem ai sẽ thắng thế!” Thế rồi, ai hiểu biết bi tích tha tội, thì cũng biết điều này: không đúng là mọi sự lại như cũ. Vào mỗi lần được tha thứ chúng ta được củng cố, khích lệ, bởi vì chúng ta cảm thấy được yêu thương một lần nữa, được ôm một lần nữa. Và khi được yêu thương, chúng ta cảm thấy đớn đau hơn trước. Đó là một sự đau đớn sinh lợi, từ từ tách chúng ra khỏi tội lỗi. Khi đó chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của sự sống là lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và tiến tới, từ sự tha thứ này sang sự tha thứ khác.
Sau sự xấu hổ và chịu trận có một cửa khác đóng kín, đôi khi bằng thép: đó là tội lỗi của chúng ta. Khi tôi phạm một tội lớn, nếu trong tất cả sự lương thiện tôi không muốn tha thứ cho chính mình, tại sao Thiên Chúa lại sẽ phải làm điều đó với tôi? Tuy nhiên, cửa này chỉ khoá từ một phía, là phía chúng ta; đối với Thiên Chúa nó không bao giờ lại không có thể bước qua được. Như Phúc Âm dậy, Chúa thích vào “chính khi các cửa đóng kín”, khi mọi ngõ xem ra bị chặn lại. Ở đó Thiên Chúa làm những việc kỳ diệu. Ngài không bao giờ quyết định xa cách chúng ta, chính chúng ta để Ngài ở bên ngoài. Nhưng khi chúng ta xưng tội, thì xảy ra điều chưa từng nghe: chúng ta khám phá ra rằng chính tội lỗi đã giữ chúng ta xa cách Chúa ấy lại trở thành nơi gặp gỡ Ngài. Nơi đó Thiên Chúa bị thương tích vì tình yêu đến gặp các vết thương của chúng ta. Ngài biến những vết thương khốn khổ của chúng ta giống như những vết thương vinh hiển của Ngài. Có một sự biến đổi: những vết thương khốn khổ của tôi giống với những vết thương vinh quang của Ngài.
Bởi vì Ngài là lòng thương xót, và làm các điều kỳ diệu trong các bần cùng của chúng ta. Như thánh Tôma hôm nay chúng ta hãy xin ơn nhận biết Thiên Chúa của chúng ta: tìm ra trong sự tha thứ của Ngài niềm vui của chúng ta, tìm ra trong lòng thương xót của Ngài niềm hy vọng của chúng ta.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ ngày 15.04.2012 – Bình an cho các con
Anh chị em thân mến,
Hằng năm khi cử hành lễ Phục Sinh, chúng ta sống trở lại kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa đã sống lại. Phúc Âm thánh Gioan kể lại rằng các môn đệ đã trông thấy Chúa hiện ra giữa họ trong Nhà Tiệc Ly, vào chính buổi chiều phục sinh “ngày thứ nhất trong tuần”, rồi “tám ngày sau đó” (x. Ga 20,19-20).
Thế rồi ngày ấy chúng ta gọi là “ngày Chúa Nhật”, ngày của Chúa, là ngày cộng đoàn kitô họp nhau để cử hành phụng tự riêng của mình, nghĩa là bí tích Thánh Thể, phụng tự mới, và ngay từ ban đầu khác với phụng tự do thái của ngày thứ bẩy. Thật thế, việc cử hành Ngày của Chúa là một bằng chứng rất mạnh mẽ sự Phục Sinh của Chúa Kitô, bởi vì chỉ một biến cố ngoại thường và đảo lộn mới có thể dẫn đưa các kitô hữu tiên khởi tới chỗ bắt đầu một phụng tự khác với ngày thứ Bẩy Do Thái.
Hồi đó cũng như ngày nay, phụng tự kitô không phải chỉ là một việc tưởng niệm các biến cố đã qua, cũng không phải là một kinh nghiệm thần bí riêng biệt, nội tâm, mà một cách nòng cốt là việc gặp gỡ Chúa phục sinh, Đấng sống trong chiều kích của Thiên Chúa vượt thời gian và không gian, nhưng lại thực sự hiện diện giữa cộng đồng, Đấng nói với chúng ta trong Thánh Kinh, và bẻ Bánh sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.
Qua các dấu chỉ này, chúng ta sống điều mà các môn đệ đã kinh nghiệm, nghĩa là sự kiện trông thấy Chúa Giêsu và đồng thời không nhận ra Người; sờ mó thân mình Người, một thận mình thật sự, nhưng tự do khỏi các ràng buộc trần gian.
Điều Phúc âm kể lại rất quan trọng, nghĩa là Chúa Giêsu, trong các lần hiện ra với các Tông Đồ tụ tập nhau trong Nhà Tiệc Ly, lập lại lời chào “Bình an cho các con” (Ga 20,19.21.26).
Lời chào truyền thống, với nó người ta cầu chúc Shalom bình an cho nhau, hầu như trở thành một điều mới mẻ: nó trở thành ơn của sự bình an, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể trao ban, bởi vì nó là hoa trái chiến thắng của Người trên sự dữ.
Sự “Bình an”, mà Chúa Giêsu cống hiến cho các bạn hữu Người, là hoa trái tình yêu thương của Thiên Chúa, đã đưa Người tới chỗ chết trên thập giá, đổ tất cả máu mình ra, như là Chiên Con hiền dịu và khiêm nhường, “tràn đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14).
Chính vì thế chân phước Gioan Phaolô II đã muốn dành Chúa Nhật hôm nay sau lễ Phục Sinh cho Lòng Thương Xót Chúa, với một hình ảnh chính xác: hình ảnh cạnh sườn của Chúa Kitô bị đâm thâu, từ đó máu và nước chảy ra, theo chứng tá mắt thấy của tông đồ Gioan (x. Ga 19,34-37). Nhưng giờ đây Chúa Giêsu đã sống lại, và từ Người sống động nảy sinh ra các Bí tích vượt qua của Phép Rửa Tội và Phép Thánh Thể: ai đến gần các bí tích ấy với đức tin, thì nhận được ơn sự sống đời đời.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận ơn bình an Chúa Giêsu phục sinh cống hiến cho chúng ta, chúng ta hãy để cho Người làm tràn ngập con tim với lòng thương xót của Người! Như thế với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là Thần Khí đã cho Chúa Kitô sống lại, cả chúng ta nữa cũng có thể đem các ơn phục sinh đó tới cho người khác.
Xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ của Lòng Xót Thương, bầu cử cho chúng ta được như vậy.
Nguồn: archivioradiovaticana.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây