TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cách phản ứng với những thông tin giả mạo

Thứ hai - 18/07/2022 19:04 | Tác giả bài viết: |   1146
Cha Juan Manuel Góngora đã giải thích với đài EWTN Spanish News hôm 12. 7. 2022 về cách phản ứng khi gặp những thông tin giả mạo trên mạng xã hội.
Cách phản ứng với những thông tin giả mạo

CÁCH PHẢN ỨNG KHI GẶP NHỮNG THÔNG TIN GIẢ MẠO

WHĐ (18.7.2022) – Cha Juan Manuel Góngora, người gần đây đã nhận giải thưởng của HazteOír (CitizenGo) vì bảo vệ đức tin trên phương tiện truyền thông xã hội đã giải thích với đài EWTN Spanish News hôm 12. 7. 2022 về cách phản ứng khi gặp những thông tin giả mạo trên mạng xã hội.

Trong cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến một dòng tweet hoàn toàn sai sự thật như: tin cháy rừng trong tuần vừa qua, tin Đức Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI qua đời, Cha Góngora cho biết rằng:

Khi tin tức giả mạo về Đức Giáo hoàng Danh dự được đưa ra, một số phương tiện truyền thông đã chọn chúng, và rất nhiều nhà sản xuất và nhà báo đã tweet lại chúng. Trong khi đó, chúng tôi đã tuyên bố phủ nhận độ đáng tin cậy của nó, đặc biệt là khi chúng tôi quả quyết rằng tài khoản đó là giả mạo và đang lan truyền một lời nói dối.

Vị linh mục đến từ Almería, Tây Ban Nha, nhận định rằng:

Trong thế giới truyền thông xã hội, điều thường xảy ra là nhiều phương tiện truyền thông cố gắng thúc đẩy một cú nhấp chuột, qua việc thu hút sự chú ý bằng tin tức “giật gân”, bất kể điều đó đúng hay sai, mục đích là để tăng lượt truy cập vào các trang web của họ.

Trước tình hình này đầy xáo trộn này, Cha Góngora cảnh báo,

Đây là một bằng chứng nữa về sự cấp thiết hiện nay, với lượng thông tin khổng lồ di chuyển trên lục địa thứ sáu – lục địa kỹ thuật số Internet - , là cần phải cảnh giác và quan tâm nhiều hơn đến độ tin cậy và các tiêu chí xác minh. Do đó, chúng ta phải hết sức thận trọng và trên hết, phải rõ ràng về tiêu chí độ tin cậy của nguồn tin và tìm đến các nguồn chính thức để kiểm chứng loại tin tức này.

Cuối cùng, vị linh mục có tài khoản Twitter với hơn 53.000 theo dõi đưa ra kết luận,

Cần thiết lập một tiêu chí thực tế hơn và phù hợp hơn với thông tin trung thực, nhất là không để mình bị lèo lái bởi những thông tin sai lệch, bởi những người có xu hướng coi Giáo hội Công giáo là một trong những nạn nhân yêu thích của họ, mà mục đích của họ chỉ là nhằm thao túng dư luận.

Được biết, hôm 18. 7 vừa qua, một tài khoản Twitter đã mạo danh Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, tweet bằng tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha rằng Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI đã qua đời.

Sau khi thông tin này bùng nổ trên mạng xã hội, thì chủ nhân của tài khoản Twitter mạo danh này đã lên tiếng rằng lời tweet từ tài khoản “Bätzing” là một trò lừa bịp! Tommaso De Benedetti, một giáo viên người Ý, đã chuẩn bị trong gần một năm để tạo ra sự hoang mang về đạo đức trên mạng xã hội với trò lừa bịp này. Thật thế, vào tháng 8. 2021, Benedetti đã tạo một tài khoản Twitter dưới tên vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức - Georg Bätzing, và từ đó, tài khoản này thu thập được hàng nghìn người bấm nút theo dõi.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Benedetti làm như vậy, đây chỉ là một trong những trò lừa bịp mà ông ta vẫn thích làm. Vào năm 2012 Benedetti nói với tờ báo The Guardian rằng. “Mạng xã hội là nguồn thông tin khó kiểm chứng nhất trên thế giới, nhưng các phương tiện truyền thông báo chí lại tin vào nó vì cần tốc độ của nó. Hơn nữa, Twitter hoạt động rất hiệu quả đối với những tin tức về tử vong”. Benedetti mới đây cũng đã có những dòng tweet thông báo về cái chết của những nhân vật nổi tiếng khác, chẳng hạn như Fidel Castro và Pedro Almodóvar.

Tuy là một trong những Tweeter giả mạo sáng tạo và thành công trên thế giới, nhưng Benedetti phủ nhận mình là một kẻ lừa bịp để kiếm tiền: “Tôi đã làm điều đó để phơi bày mặt yếu của phương tiện truyền thông đó là một ‘tin giả’ (fake news) có thể trở thành một nguồn tin tức như thế nào”. Đây là lý do Benedetti giả danh nhiều nhà lãnh đạo thế giới và nhân vật nổi tiếng nhằm lừa các biên tập viên xuất bản những câu chuyện sai sự thật. 

Thật thế, Benedetti đã từng mạo danh những nhà văn nổi tiếng để có những thông tin giả mạo nhưng lại được một số tờ báo đưa lên trang nhất. Rồi, mới đây Benedetti đã đóng các vai của Tổng thống Afghanistan - Hamid Karzai; Tổng thống Syria - Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un,…; Thậm chí tài khoản giả mạo thủ tướng Ý Mario Monti của anh cũng đã được tổng thống Pháp - Nicolas Sarkozy bấm nút theo dõi!

Benedetti cho biết thêm, anh đã “tạo tài khoản giả mạo Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha - Cristóbal Montoro, làm phương tiện để gửi đi nhiều thông báo. Chính ông Montoro cũng đã khẳng định rằng tài khoản đó là giả mạo, nhưng vẫn có 3.000 người theo dõi !”

Theo kinh nghiệm của Benedetti, "Tweet sai sự thật là một ngành công nghiệp phát triển…  Trên Twitter, bạn có thể chắc chắn rằng mọi người sẽ theo dõi bạn và nó đang được sử dụng như một nguồn thông tin có thật mang tính thời gian mà không cần kiểm tra."

 

*****

Sống trong thời đại 4.0, chúng ta cảm nhận rất rõ:

- chỉ mất vài phút để thiết lập một tài khoản twitter, facebook, email,…

- chỉ với tốc độ của một cú nhấp chuột để “send”, để “like”, để “share” hoặc kèm một đường “link”…. thông tin đã được truyền đi tức khắc;

- chỉ với màn hình điện tử, hàng trăm, hàng ngàn thông tin có thể được tiếp nhận và gửi đi như thể chẳng có bất kỳ giới hạn nào về không gian và thời gian.

Đây thật sự là một dấu hiệu tích cực của tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng là một thách đố, khi mà trong bối cảnh các thông tin sai lệch và giả mạo lan tràn ngày càng tinh vi và logic, khiến cho chúng ta:

- dần mất đi sự nhạy bén để xác nhận sự chính xác, và mức độ đúng, sai, lợi, hại của thông tin;

- không còn tỉnh táo để phân định khoảng cách giữa sự thật và sự dối trá, thậm chí, coi những tin lừa đảo như một trò đùa, và tệ hơn, như một phương thức để làm hại người khác, hoặc để kiếm lợi nhuận;

- bị cuốn hút vào tốc độ đến mức không còn thời gian để xử lý thông tin một cách khôn ngoan, và có trách nhiệm.

Vậy thì phải chăng, là Kitô hữu, chúng ta cần:

- sử dụng phương tiện truyền thông với sự phân định cách trung thực và thận trọng để không bị sự dối trá thao túng;

- tự chủ để học biết cách chọn lọc thông tin với chủ ý ngay lành, và trở thành những người truyền thông đáng tin của sự thật;

- kiên vững trong đức tin và trung tín với cam kết của Phép rửa, để luôn đứng về phía sự thật, bảo vệ sự thật, và rao truyền sự thật về sứ điệp Tin Mừng và về Đức Kitô, Đấng là Sự thật. Vì, chính “Sự thật sẽ giải thoát” chúng ta khỏi sự trói buộc của gian dối, gian tham, và gian ác?

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: theguardian.com (30. 3. 2012) ; americamagazine.org (12. 7) catholicnewsagency.com (11. 7)(14. 7. 2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây