Tình trạng an ninh ở Bắc Kivu, đặc biệt là tại các vùng lãnh thổ Rutshuru và Nyiragongo, trở nên tồi tệ hơn sau cuộc giao tranh ngày càng khốc liệt giữa FARDC (Lực lượng vũ trang Congo) và phiến quân M23, gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng cho cả hai bên.
M23 là một nhóm phiến quân đã hạ vũ khí vào tháng 12/2013, nhưng tái hoạt động vào năm 2021. Việc nhóm M23 hoạt động tấn công lại đang làm gia tăng căng thẳng giữa Cộng hoà Dân chủ Congo và Rwanda. Trong khi Rwanda bị Cộng hoà Dân chủ Congo cáo buộc ủng hộ phiến quân Congo thì Rwanda cáo buộc Cộng hoà Dân chủ Congo cung cấp viện trợ cho Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda, một nhóm phiến quân Rwanda có trụ sở tại Bắc Kivu. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng khi chính phủ Rwanda tố cáo Cộng hoà Dân chủ Congo đồng lõa trong vụ bắt cóc hai binh sĩ của Lực lượng Dân chủ Giải phóng Rwanda. Nhờ sự trung gian của Angola, hai người lính, những người rõ ràng đã bị quân đội Congo chính quy bắt giữ, đã được thả.
Trong tuyên bố gửi tới hãng tin Fides, các giám mục Congo nhấn mạnh sự bất ổn ở Bắc Kivu đang khiến an ninh khu vực căng thẳng như thế nào và nói rằng các ngài “ngạc nhiên vì giao tranh xảy ra vài tuần sau các cuộc họp ở Nairobi, trong đó các Nguyên thủ quốc gia của vùng Đại Hồ và các nhóm vũ trang cam kết đoàn kết nỗ lực của họ để thiết lập hòa bình ở phía đông của Cộng hoà Dân chủ Congo”.
Các giám mục nói: “Các dân tộc ở khu vực Hồ lớn mong muốn có được hòa bình lâu dài thông qua sự hợp tác tốt hơn mà từ đó các thế hệ tương lai có thể được hưởng lợi. Nhất là khi người dân Congo đang vận động để đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 7, người đến với tư cách là kiến trúc sư của hòa bình và là tông đồ của hòa giải. Thật không công bằng và cũng không xứng đáng khi cố gắng chối bỏ khoảnh khắc hạnh phúc này của dân tộc, điều sẽ là nguồn phúc lành cho toàn bộ Cộng hoà Dân chủ Congo”. (Fides 1/6/2022).
Hồng Thủy - Vatican News