TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chứng tá đức tin của các giáo lý viên

Chủ nhật - 16/05/2021 18:25 | Tác giả bài viết: |   896
Hôm 11/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc, thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên trong Giáo hội Công giáo.

Chứng tá đức tin của các giáo lý viên trên khắp các châu lục

Hôm 11/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc, thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên trong Giáo hội Công giáo. Tự sắc mang tựa đề “Antiquum ministerium”, được coi là một điều cấp thiết cho công cuộc loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay. Trong Tông thư, Đức Thánh Cha nhắc đến tầm quan trọng của giáo dân trong công cuộc truyền giảng Tin mừng, đặc biệt từ Công đồng chung Vatican II. Hơn một lần các Nghị phụ nhấn mạnh rằng để thiết lập Giáo hội và phát triển cộng đoàn Kitô, cần có sự tham dự trực tiếp của các tín hữu giáo dân trong những hình thức khác nhau, qua đó họ có thể biểu lộ đoàn sủng của họ.

Giáo lý viên làm chứng cho đức tin đến hy sinh mạng sống

Thực tế, trong quá khứ và hiện nay, mặc dù chưa được đánh giá đúng mức nhưng ở khắp các châu lục, không ít các giáo lý viên vẫn trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận là loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Người đến mức hy sinh mạng sống. Những người nam nữ và thậm chí cả những người trẻ được Thánh Thần thúc đẩy đã trở thành những “chứng nhân bằng máu” đích thực của Đức Kitô. Nhìn vào vô số các chứng nhân này, chúng ta nhớ đến một số đã được phong chân phước:

Chứng tá tử đạo của cha Mario Vergara và giáo lý viên Isidoro Ngei Ko Lat ở Myanmar

Vào ngày 24/5/2014, cha Mario Vergara, nhà truyền giáo thuộc Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (Pime) và giáo lý viên Isidoro Ngei Ko Lat, đã được Đức Thánh Cha phong chân phước. Cả hai đã được phúc tử đạo vì thù hận đức tin ở Myanmar, vào tháng 5/1950.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Ước gì sự trung thành anh hùng  của các vị tử đạo đối với Chúa Kitô là sự khích lệ và gương sáng cho các nhà truyền giáo, đặc biệt cho các giáo lý viên đang hoạt động tông đồ trong các xứ truyền giáo, vì điều này, toàn thể Giáo hội biết ơn họ”.

Giáo lý viên Isidoro Ngei Ko, tín hữu Myanmar đầu tiên được phong chân phước, thuộc gia đình nông dân trở lại Công giáo, được rửa tội vào ngày 7/9/1918. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã thường xuyên lui tới với các nhà truyền giáo và trợ giúp các vị. Anh vào tiểu chủng viện Toungoo, tỏ ra sốt sắng và dấn thân, nhưng vì sức khỏe yếu nên anh phải trở về với gia đình. Quyết tâm dấn thân cho Chúa, anh không kết hôn và mở một trường tư thục miễn phí trong làng, đây cũng là nơi anh dùng để dạy giáo lý. Năm 1948, ông gặp cha Vergara, và cha đã mời anh tham gia dạy giáo lý ở Shadaw. Từ đó, Isidoro luôn ở bên cạnh nhà truyền giáo cho đến khi tử vì đạo.

Chân phước tử đạo Davide Okelo và Gildo Irwa: hai giáo lý viên trẻ người Uganda

Chân phước tử đạo Davide Okelo và Gildo Irwa là hai giáo lý viên trẻ người Uganda sống vào đầu thế kỷ 20. Họ thuộc bộ tộc Acholi, ngày nay đa số bộ tộc này sống ở miền bắc Uganda. Cuộc tử đạo của hai giáo lý viên này xảy ra sau ba năm Trung tâm truyền giáo Comboni ở Kitgum (1915) được thành lập. Hai bạn trẻ này đã gắn kết với nhau bằng một tình bạn sâu sắc và mong muốn cho đồng bào của họ biết đến Kitô giáo. Ngày sinh chính xác của họ không được ghi lại, chúng ta chỉ biết họ được rửa tội ngày 6/6/1916, lãnh bí tích Thêm sức cùng năm đó vào ngày 15/10 và tử đạo ngày 19/10/1918. Lúc đó Davide khoảng 16-18 tuổi và Gildo 12-14 tuổi. Vào những tháng đầu năm 1917, giáo lý viên ở làng Paimol qua đời, Davide hỏi cha bề trên của giáo điểm Kitgum xem có thể thay thế người đó được không. Anh đã được giao làm trợ lý cho người trẻ Gildo Irwa. Nhà truyền giáo nêu lên những khó khăn của việc dấn thân, nhưng Davide trả lời: “Con không sợ chết. Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta!” Ở Paimol, họ đã dấn thân không mệt mỏi cho sứ vụ, ngoài ra họ còn tự mưu sinh bằng cách làm việc trên các cánh đồng. Họ dạy giáo lý, hướng dẫn cầu nguyện và tập hát cho mọi người. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã được mọi người đón nhận và yêu quý. Trong khoảng từ ngày 18 đến ngày 20/10/1918, họ bị đâm chết, dưới mũi giáo của hai người Adwis, là những người có vũ trang chống lại sự áp đặt của các nhà lãnh đạo thuộc địa. Trước khi bị giết, họ được yêu cầu rời khỏi làng và dạy giáo lý chỗ khác, nhưng họ từ chối. Cả hai được phong chân phước vào ngày 20/10/2002, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo.

Chân phước Peter ToRot, giáo lý viên tử đạo của Papua New Guinea

Chân phước Peter ToRot (1912-1945), giáo lý viên giáo dân, tử đạo, chân phước đầu tiên của Papua New Guinea, đã bị ám sát trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, vì đã từ chối chấp nhận chế độ đa thê. Ông được nhớ đến như một người can đảm và mạnh mẽ trong đức tin, siêng năng cầu nguyện, cũng như quyết tâm theo Chúa Giêsu Kitô cho đến chết. Peter ToRot là một “Kitô hữu thế hệ thứ hai” nối gót theo cha mẹ. Cha của Peter ToRot là một giáo lý viên, một giáo viên đã chết vì đạo để bảo vệ đức tin Kitô giáo của mình. Sau khi kết hôn, ông đã sống một cuộc sống hôn nhân gia đình mẫu mực theo Tin Mừng. Ông bảo vệ các giá trị hôn nhân và chống lại văn hóa truyền thống đa thê và luật của quân đội đế quốc Nhật Bản, và đã chết để bảo vệ đức tin. Ông đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 17/01/1995 trong chuyến tông du đến Papua New Guinea.

Mười chân phước tử đạo của Guatemala

Vào ngày 23/4/2021 mới đây là lễ phong chân phước cho mười vị tử đạo của Giáo phận Quiché của Guatemala được cử hành tại Santa Cruz del Quiché. Vùng đất này, cũng như phần lớn châu Mỹ Latinh, đã được tắm trong máu của nhiều vị tử đạo, những “nhân chứng trung thành cho Thiên Chúa” và Tin Mừng của Người, đã dấn thân xây dựng cộng đoàn và xã hội theo các giá trị của Nước Trời. Trong số các vị tử đạo này có 3 linh mục truyền giáo và 7 giáo dân, trong đó có một cậu bé 12 tuổi, đã bị giết vì hận thù đức tin, vào các năm 1980 đến 1991. Họ được tình yêu thúc đẩy chết cho Chúa và cho những người nghèo khổ của họ, trong thời gian Giáo hội bị bách hại và bạo lực hoành hành khắp đất nước. Ngoài các linh mục Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, đến từ Tây Ban Nha, số còn lại là 7 giáo dân được phong chân phước đó là: Domingo del Barrio Batz, một giáo dân lập gia đình, bị giết cùng với cha Cirera; Juan Barrera Méndez, 12 tuổi, là thành viên của Phong trào Công giáo Tiến hành; Tomás Ramírez Caba, một giáo dân lập gia đình; Nicolás Castro, giáo lý viên và thừa tác rước lễ; Reyes Us Hernández, có gia đình, tham gia vào các hoạt động mục vụ; Rosalío Benito, giáo lý viên và nhân viên mục vụ; Miguel Tiu Imul, có gia đình, giám đốc Phong trào Công giáo Tiến hành và giáo lý viên. Trong sứ điệp phong chân phước, các Giám mục Guatemala viết: “Máu các vị tử đạo tưới gội mảnh đất quê hương và cho chúng ta thấy tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô có ý nghĩa... Phúc cho các vị tử đạo của xứ sở chúng ta, vì họ đã cho chúng ta thấy những mẫu gương hiến thân của các giáo lý viên và của các nhà truyền giáo…”

Chân phước Anrê Phú Yên

Riêng tại Việt Nam, ngoài 117 vị thánh Tử đạo; chúng ta còn có Chân phước Anrê Phú Yên, một  thanh niên, một thầy giảng, một giáo lý viên kiên cường đã tử đạo đầu tiên trên quê hương đất nước Việt Nam vào những ngày đầu khi Tin Mừng được loan truyền trên quê hương đất nước.

Thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo năm 1644 ở tuổi 19. Theo lời cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 03 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy”. Như vậy Anrê Phú Yên được rửa tội năm 1641.

Năm 1642, Anrê Phú Yên khăn gói lên đường với cha Đắc Lộ về Hội An. Tại trường “thầy giảng Hội An” do cha Đắc Lộ thành lập, Anrê được nhập đoàn với 09 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng, Anrê là người em út.

Cha Đắc Lộ đã tóm tắt công việc của thầy Anrê: “Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy Inhaxiô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều người khác. Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng…, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ trong những ngày lễ lớn, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo”.

Ngày 25 tháng 7 năm 1644, ông Nghè Bộ cho lính đến Cư sở Dòng Tên tại Hội An tìm bắt thầy Inhaxiô theo lệnh bà Tống Thị. Hôm ấy Cha Đắc Lộ và thầy Inhaxiô cùng với 04 thầy khác đang đi làm việc tông đồ, thầy Anrê Phú Yên ở nhà săn sóc 04 thầy trong nhóm đang bị bệnh. Toán lính không tìm thấy thầy Inhaxiô, Thầy Anrê bạo dạn nói với toán lính: “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxiô thì vô ích vì Inhaxiô không có ở đây. Còn muốn bắt tôi thì rất dễ dàng, tôi là tín hữu, hơn nữa là thầy giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxiô để bắt thầy ấy. Nếu thầy ấy có tội thì tôi làm sao vô tội được”.

Chân phước Anrê Phú Yên đã được phúc tử đạo ngày 26/07/1644 trước sự chứng kiến của cha Đắc Lộ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thầy giảng Anrê Phú Yên lên bậc chân phước ngày 05/03/2000. Thủ cấp của ngài vẫn được giữ tại văn khố thánh tích của Dòng Tên tại Roma.

Tại Hội Nghị thường niên ở Bãi Dâu từ ngày 25 đến ngày 27/3/2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chính thức chấp thuận chọn ngày làm chứng của Chân Phước Anrê Phú Yên, 26/7, làm Ngày Giảng Viên Giáo Lý Việt Nam.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây