TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đến vùng ngoại biên để trở về với Đấng vô biên

Chủ nhật - 27/11/2022 18:19 | Tác giả bài viết: Truyền thông GP Hưng Hóa |   1195
Vậy nên, khi đến vùng ngoại biên cũng là cách thế giúp các bạn trẻ hướng về Thiên Chúa, Đấng vô biên.
Đến vùng ngoại biên để trở về với Đấng vô biên

ĐẾN VÙNG NGOẠI BIÊN ĐỂ TRỞ VỀ VỚI ĐẤNG VÔ BIÊN


WGPHH (27.11.2022) - Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - thành phố Việt Trì là nơi kính nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Khi nói đến Đền Hùng, người Việt có cảm thức hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về quốc tổ Hùng Vương, tưởng nhớ những vị vua khai sơn lập quốc. Đền Hùng được lập ở đất Phong Châu, trở thành chốn linh thiêng, nơi đây được xem là phát tích ngọn nguồn nước Nam, khai sinh dòng giống Việt. Tương truyền thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng) để tiến hành nghi lễ thờ trời, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người người nhà nhà an thịnh.
 



Thật ý nghĩa khi Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII được quy tụ trên mảnh đất thiêng thuộc Giáo phận Hưng Hóa. Mục đích Đại hội giúp các bạn trẻ dấn thân đến với những vùng ngoại biên, sống hiệp nhất, yêu thương, phục vụ và đào sâu đời sống đức tin trong bối cảnh hôm nay. Vậy nên, khi đến vùng ngoại biên cũng là cách thế giúp các bạn trẻ hướng về Thiên Chúa, Đấng vô biên.

1. Trở về cội nguồn dân tộc

Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn. Không biết tự bao giờ, câu ca dao quen thuộc này đã thấm vào máu thịt của bao thế hệ người dân Việt. Dù ở đâu, đang làm gì, mỗi người dân nước Việt đều thêm yêu mến, tự hào về nguồn cội của mình. Câu chuyện từ tấm bé thuở cắp sách tới trường còn đọng mãi trong tâm trí bao người về truyền thuyết nguồn gốc nòi giống rồng tiên. Lạc Long Quân giống rồng, Âu Cơ giống tiên lấy nhau và nàng Âu Cơ sinh bọc trăm trứng. Sau đó, 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng. Âu Cơ về ở đất Phong Châu, những người con suy tôn anh cả làm vua, đặt tên là Hùng Vương. Vua Hùng dựng nước Văn Lang từ đất Phong Châu mà tạo lập cơ nghiệp cho con cháu.

 



Những người con đất Việt hôm nay là thế hệ ngàn đời của những người “cùng chung một bọc”, thế nên, hai tiếng: "đồng bào" trở nên thiêng liêng và trân quý. Tác giả dân gian đã sử dụng tính chất huyền sử để hình tượng hóa hai nhân vật gốc tổ, để lịch sử hóa quá trình dựng nước và giữ nước thời các vua Hùng. Đồng thời, thể hiện sự tôn kính đến các vị có công khai quốc và tỏ lòng biết ơn đối với các ngài.
 



Đại hội diễn ra trên đất thiêng gốc tổ là dịp giúp người trẻ tìm về cội nguồn dân tộc, để họ nhận thấy hùng thiêng sông núi hòa lẫn với chí khí bao đời của cha ông đã kết tinh cho con cháu một thần thái và khí chất riêng. Một khí chất rắn rỏi nhưng chan chứa tình người, nhiệt huyết mà lại rất sâu lắng, một hào khí mang dáng dấp rất xưa mà lại trẻ trung năng động. Bao thế hệ con cháu trên mảnh đất chữ S đã bẩm thụ khí tiết ấy như dòng chảy ngày ngày âm thầm tưới gội và nuôi dưỡng tâm hồn, tinh thần ấy định hình giá trị và cốt cách người dân Việt qua bao thời gian.
 



Hôm nay, nhìn lại ân sủng bao bọc suốt dọc dài lịch sử quê hương, người trẻ cần xác tín rằng, xuyên qua ngọn nguồn dân tộc là bàn tay che chở dìu dắt của Đấng Tạo Hoá, Đấng là ngọn nguồn mọi sự, là khởi nguyên và gốc rễ muôn loài. Trở về cội nguồn đích thực là Thiên Chúa, nguồn gốc mọi sự lành, nguồn gốc của vạn vật. Trong tông huấn Đức Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đau lòng khi thấy: "những người trẻ được gợi ý xây dựng một tương lai mà không có cội rễ, như thể thế giới mới chỉ bắt đầu hôm nay vậy" (179). Ở chương VI của tông huấn này, Ngài cũng mời gọi các bản trẻ hãy trở về với cội rễ của mình; cội rễ của mình là tổ tiên, là quê hương, là dân tộc, là niềm tin vào Thiên Chúa chủ vạn vật. Thiên Chúa là cội nguồn đích thực của vạn vật và con người.
 



2. Trở về với Thiên Chúa cội nguồn đích thực

Hàng trăm lá cờ ngũ sắc được dương cao tung bay diễu hành trong Đại hội như vẫy chào các bạn trẻ khắp 11 Giáo phận miền Bắc về với đất tổ Hùng Vương. Cờ ngũ sắc còn được gọi là cờ ngũ hành. Nhưng đặc biệt, những lá cờ ngũ hành trong Đại hội Giới trẻ có hình ảnh trung tâm là Thánh Giá. Điều đó muốn nói rằng, ngũ hành hay vạn vật trong trời đất đều xoay quanh Đức Kitô là tâm điểm của vũ trụ và là Thiên Chúa đích thực. Về với Đại hội ở vùng ngoại biên là cách thế giúp các bạn trẻ trở về với Thiên Chúa, cội nguồn đích thực.

 



Để trở về với Thiên Chúa, cội nguồn đích thực, các bạn trẻ hãy tự vấn; đối với tôi giờ này Đức Kitô là ai? Không biết phần lớn các bạn trẻ "đang ở đâu" ngay lúc này. Có thể họ gắn kết với những đam mê hiện tại nào đó đang làm họ xa cách Chúa. Có thể họ cảm thấy chán nản với bản thân hiện tại, mệt mỏi vì lúc nào cũng căng thẳng, lúc nào cũng rối bời vì có quá nhiều công việc. Thực trạng đó chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong tông huấn Đức Kitô Đang Sống: "ngày nay người ta còn cổ võ một thứ linh đạo không có Thiên Chúa, một kiểu tình cảm không cộng đồng và không dấn thân đến với những người đau khổ..." (184). Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ đừng để bị thống trị bởi: "hiện tượng toàn cầu hoá đồng thời cũng hình thành nên một hình thức thực dân văn hoá, tách người trẻ ra khỏi những cội rễ văn hoá và tôn giáo của mình" (185) và  mưu đồ đồng nhất hóa họ bằng việc biến họ thành: "những thứ sản phẩm dễ uốn nắn hàng loạt" (186).
 



Trở về với Thiên Chúa cội nguồn đích thực, người trẻ được mời gọi hãy bước vào mối tương giao thân tình với Ngài ngang qua việc đón nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Thật ý nghĩa khi Đại hội diễn ra trên đất tổ Hùng Vương để giúp người trẻ nhớ về cội nguồn dân tộc Việt, những người phát xuất “cùng chung một bọc”. Càng ý nghĩa và linh thiêng hơn, ngang qua Thánh lễ, hàng ngàn tham dự viên cùng chung chia một tấm Bánh là Thân Mình Chúa Kitô, nguồn mạch nuôi sống tâm hồn. Còn gì linh thiêng, đẹp đẽ và ý nghĩa bằng Thánh lễ tạ ơn bế mạc Đại hội trên đất tổ.

Tóm lại, đến vùng ngoại biên là biểu lộ cả một tiến trình con người biết lắng nghe, thấu hiểu và mạnh dạn cất bước lên đường theo tiếng gọi thôi thúc của Đấng Vô Biên. Về với đất tổ, về với cội nguồn dân tộc cũng chính là con đường giúp người trẻ vươn lên với Đấng Tạo Hoá. Hôm nay, người trẻ cần định hình tư cách và lối sống phù hợp với văn hoá và Tin Mừng, cần viết tiếp những trang sử hào hùng của tiền nhân bằng chính đời sống mình. Người trẻ cần làm mới lại dòng máu dân tộc đang chảy cuồn cuộn trong mình bằng tinh thần Tin Mừng. Người trẻ gắng sức bảo vệ cơ đồ tổ tiên để lại, lòng tự tôn dân tộc không tách rời với dịu dàng của niềm vui Tin Mừng, vượt lên bao biến thiên của thời cuộc và thiên tai, để mỗi ngày cùng dân tộc biết vươn mình lên và lớn mạnh.

 

Truyền thông GP Hưng Hóa
Nguồn: giaophanhunghoa.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây